Mình chần chừ mãi không biết có nên viết về bộ phim này vì nó để lại cho mình những cảm xúc đặc biệt nhưng khó chia sẻ. Là một người từng trải qua tấn công tình dục, mình vừa muốn nhắc về vấn đề này, lại vừa không. Mình không muốn nhắc vì lần cuối mình kể chuyện đó, mình nhận được nhiều chia sẻ của mọi người là “thương” mình, “tội” mình, trong khi mình không mong nhận được phản ứng như thế. Mặt khác, mình lại nghĩ vấn đề này, cho dù có vẻ buồn tẻ, thậm chí nhàm chán, với rất nhiều người, thực ra lại vô cùng cần thiết.
Giống như tựa đề bài hát ‘Until it happens to you’ về tâm sự của một cô gái từng bị lạm dụng, mình nghĩ nếu chuyện đó chưa bao giờ xảy ra với một ai đó, họ sẽ khó hình dung và thấu hiểu hơn một người từng có trải nghiệm này. Có thể là suy nghĩ của mình hơi thành kiến, nhưng ít nhất mình đã chứng kiến nhiều người, bao gồm các bạn nữ mà mình từng chia sẻ câu chuyện của mình, gạt đi vấn đề này như thể nó không có gì nghiêm trọng cả. Họ có thái độ đó vì mình không bị cưỡng hiếp, mình “chỉ” bị đối xử một cách thô bạo, và mình đã phản kháng quyết liệt nên chuyện xấu nhất không xảy ra. Mình tin rằng rất nhiều bạn nữ có trải nghiệm này, vì như bạn của mình từng nói, đàn ông Việt Nam cho rằng con gái nói không là có, và phải hơi thô bạo một chút thì mới “được việc.” Thế nhưng, rất nhiều nạn nhân của lạm dụng tình dục cũng tự nhủ “chuyện không có gì nghiêm trọng” để họ có thể “move on.”
Mình đồng cảm với nữ chính của bộ phim vì nhiều lẽ. Một ví dụ đơn giản là, cuối buổi hẹn hò với một anh chàng, Cassie và anh này “tình cờ” đi ngang qua nhà anh. Anh chàng hỏi liệu Cassie có muốn lên nhà anh một chút không, và ngay lập tức nhận ra mình đã phạm sai lầm khi nhìn phản ứng của cô. Mình từng có phản ứng chính xác như nữ chính: trước kia, mỗi khi mình đi gặp một “date” mới (tức là trong buổi hẹn đầu tiên hoặc thứ hai), chỉ cần đối phương hỏi liệu mình có muốn sang nhà anh ta một chút không, là mình mất cảm tình hẳn và quyết định sẽ không tiến xa với anh ta. Đó là một thành kiến, hẳn nhiên, và mình không kể lại ví dụ này để phán xét tư cách đạo đức của một ai cụ thể, mà là để minh họa cho tâm lý “tự vệ” của phụ nữ, nhất là những người từng có trải nghiệm với những gã đàn ông thô bạo.
‘Promising Young Woman’ (đạo diễn Emerald Fennell) là một bộ phim có thông điệp chính trị giới rõ ràng. Thậm chí, nếu ai đó cho rằng bộ phim khắc họa đàn ông một cách quá đen tối cũng không có gì sai. Nhưng mình nghĩ sẽ công bằng hơn với phim nếu ta xem nó như một case study về trầm cảm hậu sang chấn, nghĩa là đi vào chiều sâu tâm lý nhân vật. Cassie (Carey Mulligan) là một cô gái không còn thiết tha với cuộc sống và tình yêu. Từ một sinh viên y khoa đầy tiềm năng, cô bỏ học để làm phục vụ cho một quán cà phê, từ bỏ các mối quan hệ xã hội và trở nên xa cách với bố mẹ. Gương mặt xinh đẹp nhưng mệt mỏi, chán chường và rệu rã của Cassie thể hiện sự thờ ơ của cô đối với cuộc sống ban ngày, bởi ‘cuộc sống’ của cô nay đã thuộc về đêm tối.
Tối tối, Cassie giả say để “nhử” đàn ông tiếp cận mình, để rồi khi anh ta đưa cô về nhà, cô sẽ lột trần bộ mặt giả dối của kẻ tỏ ra tự tế nhằm lạm dụng phụ nữ. Ta thấy Cassie sặc sỡ nhất, thậm chí là sống động nhất mỗi khi cô đi săn mồi. Dường như cô tìm thấy một thứ khoái lạc kỳ lạ mỗi khi trừng trị một gã đàn ông mới, như một cách để giải tỏa bức bối. Cảm giác giải tỏa (catharsis), dù chỉ là tức thời, được nhấn mạnh trong trường đoạn Cassie sải bước trên phố sau khi trừng phạt một gã đàn ông đểu giả trong nền nhạc của ca khúc pop sôi động “It’s Raining Men.” Bộ phim có đôi lần mô tả sự bức bối này của Cassie, như trong cảnh cô bột phát vung gậy đánh gôn đập vào chiếc xe của một người đàn ông trên đường.
Hình như Cassie đã chết ở bên trong từ rất lâu, và trong “thôi thức lặp lại”, theo thuyết của Sigmund Freud, cô không ngừng tái diễn tình huống say xỉn trong vòng tay đàn ông lạ. Trong thôi thúc tái diễn đó, cô không ngừng tìm kiếm một điều gì đó, một cách “giải quyết” (resolution) cho nỗi day dứt khôn nguôi khiến cô không thể trở lại cuộc sống bình thường. Cô tìm kiếm sự tự chủ trong khi giả vờ mất tự chủ, đồng thời lấy đi sự tự chủ của những người đàn ông tự cho mình là “tử tế”. Mỗi cuộc săn mồi, với Cassie, giống như một trò vui mới mà cô tự bày ra để tiêu khiển, trong đó cô bày binh bố trận công phu với những bộ trang phục đa dạng để thu hút con mồi.

Thế nhưng, trong khi không ngừng trừng trị đàn ông, Cassie cũng không ngừng đày đọa chính mình. Bộ phim khiến cho mình day dứt mãi, vì mình tự hỏi, tại sao thế, tại sao cô phải làm đến mức như vậy? Dường như mọi người xung quanh Cassie đều muốn hỏi điều đó? Đây chỉ là một bộ phim giải trí thôi, sẽ có người nói thế, nhưng thực tế đã có những cô gái như Nina và Cassie, mãi mãi không thể vượt qua được nỗi đau quá khứ để “move on.” Những cô gái bị mắc kẹt ở đâu đó, và đã không ai đến với họ cả, không ai mang cho họ hy vọng để trở lại cuộc sống bình thường, để phục hồi niềm tin vào lòng tốt và tình yêu, để họ có thể “làm lành” với chính mình.