Tuần trước mình vừa xem một lèo hết mini-series Unbelievable trên Netflix (mình cứ như đang làm việc cho cái hãng này ấy nhờ, ặc ặc) và nhận thấy một số điểm quan trọng người xem có thể rút ra và học hỏi từ series này, vì nó dựa trên một câu chuyện có thật về vụ án cưỡng hiếp hàng loạt tại Mỹ. Sau khi đọc bài báo điều tra 12,000 chữ kể lại vụ án này, thì mình thấy Unbelievable đã cố gắng trung thành với một số chi tiết có thật của vụ án, do đó nó rất đáng tham khảo.
Unbelievable (8 tập) có 2 mạch chuyện chính: mạch chuyện thứ nhất liên quan đến việc nạn nhân đầu tiên của kẻ cưỡng hiếp hàng loạt khai báo về vụ án, sau đó rút lại khai báo này và phải ra hầu tòa vì ‘thừa nhận’ khai báo giả; mạch chuyện thứ hai là quá trình điều tra, phá án của hai cảnh sát nữ. Mình xin tập trung nói về mạch chuyện thứ nhất.
Lý do dẫn đến việc nạn nhân ‘thừa nhận’ khai báo giả là một quá trình. Đầu tiên, hai người mẹ nuôi (foster mother, đại khái là một dạng nuôi tạm, hỗ trợ tạm thời) của cô gái cho rằng cô có những biểu hiện bất thường, không giống như họ hình dung về một người vừa bị cưỡng hiếp. Họ cho rằng cô tỉnh bơ như thể không có gì khủng khiếp từng xảy ra. Một trong hai người mẹ từng bị bạn trai tấn công tình dục cảm thấy kỳ lạ với thái độ đó, vì bà hẳn cho rằng trải qua chấn động như vậy, nhất thiết cô phải (cho thấy) đau khổ. Từ đó, họ nghi ngờ tính xác thực trong lời khai của cô, và một trong hai người mẹ đã bày tỏ sự ngờ vực này với cảnh sát, một sai lầm nghiêm trọng.
Sai lầm nghiêm trọng hơn nữa đến từ chính phía cảnh sát điều tra. Vì cô gái đưa ra những lời khai mâu thuẫn, không rõ ràng, và chính mẹ cô lại tỏ ra nghi ngờ cô, nên họ nhanh chóng đưa ra kết luận rằng cô nói dối. Vậy là cô gái, đối mặt với đe dọa từ cảnh sát là khai báo giả có thể dẫn đến rắc rối nghiêm trọng với pháp luật, đã ‘thừa nhận’ việc ‘nói dối’.
Cả hai người mẹ nuôi của nạn nhân và cảnh sát đều không cố tình hại cô gái. Ngược lại, họ quả đã muốn giúp cô. Nhưng họ cùng mắc một sai lầm, đó là áp đặt quan điểm, cảm xúc của mình vào nạn nhân. Hai người mẹ nuôi cho rằng người bị hại phải có phản ứng như họ giả định. Họ nghĩ rằng nếu chính mình bị hại thì sẽ có phản ứng như thế này, nhưng họ không phải là cô gái để hiểu được cảm xúc của cô. Phía cảnh sát thì nôn nóng muốn giải quyết vụ án này để chuyển sang vụ án khác, giải quyết những việc tồn đọng, nên họ hoàn toàn không đặt mình vào nạn nhân để hiểu rằng một cô gái vừa bị cưỡng hiếp, trải qua chấn động tinh thần khó lòng lưu giữ ký ức rõ ràng về vụ việc. Đó là chưa kể, những người liên quan trong vụ việc đều là người lớn, với cách nhìn và hành xử lý trí của người lớn; họ quên mất là cô gái mới 18 tuổi, với những vấn đề tâm sinh lý riêng của tuổi mới lớn.
Trong cuộc sống, ai cũng từng phạm phải sai lầm tương tự. Ví dụ, mình từng nghe một số người nói, ‘con bé đó vừa phá thai mà cái mặt nó vẫn tỉnh bơ, không biết xấu hổ.’ Hay: ‘cô ta vừa lộ clip sex mà vẫn ngang nhiên đi ngoài đường/online trên mạng, tỏ ra như không, không thể hiểu nổi.’ Tâm lý đó chính là biểu hiện của việc áp đặt suy nghĩ, cảm xúc của mình vào người khác. Chúng ta luôn mang những định kiến về thế giới xung quanh, ví dụ như một người vừa mất người thân thì phải khóc hay tỏ ra đau khổ rõ rệt, hay một người ‘thực sự’ nghèo thì phải luôn ăn mặc lôi thôi, tồi tàn (để làm gì, cho chúng ta xem và đánh giá?). Một người cư xử không giống như những gì ta vẫn quan niệm hay giả định, sẽ dễ dàng bị phán xét. Nhưng ta quên mất rằng ta chưa bao giờ ở trong những tình trạng, hoàn cảnh như họ để có thể đánh giá chính xác được.
Giống như cô gái trong Unbelievable, sự ‘tỉnh bơ’ của cô có thể là do cô đã quá mệt mỏi với việc phải đóng vai nạn nhân để người khác soi xét, đánh giá, cảm thương, vì cô xuất thân là một đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, không được bố mẹ đẻ chăm lo, phải nay đây mai đó từ nhà bố mẹ nuôi này sang bố mẹ nuôi khác. ‘Tôi chỉ muốn tập trung vào việc sống hạnh phúc,’ cô nói vậy. Phần nữa, có thể sau vụ cưỡng hiếp, cô muốn mau chóng quay trở lại cuộc sống bình thường nên tỏ ra bình thường. Hơn nữa, cách người ta phản ứng trước sự việc xảy ra với họ không phải luôn giống nhau. Sau cùng một chuyện không may, có người sẽ bỏ ăn bỏ uống, khóc ba ngày ba đêm, có người dường như vẫn thể sinh hoạt, cư xử ‘bình thường’, nhưng không có nghĩa vụ việc không để lại hệ lụy đối với tinh thần, cảm xúc của họ theo cách này hoặc cách khác.
P/s: Mạch chuyện theo dõi quá trình điều tra, truy tìm kẻ cưỡng hiếp hàng loạt cũng rất thú vị vì hắn để lại rất ít manh mối và hành động ‘chuyên nghiệp’. Một câu chuyện có thật và không hề xa lạ. Mình không có thời gian bàn đến khía cạnh này, nhưng mình nghĩ quan trọng nhất là các bạn nào quan tâm tìm xem và tự cảm nhận.
Great blog I enjoyeed reading
LikeLike
Em cảm thấy con người vô tâm cũng đâu có trả giá gì. Thân ai nấy lo, mạnh ai nấy sống là lẽ thường. Còn con gái bị hiếp thì họ buộc phải chọn phá thai hoặc sinh con (bào thai đó). Em còn nghĩ về sau thà đừng sinh con gái còn hơn, chứ sinh là nó sống ko bằng chết ở cái thế giới bẩn thỉu này. Con gái chịu thiệt lắm. 🙄 đời người sống chỉ tin vào bản thân thôi, chả mong đợi được gì ở người khác. Cũng chả có công lý gì ở xã hội loài người. Cưỡng hiếp là chuyện thường quá rồi, mỗi cô gái nên chuẩn bị sẵn thuốc phá thai thì tốt hơn.
LikeLike