(Không tiết lộ các chi tiết nhạy cảm và kết phim)
Có nhiều trường hợp, người ta thấy thất vọng về một bộ phim không hẳn vì chính chất lượng của bộ phim ấy, mà là do sự kỳ vọng của chính họ.
Mình thấy Joker là một trường hợp như vậy.
Một số người cho rằng Joker không hay vì họ chẳng thấy có gì mới mẻ, bất ngờ trong câu chuyện cả. Họ kỳ vọng phim phải có một vài cái twist xoắn não, hay những màn đối đầu, đấu trí nảy lửa giữa Joker và.. (chịu, ai nhỉ, lúc này Batman còn chưa lớn và Gotham, như đã biết, là một thành phố dystopian thối nát).
Nhưng họ quên mất rằng Joker là một bộ phim chân dung, thì trọng tâm của phim là khắc họa chân dung nhân vật chứ không phải là các màn đối đầu, hay twist xoắn não. Để tận hưởng một bộ phim như vậy, cách tiếp cận hợp lý nhất là theo dõi từng biểu hiện nhỏ nhất (nuances) trong tâm lý của nhân vật trọng điểm ấy. Trong bộ phim này, tất cả những nhân vật khác chỉ có vai trò làm nền để Joker thể hiện mình mà thôi.
Một số người thì kỳ vọng Joker phải là một kẻ…phản diện hơn (như trong phim là chưa đủ evil?), tinh quái hơn, khó đoán hơn. Nhưng cái này thì lại càng bất công với phim hơn vì câu chuyện chú trọng kể về hành trình từ thiện lương (hay ít nhất có vẻ thế) của Arthur đến khi anh ta trở thành Joker tàn ác. Joker của bộ phim này là Joker của thời kỳ đầu, khi anh ta mới bắt đầu khám phá và đào sâu cái ác trong bản thể, và cách anh ta thực hành (enact) cái ác hãy còn vụng về, giống như một thực tập sinh mới vào nghề vậy. Đôi khi ta cũng thấy anh ta khôn ngoan, nhanh nhạy, tinh ranh đấy, nhưng đó vẫn là sự tinh ranh trong vụng về, sự tinh ranh mà anh ta mới bắt đầu học cách sử dụng. Ngay cả cách anh ta ra tay trong bộ phim này, phần lớn cũng đều mang tính bộc phát, chứ không phải là do sự dàn xếp, tính toán kỹ lưỡng từ trước. Joker của bộ phim này là một Joker “sơ khai”, nghĩa là một con người lầm đường lạc lối, chứ không phải một Joker giảo hoạt, lõi đời, như vai diễn của Heath Ledger trong The Dark Knight. Joker chỉ đơn giản là đem đến (deliver) đúng những gì bộ phim đã hứa hẹn, còn những gì phim không đem tới, theo mình, đa phần là do khán giả mong đợi những gì vốn dĩ đã chẳng liên quan đến bộ phim và chủ đích của nhà làm phim. ))
Thế nhưng, khi ai đó cho rằng anh chàng Arthur là con người hoàn toàn lương thiện, bị dòng đời xô đẩy mà lún sâu vào tội ác, nghĩa là ta cũng đã biện minh hơi quá mức cho nhân vật này. Và bộ phim hoàn toàn không có ý biện minh cho cái ác như thế. Cho rằng Arthur là một thiên thần hóa ác quỷ thì hơi đơn giản hóa nhân vật này quá, vì Arthur hoàn toàn chẳng phải thế: con người anh ta, vốn dĩ, đã chất chứa những suy nghĩ đen tối và thường trực, anh ta chỉ nghĩ đến bản thân mình (điều này cũng dễ hiểu, vì khi một người đau khổ thì tâm hồn anh ta khó lòng có chỗ chứa cho tình thương dành cho kẻ khác). Anh ta có thể đã yêu mẹ mình đấy, nhưng đó phần nào cũng là tình yêu vị kỷ, vì anh ta cần một “mỏ neo” cảm xúc trên cõi đời cô độc này. Sự khác biệt giữa Arthur và Joker, kẻ mà anh ta trở thành, đó là Arthur chĩa những đen tối ấy vào chính mình, và giày vò chính mình hơn là những người xung quanh anh. Khi sự tự giày vò ấy trở nên quá sức chịu đựng của Arthur, chính là khi anh nhận ra sự tồn tại của mình chỉ là dối trá, thì anh ta bắt đầu chuyển đối tượng giày vò ấy từ bên trong sang thế giới bên ngoài.
