
Từ đầu năm đến giờ, Kdrama có những phim nào ‘hot’ mình đều sắp xếp xem hay chí ít là lướt qua nội dung ‘cho biết’, nhưng gần như chỉ có ‘Luật sư kỳ lạ Woo Young Woo’ mới khiến mình đặc biệt phấn khích và ấn tượng kịch bản. Theo dõi bộ này làm mình nhớ lại một thời từng say mê ‘I Hear Your Voice’ có Lee Bo Young & Lee Jong Suk, cũng là một Kdrama về nghề luật, xây dựng nhân vật tốt và nội dung cuốn hút. Tuy nhiên, nếu như I Hear Your Voice kể chuyện xử án trên nền một câu chuyện tình có yếu tố siêu thực (cách tiếp cận thường thấy của Kdrama), thì Woo Young Woo không quá chú trọng chuyện tình cảm, mà kể chuyện các vụ án song song với phác họa chân dung một luật sư tự kỷ và cuộc sống của nàng. Sức hút của Woo Young Woo đến từ các phiên tòa, từ việc mô tả các vấn đề thời sự như áp lực học hành ở trẻ em, bất bình đẳng giới, xâm hại tình dục, quyền của người khuyết tật, hay sở hữu trí tuệ, có thể gây nên những cuộc tranh cãi bất tận về đúng/sai hay đạo đức người làm luật. Đề tài của Woo Young Woo cũng rất đa dạng chứ không chỉ bó hẹp chuyện điều tra án mạng hay các vụ bạo hành như nhiều bộ drama mình từng xem.

Điều mình thích ở Woo Young Yoo chính là cách biên kịch xây dựng từng vụ án thật sự công phu, tỉ mỉ, từ nhân vật cho đến tình tiết và trích dẫn các điều luật, đem lại cho mỗi vụ án một giá trị riêng (dù với tư cách người xem thì có vụ mình đặc biệt thích, có vụ thì bình thường). Với nội dung như thế, đây sẽ là một Kdrama mà mình muốn giới thiệu cho những người không quan tâm, hoặc thậm chí không thích Kdrama thử theo dõi, vì phim không quá chú trọng kể chuyện tình lãng mạn kiểu Hàn mà nhiều người coi là sến súa (đấy là với người khác thôi chứ mình lại khá thích sến kiểu Kdrama, bao gồm cả bộ này, haha).
Có lẽ phần lớn mọi người đến với Woo Young Woo vì tò mò tại sao một drama về người tự kỷ lại có thể gây bão mạng và mình cũng vậy. Bộ phim xây dựng nữ chính quá đáng yêu: một cô gái xinh đẹp tính cách trẻ con, hơi kỳ quặc nhưng lại có trí nhớ siêu phàm và khả năng giải đố thiên tài. Có những tranh cãi về việc phim phản ánh chân dung người tự kỷ có chính xác hay không,.. mà như mình thấy thì nhiều người tự kỷ hoặc có người thân tự kỷ khen bộ phim vì mô tả một số biểu hiện đặc trưng như việc nữ chính không nhìn vào mắt người khác khi nói chuyện, hay nhại lời người khác nói, không thế nhịn nói về một số đề tài nhất định,… Nhưng phim cũng góp phần phổ biến hình ảnh người tự kỷ thiên tài, vốn hiếm gặp trong cuộc sống nhưng lại quá quen thuộc trong phim ảnh, một điều có thể khiến không ít người lấn cấn. Riêng mình thì không lăn tăn quá về vấn đề này, mà chủ yếu mình bị thu hút vào các cuộc tranh biện tại tòa án.

