Đôi lời với người đọc: Đây là bài viết của mình cho một tạp chí. Vốn dĩ với mình, viết về Kdrama là một sở thích nên mình chỉ viết khi nào có hứng. Đã lâu rồi không có một bộ phim nào khiến mình thấy hứng thú để viết như thế này. Có lẽ là bởi mình thích những bộ phim xây dựng nhân vật đa dạng và đa chiều cũng như diễn biến tâm lý tốt, với lời thoại hay và đáng suy ngẫm. Dàn diễn viên của High Society còn khá trẻ và chưa phải xuất sắc (mình đánh giá cao nhất là Park Hyung Sik) nhưng chủ yếu là họ khá hợp vai. Đây không phải một bộ phim hoàn hảo nhưng nó có những điểm nổi bật vốn thiếu vắng ở Kdrama và vì thế mình recommend bộ phim này cho những bạn khán giả quan tâm đến truyền hình Hàn Quốc. 🙂
Một tiểu thư nhà giàu đi làm thêm nhằm trà trộn vào tầng lớp bình dân và tìm kiếm người đàn ông yêu cô thật lòng, để rồi gặp phải “cao thủ” tiếp cận cô vì xuất thân giàu có. Một thiếu gia con nhà tài phiệt quen thói ăn chơi, ham trêu hoa ghẹo nguyệt lại phải lòng một cô gái trẻ xuất thân nghèo khó. Với cốt truyện tưởng như không mới và dàn diễn viên còn rất trẻ, High Society (Giới thượng lưu) – tác phẩm đang lên sóng đài SBS vốn không phải là một bộ phim được kỳ vọng làm nên kỳ tích lớn. Thế nhưng, chính bộ phim này lại mang đến một làn gió mới cho mùa phim hè của truyền hình Hàn Quốc sau một thời gian dài đáng thất vọng với những bộ phim chất lượng không cao và ratings ảm đạm.
Chiều sâu tâm lý
Điểm mạnh khiến High Society không rơi vào lối mòn của các tác phẩm truyền hình Hàn Quốc xoay quanh chủ đề phân hóa giàu nghèo trước nay là sự đầu tư xây dựng nhiều tuyến nhân vật. Bốn nhân vật trung tâm của câu chuyện mang những nét cá tính rất khác nhau nhưng ai cũng gây ấn tượng theo một cách riêng. Đó là Yoon Ha (UEE thủ vai), cô gái nhà giàu sinh ra với thìa bạc trong miệng nhưng phải gánh chịu nhiều tổn thương do mâu thuẫn giữa áp lực gia đình và khát khao nổi loạn, tìm kiếm sự độc lập của chính mình. Thiếu tình thương từ người thân, Yoon Ha ấp ủ ước mơ giản dị như mọi cô gái bình thường khác: tìm được ý trung nhân thương yêu cô thật lòng. Chính vì mong muốn đó, Yoon Ha từ chối hôn nhân sắp đặt và tìm cách giao du với tầng lớp bình dân, để rồi rơi vào cái bẫy của chính mình: phải lòng Joon Ki, người đàn ông biết được xuất thân thượng lưu của cô và khởi đầu mối quan hệ với mục đích không trong sáng. Bản chất tốt đẹp là thế, nhưng Yoon Ha cũng cho thấy “mặt tối” trong tâm hồn và sự mạnh mẽ tiềm ẩn khiến người xem không khỏi tò mò về phản ứng của cô sau khi phát hiện chân tướng sự thật về bạn trai.
Đó là Joon Ki (Sung Joon), người đàn ông đẹp trai, tài giỏi, ưu tú toàn diện nhưng luôn bất mãn với xuất thân nghèo khó và tìm mọi cách vươn lên thứ bậc cao hơn trong xã hội: bắt đầu bằng việc kết thân với cậu bạn nhà giàu Chang Soo và sau đó là hẹn hò với những cô gái thượng lưu. Lạnh lùng, điềm tĩnh và luôn cẩn trọng giấu kín tâm tư, nhưng Joon Ki đôi khi vẫn thể hiện nét tính cách dịu dàng, tinh tế và đầy trách nhiệm khiến người xem không ngừng tự hỏi còn điều gì ẩn giấu sau vẻ ngoài lãnh đạm của anh.
