
Các fan của đạo diễn Nhật Bản Kore-eda, từng chiến thắng vẻ vang tại Cannes với những Like Father like Son và Shoplifters hẳn sẽ tò mò về bộ phim mới của ông, La Vérité (The Truth). Lần này, Kore-eda thử sức trong một bối cảnh hoàn toàn khác: một câu chuyện của người Pháp, diễn ra ở Paris. Diễn viên là các tên tuổi quen mặt: Catherine Deneuve, Juliette Binoche, và Ethan Hawke.
La Vérité dường như không phải là một bộ phim mang tham vọng lớn. Khác với The Third Murder tiềm ẩn những câu hỏi triết học về pháp luật và làm người, hay Shoplifters nói về thân phận con người dưới đáy xã hội, La Vérité là câu chuyện nhỏ về mối quan hệ mẹ con rắc rối giữa nữ diễn viên điện ảnh tuổi xế chiều Fabienne và cô con gái Lumir làm công việc biên kịch, cưới một diễn viên Mỹ hạng B trong lần Lumir về thăm nhà. Cả mẹ lẫn con đều là những người có cái tôi mạnh. Đặc biệt bà mẹ minh tinh thì mắc chứng ái kỷ nặng. Khỏi phải nói, mỗi lần mẹ con nói chuyện với nhau là người này nhân thể mỉa mai, châm biếm, thậm chí hạ bệ, “bóc phốt” người kia.
Phim không tham vọng nhưng khá thành công trong việc phát huy thế mạnh vốn có của Kore-eda: khắc họa tinh tế những biến động nhỏ trong quan hệ giữa người với người, những xung đột trong đời sống hàng ngày và câu chuyện gia đình. Đặc biệt, đây là một bộ phim đầy tính nữ với tâm điểm là câu chuyện của những người đàn bà, trong đó đàn ông chỉ đóng vai trò làm nền cho các bà thể hiện.
Là một người vợ không chung thủy với các ông chồng cũ và một bà mẹ tồi, nhưng Fabienne vẫn tự hào: thà như thế mà là diễn viên giỏi, còn hơn là mẹ tốt – diễn viên tồi. Công chúng sẽ quên một bà mẹ tồi nhưng chắc chắn sẽ nhớ một diễn viên xuất sắc, Fabienna biện hộ. Ở tuổi ngoài 70, Fabienne vẫn hành xử như một ngôi sao trẻ khó chiều: nói xấu đồng nghiệp, ghen tị với các tên tuổi đang lên, bất bình khi không được chú ý hay khen ngợi. Bà sống như thể cả thế giới quay quanh mình, và thích thể hiện uy quyền mọi lúc mọi nơi. Bà chê trách đồng nghiệp trẻ là tham vọng, dù thời trẻ chính bà từng ngủ với đạo diễn để giành vai.
Fabienne là một nhân vật đầy khiếm khuyết và cả tội lỗi, thậm chí còn có phần nông cạn. Thế nhưng ở bà có sự duyên dáng lạ lùng khiến ta bị cuốn theo diễn biến tâm lý của bà, dù Catherine Deneuve chẳng còn nét diễm lệ xưa. Bà giống như một cô bé đỏng đảnh trong thân hình xồ xề của một bà già.
Minh tinh ái kỷ là một kiểu vai đã quá quen thuộc trong phim ảnh, nhưng qua thể hiện của Deneuve vẫn hiện lên sống động và cuốn hút lạ thường. Câu chuyện gần như không có chuyện, chỉ bao gồm những đối thoại hàng ngày, cãi vã vặt vãnh, nhờ có sự tung hứng giữa Deneuve và Binoche mà đem lại hứng thú cho người xem. Với một số người, đây có thể sẽ là một bộ phim nhàm chán, thiếu cao trào, thậm chí còn hơi clichéd vì vẫn đi theo mô típ thông thường (chữa lành vết thương xung đột gia đình) nhưng với một người xem phim để xem tâm lý nhân vật như mình, thì đây thực sự là một tác phẩm đáng quý. Một câu chuyện nhỏ mà chỉ một đạo diễn tài tình mới có thể kể cho có duyên.