Giới thiệu sách

Giấc mơ Mỹ – Đường đến Stanford

huyen-chip

Cách đây mấy năm, Huyền Chip ra sách. Mình không tìm mua, nhưng tình cờ đọc lướt qua vài chương sách ở nhà bạn, mình không thích mấy. Chủ yếu tại mình là mẫu người hơi bảo thủ, thích văn chương trau chuốt chỉn chu mà em lại viết sách dạng “amateur”, kể lể tràng giang đại hải chuyện đi bụi giá rẻ. Sau đó chuyện em đi bụi trở thành đề tài thị phi, còn em trở thành một đối tượng chỉ trích của những người người lớn em cả chục tuổi. Mình nhủ thầm chắc là họ quá rảnh rỗi nên bày đặt lập quan tòa tấn công một cô gái trẻ. Ở trên mạng, mình thấy người ta mỉa mai, mắng mỏ em như một tội đồ, cứ như thể họ biết rõ về em lắm vậy. Nó làm mình nhớ đến câu nói của một đứa bạn: “người ta hay phán xét những người trẻ hơn mình mà quên rằng khi họ từng đó tuổi, họ cũng từng làm những chuyện ngốc nghếch.”

Bẵng đi mấy năm, giờ Huyền lại ra sách. Lần này không phải là chuyện đi du lịch nữa mà là chuyện em đi học ở Stanford, ngôi trường hàng đầu nước Mỹ nằm ở gần Palo Alto, nơi tập trung những công ty công nghệ hàng đầu thế giới. Đây cũng là nơi đào tạo những nhà sáng chế hoặc doanh nhân tài năng mà sau này trở thành những nhân vật gây ảnh hưởng nhất nước Mỹ, thậm chí là thay đổi thế giới. Lần này thì mình không thể không quan tâm. Mình muốn biết sống và học tập trong một môi trường như vậy thì như thế nào. Và cuốn sách của em không làm cho mình thất vọng: em kể về những thanh niên đầy hoài bão, những người bạn kỳ quặc và đầy tham vọng mà em gặp gỡ hàng ngày ở trường. Mình luôn luôn thích được kết bạn với những người thông minh và độc đáo, và qua miêu tả sống động, dí dỏm của Huyền, mình cảm thấy như mình đang được làm quen với họ qua trang sách vậy. Cách viết của em cũng đã có sự thay đổi: súc tích hơn, sắc sảo hơn, với lối kể chuyện hấp dẫn hơn (hoặc có thể vì mình quan tâm đến câu chuyện lần này của em hơn là chuyện đi du lịch bụi). Em viết với giọng văn trong sáng, tưng tửng, một giọng văn trẻ trung tươi tắn, nhưng đồng thời cũng thể hiện một sự mạnh mẽ và trưởng thành. Rất mừng vì em đã thay đổi, em không còn đi bụi vì cuồng chân nữa, mà đã bị cuốn hút bởi môi trường học thuật và quyết định học lên Thạc sĩ với ước mơ làm điều gì đó có ích và gây ảnh hưởng như những người bạn của mình ở Stanford.