Đó là Chang Soo (Park Hyung Sik), chàng công tử hào hoa tưởng như chỉ tìm kiếm cảm giác mới lạ bên Lee Ji Yi (Lim Ji Yeon), cô gái nhà nghèo tươi vui, trong sáng mà chính anh cũng xác định “không thể là đối tượng kết hôn”, nhưng cuối cùng lại rơi vào mối tình sâu đậm cùng cô. Khác với những anh chàng si tình đến phi lý trong các bộ phim thông thường khác, Chang Soo mang đầy đủ những khuyết điểm phổ biến của một chàng trai nhà giàu: thiếu kiên định, ham chơi nhưng không muốn từ bỏ tham vọng tìm đến “ngôi” cao, khiến người xem không ngừng tự hỏi liệu anh có thể từ bỏ tình yêu để bảo toàn vị trí một người thừa kế trước áp lực cạnh tranh từ anh trai tham vọng?
Ngay cả các nhân vật phụ của High Society cũng mang những nét tính cách đặc trưng làm khán giả nhớ đến. Qua mỗi tập phim, những nhân vật tưởng chừng mờ nhạt lại tiếp tục hé mở những khía cạnh mới khiến người xem thêm tò mò. Điển hình nhất là gia đình “danh gia vọng tộc” đầy phức tạp của Yoon Ha: người anh trai đột ngột biến mất để lại nhiều manh mối bí ẩn cần khám phá; cô chị gái đầy tham vọng luôn dè chừng người thân; bà mẹ độc đoán thích kiểm soát; người cha ngoài mặt lạnh lùng, hà khắc nhưng không ngừng lo lắng cho tương lai các con. Bản thân cuộc tranh giành quyền lực trong gia đình cô gái trẻ Jang Yoon Ha đã là một câu chuyện đầy thu hút. Ngay cả tình bạn giữa Joon Ki và Chang Soo cũng mang những diễn biến bất ngờ khó đoán: mối quan hệ tưởng thân tình nhưng luôn luôn tồn tại cạnh tranh và phân biệt ngôi thứ rõ rệt, khiến cho những hiểu lầm nhỏ cũng có thể gây nên rạn nứt lớn, thậm chí thù địch ngấm ngầm.
Sự sắc sảo của từng nhân vật đem lại cho bộ phim những màn đối thoại thú vị, vừa có sự tung hứng hài hước, lại vừa để lại nhiều suy nghĩ. Chẳng hạn như cách nàng “lọ lem” Lee Ji Yi băn khoăn tự hỏi liệu mình có nên hẹn hò với anh chàng Chang Soo vì theo lời cô: “người tốt có thể trở thành người xấu, nhưng người xấu làm sao có thể trở thành người tốt được”; hay cái cách Joon Ki biện minh cho lựa chọn giao du của mình với Chang Soo: “cậu đi xem mắt con gái nhà giàu là bình thường vì cậu giàu, còn tôi tìm hiểu người ta lại là vô đạo đức sao,” “tôi làm thân với cậu là có mưu đồ tiến thân, còn cậu chơi với hội con nhà giàu thì lại là kết bạn cùng tiến bộ; hay cách Yoon Ha “chống chế” với cha mình: “vốn dĩ con gái chỉ một ngày thôi cũng có thể thay đổi suy nghĩ đến 20 lần.” Sự tung hứng, hài hước, sâu sắc trong lời thoại chính là một điểm mạnh nổi trội phân biệt High Society với những bộ phim tâm lý tình cảm thông thường khác.
