Mình mới xem xong phần 2 series đình đám Mindhunter trên Netflix, kể về dự án nghiên cứu tâm lý hành vi tội phạm giết người hàng loạt của FBI, một chương trình từng được viết thành sách. Mặc dù các đặc vụ FBI trong series là nhân vật tưởng tượng nhưng những cuộc phỏng vấn đều dựa trên câu chuyện có thật với những tên tội phạm Mỹ khét tiếng. Song song với việc tiến hành các cuộc phỏng vấn thì các đặc vụ FBI còn hỗ trợ cảnh sát địa phương điều tra những vụ giết người nghiêm trọng.
Đối với mình series này có một sức hút đặc biệt vì mình nghiên cứu phương pháp phỏng vấn, đặc biệt là phỏng vấn yêu cầu khai thác và phân tích tâm lý nhân vật. Trong tương lai có lẽ mình sẽ đi theo hướng này, bởi vì nó vô cùng thú vị nhưng cũng đầy thách thức. Làm sao để HIỂU một người, dù chỉ là ở một số khía cạnh nhất định, mà ta chỉ gặp đôi ba lần và thường là không hề quen từ trước (lưu ý là thật ra quá thân thiết cũng có thể là rào cản khiến ta hiểu người đó thực sự vì những định kiến có sẵn về họ)?
Mặc dù các cuộc phỏng vấn của các đặc vụ FBI trong Mindhunter thường đi theo hướng… không có phương pháp nào, mà chủ yếu dựa vào trực giác của những người làm việc với tội phạm và nghiên cứu khoa học hành vi, có thể tạm xếp lối phỏng vấn của họ vào nhóm “narrative/biographical interviews”, nghĩa là khai thác những câu chuyện và tìm hiểu cuộc đời, đặc biệt là xuất thân của tội phạm. Không lạ gì khi phần lớn những tên giết người hàng loạt đều có tuổi thơ không hạnh phúc: có thể không thiếu thốn tiền bạc, thậm chí không thiếu tình yêu của người thân, nhưng lại thiếu sự kết nối với gia đình và xã hội. Giống như kẻ giết người Edmund Kemper từng chia sẻ: “Tôi giết các cô gái đó vì tôi không thể nào có được một cô gái nào mà không giết họ. Chẳng ai muốn lại gần tôi kể cả con mèo.”
Một số gạch đầu dòng nhận xét của mình về phong cách phỏng vấn này:
– Một trong những “sai lầm”, nếu mình có thể gọi như vậy, của 2 đặc vụ Holden Ford và Bill Tench là họ ngắt lời nhân vật khá nhiều lần, để đạt được mục đích mong muốn. Điều này đi ngược lại với một trong những nguyên tắc của phỏng vấn narrative đó là không ngắt mạch suy nghĩ (flow of thoughts) của nhân vật. Họ để cho sự thiếu kiên nhẫn và phẫn nộ của bản thân can thiệp vào quá trình phỏng vấn (cũng dễ hiểu, dễ thông cảm nhỉ, khi đối diện với những kẻ giết người không gớm tay).
– Sau này khi giáo sư tâm lý học Wendy Carr tham gia vào dự án của Holden và Bill thì cô đã giúp cải thiện phương pháp phỏng vấn của họ bằng một số tư vấn như: hãy chiều chuộng nhân vật, nếu họ đòi đồ ăn thức uống thì hãy mang đến, làm sao cho họ thấy họ quan trọng và được lắng nghe. Wendy cũng cho thấy phần nào phương pháp phân tích dựa trên cách sử dụng ngôn ngữ trong một phân cảnh rất đáng nhớ: trong khi nghe đoạn ghi âm lời kể của một nhân chứng, cô phát hiện ra nhân chứng có mặt tại hiện trường vụ án lúc nạn nhân còn sống chứ không phải đã chết, chỉ bằng cách dùng từ “splashing” – máu ĐANG bắn tung tóe – ở thì hiện tại tiếp diễn. Wendy là một giáo sư đại học nên với cô làm gì cũng phải có sự chuẩn bị chu đáo và có phương pháp bài bản.
– Nhưng Wendy cũng giống như Holden và Bill, là người có cái tôi mạnh nên thường cho rằng chỉ có mình đúng. Cô khăng khăng nài hai đặc vụ dùng đến bảng câu hỏi (questionnaire) có sẵn để đạt kết quả thống nhất, và chỉ hiểu ra tại sao điều này có lúc là bất khả khi chính cô trực tiếp đi phỏng vấn. Vì, như hai đặc vụ đã chỉ ra, đối tượng phỏng vấn là những kẻ giết người nguy hiểm, tâm lý và hành vi của chúng có thể rất khác với người thường, và không dễ hợp tác, nhất là trong những cuộc phỏng vấn có thể gây bất lợi cho chúng (ví dụ như khi chúng không muốn thừa nhận tội, hoặc không muốn tạo ra một hình ảnh không nhất quán với những gì chúng muốn công chúng thấy).