Điều mình đặc biệt thích là phim cho thấy những mảng xám trong luật pháp và cuộc sống mà ta không thể hoàn toàn phân định đúng sai. Đây là điểm mạnh nâng tầm bộ drama này lên trên nhiều Kdrama khác về nghề luật, vốn hay đi vào lối mòn phân biệt thiện/ác quá rõ ràng, theo kiểu bên nào có nhân vật chính thì là auto chính diện, còn bên kia là phe phản diện. Với Woo Young Woo thì có lúc chính cô lại bị đặt vào thế phải đại diện cho phe ‘phản diện’, khi thân chủ của cô là những kẻ không có lương tâm trong sáng hoặc cố tình lợi dụng kẽ hở luật pháp để tư lợi. Có những vụ án đặt ra những câu hỏi thú vị, như trường hợp về lời hứa giữa những kẻ đánh bạc. Khi nào một lời hứa miệng có hiệu lực pháp lý, còn khi nào thì không? Hay như vụ án mà bị cáo được cho là đã xâm hại tình dục một người khuyết tật trí tuệ, vì cô không có đủ năng lực tư duy và hành vi để hiểu ‘tình dục’ là gì, hay ‘đồng thuận’ là gì, nhưng cô lại có tình cảm với bạn nam, và hoàn toàn không muốn anh ta và tù. Trong trường hợp ấy, câu hỏi đặt ra là ta nên kết tội người nam theo quan điểm đạo đức xã hội, hay ta nên chiều theo ý muốn của cô gái vốn không bao giờ được coi trọng ý kiến? Vụ sở hữu trí tuệ cũng rất hay vì nó đặt người luật sư vào thế khó, khi họ phải cãi cho thân chủ vô đạo đức. Phim cho thấy, đôi khi khoảng cách giữa thắng và thua rất mong manh, và có lúc thua thậm chí là điều tốt, để người luật sư còn lại chút gì an ủi cho lương tâm mình.
Giải quyết vấn đề bằng những điều luật khô khan, nhưng Woo Young Woo vẫn là một bộ phim rất lãng mạn. Lãng mạn ở đây không chỉ là chuyện tình giữa nàng luật sư khuyết tật và anh chàng đẹp trai dịu dàng, ấm áp trong công ty, hay tình bạn, tình đồng nghiệp, mà còn là cách nhiều nhân vật hết mình vì lý tưởng của họ. Như anh đội trưởng đội giải phóng nhi đồng đấu tranh vì quyền được vui chơi của trẻ em (mình cảm động lúc anh kêu gọi, ‘nhiệm vụ của các em là chơi ngay và luôn, nếu không phải là bây giờ thì sẽ là quá muộn’), hay như các chị em đấu tranh chống phân biệt đối xử với phụ nữ chốn công sở, hoặc như bác xã trưởng một ngôi làng sẵn sàng bỏ tiền túi chống lệnh quy hoạch nhằm gìn giữ toàn vẹn ngôi làng thân yêu. Đôi khi cái lý là không thể phủ nhận, nhưng ta vẫn phải xét cái lý trong mối tương quan với cái tình là thế.

Cuối cùng, xây dựng nhân vật là một điểm mạnh đáng nhớ của bộ phim này. Mình ấn tượng với hình ảnh nữ luật sư đấu tranh cho quyền con người, nhất là cách cô ứng xử khi thua cuộc. Dù thua nhưng cô vẫn vui vẻ chấp nhận, vì điều quan trọng nhất với cô là lên tiếng vì niềm tin của thân chủ và chính mình. Mình ấn tượng nhất cảnh nữ chính tới thăm, nhận ra cô đang liên hoan ‘mừng’ vụ kiện kết thúc, bèn nói ‘không phải chị nên bắt tay luôn vào việc chuẩn bị kháng án sao,’ thì cô đáp, ‘chà, đúng là phong cách của luật sư một công ty lớn, thế này thì có khi tôi lại thua tiếp mất thôi’, sau đó phá lên cười. Dù hơi lý tưởng nhưng mình thích cái tinh thần đó của một người biết cười trên được, mất ở đời.
Còn nhiều điều mình thích ở bộ drama này lắm, nên sẽ có lúc mình mở ra xem lại. Và chắc chắn sẽ đón xem phần hai của Woo Young Woo!
(Bình thường mình không ủng hộ Kdrama có nhiều season nhưng đây là trường hợp đặc biệt, vì sức hút của bộ này không chỉ là chuyện chàng và nàng có đến được với nhau không – dù mình có hóng, hihihi, mà còn là chính các vụ án)