Bài viết này đặc biệt dành cho những bạn du học sinh ở nước ngoài muốn đạt điểm cao với các bài luận học thuật, nhưng đồng thời cũng sẽ có ích với các bạn hay phải viết lách dạng biện luận trong công việc, học tập nói chung. Mục đích của mình chỉ đơn giản là truyền đạt lại những kiến thức mình đã tích lũy được sau một năm học Thạc sĩ tại Anh. Vào đề luôn:
1. Hành văn mạch lạc, sáng rõ:
Mình phải nhấn mạnh điều này trước khi đi vào bất cứ bí quyết nào bởi vì mình đang dạy viết cho một số bạn và cảm thấy vô cùng đáng lo ngại. Một số người học của mình có kiến thức tiếng Anh tương đối ổn, khi sửa bài cho các bạn mình không phải lưu ý nhiều về ngữ pháp, nhưng lại phải comment chi chít vào bài. Lý do là vì các bạn có vấn đề về tư duy logic: trình bày ý nọ xọ ý kia, hoặc các ý mâu thuẫn nhau chan chát, hoặc chưa trình bày xong ý 1 đã nhảy sang ý 2 xong tự dưng đang viết ý 3 thì quay trở lại ý 1 (!), dùng ngữ pháp thì không sai nhưng diễn đạt từ ngữ mơ hồ, tối nghĩa. Đọc bài của các bạn này thậm chí còn đau đầu hơn cả đọc bài của những bạn còn nhiều hạn chế về tiếng Anh nhưng biết cách trình bày ý mạch lạc, rõ ràng. Cách khắc phục vấn đề này thì rất khó nhưng ít nhất người học có thể lưu ý một số nguyên tắc sau:
– Trình bày gãy gọn. Khi viết xong, nếu người viết thấy câu cú quá rườm rà khó hiểu thì phải tự sửa lại. Nhiều người viết văn rườm rà, hay dùng những câu dài và nhiều kết nối nhưng tiếng Anh họ đỉnh cao, tư duy họ mạch lạc thì họ muốn viết thế nào cũng được vì đã gọi là giỏi rồi thì ta sẽ không bắt bẻ được. Thế nhưng ai đã tự ý thức mình viết dài viết dai thành ra viết dại rồi, thì nên bớt tỏ ra nguy hiểm: tránh dùng những loại câu và cách diễn đạt rườm rà, phức tạp.
– Mỗi đoạn văn trình bày một ý duy nhất. Không trình bày các ý mâu thuẫn nhau chan chát trong cùng 1 đoạn văn. Cái này rất đơn giản: khi viết các bạn không cần mất thời gian dàn bài công phu, chỉ đơn giản là phác thảo trong đầu hoặc giấy nháp trước xem nội dung toàn bài phải có những ý nào: ví dụ đoạn 1 giới thiệu topic, đoạn 2 trình bày ý a, đoạn 3 trình bày ý b, vân vân,.. Tránh tình trạng trong cùng 1 đoạn văn mà trình bày nhiều ý không hề có sự liên quan đến nhau (dù cho chúng không hề mâu thuẫn với nhau đi nữa).
– Rất nhiều người cho rằng đoạn introduction trong một bài luận không có nhiều ý nghĩa (tùy vào độ dài của bài luận mà intro có thể chỉ là 1 đoạn văn hoặc là 2-3 đoạn văn). Quả thật, đây là phần ta không nên tốn quá nhiều thời gian so với các phần khác trong bài, nhưng intro quan trọng ở chỗ: nó giúp ta xác định nội dung chính của cả bài và quan điểm của tác giả. Nếu như ngay từ đầu, tác giả không làm cho người đọc hiểu rõ bài này đang viết về cái gì và tác giả muốn tranh cãi theo hướng nào, thì phần intro coi như hỏng. Không những chỉ phần đó hỏng thôi mà nó có thể kéo theo cả bài viết hỏng (vì đến cả xác định cái quan trọng nhất mà người viết còn không làm được, thì làm sao đảm bảo nội dung tốt ở thân bài?)
Xong vấn đề cơ bản, giờ là bí quyết thật sự ^^:
2. Tư duy phân tích, tổng hợp:
Có người từng hỏi mình ‘critical thinking’ nghĩa là như thế nào. Thực ra cái này ai google cũng sẽ tự hiểu nghĩa nên mình không đưa ra định nghĩa mà chỉ nêu ra ví dụ. Một người không có tư duy ‘critical’ thì đọc gì họ cũng sẽ chỉ tiếp nhận tới đó, chẳng hạn 1 bài báo chém ngang chém dọc gì cũng tin sái cổ. Nhưng người có critical thinking, đọc cùng 1 bài báo sẽ nhận ra ngay điểm vô lý trong thông tin được đưa ra hay biện luận của tác giả. Ngay cả khi đọc 1 bài viết rất hay, họ cũng sẽ tìm ra những điểm bất hợp lý nhất định. Ví dụ, họ sẽ đưa ra nhận định: “Tác giả B tỏ ra rất sắc sảo khi nhận định rằng .., nhưng điều đó chỉ đúng ở thập kỷ 80 khi tác giả đưa ra nhận định đó, chứ không còn ứng với thời đại thông tin, công nghệ hiện đại ngày nay.” Hoặc: “Tác giả C dường như đã vội vàng và lạc quan quá mức khi cho rằng phổ biến Internet trên diện rộng sẽ tích cực thúc đẩy dân chủ và làm suy yếu chế độ độc tài. Ông quên rằng trên thực tế có rất nhiều quốc gia đã phổ biến Internet nhưng người dân vẫn phải sống dưới ách độc tài chuyên chế do sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền. Lấy ví dụ… (nêu ví dụ đất nước bạn đang sống chẳng hạn). .. Tuy nhiên, lý luận của C rất đáng lưu tâm vì đã chỉ ra được những điểm sáng mà Internet đem lại cho nhiều quốc gia đã nhiều thập kỷ sống trong bóng tối của sự thiếu hiểu biết và tuyên truyền sai lệch – đó là.. (nêu cụ thể những điểm sáng trên).
