Hôm nọ trong một sự kiện tập thể ở trường, nhóm làm việc của mình tập trung một chỗ trò chuyện. Mọi người hỏi nhau về kế hoạch tương lai, và rồi cô gái thứ hai trong nhóm bèn hỏi: “thế các bạn bao nhiêu tuổi rồi nhỉ, tôi không sao đoán được.”
Đem chuyện này về kể với cạ, mình tự hỏi (cũng là để trả lời): tại sao trong một cuộc trò chuyện nhóm, người hỏi tuổi bao giờ cũng là người trẻ nhất thế nhỉ. Trước đây trong một buổi đi chơi nhóm với các bạn đa phần là dân da trắng, tôi từng chứng kiến việc tương tự. Người bắt đầu hỏi tuổi mọi người, chính là cô gái trẻ nhất.
(Ở đây tôi chỉ đang nói đến môi trường phương tây khi mọi người xưng hô I, you với nhau nên không cần thiết phải biết tuổi nhau, còn môi trường Việt có đặc thù rất khác là đôi khi buộc phải biết tuổi nhau, nên tôi không xét tới ở đây).
Cạ bèn trả lời: thì rõ rồi, họ hỏi tuổi người khác không phải vì thực sự muốn biết đâu, mà là để tận hưởng cái niềm vui rằng mình trẻ nhất.
Có lẽ chính là như vậy, mặc dù thực ra chuyện cô ấy trẻ nhất nhóm là điều hiển nhiên. Bọn mình đều đã làm Tiến sĩ đến năm 2, năm 3 rồi, còn cô ấy chỉ mới bắt đầu chương trình Thạc sĩ chưa bao lâu. Và cô ấy có cái nhìn đời rất tươi vui và trẻ trung, của một người dường như chưa trải qua nhiều cay đắng lắm, cảm giác của mình từ quan sát cá nhân là vậy. Một lần cô ấy và mình tranh luận về một bài báo cáo của sinh viên cô ấy. Sinh viên đó cho thấy khả năng viết tốt, nhưng hoàn toàn lạc đề và đã viết tới…700 chữ quá quy định. Mình nói viết thế này thì chỉ đáng điểm D thôi vì không đạt tiêu chuẩn. Cô ấy bênh vực sinh viên nọ, muốn cho điểm cao hơn, nói rằng bạn đó rất hăng hái phát biểu trong lớp, có nhiều ý kiến hay và thông minh, và còn thêm: hồi xưa khi ta mới lên đại học, khi bị điểm thấp ta cảm thấy rất buồn.
Lần khác, mình hỏi cạ, thực ra cũng là tự hỏi bản thân về việc trên lớp. Đó là làm sao để các sinh viên phát biểu nhiều và lấn át cả lớp “tém tém” lại đôi chút và các sinh viên “cậy miệng cũng không nói” (đa phần là dân Á) phát biểu nhiều hơn. Mình còn hỏi: “này thế các bạn thường hay áp đảo cả buổi học có biết rằng mình đang làm thế không nhỉ?”
Cạ nói, không đâu, vì họ chủ yếu muốn thoả mãn nhu cầu được nói thôi, nên họ không quan tâm mấy đến chuyện người khác có cần nói không. Họ không biết đâu.
Cạ tiếp: “Cũng như việc thường xảy ra trong các cuộc trò chuyện vậy. Đôi khi người ta hỏi mi một câu hỏi, không phải để cho mi nói đâu, mà chủ yếu để từ đó họ nói điều họ muốn nói.”
Điều này khiến mình nghĩ đến một câu của Dale Carnegie trong cuốn “Đắc nhân tâm” mà mình đọc từ hơn 20 năm trước, tới giờ vẫn tâm đắc. Đại khái là: thiên hạ không quan tâm đến bạn đâu, họ chỉ quan tâm đến vấn đề của họ, sáng trưa chiều tối. Dù bạn có ốm thập tử nhất sinh hay sắp phá sản đi nữa, họ cũng sẽ không quan tâm bằng cái lưng đau nhức của họ.”