Đối với một bộ phim của Bong Joon Ho, để có thể thưởng thức một cách trọn vẹn thì điều tốt nhất là không nên đọc các bài review đi sâu vào chi tiết. Mình không muốn làm mất đi sự bất ngờ cho những khán giả tiềm năng của bộ phim (dù mình nghĩ khán giả nào đã quen với phong cách của Bong sẽ không bất ngờ quá đâu), nên xin đi vào bình luận một số chủ đề liên quan đến phim, thay vì đi vào nhân vật hay tình tiết cụ thể.
1. Cách biệt giàu nghèo, phân cách giai tầng là vấn đề còn tồn tại ở đa số xã hội trên thế giới, mà Hàn Quốc hay kể cả Việt Nam đều phổ biến. Đặt tên phim là Ký sinh trùng, Bong Joon Ho hẳn nhiên muốn bám sát vào “căn bệnh” ấy của xã hội, để lột tả những đau đớn, xót xa, khủng hoảng, uất hận của con người, mà căn nguyên chính là sự cách biệt ấy. Để làm điều này, Bong tiếp tục chọn phương pháp điển hình cho phong cách của ông từ trước đến nay: hài đen.
Vượt ra khỏi khuôn khổ một tác phẩm giải trí, bộ phim đoạt giải Cành Cọ Vàng của Bong Joon Ho đưa ra hàng loạt những câu hỏi nhức nhối để người xem tự vấn: nếu những kẻ chiếm ưu thế (privileged) chỉ tiếp tục ngồi mát ăn bát vàng trong tháp ngà kín cổng cao tường của họ, liệu xã hội có thể nào đi lên, hay mãi mãi chỉ khắc sâu thêm khoảng cách giai tầng? Và liệu những kẻ sung sướng ấy có thể mãi duy trì cuộc sống an ổn của mình? Liệu họ có thể luôn an toàn như họ nghĩ, nếu họ mãi sống trong sự thờ ơ ấy?
Vấn đề này, thực ra mình đã luôn suy nghĩ, không ngừng suy nghĩ. Bất ổn xuất pháp từ những mâu thuẫn gay gắt trong xã hội. Nó luôn luôn ở đó chờ được giải quyết. Và nếu không được giải quyết, một sự bùng nổ là điều tất yếu.
2. Người ta có thể khen Bong Joon Ho ở tính ẩn dụ trong bộ phim này. Mình thì thấy Bong Joon Ho chẳng ẩn dụ gì sất. Ông mổ xẻ vấn đề một cách trực diện. “Tinh tế” không phải là từ đúng để miêu tả bộ phim này, vì Bong không lựa chọn cách thể hiện vấn đề một cách sang chảnh, mơ hồ, đánh đố người xem. Ông nói thẳng. Như thể ông, thông qua những nhân vật trong bộ phim này, chỉ thẳng vào mặt người xem mà nói: “nhìn thấy không, nghĩ đi, tìm cách giải quyết đi!” Cách tiếp cận của ông rất bình dân: mở đầu phim như một phim hài giải trí, diễn biến phim ly kỳ hồi hộp – cũng cực kỳ giải trí. Tức là ông chuyển tải thông điệp của mình một cách lộ liễu chứ không gợi ý, ám chỉ gì sất. Nếu so sánh mức độ lộ liễu thì thật sự, Parasite lộ liễu chẳng kém gì Us của Jordan Peele cả.
Nhưng mình tin đó là cách ông chọn thể hiện, để bộ phim có thể đến được với số đông, chứ không chỉ dành cho bộ phận nhỏ nhóm người elite của xã hội. Chính ở lựa chọn này, Bong cho thấy cái tâm của một nhà làm phim lớn.
3. Bên lề một chút: “người giúp việc nhà” và những kiểu người làm công khác sống cùng/sinh hoạt chung với gia đình chủ như người trông trẻ, tài xế riêng… dường như luôn có một mối quan hệ đặc biệt với chủ của họ nhỉ? Ít nhất là trên phim (Roma là một ví dụ gần đây). Nói mối quan hệ này “đặc biệt” vì họ có lẽ “nên” cảm thấy biết ơn (vì được tạo cơ hội), nhưng đồng thời cũng chẳng thể nào “biết ơn” cho được (tôi lao động và nhận tiền công sòng phẳng cơ mà?). Họ thường được mô tả là luôn tỏ ra ngoan ngoãn ở bề mặt, nhưng bên trong lại ngấm ngầm so sánh, ghen tị, thậm chí khinh ghét và muốn “nổi loạn”, “lật đổ” chủ. Còn chủ của họ cũng vậy: ngoài mặt luôn muốn tỏ ra cảm kích, hào phóng với người làm, nhưng bên trong vẫn chất chứa những khinh bỉ, đề phòng mà có lẽ bản thân họ không hoàn toàn ý thức được. Có lẽ vì thứ phức cảm này mà xã hội rất quan tâm đến những câu chuyện giật gân như ông chủ tòm tem với cô trông trẻ hay đại loại thế. Có lẽ xã hội phương tây “văn minh” đã đúng khi tẩy chay văn hóa “người giúp việc nhà”, nghĩa là ngày nay người ta không thuê người giúp việc toàn thời gian nữa (hoặc rất hạn chế), mà chỉ thuê người giúp việc theo giờ, và ngày càng cổ súy do-it-yourself – tự làm, tự phục vụ?
Tóm lược lại, thì đây là bộ phim vô cùng đáng xem và giàu ý nghĩa, dù về phong cách và nghệ thuật mình vẫn đánh giá cao hai phim trước của Bong là Memories of Murder và Mother hơn.