Trưởng thành sau ngàn lần tranh đấu

rando

Ai trong chúng ta cũng có lúc bị chán đời.
Chán đời là bình thường nhưng có nhiều người còn chán đời đến mức không muốn tiếp tục sống.
Điều này cũng bình thường nốt. Đôi khi cuộc sống quá nặng nề, mệt mỏi đến mức ta muốn tìm đến một sự giải thoát.
Thế khi chán đời thì mình nên làm gì?
Giữa lúc đang buồn, cách tốt nhất, lặng lẽ nhất, êm dịu nhất, ít tốn kém nhất, theo mình chính là tìm đến những trang sách. Cuốn sách “Trưởng thành sau ngàn lần tranh đấu” của giáo sư Rando Kim là một lựa chọn phù hợp cho những người trẻ rơi vào tâm trạng ấy.
Đây là một cuốn sách giản dị. Nếu gọi đây là sách self-help cũng có thể đúng, nhưng tác giả không thực sự muốn đưa ra những lời khuyên có tính cực đoan nào cho người đọc cả, mà chỉ đúc rút những chiêm nghiệm của bản thân mà thôi. Đọc cuốn sách này giống như ta lắng nghe một vị tiền bối, một người đi trước tâm sự những kinh nghiệm của họ mà từ đó rút ra bài học cho mình vậy. Sách được kể với giọng tâm tình nhẹ nhàng, được chia làm nhiều chương ngắn, không phải thuyết giảng dài dòng cũng hoàn toàn không giáo điều, dạy bảo. Những người đang buồn đời mà đọc cuốn sách này, mình tin là sẽ được an ủi nhiều phần.
Không phải chương sách nào cũng xuất sắc nhưng có một chương mình nhớ nhất, có tên “Nguyên lý Heinrich của cuộc đời”. Đại ý chương này muốn nói rằng: khi bạn phạm một sai lầm gì đó, hoặc liên tiếp phạm đúng sai lầm đó mà không bị cảnh báo hay trừng phạt, thì đó là họa chứ không phải phúc. Người ta luôn nghĩ “tôi đã làm điều đó 99 lần mà không hề bị sao cả”. Nhưng điều đó đâu có đảm bảo đến lần 100 họ sẽ tai qua nạn khỏi? Đây chính là một trong những lỗi ngụy biện được nhắc tới trong cuốn “Nghệ thuật Tư duy Rành mạch” của Rolf Dobelli mà dịch giả tâm huyết Minh Thi đã góp phần mang đến cho độc giả Việt Nam (!). Cũng giống như khi bạn lái xe quá tốc độ mà không gặp tai nạn vậy. Bạn có thể sẽ cứ tiếp tục lái xe quá tốc độ mãi vì bạn chưa nhận được một bài học nào về chuyện đó. Nếu cứ như thế hoài để rồi một hôm gặp tai nạn nghiêm trọng, thì chẳng phải có một lần bị ngã xe và trầy xước nhẹ vẫn hơn hay sao? Vì như thế, bạn nhận được một bài học và sẽ chú ý lần sau đi xe cẩn thận hơn.

Tôi PR cho PR

toi-pr-cho-pr-1

Tình cờ bước vào nhà sách và cầm cuốn sách này lên đọc vài trang thôi, mình đã bị thu hút ngay và phải mua về (dù mình không thường thích tranh biếm họa như bìa sách).

Mình thích cuốn sách này vì nó thể hiện người viết rất có tâm: để giúp cho người đọc hiểu thấu đáo mục đích, nhiệm vụ của PR và những bí quyết PR hiệu quả, Di Li đưa ra rất nhiều ví dụ thực tế thân thuộc với đời sống để làm minh họa, đồng thời cài vào những khái niệm, lý thuyết chuyên ngành quan trọng của PR. Cuốn sách không dài, nhưng mỗi chương đều được trình bày hết sức cụ thể, rành mạch, với rất nhiều ví dụ sinh động, cho thấy một sự đầu tư và tâm huyết đáng kể của người viết. Chị cũng tỏ ra rất can đảm và quyết liệt khi bàn luận những trường hợp PR thành công và thất bại, những trường hợp “khủng hoảng” trong thực tế mà nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã phải đối mặt, không ngại mất lòng ai cũng không khen ngợi ai lên trời. Chị cho thấy, rất rõ, rằng hiểu biết về PR không chỉ cần thiết cho những người làm trong ngành hay các ngành liên quan, mà còn cần thiết cho mọi người, mọi nhà trong thời đại số ngày nay. Đó đều là những kiến thức quan trọng ai cũng cần phải có để thành công trong cuộc sống và công việc. Đây là một tác phẩm đáng trân trọng của Di Li.

 

 

One thought on “Giới thiệu sách

  1. Em đọc cuốn sách của chị Chip xong , phải nói là e thích vô cùng , đặc biệt là giọng văn của chị ấy , có cái gì rất thu hút em . Em chỉ ước gì cuốn Giấc Mơ Mỹ của chị ấy dài dài thêm một chút , để đọc cho đã ^^
    Cảm ơn chị vì đã viết 1 bài giới thiệu sách hay thế này !

    Like

Leave a Reply / Hoan nghênh bạn để lại phản hồi

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s