Khuyết tật của nỗi cô đơn

5908a2f185d53210113731

Đầu tháng Sáu, thế giới bàng hoàng hay tin nhà thiết kế thời trang Kate Spade và đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain tự sát. Người ta đặt câu hỏi vì sao những con người thành công, có cuộc sống phong phú, đủ đầy như vậy lại tìm đến cái chết? Dù mỗi người có một lý do riêng mà họ đã mang theo xuống mồ (ngay cả người thân cũng tỏ ra sửng sốt trước quyết định tự sát của Spade và Bourdain), thì có một điểm chung hiển hiện giữa hai ca tự sát ấy: trầm cảm.

Andrew Solomon, người từng đoạt Giải thưởng Sách Quốc gia Hoa Kỳ với một tác phẩm viết về bệnh trầm cảm, từng đặt ra câu hỏi, rằng liệu trầm cảm là một vấn đề thuộc về hóa học (do sự thiếu hụt một số hóa chất trong cơ thể, đòi hỏi điều trị bằng thuốc), tâm lý học (do sự bất mãn trước cuộc đời và thiếu động lực sống của con người), hay triết học (như câu tự vấn trứ danh của Hamlet “sống hay không sống, đó là vấn đề”)? Có lẽ trầm cảm thuộc về tất cả những lĩnh vực ấy. Do đặc thù phức tạp như vậy, nên cho đến ngày nay, các nhà khoa học, các chuyên gia tâm thần học và tâm lý học vẫn còn tranh cãi nhiều về nguyên nhân gây ra trầm cảm cũng như giải pháp cho tình trạng này.

Trầm cảm thường bắt nguồn từ nỗi cô đơn sâu thẳm trong con người, những nỗi niềm mà đôi khi ngay cả người thân và kẻ đầu gối tay ấp với họ cũng không sao hiểu hết. Nhìn ở bề ngoài, nhiều người trầm cảm thậm chí có thể giống như đang tận hưởng một cuộc sống tốt đẹp, nhưng sâu trong họ là những nỗi đau không thể chia sẻ cùng ai. Những nỗi đau ấy mỗi ngày một lớn dần, bào mòn bên trong họ, để rồi đến một lúc nào đó, họ có thể sẽ đi đến quyết định: kết thúc cuộc sống tốt hơn là tiếp tục nó. Như cô gái trong series phim truyền hình “13 Lý do Tại sao” từng nói, “Cách tốt nhất để ngừng cảm thấy đau khổ, là không còn cảm thấy điều gì nữa.” Người ta chết có khi không phải vì họ khao khát sự chết, mà vì họ không tìm ra lý do để sống tiếp trong đau đớn.

Thế nhưng, nếu như ai đó nói trầm cảm là một vấn đề tâm lý đơn thuần, là họ đã bỏ qua một sự thật nghiêm trọng: trầm cảm ảnh hưởng lớn đến thể chất. Triệu chứng thường thấy của người bị bệnh trầm cảm có thể được nhìn thấy bằng quan sát bề ngoài: nhiều người sụt cân do chán ăn, hay tăng cân không kiểm soát do ăn uống vô độ, sắc diện của họ cũng bị ảnh hưởng do mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều, do tình trạng mệt mỏi kéo dài hoặc thường xuyên khóc lóc, tinh thần căng thẳng, dễ mất bình tĩnh… Đó là chưa kể không ít người trầm cảm có xu hướng tự hại bản thân (self-harm) theo nhiều cách khác nhau. Nhiều người trầm cảm nặng còn có thể mất đi tư duy lý trí và sự kiểm soát hành vi, đồng thời phát triển thêm các loại triệu chứng tâm thần khác như ảo giác, ảo thanh, âu lo, hay phát triển thành bệnh tâm thần phân biệt. Một trong những biểu hiện phổ biến nhất của trầm cảm chính là cảm giác bị “tê liệt”, khi ngay cả những hành vi cơ bản nhất như rời khỏi giường mỗi sáng hay vệ sinh thân thể cũng trở nên vô cùng khó khăn.

Quan điểm cho rằng trầm cảm chỉ là vấn đề tâm lý, nghĩa là trạng thái buồn chán đơn thuần còn nguy hiểm ở chỗ, nó khiến người ta không thể chia sẻ với những người mắc căn bệnh này, hoặc hiểu lầm họ. Nếu ta nhìn nhận người trầm cảm giống như chính ta khi nhất thời rơi vào trạng thái buồn chán, thất vọng, thì ta dễ cho rằng họ có thể mau chóng thoát khỏi tình trạng ấy sau ngày một ngày hai. Sự thật là, trạng thái trầm cảm rất đa dạng với từng người, và ta không thể nào hiểu hết nỗi đau đớn của ai đó nếu như không ở trong vị trí của họ. Khi hay tin một người vừa tự sát, bạn có thể nói “Thật đáng tiếc, tôi từng trải qua điều tương tự, nhưng tôi vượt qua được”, còn tác giả Andrew Solomon thì cho rằng: “Nếu bạn không đi đến quyết định như họ, thì bạn chưa từng trải qua điều họ đã trải qua.” Bởi vậy, sẽ thật tàn nhẫn nếu ai đó thản nhiên kết luận rằng, một người tự sát là hèn nhát hoặc ngốc nghếch. Thực ra, rất có thể người tự sát đã suy tính việc làm của mình từ rất lâu, với một kế hoạch kỹ càng, trước khi họ đi đến hành động ấy.

