“Cha cõng con” không phải là một bộ phim xuất sắc, nhưng nó có những điểm “được” mà 90% phim Việt Nam không có. Và những cái được ấy làm nên một bộ phim đáng xem.
Nội dung phim cực kỳ đơn giản: một người đàn ông góa vợ nuôi con một mình, sống ở vùng sông nước núi non hẻo lánh. Một ngày, phát hiện ra con trai bị bệnh nên anh đưa con vượt quãng đường xa xôi để lên thành phố chạy chữa. Đây cũng là lần đầu tiên hai bố con “nhà quê” được nhìn thấy hình ảnh đô thị hào nhoáng mà họ chỉ nghe kể qua lời một người bạn của gia đình.
Cái được thứ nhất là diễn viên và diễn xuất. Mình đánh giá cao việc đạo diễn Lương Đình Dũng đã rất can đảm chọn lựa những diễn viên mới hoặc không có tên tuổi vào vai những con người bình thường sống ở miền núi. Trừ Ngô Thế Quân từng đóng phim “Thời xa vắng” và bác Trần Hạnh ra, thì toàn bộ diễn viên của “Cha cõng con” đều là những người không quen mặt. Họ có ngoại hình bình thường, không có vẻ nổi bật và cũng không được làm cho nổi bật – không hề có ai được trang điểm kỹ lưỡng (trừ mấy cô y tá trong bệnh viện thành phố). Phải thế mới hay và thật, chứ cái kiểu cho Tăng Thanh Hà đóng vai nông dân thì mình thua! Tuy là những diễn viên lạ mặt, nhưng họ vào vai tương đối tốt, khiến cho người xem bị hút vào câu chuyện và cảm thấy có sự gần gũi, đồng cảm với họ. Vai “đinh” của bộ phim đương nhiên là Ngô Thế Quân trong vai người cha và anh không làm thất vọng. Anh diễn ra được hình ảnh một người cha tần tảo, hiền lành, thương con, hồn nhiên chân chất. Những tính cách này đối với các nhân vật “nhà quê” thường thấy trong phim thì quen thuộc quá rồi. Nhưng nhân vật người cha này đặc biệt dễ mến vì anh có những nét cá tính riêng: cách nói chuyện ngắn gọn, chân phương, vẻ hiền lành trầm lặng của mẫu người đàn ông nói ít làm nhiều, ngay cả trong đau khổ cũng đầy vẻ cam chịu, và giọng nói khàn rất “độc” và tự nhiên. Một nhân vật nhà quê gần gũi thân thuộc, không bị đi vào lối mòn và cũng không bị làm quá (không gào thét, không khóc than quá nhiều, không bị phức tạp hóa kiểu người nhà quê nói chuyện như triết gia hay rao giảng đạo đức lằng nhằng cũng không bị đơn giản hóa thành quá ngờ nghệch để gây cười). Một nhân vật đơn giản nhưng đáng mến, ai cũng dễ đồng cảm.
Cái được thứ hai là không khí và cảnh sinh hoạt của người vùng cao. Đây cũng là yếu tố đắt giá nhất của bộ phim này. 1/3 bộ phim có chút gì đó giống một bộ phim tài liệu, nhưng hấp dẫn hơn. Chỉ đơn giản là chuyện hai bố con sống ở bờ sông để bắt cá, đến mùa nước lũ thì lên núi tránh lũ với bà con thôi, nhưng riêng đoạn đầu này thì phim làm hay và rất dễ thương. Cái hay chính là ở những chi tiết nho nhỏ thể hiện tình cảm bố con và tình anh em bạn bè giữa người bố và các cư dân vùng cao khác: chi tiết bố dạy con cầm cá, hai bố con trò chuyện, bà con chung tay kiên cố nhà cửa, tụ tập ăn cơm, nói chuyện phiếm, hay lũ trẻ hồn nhiên chơi đùa – những trò chơi của tuổi thơ xa rời công nghệ… Những chi tiết nho nhỏ này rất giản dị, nhưng được làm rất khéo và tự nhiên, nên mình thích. Có lẽ bởi mình toàn sống ở thành phố nên không hình dung được cuộc sống ở một nơi xa xôi cách trở thì như thế nào. Mình cũng không rõ bộ phim làm chân thực đến đâu, nhưng với mình thì đó là những hình ảnh đẹp về những con người bình dị sống cuộc đời bình dị, gần gũi với thiên nhiên, với những nếp sinh hoạt riêng. Cuộc sống ấy êm dịu và đẹp lạ lùng. Sự êm dịu ấy, nó cũng khiến người ta mòn mỏi vì buồn chán, khi mà thú vui duy nhất của buổi tối chỉ là những câu chuyện kể trước khi đi ngủ của người lớn. Và bản thân cuộc sống ấy cũng tiềm ẩn đầy những rủi ro và bi kịch, những rủi ro đến từ thiên nhiên: thiên nhiên đẹp, thiên nhiên cho sự sống nhưng đồng thời cũng đe dọa sự sống và có thể cướp đi sự sống bất cứ lúc nào.
Cái được thứ ba là phim có nhiều thước phim đẹp (xin mời xem trailer). Hình ảnh núi non ẩn hiện sau làn mây mờ ảo, hay cảnh người cha chèo thuyền giữa lòng sông lớn đục ngầu hiện lên tuyệt đẹp.
Còn cái dở? Kịch bản cũ. Một số cách thể hiện cũ lặp đi lặp lại ở nửa cuối phim. Một bộ phim muốn vượt lên từ hạng “tầm tầm”, “xem được”, “kha khá” lên thành xuất sắc, thì phải có cái gì đó bứt phá hẳn, chứ an toàn, đơn giản như thế này thì khó. Đại khái là vẫn chuyện nghèo, chuyện đói, chuyện khổ. Chuyện người nghèo mãi nghèo, mãi khổ. Biết là chuyện cũ rồi, nhưng mà không hiểu sao, người xem này vẫn muốn khóc. Có lẽ là bởi cái cách người cha ấy ứng xử: anh không gào khóc mà chỉ rơi nước mắt thầm lặng và cam chịu. Như cái cách bao nhiêu người nghèo lương thiện trong xã hội chấp nhận số phận của mình. Và cũng bởi hình ảnh người cha ấy quen thuộc quá. Quen thuộc với tất cả mọi người. Yêu con, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua..