Xây dựng một doanh nghiệp không bao giờ là điều dễ dàng. Nhưng có lẽ không mấy ai hình dung được những cực nhọc của công việc kinh doanh có thể ảnh hưởng trầm trọng đến tình trạng sức khỏe tâm thần của các doanh nhân như thế nào. Và đó cũng là cái giá mà các nhà làm kinh doanh phải trả trong thầm lặng cho những thành công của mình.
Bradley Smith là một doanh nhân thành đạt. Anh là CEO của Rescue One Financial, một công ty dịch vụ tài chính có trụ sở đặt tại Irvine, California đạt doanh số bán hàng gần 32 triệu USD vào năm ngoái. Chỉ trong vòng ba năm, công ty của Smith đã phát triển gấp 14 lần, lọt vào bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp tư nhân phát triển nhanh nhất tại Mỹ do tạp chí Inc. bầu chọn vào tháng 9 vừa qua.
Với những thành công ấy, không ai ngờ rằng chỉ năm năm về trước, Smith đã từng đứng trên bờ vực phá sản và khốn đốn vì suy sụp tinh thần. Vào năm 2008, Smith làm việc hàng giờ liền để tư vấn cho các khách hàng của mình thoát nợ. Vẻ ngoài ung dung của anh chỉ là lớp mặt nạ che giấu một bí mật: anh có chung nỗi ám ảnh nợ nần với với những khách hàng ấy. Giống như họ, Smith ngày càng chìm sâu trong nợ. Anh nhớ lại: “Tôi đã phải nghe các khách hàng thổ lộ nỗi âu lo của họ, dù trong đầu tôi thì gào thét: tôi còn nợ gấp đôi số nợ của ông bà.”
Nợ đọng đã khiến Smith xuống nước tìm đến cha mình – một người đàn ông khắc kỷ từng nuôi dạy anh trên nền tảng lý thuyết “tiền không mọc trên cây” và “không bao giờ làm ăn với người thân trong nhà”, để hỏi vay $10,000. Và Smith cũng chỉ nhận được số tiền đó sau khi đã ký giấy cam kết trả nợ cùng 5% lãi suất.
Trong công sở, Smith luôn tỏ ra lạc quan, vui vẻ khi tiếp xúc với cộng sự và nhân viên, nhưng trong thâm tâm, anh vô cùng chán nản. “Vợ chồng tôi đã có lúc chia nhau uống một chai rượu giá $5 cho bữa tối và chỉ biết nhìn nhau, ngầm hiểu mình đã kề miệng vực.” Áp lực ngày càng tăng khi đôi vợ chồng hay tin họ sắp có con đầu lòng. “Đã có những đêm tôi thức trắng, chỉ biết chong mắt nhìn lên trần nhà, có đêm tôi tỉnh giấc lúc bốn giờ sáng, đầu óc xoay mòng mòng, lo lắng đủ thứ chuyện mà không thể ngừng lại được. Và tôi tự hỏi, rồi chuyện này sẽ đi về đâu?”
Smith đã phải sống trong tâm trạng thấp thỏm thường trực kéo dài suốt tám tháng cho đến khi công ty của anh cuối cùng cũng bắt đầu sinh lãi.
Trong xã hội Mỹ, các doanh nhân thành đạt như Mark Zuckerberg hay Elon Musk (người sáng lập PayPal, hiện là CEO của Tesla Motors và SpaceX) được người đời tán tụng như những người hùng. Nhưng trước khi giành được thành công lớn, nhiều doanh nhân như Smith đã phải trải qua những khoảng thời gian căng thẳng và tuyệt vọng, khi mọi thứ tưởng chừng sắp sụp đổ.
Cho đến gần đây, thể hiện sự yếu đuối vẫn là một điều cấm kỵ trong giới doanh nhân. Thay vì chia sẻ sự chán nản của mình, các nhà lãnh đạo luôn cố gắng khoác lên mình một vẻ ngoài ung dung như thể mọi chuyện đều tốt đẹp.
Thế nhưng không phải ai từng trải qua kỳ đen tối cũng đều vượt qua được. Đầu năm nay, Jody Sherman, người sáng lập nổi tiếng của trang web thương mại điện tử Ecomom đã tự sát ở tuổi 47. Cái chết của Sherman làm khuynh đảo cả cộng đồng doanh nhân. Vụ tự sát một lần nữa làm dấy lên những lo ngại về mối tương quan giữa công việc làm ăn và bất ổn tâm lý từng nổ ra hai năm trước đây sau vụ tự tử của Ilya Zhitomirskiy, sáng lập viên 22 tuổi của Diaspora, một trang mạng xã hội.
Mãi đến gần đây, một số doanh nhân mới bắt đầu chia sẻ những trải nghiệm khó khăn mà họ từng kinh qua. Trong một bài chia sẻ cá nhân có tựa đề “Khi cái chết không còn là lựa chọn tồi”, Ben Huh, CEO của Cheezburrger Network, đã viết về ý định tự tử của mình sau thất bại của một công ty mà anh khởi lập vào năm 2001. Còn Sean Percival, cựu phó chủ tịch MySpace kiêm đồng sáng lập công ty thời trang trẻ em Wittlebee, thì đăng một bài chia sẻ có tựa đề “Khi mọi chuyện không tốt đẹp, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ” trong website riêng của anh. Sean viết: “Năm vừa qua tôi đã đứng trên bờ vực thẳm và khốn đốn vì trầm cảm, nếu bạn không còn đủ sức chịu đựng, hãy liên hệ với tôi.”
Brad Feld, giám đốc quản lý của Foundry Group, thì bắt đầu viết blog vào tháng 10 năm ngoái về cơn trầm cảm của mình. Sau khi Feld cho đăng bài viết của mình, hàng trăm người đã viết thư cho anh. Phần nhiều trong số những người liên hệ với Feld cũng đang phải vật lộn với trăm mối ưu tư. “Nếu bạn biết được tên của những người đã gửi thư cho tôi, bạn sẽ ngạc nhiên vô cùng,” Sean chia sẻ. “Họ là những nhân vật rất thành đạt, nổi tiếng, xuất chúng – thế nhưng họ chỉ biết chịu đựng âm thầm. Ai cũng nghĩ mình không nên nói ra điều ấy, bởi lẽ đó là một điểm yếu, một nỗi hổ thẹn. Họ phải che giấu nó, và vì thế mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.”
Doanh nhân – nhóm dễ bị tổn thương
Điều hành một doanh nghiệp là một công việc vô cùng áp lực, đặc biệt là khi bạn chỉ mới khởi lập công ty, vì rủi ro rất lớn. Theo một nghiên cứu của Shikhar Ghosh, giảng viên Đại Học Kinh Tế Harvard, thì cứ bốn doanh nghiệp mới khởi lập, sẽ có ba thất bại, và hơn 95% các doanh nghiệp mới khởi lập không hoàn thành mục tiêu ban đầu đặt ra.
Doanh nhân thường phải cùng lúc đảm nhận nhiều vai trò khác nhau, và phải đương đầu với vô số vấn đề như mất khách hàng, xung đột với cộng sự, cạnh tranh thương trường khốc liệt, và rắc rối với nhân viên – trong khi đó họ vẫn phải vật lộn để đảm bảo trả lương cho người làm. “Thường thì sẽ có những thời kỳ khủng hoảng nhất định,” Michael A. Freeman, một nhà tâm thần học từng theo đuổi kinh doanh hiện đang nghiên cứu vấn đề sức khỏe tâm thần trong cộng đồng doanh nhân cho biết. Tệ hơn thế, theo Freeman, các doanh nhân mới khởi nghiệp thường bỏ bê việc chăm sóc chính mình. Họ ăn quá ít hoặc quá nhiều, không ngủ đủ giấc, không tập thể dục. “Khi mới khởi nghiệp, ai cũng không ngừng thúc ép bản thân và ngược đãi cơ thể mình. Đó là thời điểm bạn dễ suy sụp nhất,” Freeman cho biết.
Theo Chỉ số Sức Khỏe (Well-being Index) của Gallup-Healthways mới công bố gần đây, 45% doanh nhân được hỏi cho biết họ bị stress – tỷ lệ này cao hơn so với nhóm người làm công ăn lương.
Thế nhưng áp lực công việc không phải là lý do duy nhất khiến các doanh nhân dễ suy sụp tinh thần. Theo các nhà nghiên cứu, nhiều doanh nhân được sinh ra với những đặc điểm tính cách khiến họ dễ thay đổi tâm lý thất thường. Freeman phân tích: “Những người dồi dào năng lượng, nhiều động lực và sáng tạo thường dễ trải qua những cảm xúc mạnh.” Những cảm xúc ấy có thể bao gồm trầm cảm, tuyệt vọng, cảm giác bất lực, nản chí và ý muốn tự sát.
Thứ nhiệt huyết sôi sục thúc đẩy các nhà sáng lập mạo hiểm vươn tới thành công đôi khi cũng có thể nuốt chửng họ. Theo các nhà nghiên cứu thuộc Đại Học Công Nghệ Swinburne tại Melbourne, Australia, các chủ doanh nghiệp thường dễ bị hội chứng ám ảnh. Nhờ nghiên cứu về đam mê kinh doanh của các doanh nhân, những nhà nghiên cứu này phát hiện ra nhiều người có dấu hiệu ám ảnh mang tính bệnh lý, trong đó có tâm trạng buồn bực và lo lắng cao độ.
John Gartner, một nhà tâm lý học ứng dụng tại Đại Học Johns Hopkins củng cố thêm luận định trên trong cuốn sách của ông có tên “Hưng cảm nhẹ: mối liên hệ giữa (một chút) điên rồ và (rất nhiều) thành công ở Mỹ”.
Trong cuốn sách của mình, Gartner lý luận rằng chứng hưng cảm nhẹ – một tình trạng tâm lý ít được quan tâm – có thể tạo nên thế mạnh của một số doanh nhân và đồng thời cũng là điểm yếu của họ. Hưng cảm nhẹ là một phiên bản nhẹ của chứng cuồng (mania), hưng cảm thường đi đôi với trầm cảm và ảnh hưởng đến khoảng 5-10% dân số Mỹ. “Nếu bạn là một kẻ vĩ cuồng, bạn sẽ nghĩ bạn là Chúa, còn nếu bạn bị hưng cảm nhẹ, bạn sẽ nghĩ mình là phần thưởng trời ban cho ngành công nghệ nước nhà. Mức độ tuy có khác nhau, nhưng triệu chứng thì tương tự.”
Gartner còn đưa ra giả thuyết rằng sở dĩ tại Mỹ có quá nhiều doanh nhân – và quá nhiều người bị hưng cảm – là do Mỹ là quốc gia được gây dựng trên nền tảng làm sóng nhập cư. Theo ông, Mỹ là một dân tộc tự chọn lọc, mà những người nhập cư thường sở hữu những phẩm chất khác thường như có tham vọng lớn, dồi dào năng lượng, nhiều động lực, sẵn sàng mạo hiểm, những điều giúp họ nắm bắt cơ hội và vươn tới thành công. “Đó là nét tính cách sinh học mà nếu bạn gieo trồng trên một lục địa, bạn sẽ có một quốc gia chỉ toàn những doanh nhân.”
Theo Gartner, dù những người hưng cảm thường có động lực và thích đổi mới, nhưng họ cũng dễ bị trầm cảm hơn phần đông mọi người. Gartner ví von họ như những chú chó giống Cô-li hiếu động. “Nếu bạn nhốt chúng lại, chúng sẽ gặm tan cả đồ đạc, chúng sẽ phát cuồng và rốt rít chạy lung tung. Những người bị hưng cảm cũng thế. Họ cần được bận rộn, họ cần vận động, cần làm việc thật nhiều.
Lời khuyên của chuyên gia
Mặc dù khởi lập và điều hành một doanh nghiệp luôn là một hành trình gian nan với rất nhiều những thăng trầm, nhưng vẫn có những cách để các doanh nhân cân bằng cuộc sống.
Theo các chuyên gia, giành thời gian bên bạn bè và người thân là thứ vũ khí tối thượng giúp chống lại chứng trầm cảm. Nhưng quan trọng không kém, là các doanh nhân nên tìm đến sự giúp đỡ khi cần – ví dụ như đi gặp một chuyên gia sức khỏe tâm thần khi bạn có dấu hiệu lo lắng quá độ, quá stressed hoặc có triệu chứng trầm cảm.
Freeman khuyên các doanh nhân nên đặt ra giới hạn cho hoạt động đầu tư của mình. Đầu tư quá mạo hiểm với số vốn quá cao có thể hủy hoại không chỉ tài khoản ngân hàng của bạn, mà còn đẩy bạn đi quá giới hạn chịu đựng. Ngoài ra, các doanh nhân cũng không nên lôi kéo người thân hay bạn bè đầu tư quá nhiều vào các phi vụ làm ăn của mình.
Nhà tâm thần học này cũng cho biết, tập thể dục, ăn uống hợp lý, ngủ đủ giấc là những biện pháp ngừa stress quan trọng. Thêm vào đó, các doanh nhân cũng rất cần tách biệt cuộc sống riêng với công việc. “Cho dù bạn bận bịu chăm sóc gia đình, làm chủ tịch cho một hội từ thiện địa phương, xây mô hình tên lửa trong vườn nhà, hay đi nhảy vào cuối tuần, điều quan trọng là bạn cảm thấy mình thành công trong những lĩnh vực không liên quan đến công việc.”
Cuối cùng, Brad Feld khuyên các doanh nhân không nên che giấu cảm xúc của mình, ngay cả ở chốn văn phòng. Theo Feld, nếu bạn sẵn sàng trung thực với cảm xúc của mình, bạn có thể trở nên gần gũi hơn với những người xung quanh. “Không ngại thể hiện sự yếu đuối cũng là một thế mạnh của người lãnh đạo,” anh nói.
(lược dịch từ tạp chí Inc. số tháng 9/2013, đã đăng trên Thể thao Văn hóa & Đàn ông)
Cám ơn Minh Thi! vô cùng hữu ích!!!
LikeLike