– Trong một số trường hợp, trực giác của Holden tỏ ra rất nhạy bén, có thể một phần đến từ kinh nghiệm thương thảo với tội phạm anh đã có. Ví dụ như khi một nhân chứng khoanh tay lại trong thế đề phòng khi được hỏi về một vấn đề cô ta đang che giấu, Holden cũng bắt chước hành động của cô và khoanh tay lại – một phương pháp phổ biến để tạo sự đồng cảm không chỉ trong phỏng vấn tâm lý. Hay khi một tên tội phạm cương quyết phủ nhận tội ác của mình dù có đầy đủ bằng chứng và hắn đã bị kết tội, Holden bèn chuyển sang gọi kẻ phạm tội là “anh ta”. Thay vì hỏi “trong tình huống đó, anh làm gì”, Holden hỏi: “trong tình huống đó, nếu là anh thì anh sẽ làm gì?” Bằng cách thay đổi đại từ để chuyển trách nhiệm sang một người khác, Holden tạo điều kiện để tên tội phạm bớt đề phòng và mở lòng hơn.
– Sự ngạo mạn của cả ba nhân vật chính đều có những hậu quả đi kèm. Cho rằng mình có thể dễ dàng hiểu nhân vật chỉ bằng một số phương pháp nhất định hay trực giác, dù có vẻ thuyết phục đến đâu, chính là quá tự kiêu. Bởi ta không thể dễ dàng hiểu một người, cũng không thể luôn luôn áp phương pháp hiệu quả với người này vào cuộc gặp gỡ với người khác. Đôi khi nỗ lực hết mình nhưng vẫn không thể hiểu, không thể phá án, bởi vì.. đời là thế.
Chào chị,
Em thường theo dõi các bài viết của chị, và em rất thích những chủ đề hay thông tin chị đưa ra!
Có một điểm em nhận thấy đó là những bài viết thường khá thu hút ở phần đầu, các nội dung phân tích ở phần thân mạch lạc và logic, nhưng không biết vì lí do gì, phần kết thường bị cụt và gây một chút hụt hẫng cho người đọc (hoặc chỉ có mình em bị thấy hụt hẫng). Điều này cũng tương tự trong bài “Ái Kỷ”.
Em cũng không hẳn là góp ý hay nhận xét vì có thể đây là phong cách hoặc mục đích chính của chị khi viết bài. Nhưng thú thật là đôi khi em cảm thấy hơi “tức” vì đang đọc say sưa, đọc hay thì lại kết thúc. Em sẽ vẫn luôn ủng hộ những bài viết của chị trong tương lai.
Chúc chị một ngày vui vẻ
Trang
LikeLike
Haha.. cám ơn nhận xét của em. Thực ra chị thấy em nhận xét đúng. Đơn giản vì chị..không có nhiều thời gian để trau chuốt khi viết blog em ạ. Đó là lý do bạn bè bảo chị bài này bài kia nên phát triển, viết đăng báo đi nhưng gần đây chị nhác…vì chị từng viết báo nhiều và viết báo thì phải trau chuốt từ ngữ, phải phát triển ý đầy đủ, sửa đi sửa lại…mà chị thì thực sự không có nhiều thời gian đến như vậy vì đang bận làm nghiên cứu. Thế không phải là do chị không muốn đem đến thông tin tốt cho người đọc, mà chỉ là trong điều kiện thời gian hạn chế, thì chị viết ngắn gọn một số ý cơ bản để chia sẻ như vậy, coi như là gợi mở một topic nhất định, để người đọc tìm hiểu và có thể có ý kiến. Một cách vị kỷ thì chị thỏa mãn nhu cầu viết và chia sẻ của chị trước (chủ yếu là ghi lại những dòng suy nghĩ, ý tưởng chạy trong đầu), còn việc bài viết có được hoàn toàn như kỳ vọng của người đọc hay không, chị đành…để người đọc tự quyết định..hoặc nếu có thời gian chị sẽ viết tiếp sâu thêm ở bài sau. Mong em hiểu và cám ơn em đã ủng hộ chị nhé. Chị cũng không chắc sắp tới chị có thể viết bài hoàn chỉnh hơn không, nhưng chị sẽ luôn duy trì blog. 😀
P/s: chị cũng nghiệm ra được là đôi khi mình có rất nhiều ý tưởng và có thể phát triển chúng không quá khó khăn, nhưng để mổ xẻ cho rốt ráo, trình bày cho hoàn chỉnh thì lại cần nhiều đầu tư hơn.
LikeLiked by 2 people
Em cũng gặp tình trạng tương tự khi viết blog. Nhiều khi dựa những quan sát trong cuộc sống thường ngày của mình, em cũng rất muốn phát triển thành một bài blog, nhưng tới khi bắt tay vào viết lại cảm thấy như mình đang viết một bài luận nộp cho các giáo sư vậy. Câu hỏi luôn khiến em băn khoăn là làm thế nào để những người không làm việc/học tập/nghiên cứu trong cùng lĩnh vực của mình có thể hiểu và nắm được những điều mình truyền tải.
Nhưng đọc blog và được trao đổi cùng chị là một điều em rất thích 🙂
LikeLike
Chào Thi, mình theo dõi blog của Thi đã lâu và khá ấn tượng những góc nhìn của Thi ở lĩnh vực điện ảnh. Có phải Thi đã hay đang học bên mảng truyền thông, báo chí không? Mình thích đọc và viết và cũng đang có ý định học Master chuyên ngành này tại Pháp. Keep up the good things! 🙂
LikeLiked by 1 person
Chào bạn,
Cảm ơn bạn đã để lại comment và chia sẻ nha.
Đúng rồi, mình có thời gian làm báo ở Việt Nam, sau đó lấy bằng Master’s ở Anh, hiện đang làm PhD ngành truyền thông tại NZ.
😀
LikeLike