Alice in Borderland

(Bài có đề cập một số chi tiết nhưng không để lộ kết phim)

Đợt này chắc bà con có tài khoản Netflix đều hướng sự chú ý đến TV show của Nhật theo mô típ Đấu trường sinh tử này. Ưu điểm thấy rõ của show này là dễ xem, giật gân, bất ngờ, lại có nhiều em gái hot để bà con tha hồ ngắm nghía. Alice gợi nhớ không ít đến những tác phẩm văn hóa đại chúng khác của Nhật mà mình yêu thích như Battle Royal và HunterXHunter (đoạn đầu khi cả lũ chơi trò chơi để dành thẻ Hunter).  Về mặt câu chuyện thì theo mình, series này mở đầu tốt, nhưng về cuối thì bị đuối. Mình xin phân tích điểm mạnh, điểm yếu của show như sau:

Mô típ câu chuyện kiểu đấu trường sinh tử, nghĩa là một nhóm người tập hợp ở một đấu trường, chơi trò chơi giới hạn thời gian để quyết định sống chết không còn mới. Nhưng điểm mạnh của Alice là kể một câu chuyện không quá mới với những gương mặt trẻ trung, có cá tính và động cơ riêng. Nói cách khác điểm mạnh của show này là khai thác tâm lý nhân vật: cách từng nhân vật phản ứng ra sao khi rơi vào hoàn cảnh ngàn cân treo sợi tóc, phải ra quyết định hoặc hành động thật nhanh để cứu lấy bản thân, mà đôi khi quyết định đó bao gồm cả việc hy sinh đồng đội chí cốt.  Arisu và Shibuki của các tập đầu là hai nhân vật đối nghịch trong cách phản ứng trong hoàn cảnh máu lửa đó: một người lạc quan, vô tư, không màng danh lợi trong đời, sống theo tôn chỉ hợp tác tìm giải pháp, không vì mạng sống mà từ bỏ đồng đội; một người ích kỷ, sẵn sàng thao túng người khác để thăng tiến trong sự nghiệp và sống sót trên đấu trường. Arisu là kiểu nhân vật “good guy” tối quan trọng cho mọi câu chuyện tối tăm kiểu này, một “mỏ neo” lương tri giống như Gon của HunterxHunter vậy, còn Shibuki là minh họa cho sự tàn bạo của con người trong nguy an. Thế nhưng điều khiến nhân vật Shibuki thu hút (ngoài điều hiển nhiên là cô rất xinh đẹp), đó là ta cảm nhận được phần nào đó thái độ tự vệ của cô khi bị công kích: dường như cô hiểu rằng mình đã làm những điều sai trái, nhưng không ngừng biện hộ với bản thân. Cô là một nhân vật xấu tính, nhưng không hẳn là kẻ ác tâm tuyệt đối, nên ta vẫn đồng cảm được với cô và thích thú với chiêu trò của cô (những chiêu trò của kẻ tuyệt vọng, không phải kẻ làm chủ tình huống). Tuyệt vọng, đó chính là cái khán giả muốn xem. Ta muốn quan sát nỗi sợ hãi của họ để có thể đặt mình vào đó mà tự hỏi: nếu là họ ta sẽ làm gì, nếu là họ ta có sẵn sàng hy sinh bạn bè, hay hy sinh bản thân? Một trong những phân cảnh gây ấn tượng với mình là khi Arisu với tâm hồn tan nát nằm bất động giữa đường phố không bóng người, để tang cuộc sống bình yên đẹp đẽ trong quá khứ mà cậu từng không biết trân trọng. Hay là khi Arisu nhận ra, kẻ thù của mình, trong lốt ác quỷ xả súng, thật ra chỉ là một bà cô trung niên, một người bình thường đang tuyệt vọng giành giật sự sống y như cậu. Hóa ra con ác quỷ đó cũng chỉ là một con người với khát vọng sống còn, một nạn nhân khác của trò chơi sinh tử tai ác.

Sự biến mất của nỗi tuyệt vọng, vốn được thể hiện rất thuyết phục của đầu phim, là lý do các nhân vật xuất hiện sau này, ở phần phim liên quan đến The Beach, “thiên đàng” giữa địa ngục (hoặc địa ngục trong địa ngục?) hoàn toàn không gây ấn tượng gì với mình. Họ quá cool ngầu, họ thậm chí dường như dửng dưng trước cái chết, họ không có tính cách, họ không cho thấy sự tuyệt vọng và sợ hãi. Nếu như các nhân vật không tuyệt vọng, không lo sợ cho mạng sống của chính mình, thì việc gì ta phải lo sợ cho mạng sống của họ? Trò chơi sinh tử vì thế mất đi phần nhiều ý nghĩa của nó, khi trò chơi và mạng sống bị chính các nhân vật phụ coi thường. Anh chàng tóc bạc hay cô nàng chuyển giới là kiểu nhân vật để “trang trí”, nhưng lại không tạo được hiệu ứng cảm xúc là vì như vậy. Nhân vật chủ bang quân sự cũng hết sức tẻ nhạt vì không có tính cách và động cơ rõ ràng, thậm chí động cơ và hành động của anh ta mâu thuẫn một cách vô lý. Anh ta chỉ là một nhân vật xôi thịt trông có vẻ cool ngầu nhưng không có sức nặng. Tóm lại, phần cuối phim không gây ấn tượng với mình, chưa kể cú twist khá dễ đoán. Tuy nhiên, mình vẫn trông đợi phần tiếp theo của Alice, đơn giản vì cuộc sống đời thường tẻ nhạt lắm, xem người ta bắn giết nhau rất vui.

Và vì Usagi, nàng tiên giáng trần. Lần đầu tiên mình thấy người thật là giống y như bước ra từ manga vậy, nhưng sống động vô cùng. Hay thật.  

One thought on “Alice in Borderland

Leave a Reply / Hoan nghênh bạn để lại phản hồi

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s