
Vì sao một đạo diễn người Anh gốc Campuchia lại muốn làm một bộ phim về Việt Nam? Ngay khi xem trailer về bộ phim này mình đã thấy tò mò và muốn đi xem liền. Không hẳn vì mình kỳ vọng phim hay, mà chỉ là muốn xem Việt Nam qua con mắt của người nước ngoài sẽ hiện lên như thế nào.
Phim khá tốt, thật ra là tốt hơn hẳn so với mình kỳ vọng.Một số người có thể cho rằng bộ phim này hơi “nhạt”, vì nó không có cao trào. Đây đơn giản là cuộc hành trình của một người đàn ông Anh gốc Việt trở về quê hương, tìm lại một cái gì đó đã mất thuộc về bản dạng và gia đình anh. Đúng là phim hơi thiếu điểm nhấn một chút (không drama, không quằn quại, đến cả “tình trai” cũng nhẹ nhàng) nhưng cái cảm giác, cái không khí mà bộ phim đem lại thì rất dịu dàng, có chút gì đó buồn bã như là nỗi mất mát. Không phải bộ phim nào cũng thành công trong việc mô tả cái “không khí” ấy, và bộ phim này đủ duyên dáng, đủ tinh tế để chuyển tải điều đó. Những thước phim mô tả đường phố Sài Gòn và Hà Nội, sinh hoạt của con người đô thị Việt Nam không tô hồng mà có gì đó thật gần gũi, mộc mạc. Mặc dù Monsoon đôi lúc tạo cảm giác giống như một phim tài liệu du lịch, nhưng đây không phải kiểu phim du lịch chọn những gì đẹp nhất, long lanh nhất để trình chiếu. Thay vào đó là những quang cảnh đô thị lộn xộn nhưng quen thuộc với con người Việt Nam.
Henry Golding với vẻ ngoài điển trai kiểu hoàng tử từ Crazy Rich Asians gây bất ngờ một chút với mình trong vai chính, một chàng trai Anh gốc Việt. Thẳng thắn mà nói trông anh chẳng có nét gì Việt Nam. Không những không có nét Việt Nam, anh trông còn giống một anh chàng tây với vóc dáng cao ráo nổi bật và giọng Anh rất posh. Vốn dĩ anh là người lai da trắng chứ không thuần châu Á. Dáng vẻ của anh, cách đi đứng, nói năng,..cũng cho thấy anh đúng là con dân của xứ sở nhiều đặc quyền, hoàn toàn trái ngược với bạn diễn của anh, anh chàng David Tran, tuy cũng Việt kiều nhưng đóng vai một người đàn ông thuần Việt, với gương mặt và vóc dáng đặc sệt Việt Nam: một vẻ rụt rè, e ngại, có chút gì đó như là sợ hãi, đề phòng (mình thích vai diễn này, dù là nhân vật phụ).
Không sao cả, vì bộ phim không có tham vọng tỏ ra hiểu biết về Việt Nam. Đây là câu chuyện của một con người không biết về Việt Nam, một con người được dạy phải lãng quên Việt Nam, người bị mất đi quá khứ và dường như đang chật vật tìm kiếm một bản dạng mà không chắc anh từng có. Cái vẻ ngơ ngác và vóc dáng hoàn toàn “lạc quẻ” với khung cảnh Việt Nam của Henry Golding, hóa ra lại hợp với bộ phim. Vai diễn của Golding không phức tạp, nhưng anh đem lại màu sắc cho nhân vật với vẻ mặt đầy ưu tư, đôi lúc bối rối của anh. Anh luôn mang một vẻ thoáng buồn ngay cả khi anh cười. Và đôi lúc ta như có thể cảm thấy nỗi đau ở đâu đó sâu trong anh, phía sau nụ cười gượng đó. Nhân vật chính của bộ phim chỉ tự cho phép mình về thăm quê hương khi cha mẹ anh, những người bỏ trốn và căm ghét chế độ, đã qua đời. Anh không bao giờ còn có thể hỏi cha mẹ về Việt Nam nữa, nên anh tìm gặp những người, những thứ xưa cũ có thể giúp anh nhớ lại chút gì đó của quá khứ. Tiếc rằng Việt Nam ngày gặp lại khác xa với Việt Nam của ngày xưa, và bản thân anh cũng chẳng rõ, anh thực đang tìm kiếm điều gì. Anh xa lạ với nền văn hóa này, và việc anh là một người đồng tính trở về với một xã hội đậm dị tính, dường như càng tô đậm khoảng cách ấy. Cuộc gặp gỡ của anh với một người Mỹ da màu, có cha là cựu chiến binh Việt Nam, dường như đem lại cho cả hai một sự an ủi, một chút gì đó khuây khỏa, gần như là cảm giác đồng lõa giữa những người đi tìm bản thân trong một xã hội xa lạ. Mối quan hệ đó phần nào gợi nhớ tình bạn giữa hai người Mỹ một trẻ, một già trên đất Nhật trong Lost in Translation.Một bộ phim không hẳn xuất sắc nhưng có duyên và mang lại cảm xúc, nhất là nếu xem đúng lúc, đúng tâm trạng.
P/s: Sau khi tìm hiểu thì mình được biết, đạo diễn Hong Khaou người gốc Campuchia đã trải qua tuổi thơ tại Việt Nam trước khi tị nạn sang Anh.