Và, nếu nói “Arthur lún sâu vào tội ác”, nghĩa là ta giảm nhẹ tính chủ động, giảm nhẹ vai trò chủ thể (agency) trong hành vi của nhân vật này. Lần thứ nhất anh ta giết người, đó phần nào là hành động mang tính tự vệ. Nhưng lần thứ hai anh ta giết, đó là một sự cố tình tuyệt đối. Anh ta hoàn toàn có thể quay đầu sau lần thứ nhất ấy, nhưng anh ta đã không làm, đó chính là điểm không thể biện minh được nữa, nhưng lại có thể lý giải được. Bởi vì đó là khi anh ta được nếm mùi “chiến thắng.” Sau lần thứ nhất giết người đó, lần đầu tiên Arthur cảm thấy mình mạnh mẽ và quyền lực. Lần đầu tiên anh ta cảm thấy mình tồn tại, mình đang sống. Hóa ra anh ta không yếu đuối như anh ta tưởng, anh ta không chỉ có khả năng bảo vệ bản thân, mà còn có thể áp chế kẻ khác. Từ đó ta hiểu rằng, quyền lực và cái ác có thể gây nghiện đến thế nào. Khi khán giả, đứng ngoài cái ác màn ảnh đó, cảm thấy khoái trá khi Joker thực thi cái ác một cách bất ngờ và tinh quái, cũng chính là lúc họ được trải nghiệm thú vui bệnh hoạn ấy: giống như ta đang là một tội phạm mà chẳng phải chịu trách nhiệm cho tội ác. Như cô gái cách mình vài hàng ghế đã cười thích thú ở một phân cảnh tưởng như chẳng có gì buồn cười: là lúc anh người lùn cố gắng thoát khỏi tình thế ngặt nghèo nhưng lại không thể tự giải thoát cho chính mình. Đó có lẽ cũng là dụng ý của bộ phim này: cho người xem, một cách gián tiếp, được trải nghiệm những khoái cảm của kẻ ác. Chúng ta là tòng phạm của tội ác, nếu như chúng ta phớt lờ nó, hay theo dõi nó như một kẻ ngoài cuộc dửng dưng. Hay khi chúng ta luôn cho rằng những tên tội phạm là ác quỷ, là những “kẻ khác”, chúng ta phân biệt chúng ta và họ/”chúng nó” (những kẻ dưới đáy xã hội, những gã tội phạm, những tên khủng bố) như tỷ phú Wayne và nhân vật người dẫn chương trình, mà quên mất rằng trước khi trở thành “chúng nó”, thì “chúng nó” từng là một phần của “chúng ta.”
Joker là một case study tuyệt vời để tìm hiểu tâm lý và hành vi tội phạm (criminology). Joker không thực thi cái ác để phục vụ cho một hệ tư tưởng (ideology) nào, dù hắn vô tình đã trở thành một biểu tượng của sự phản kháng trước bất công xã hội. Hắn thực thi cái ác vì bản thân hắn, vì cái cảm giác khoái trá, hả hê khi hắn không còn phải đóng vai nạn nhân nữa, mà đóng vai kẻ thủ ác, kẻ có quyền lực. Nhưng đây cũng chính là bi kịch của tội ác, khi một con người phải viện đến cái ác để đạt được quyền lực mà họ chẳng có cách nào khác để chạm đến. Như Kemper nói trong Mindhunter vậy: “tôi giết những cô gái đó vì nếu không làm thế, tôi sẽ chẳng bao giờ có được họ.” Đây chính là khi ta thấy được bản chất đáng thương hại của kẻ ác.
Có người lại cho rằng, họ thích một kẻ giết người máu lạnh hơn. Chẹp, thế thì họ đã xem nhầm phim. Nếu muốn xem cái ác phi lý, No Country for Old Men sẽ là một lựa chọn thích hợp hơn. Joker hoàn toàn không tỉnh táo máu lạnh đến thế. Như bộ phim đã nhấn mạnh, Joker là một kẻ mắc bệnh tâm thần. Điều đó thật ra lại khiến hắn rất người, rất gần với đời thực. Bởi, như Dostoievski từng đặt câu hỏi trong Tội ác và Hình phạt: “có kẻ giết người nào không tâm thần?” Một tên tội phạm có thể lên kế hoạch tinh vi và hạ thủ không gớm tay, nhưng trong quá trình thực thi tội ác, hắn không thể ở trong một trạng thái tâm lý “bình thường” cho được. Hắn hành động, vì điều đó mang lại cho hắn sự phấn khích, đôi khi là sự hả hê vì cảm giác trả thù đời (dù nạn nhân của hắn không thực sự là đối tượng phù hợp để trả thù đi nữa thì cũng mặc, hắn cần một nạn nhân). Ta không nhất thiết phải cảm thông cho một tên giết người, nhưng ít nhất, có thể cố gắng hiểu tại sao, hay đúng hơn là NHƯ THẾ NÀO, hắn lại trở thành như vậy.