Tình tiết lôi cuốn
Khác với những bộ phim tình cảm có nội dung dài lê thê nhưng tiết tấu chậm chạp, High Society có nhịp phim khá nhanh. Phim không có nhiều chi tiết thừa, và hầu như mỗi chi tiết nhỏ đều phục vụ một mục đích nhất định. Ví dụ như việc Joon Ki, anh chàng xuất thân nhà nghèo và là cấp dưới của Chang Soo luôn luôn là người lái xe khi họ đi chơi cùng nhau, dù Chang Soo khẳng định mình vô tư trong tình bạn, không phân biệt sang hèn. Hay như cách Joon Ki luôn cố tình chịu thua bạn mình khi họ đua xe đạp cùng nhau.
Ngay cả những mẩu đối thoại bình thường nhất dường như cũng gửi gắm những triết lý về gia đình, hôn nhân, tình bạn, tình yêu, và nhất là về sự phân hóa giàu nghèo và thành kiến trong xã hội. Tuy thế, bộ phim không quá sa đà vào tình tiết quá rườm rà hay mâu thuẫn nặng nề, mà lại được xử lý khá mượt mà và nhẹ nhàng, tạo cảm giác đây là một bộ phim giải trí có chất lượng.
Mỗi tập phim đều đặt ra cho khán giả những câu hỏi mới, song song với việc giải đáp lần lượt từng “nút thắt” nhỏ của những tập phim trước. Liệu người anh trai của Yoon Ha có bao giờ trở về và giải đáp toàn bộ bí ẩn xoay quanh tai nạn của anh? Tương lai tập đoàn của gia đình Yoon Ha sẽ do ai nắm giữ? Liệu Chang Soo có thể bỏ qua tham vọng của chính mình và vượt qua rào cản giai cấp để lựa chọn Lee Ji Yi? Yoon Ha có thể tha thứ cho Joon Ki sau khi biết được con người đầy tính toán của anh hay không? Và liệu Joon Ki và Chang Soo có thể trở lại làm những người bạn tốt sau những hiểu lầm và rạn nứt? Không ai có thể chắc chắn về kết thúc của bộ phim và do đó, khán giả lại buộc phải chờ đón tập phim tiếp theo để thỏa mãn trí tò mò!
Lâu rồi không coi phim, cũng không bình luận gì, bữa nay rãnh nên viết tí suy nghĩ.
Phim này diễn biến lúc đầu khá hấp dẫn, mặc dù hai nhân vật chính gần như mờ nhạt (phần do biên kịch ôm đồm quá, phần do diễn xuất của các diễn viên chưa thuyết phục). Tới bốn tập sau này bắt đầu nhạt dần, dù đất diễn của hai diễn viên chính đã nhiều hơn trước, nhưng diễn biến lại bắt đầu thiếu logic, trở thành một bộ phim quá đơn thuần, không còn thú vị như trước:
– Joon Gi, và mẹ Yoon Ha quay ngoắc 180 độ, trở nên những người khác hoàn toàn so với 10 tập phim trước đó. Joon Gi dù có thể không thuyết phục lắm nhưng có thể tạm hiểu là do tình yêu chân thật thay đổi, và điểm cộng ở đây là Sung Joon diễn người tốt thuyết phục hơn người xấu; còn mẹ Yoon Ha thì sao, vì “chồng ốm nên đột nhiên nhận ra rằng ta yêu anh ấy nhường nào” ư?! (con người dễ dàng thay đổi đến thế sao?!), đành chặc lưỡi, dù sao cũng chỉ là phim thôi mà!
– Các mâu thuẫn giữa các nhân vật (Joon Gi – Chang Soo, Joon Gi – Yoon Ha, bố mẹ Yoon Ha,…) thay vì được đẩy lên cao để tạo kịch tính thì được biên kịch giải quyết quá nhẹ nhàng như chưa từng có chuyện gì xảy ra.
– Đã từng hy vọng rằng nhân vật Yoon Ha sẽ thay đổi, thể hiện được cái bản lĩnh cô ấy từng “tỏ vẻ” sau khi phát hiện ra sự thực, nhưng cuối cùng cũng chỉ là nói và không làm được gì, cũng y như trước đây, nhưng có vẻ nhân vật này là hợp lý nhất từ đầu phim đến giờ, ra vẻ bãn lĩnh, nhưng cuối cùng chỉ là một cô gái hiền lành, yếu đuối. Coi tập 14, không thể hiểu nổi vì sao cô này muốn chết?! Cuộc sống hiện giờ của Yoon Ha có gì mà cô ấy phải muốn tự tử, để bà mẹ chạy vào an ủi, kiểu diễn biến “không thể hiểu nổi”.
– Khá thích nhân vật Ji Yi, một cô gái thuộc loại “không có gì cả” trong 4 nhân vật, nhưng lại là nhân vật ít vướng bận nhất, tự tin nhất, và lạc quan nhất, hiểu rõ thực tế khắc nghiệt nhưng vẫn một cô gái dám nghĩ dàm làm, rất đáng yêu, dù có đôi khi hơi khùng khùng, cốt yếu để chọc cười khán giả. Mấy tập gần đây thì hơi thất vọng vì cô ấy trở nên bất lực quá, đoạn đối đáp với Chang Soo mình cũng không thích, cảm giác như trách móc Chang Soo vậy, trước giờ rất hiểu chuyện, sao tự nhiên giờ lại vậy không biết, rõ ràng hai người không hứa hẹn gì, Ji Yi cũng đã chủ động chia tay trước, vậy cớ gì phải hờn dỗi, trách móc?!
– Trong lúc đang bắt đầu chán thì Park Hyung Sik vẫn đang giữ chân mình, may có nhân vật Chang Soo không thì có lẽ “lại” bỏ ngang giữa bộ phim nữa rồi. Diễn xuất của Park Hyung Sik vẫn nổi bật nhất so với phần còn lại, trước đây mình có xem Nine: Nine times travel nhưng không ngờ cậu bé này là 1 ca sĩ thần tượng, diễn xuất khá tốt, và gương mặt rất nam tính. Phim này do trang điểm kỹ nên nhìn Park “mỏng manh” hơn các phim khác, nhân vật cũng được biên kịch “o bế” nên nhìn thấy khác hẳn. Nhân vật này đúng kiểu công tử bột, cũng không khó diễn, nhưng PHS khiến nhân vật này vô cùng đáng yêu với đủ các kiểu biểu cảm trên gương mặt. Mấy tập gần đây thiên dần về nội tâm, Park diễn cũng rất khá. Phim này, có một điều cảm thấy rất ưng ý, là Chang Soo không có gì vướng bận với bố mẹ, tình cảm của họ rất tốt, cậu ấy đã “chọn” mẹ mình thay vì bỏ nhà ra đi, chạy theo tình yêu, có là chủ ý hay không thì mình thấy hành động này vô cùng thông minh, mẹ cậu bé này cũng rất đáng yêu. Có điều mình cảm thấy hơi thất vọng vì thay vì khóc lóc, xay xỉn, biên kịch nên phát triển theo hướn: Chang Soo nên bỏ hẳn chuyện yêu đương, xem mặt, không lo lấy vợ nữa, chỉ tập trung vào công việc để trở thành người thừa kế xứng đáng, chứng minh năng lực, mẹ Chang Soo rất tâm lý, rất hiểu Chang Soo, yêu chiều con trai hết mực, sẽ mềm lòng khi thấy con trai mình không hạnh phúc – “lo công việc quên yêu đương”. Trong cùng lúc đó, Yi Ji tập trung phát triển sự nghiệp, học thêm vào buổi tối, hai người còn trẻ, vài năm nữa gặp lại, lúc đó điều kiện đã tốt hơn, sự nghiệp ổn định, học thức cao hơn thì chắc mẹ Chang Soo cũng vừa lòng mà đồng ý cho Yi Ji trở thành con dâu thôi.