Lại lấy 1 ví dụ khác. Điểm khác nhau giữa một bài review phim thường thường bậc trung (hoặc dở) và một bài review xuất sắc là gì? Bài review thường thường chỉ nói ra được một bộ phim là hay hoặc dở, bàn về bộ phim này 1 cách riêng lẻ, và không cho thấy một cái nhìn toàn diện về bộ phim. Nhưng một bài review xuất sắc thường cho thấy có sự liên hệ, so sánh giữa bộ phim này và bộ phim khác (ví dụ phim của cùng 1 đạo diễn nên phong cách có điểm tương đồng, các phim tuy cùng một đề tài nhưng lại thể hiện cách nhìn hoàn toàn khác nhau), và luôn đặt nội dung vào bối cảnh nhất định của nó (thời đại, vùng miền).
3. Trích dẫn thật nhiều ông bà:
Ở đây mình đang nói làm thế nào để đạt điểm cao khi viết bài luận nha.
Tại sao phải trích dẫn nhiều? Vì trích dẫn nhiều thể hiện bạn đã thực sự tìm tòi và nghiên cứu về một đề tài nên đương nhiên ăn điểm.
Đối với gần như mọi đề tài mà người ta đặt ra cho bạn, thường đã có không ít những người đi trước tìm tòi và nghiên cứu trước bạn rồi thì tại sao không tận dụng? Có thể họ không trực tiếp trả lời đúng chính xác câu hỏi dành cho bạn, nhưng những gì họ đã nghiên cứu có thể liên quan rất mật thiết với những gì bạn phải viết. Trích dẫn các học giả chính là cách bạn thể hiện sự trân trọng đối với những di sản thông tin họ để lại cho bạn, đồng thời là cách giúp bạn tìm kiếm ý tưởng mới cho riêng mình (chẳng hạn bạn có thể ngạc nhiên khi nhận thấy một tuyên bố hoặc dự báo được đưa ra 100 năm trước vẫn còn đúng với thực tế cuộc sống trong thời điểm hiện tại). Nếu như bạn ngồi trước màn hình máy tính suốt 30 phút mà không nghĩ ra nổi câu trả lời nào thú vị cho câu hỏi, thì điều mình khuyên không phải là bạn cứ cắm đầu cắm cổ vào mà viết, mà chính là tìm đọc các tài liệu có liên quan đến câu hỏi của bạn. Bạn sẽ thấy mình nảy ra vô số ý tưởng trong đầu khi đọc lý luận của người đi trước vì thường thì họ hiểu biết và thông thái hơn bạn nhiều.
Tuy nhiên, xin lưu ý là có trích dẫn thì cũng phải trích dẫn một cách thông minh. Không thể trộn lẫn vô tội vạ một mớ hổ lốn vào với nhau mà nghĩ rằng mình đã làm tốt được. Cần phải có tư duy phân tích, so sánh, tổng hợp mà mình nói ở trên. Ví dụ: 100 năm trước, ông A đã đưa ra nhận định làm khuynh đảo giới nghiên cứu hóa học khi nói rằng.. Lý luận này bị ông C bác bỏ với những lý do nghe có vẻ rất thuyết phục như x, y, z. Tuy nhiên ông C khi đó đã không ý thức được rằng.. Thiếu sót của ông C sau này đã được nhà hóa học D chỉ ra, từ đó mở ra một hướng tư duy mới trong… Ngày nay, nhiều nhà khoa học khác đã vận dụng nhiều phương pháp khác nhau để chứng minh rằng nhận định của A từ 100 năm trước là hoàn toàn có cơ sở vì… (Uhm đại khái là mình bịa ra thế, nhưng các bạn hình dung được phải không nhỉ?).
Uhm thôi tạm dừng bút hôm nay vì đã hơn 1600w. Hic.
cảm ơn chị nhìu lắm, mừng wa, em sắp phải nộp bachelor thesis, đọc bài này thấy có ích ghê lun!!! đúng là good timing hehe
LikeLike
Viết thesis thì còn đòi hỏi level cao hơn nữa em ạ. 😀
LikeLike