Ta có thực sự “biết” con mình?

SearchingPartnership_Blog@2x.jpg

Một người cha sẽ làm gì khi con mình mất tích? Nếu là trong một bộ phim hành động Hollywood thông thường thì người cha thoắt cái sẽ biến thành một siêu nhân, lục tung cả thành phố lên (hoặc bay sang nước ngoài) và nện nhừ tử vô số kẻ xấu để truy tìm đứa con yêu quý. Ví dụ điển hình nhất là bộ phim “Taken” với Liam Neeson.

Giống như “Taken”, “Searching” của Aneesh Chaganty là một cuộc tìm kiếm hồi hộp, kịch tính, với đối tượng cũng là một cô gái tuổi mới lớn. Thế nhưng đây không phải một cuộc tìm kiếm có những cảnh đấu đá bạo lực, và ông bố cũng không phải một siêu nhân cool ngầu có khả năng hạ thủ 100 gã du côn hay phá hủy vài chục chiếc xe hơi. Đây chỉ là một ông bố bình thường, không có võ công thâm hậu, không được trang bị súng ống, trở nên tuyệt vọng, lo lắng, căng thẳng và kích động như mọi bậc phụ huynh rơi vào cảnh con mất tích. Đặc biệt hơn nữa, cuộc tìm kiếm diễn ra hoàn toàn trực tuyến, khi người bố sục sạo toàn bộ dữ liệu cá nhân từ các tài khoản mạng xã hội của con gái để trả lời câu hỏi: Điều gì xảy ra với Margot?

Sau cái chết của người vợ anh rất mực yêu thương, David Kim (John Cho) dành mọi tình yêu cho con gái và thường xuyên trao đổi Facetime với cô bé. Anh không thể ngờ cô con gái ngoan ngoãn lại nói dối mình một chuyện quan trọng, để rồi sau đó mất tích không dấu vết. Những “bí mật” nho nhỏ dần được hé lộ khiến David tự hỏi liệu anh có thật sự “biết” con gái mình, và dằn vặt lương tâm vì đã để cô bé mất tích.

“Searching” là một bộ phim có ý nghĩa quan trọng: bộ phim thriller đầu tiên của Hollywood có một diễn viên gốc Á đóng chính. Và lại là một bộ phim thực sự hay, kịch tính, được khen ngợi nhiệt liệt với số vốn đầu tư không đáng kể. Nhưng “Searching” không chỉ là một phim thriller đúng nghĩa như Taken (dù diễn ra trực tuyến) – khiến cho khán giả bị cuốn theo câu chuyện trong thấp thỏm, hồi hộp và thực sự lo lắng cho nhân vật, mà còn là một bộ phim cảm động về tình cảm gia đình nhưng không hề lên gân. Người xem dễ dàng cảm nhận được tâm trạng mệt mỏi, kích động, và tinh thần luôn luôn ở trạng thái “căng như dây đàn”, lúc nào cũng chỉ chực “bùng nổ” khi theo dõi từng thao tác trực tuyến của David Kim. Bởi từng cử chỉ nhỏ của David đều thể hiện tâm trạng người cha một cách tinh tế, như khi anh xóa chức năng tìm kiếm đối với video về người vợ quá cố vì quá đau lòng, hay xóa video mừng ngày của cha vì dằn vặt bản thân. Đáng chú ý là nhân vật người mẹ, dù chỉ xuất hiện trong 5 phút đầu phim (và gây cảm động y như 5 phút đầu của “Up!”) nhưng vẫn gây ấn tượng nhờ kịch bản tinh tế: cô cho thấy một người mẹ chăm sóc gia đình tỉ mỉ đến thế nào khi để lại các công thức nấu ăn cho chồng và ghi chép cụ thể thông tin về từng đứa bạn của con gái, kể cả việc cậu bé nào thầm thích cô bé.

Ban đầu xem bộ phim này, mình có đôi chút khó chịu vì hóa ra mọi sự kiện đều diễn ra qua… màn hình máy tính, từ Gmail đến Facebook, Facetime, Tumbler, Youtube.. Nhưng không lâu sau đó mình bị cuốn vào mạch phim đến quên cả sự khó chịu ban đầu đó và thực sự không thể dứt khỏi màn hình. Trừ cú twist cuối phim hơi dễ đoán đôi chút thì từ đầu phim đến gần cuối, mình đi từ hết bất ngờ này đến bất ngờ khác, và đôi khi cảm thấy thú vị với những chi tiết nhỏ tinh tế trong kịch bản.

Không chỉ là một bộ phim kịch tính đáng xem, “Searching” còn là một bài học rất thú vị cho các bậc phụ huynh, một cuộc tập dượt để các bố mẹ làm quen và luyện tập cách “giám sát” và tìm hiểu đời sống nội tâm của con cái qua hành vi trực tuyến. Đây cũng là một lời cảnh tỉnh đúng lúc cho những người làm cha mẹ: liệu chúng ta có thực sự “biết” con cái mình?

Leave a Reply / Hoan nghênh bạn để lại phản hồi

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s