Không có mặt tại Việt Nam tại thời điểm Ròm chiếu rạp, nên hồi đó mình chỉ theo dõi bộ phim qua bình luận của bạn bè. Mình nhớ là một số bạn bè của mình chê phim nhiều, nên mình khá cẩn trọng. Đến khi xem phim rồi, mình hiểu tại sao một số người bạn lại không thích bộ phim này, nhưng mình lại khá thích và đánh giá cao. Mình cho rằng đây là một trong số những bộ phim nghệ thuật có chất lượng của Việt Nam trong thời gian gần đây, và mình thực sự trân trọng bộ phim nhờ nỗ lực mô tả trần trụi thế giới của những người cùng khổ.
Ròm có một câu chuyện độc đáo, với cách kể chuyện có phần cực đoan và tàn nhẫn. Sự tàn nhẫn của bộ phim khiến nhiều khán giả thấy khó chịu, và mình có thể hiểu điều này. Vì bản thân mình cũng có lúc thấy khó chịu vì sự cực đoan của bộ phim. Tại sao lại có thế giới tăm tối, thiếu vắng tình người đến thế? Nhưng ngẫm lại, mình cho rằng đó là một sự cực đoan hợp lý, thậm chí cần thiết. Đối với những người làm công việc trí thức, ngồi văn phòng hàng ngày như bạn bè mình và bản thân mình, việc ai đó liều mạng chỉ vì vài trăm hay vài ba triệu đồng là điều phi lý. Nhưng bộ phim nhắc nhở ta về một thực tế về thế giới “ngoài kia,” nơi những con người tuyệt vọng có thể chém giết nhau vì vài ba đồng bạc, nơi những đứa trẻ không nhà không cửa phải đi lang thang kiếm sống bằng những phương cách mạt hạng nhất. Và đau đớn nhất là những kẻ tuyệt vọng ấy phải trục lợi lẫn nhau, lừa lọc nhau để sống, vì họ không biết cách sống nào khác. Đó là một thế giới vô tri của những con người thiếu giáo dục, sống bằng mê tín và chìm đắm trong u mê.
Mình trân trọng bộ phim vì có rất ít tác phẩm điện ảnh dám đi đến cùng trong việc phản ánh cuộc sống dưới đáy xã hội (dù là điện ảnh nội địa hay thế giới), và Ròm làm được điều đó. Mình tìm thấy một phong cách đậm chủ nghĩa hư vô (nihilism) của bộ phim này: hoàn toàn không có rao giảng đạo đức, cũng không có tốt xấu rạch ròi. Một số người phê bình kết phim nhưng mình lại thấy nó hợp lý, vì cuộc rượt đuổi không dứt ấy thể hiện đúng sự luẩn quẩn, bế tắc của những phận người dạt trôi.
Là một người xem phim lâu năm, mình đánh giá cao chất điện ảnh của Ròm. Ròm bắt đầu bằng tự sự, nhưng không sa vào kể lể quá đà, không gán cho nhân vật những thông điệp to tát. Ròm gọn, lẹ, đi thẳng vào vấn đề, và cho ta thấy những hình ảnh trần trụi và độc đáo nhất. Từng thước phim của Ròm đều thể hiện sự chỉn chu và có tính toán công phu. Sài Gòn của Ròm là một nơi lem luốc, nhầy nhụa, dường như xa cách với thế giới văn minh, nhưng đó chính là không gian của những người cùng khổ mà xã hội tiến bộ bỏ lại sau. Đó là không gian nhơ nhuốc mà những ai không may phải trải qua sẽ không muốn nhớ tới, và những ai chưa từng trải qua thì coi như không tồn tại. Nhưng nó đã ở đó, và luôn ở đó, chừng nào còn tồn tại vô tri, mê tín, và đói nghèo. Đúng là bộ phim rất tàn nhẫn, gần như không có tình người. Nó thực sự gây khó chịu. Nhưng nó ép ta phải nhớ rằng cuộc sống này vẫn tồn tại đầy rẫy những sự tàn nhẫn phi lý như thế. Và có những con người không thể nào thoát khỏi cái vòng quay oan nghiệt ấy.
P/s: Ngoài ra mình rất thích lựa chọn diễn viên của Ròm, dàn diễn viên rất đạt. Cám ơn đoàn phim và đạo diễn Trần Thanh Huy.
Coi bộ phim này mình không cảm thấy khó chịu ở điểm đó mà là phim khá nhàm chán và không có sức hút ở đâu cả
LikeLike