SỤP ĐỔ VÀ THỨC TỈNH

Trầm cảm là một sự sụp đổ từ bên trong. Ta không còn cảm thấy “là mình” như trước nữa. Những gì từng khiến ta hạnh phúc, có thể không còn có tác dụng. Ta có thể muốn phá bỏ tất cả, tự hủy hoại bản thân, và từ giã cuộc sống này.

Trầm cảm đáng sợ đến như vậy, nhưng nó cũng có thể mang đến những điều tích cực đến không ngờ, nếu như ta vượt qua được nó. Rất nhiều nghệ sĩ thừa nhận rằng họ trở nên sáng tạo bất ngờ trong thời kỳ trầm cảm. Van Gogh để lại cho hậu thế những bức tranh đầy cảm xúc trong cuộc đời ngắn ngủi gắn liền với căn bệnh tâm thần. Sylvia Plath còn được nhắc đến mãi với tác phẩm “The Bell Jar” được xuất bản không lâu trước khi bà tự vẫn. Lar von Trier thừa nhận mình nảy sinh những ý tưởng điên rồ cho các bộ phim đầy tính thử nghiệm và “hại não” của ông từ những đợt trầm cảm.

“Sụp đổ” còn có thể đem đến sự thức tỉnh với nhiều người: đó là khi họ trải qua một thời gian dài đen tối, ngụp lặn trong trầm cảm, và dành khoảng thời gian đó chiêm nghiệm về bản thân, về ý nghĩa cuộc sống. Cần phải nhớ rằng, tuy hầu hết những người trầm cảm đều có ý định tự sát, chỉ có một số nhỏ đi đến quyết định hiện thực hóa hành vi này (và không phải người nào cũng thành công). Một số người phải sống với thuốc và điều trị thường xuyên suốt đời, nhưng một số người vượt qua được và trở nên vững vàng hơn.

Theo các chuyên gia của The School of Life, “sụp đổ” bắt nguồn từ cơ chế tự vệ của bộ óc con người. Nó buộc họ phải trải qua những suy nghĩ và cảm xúc nhất định để tự trưởng thành, phát triển nhận thức về bản thân và phát triển nhân cách – những điều mà trong hoàn cảnh bình thường con người sẽ không chú tâm vào vì họ quá bận bịu với cuộc sống thường nhật. Nó giống như cách nội tâm của bạn gào thét đòi hỏi sự chăm sóc mà từ lâu bạn đã lơ là vậy. Và để đối phó với những tiếng thét chói tai ấy, bạn không có cách nào khác là dừng lại, nhìn sâu vào nội tâm và đối diện với chính mình. Đây là cơ hội để bạn tự xem xét lại những thiếu hụt bên trong mình hay trong cuộc sống của bạn, từ đó tìm ra hướng sửa chữa, cải thiện nó, hoặc tự giải thoát mình khỏi sự ám ảnh, dằn vặt nào đó. Nói ví von một chút, thì nó giống như để trở nên khỏe mạnh hơn, ta phải trải qua một trận ốm thập tử nhất sinh vậy (mặc dù đáng tiếc là, ốm nặng cũng có thể khiến một số người không qua khỏi). Bởi vì chúng ta luôn tránh né những vấn đề khiến chúng ta đau đớn, như là một sự nứt vỡ trong mối quan hệ, hay cảm giác bất an, lo sợ đối với điều gì đó bên trong, nên chỉ một cuộc khủng hoảng mới khiến chúng ta dừng lại và đối diện với chúng một cách thành thật và nghiêm túc mà thôi.

Trầm cảm thường khiến người ta chìm đắm trong âu sầu và suy nghĩ kéo dài không dứt. Rất nhiều đêm, chúng ta có thể sẽ chẳng suy nghĩ được điều gì thấu suốt. Chúng ta có thể khóc lóc không ngừng, hoặc câm lặng nhìn lên trần nhà, cân nhắc xem cách chết nào là phù hợp nhất. Thế nhưng, đâu đó trong suốt dòng suy nghĩ ấy, có thể sẽ có tia sáng le lói trong ta, những khoảnh khắc “giác ngộ” bất ngờ, thậm chí là sự thăng hoa của cảm xúc. Chẳng thế mà nhà phân tâm học Sigmund Freud từng nói, “những kẻ u sầu có con mắt nhìn vào sự thật sâu sắc hơn những người khác”, qua đó nhấn mạnh tầm quan trọng của tự nhận thức và chiêm nghiệm trong mỗi người.