LikeLike
Chào bạn,
Ừ, mình đồng ý là càng về sau phim càng bị đuối đi. Nhưng theo mình thấy thì 10 tập đầu rất cuốn hút, 4 tập gần đây mới bắt đầu bị đuối, nhưng chất lượng nói chung thì vẫn khá ổn và vẫn hấp dẫn. 🙂 Đó là so sánh với chất lượng của Kdrama nói chung. Kể cả những bộ phim đình đám trước giờ cũng mắc vấn đề này (càng về sau càng đuối) nên mình không quá ngạc nhiên (khi mình viết bài này thì phim mới chiếu được 10 tập gì đó, và đây là bài giới thiệu chung nên mình cũng không đi vào chi tiết những nhược điểm).
Xét về các nhân vật, trừ mẹ của YH ra (thay đổi quá nhanh và bất hợp lý như bạn nói) thì mình không có vấn đề với các nhân vật còn lại. Vì:
– JK chưa bao giờ là người xấu. Biên kịch cố ý “lừa” khán giả đó thôi. Ngay từ đầu trong cách cư xử JK đã tỏ ra là một người chín chắn, tinh tế, được cha mẹ dạy dỗ chu đáo. Nên mình không thấy sự thay đổi của JK quá bất ngờ mà nó diễn ra nhẹ nhàng. Chỉ đơn giản là sau khi bị CS và YH nói thẳng vào mặt vấn đề của mình, JK nhận ra anh ấy phải mở lòng và thành thật hơn vậy thôi.
– Về CS, cách phản ứng của cậu ta sau chia tay là khá đáng thất vọng, nhưng nó lại khá phù hợp với tính cách con người CS ngay từ đầu. CS chưa bao giờ là anh hùng. Đây không phải câu chuyện về một hoàng tử bạch mã toàn vẹn về mọi nhẽ. Sự yếu đuối của cậu ấy là đáng thất vọng nhưng trước giờ cậu ta cũng chưa bao giờ thể hiện mình là người có bản lĩnh và mạnh mẽ và vì thế cách xử sự đó mình lại thấy khá thực tế và phù hợp với con người cậu ta. Nếu là JK thì mình nghĩ sẽ làm như bạn nói nhưng đây là CS, không phải JK. Dù sao mình vẫn thích nhân vật này lắm, thích cả sự không hoàn hảo của cậu ấy. Mình không kiếm tìm nhân vật hoàn hảo mà mình thích việc mỗi nhân vật có 1 bản sắc và cá tính riêng, có cả điểm tốt và điểm xấu.
– Mình không thấy JY cư xử có gì không tốt. Cô ấy chỉ là một cô gái đang yêu và đang đau khổ, vậy thôi. Mình lại thấy cô ấy khá là thông cảm với CS đấy chứ. 🙂
LikeLiked by 1 person
Mình đồng suy nghĩ với bạn, một bộ phim rất ấn tượng với mình, mình thik nhân vật Joon ki, đóng rất đạt, hoàn hảo,
LikeLike
coi càng gần cuối càng nản cặp phụ😅…hồi đầu coi 2 cặp về cuối phim coi mình cặp chính😂… cặp chính thực tế hơn…cặp phụ ăn rồi dẫn đi ăn, chia tay, rồi khóc lóc, vai của ông nam phụ gì mà khóc lóc như đàn bà coi muốn nản rứa thì phụ nữ nào mà dám nương tựa, coi nam chính khóc sướng hơn chỉ cần rơi vài giọt nước mắt thôi là t muôn đau lòng rồi chứ không như ông phụ khóc tè le từa lưa xong cảm giác t nhận đc là không cảm xúc😂…vs lại đôi chính càng về cuối phim càng dễ thương chớ không như đôi phụ coi khóc lóc…hại não vl~~~~😂
LikeLike
Uhm về cuối thì phim bị đuối. 😦 Mình tháy cách giải quyết chuyện tình yêu cũng không hợp lý lắm. Biên kịch tỏ ra hơi tham lam khi vừa muốn có tình yêu lãng mạn lại vừa muốn nhấn mạnh tình cảm gia đình.
LikeLike