Nếu ai đó than phiền rằng phim truyền hình Hàn Quốc toàn những câu chuyện ngôn tình phi thực tế thì có thể thử xem bộ phim này:
My Mister (Ông chú của tôi), drama chiếu năm 2018 vừa đoạt giải phim truyền hình hay nhất tại Baeksang Arts Awards.
Series này gần như đi ngược lại những mô típ phổ biến của Kdrama. Không có một chàng soái ca CEO thành đạt giàu có và lãng mạn. Không miêu tả cuộc sống màu hồng ở đô thị Hàn Quốc, lại càng không lý tưởng hóa tình yêu và phụ nữ (lần này là một nữ chính không hề thánh thiện mà rất ranh ma, hoang dại). Chỉ có hiện thực cuộc sống trần trụi về xã hội Hàn Quốc hám danh và ám ảnh quyền lực.
“My Mister” (hoặc My Ajusshi) kể chuyện một công ty thiết kế, xây dựng tại Seoul, với những tranh chấp quyền lực, đấu đá ngầm trong nội bộ công ty. Cô gái trẻ Lee Ji An (Lee Ji Eun, ca sĩ IU), một nhân viên tạp vụ có quá khứ phức tạp và cuộc sống đen tối, bỗng bị cuốn vào cuộc tranh chấp ngầm trong công ty, và lợi dụng điều này để tư lợi. Trong quá trình đó, cô dần làm quen và bị thu hút bởi vị trưởng phòng Park Dong Hoon (Lee Sun Kyun), một người đàn ông trung niên chính trực, hiền lành đã có vợ con. Hai người thuộc hai thế hệ và vị thế khác xa, nhưng đều có cuộc sống không hạnh phúc ngoài công sở, đã kết bạn và tìm được sự đồng điệu.
Cuộc sống trong My Mister được miêu tả khá đen tối. Trong khi vị trưởng phòng có năng lực phải đối phó những âm mưu quyền lực ở công sở và sự phản bội của người vợ lâu năm, thì cô gái trẻ Ji An sống trong cảnh nghèo khó, nợ nần và thường xuyên bị bạo hành. Một người bế tắc trong cuộc hôn nhân đã nguội lạnh và sống vì trách nhiệm với gia đình, một người mới qua hai mươi nhưng không hề có tuổi trẻ, cuộc sống chỉ có toan tính.
Vậy nên, ta ít thấy các nhân vật cười đùa vô tư mà thường chỉ thấy những gương mặt mệt mỏi vì gánh nặng cuộc sống. Họ thường chỉ xuất hiện với những tông màu tối, hoặc đơn sắc và nhạt, thiếu điểm nhấn, dễ hòa lẫn vào đám đông.
Một cảnh được lặp đi lặp lại trên phim và gây nhiều ấn tượng là hình ảnh hai nhân vật chính đi tàu điện ngầm về nhà sau ngày dài làm việc, gương mặt mệt mỏi, vô hồn. Họ cam chịu cuộc sống vốn thế, mà không có chút trông đợi nào về ngày mai tươi sáng hơn. Tuy thế, giống như những chuyến tàu điện, hết chuyến này thì lại tới chuyện khác, họ luôn phải thức dậy mỗi sáng để đến công sở và làm việc. Giống như sự chuyển động không ngừng nhưng vô cảm, vô hồn của những cỗ máy vận chuyển đó, họ vẫn sinh hoạt và làm việc theo nhịp sống bình thường, nhưng lại không thực sự sống.
Một khuyết điểm của drama này, đối với mình, là tình tiết khá chậm và hơi dàn trải, đôi lúc khiến mình rất sốt ruột. Nhưng khuyết điểm đôi khi cũng là ưu điểm, khi khán giả.. đang buồn ngủ vì nhịp phim quá chậm thì thường sẽ xảy ra một tình tiết bất ngờ khiến ta..tỉnh cả ngủ. Và nhịp phim chậm rãi dường như cũng phản ánh những diễn biến trong tâm tư hai nhân vật chính, đó là những biến động rất nhỏ, rất tinh tế trong tâm hồn họ khi đồng thời khám phá lẫn nhau. Để rồi khi họ thể hiện sự quan tâm đến nhau, dù bình dị vô cùng, ta không khỏi xao lòng. Nhịp phim chậm càng khiến cho những chi tiết “bùng nổ” và cảm xúc trở nên đáng giá.
Một trong những lý do khiến mình theo dõi drama này là vì Lee Sun Kyun, diễn viên không có vẻ ngoài hào nhoáng nhưng luôn toát lên vẻ quyến rũ ngầm với giọng nói chỉ nghe một lần là ghi nhớ.. suốt đời (hihi). Điểm đặc biệt là anh ít khi vào vai những soái ca có cuộc sống sung sướng mà hay đóng những nhân vật khốn khổ, bị (đàn bà) phản bội, hành hạ. Mình vẫn còn nhớ mãi gương mặt khốn khổ đến.. buồn cười của anh trong phim điện ảnh “A Hard Day” rất thú vị cách đây vài năm.
giữa những lúc cuộc sống bộn bề, mệt mỏi cô đơn vì công việc, mình xem bộ này, nó an ủi và khiến mình cảm giác được đồng cảm. có thể biết đến 1 bộ phim như thế này cũng coi như 1 thành tựu 🙂
LikeLike