Kết quả tốt đẹp nhất, chính là ta sẽ tự nhận thức về bản thân và cuộc sống của mình một cách sâu sắc hơn, từ đó dẫn đến quyết định thay đổi cách sống và thay đổi nhận thức, như từ bỏ một công việc khiến ta chán ngán, từ bỏ một mối quan hệ độc hại, thay đổi môi trường sống, dành nhiều thời gian cho bản thân hoặc tạm nghỉ ngơi khỏi công việc bề bộn, hay đơn giản là thay đổi cách ta nhìn nhận một số vấn đề hay cách nhìn nhận bản thân. Có không ít trường hợp người người đã trải qua trầm cảm, khi ngoi được lên “bờ”, lại trở nên yêu cuộc sống hơn bao giờ hết.

Diễn đạt một cách đơn giản, thì người ta có thể nhìn vào trải nghiệm này như một cơ hội để học hỏi, đặc biệt là học hỏi về chính mình.

XÃ HỘI CÓ THỂ LÀM GÌ?

Mặc dù trầm cảm cũng như các vấn đề khác thuộc về sức khỏe tâm thần được cho là một vấn đề hết sức cá nhân, nhưng nó luôn luôn có ảnh hưởng rất lớn đến xã hội, với hậu quả dễ thấy là sụt giảm năng suất lao động hoặc thất nghiệp, đổ vỡ hôn nhân, hay chi phí điều trị, thuốc thang đối với các bệnh nhân trầm cảm và gia đình của họ, và nghiêm trọng nhất là những ca tự sát. Chính vì thế, xã hội nhất thiết không thể làm ngơ trước vấn đề này.

Một vấn đề mà người trầm cảm hay gặp phải, cũng là một tác nhân có thể khiến tình trạng của họ trở nên nghiêm trọng hơn, đó là sự thờ ơ hoặc thậm chí trách móc của người thân. Đối với những người trầm cảm có người thân thiếu hiểu biết về vấn đề này, họ dễ rơi vào vòng tròn luẩn quẩn: vì trầm cảm nên bị người thân hiểu lầm, trách móc, oán giận, nhưng cũng chính sự oán giận đó khiến họ cảm thấy tội lỗi, cảm thấy mình “bất bình thường”, khó hòa nhập với mọi người, dễ bị tổn thương hơn, và từ đó có thể rơi vào trầm cảm nặng hơn.

Có thể là mâu thuẫn, nhưng điều xã hội nên làm có lẽ chính là “bình thường hóa” bệnh trầm cảm, nhưng không coi nhẹ vấn đề này. Nghĩa là, mọi người nên được khuyến khích nói về vấn đề này nhiều hơn.

Ở Việt Nam, vấn đề về bệnh trầm cảm nói riêng và các bệnh tâm thần nói chung còn chưa được chăm lo thỏa đáng, nhất là ở khía cạnh nâng cao nhận thức. Tuy các tờ báo, các diễn đàn online thường có rất nhiều kênh tâm sự dành cho mọi người, nhưng không ai đảm bảo rằng những người lạ đưa ra lời khuyên, hay người quản lý, biên tập viên của các trang báo, diễn đàn đó là những người có chuyên môn thích hợp để giúp người gặp vấn đề giải tỏa khúc mắc. Hơn nữa, có những vấn đề cần đến điều trị lâu dài và có thể là cả thuốc, chứ không chỉ là một vài buổi “tâm sự”. Giải pháp quan trọng là phải đưa người trầm cảm đến với đúng chuyên gia dành cho họ. Các nước phương tây ngày nay hầu hết đều có đường dây nóng cho phép kết nối người trầm cảm với các chuyên gia, và cả những đường dây cấp cứu để can thiệp kịp thời (cảnh sát cũng tham gia vào nhiệm vụ này). Việt Nam cũng cần đến các địa chỉ và đường dây như vậy. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần có những chuyên gia được đào tạo về tư vấn sức khỏe tâm thần để làm việc trong nhà trường, hỗ trợ học sinh, sinh viên.

Cần nhìn nhận trầm cảm như một vấn đề xã hội đáng lưu tâm, nhưng đồng thời phải xua tan những định kiến liên quan đến bệnh trầm cảm, để những người mắc phải vấn đề này không cảm thấy tủi thân, mặc cảm, hay e sợ tìm kiếm sự giúp đỡ. Xét cho cùng, căn bệnh này không hiếm hoi đến thế. Theo ước tính năm 2017 của Tổ chức Sức Khỏe Thế giới, hơn 4% dân số thế giới sống với căn bệnh trầm cảm, trong đó phụ nữ, thanh thiếu niên và người cao tuổi là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất.

Trong cuộc sống hiện đại, trầm cảm đang trở thành một vấn đề của một nhóm khá đông, nhưng đáng tiếc chỉ được quá ít người nhắc đến.

Tài liệu tham khảo:

The School of Life, The Importance of a Breakdown. Youtube.

Andrew Solomon, The Noonday Demon: An Atlas of Depression. NY: Scribner.

(đã đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần, số tháng 7, 2018)

 

 

 

One thought on “Khuyết tật của nỗi cô đơn

  1. Pingback: #1 Good reads – Gap Months

Leave a Reply / Hoan nghênh bạn để lại phản hồi

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s