Thú nhận thành thật: từ những năm 18 tuổi, tôi đã cảm thấy mình thật.. bất hạnh vì được sinh ra ở một nước kém phát triển. Nỗi bất mãn ấy chưa bao giờ giảm “nhiệt” đi, mà qua thời gian ngày càng mãnh liệt hơn. Cho đến khi tôi đi làm, rồi bắt đầu “bập” vào sở thích đi du lịch tốn kém, nghĩa là đã được đặt chân đến và chứng kiến cuộc sống ở thế giới tư bản, nỗi bất mãn ấy được chuyển hóa thành một sự quyết tâm: ít nhất phải tìm cách khám phá và tận hưởng cuộc sống ở một đất nước phát triển và văn minh trong một thời gian. Cụ thể hóa, thì ở đây chính là mục tiêu đi du học và du lịch thật nhiều.
Tâm sự dài dòng như trên để nói rằng: quả tình tôi thuộc nhóm người tương đối tiêu cực trong cách nhìn nhận về đất nước mình. Thế nhưng, khi tôi đã đạt được mục đích là đi du lịch nhiều và du học rồi, có nhiều điều mới mẻ khiến tôi muốn thay đổi cách nhìn tiêu cực của bản thân. Mặc dù tôi vẫn cho rằng Việt Nam là một nước kém phát triển, và rằng chất lượng cuộc sống ở VN còn thấp, nhưng tôi nhận ra: là công dân Việt Nam cũng không tệ như nhiều người ca thán. Bởi vì điều quan trọng mà tôi hiểu ra khi sống ở nước ngoài đó là: dù bạn thuộc dân tộc nào và đến từ nền văn hóa nào, những gì sâu thẳm thuộc về nền văn hóa đó vẫn đi theo bạn. Nói một cách khác, nguốc gốc và toàn bộ cuộc sống cũng như mọi trải nghiệm của tôi ở Việt Nam làm nên bản sắc con người tôi, làm nên sự khác biệt của tôi và phân biệt tôi với vô vàn con người khác.
Khi tôi đi chơi với một người bạn Anh, ban đầu tôi có chút xíu ghen tị với cậu ấy. Cậu là cử nhân của một trường đại học hàng đầu thế giới, từ nhỏ đã được thụ hưởng những gì tinh túy nhất cuộc về văn hóa Anh, đã xây dựng cho mình một đời sống tinh thần phong phú với đầy những hoạt động giải trí đầy thú vị hàng tuần ở London. Cậu ta là một người Anh điển hình: rất tự hào về nước Anh và những di sản văn hóa nghệ thuật của nước Anh. Xét cho cùng, được sinh ta tại một đất nước như nước Anh thì quả cũng đáng tự hào thật (!).
Nhưng cần phải lưu ý một điều: cậu ta không tạo ra những di sản ấy, mà là người được thừa hưởng. Hơn nữa, cậu ta có một “nhược điểm” là: chỉ quan tâm đến nước Anh và EU, không hiểu gì mấy về phần còn lại của thế giới (và cũng không có nhu cầu tìm hiểu).
Khi tôi so sánh mình với cậu ấy, tôi nhận ra: ồ hóa ra mình cũng có điểm may mắn. Đương nhiên là tôi rất khâm phục sự tài giỏi của cậu, nhưng tôi cũng nhận ra niềm đam mê, sự hiểu biết của cậu ấy chỉ hạn chế ở một khu vực mà thôi. Tôi thấy tự tin khi biết rằng: trải nghiệm cuộc sống của mình phong phú hơn cậu ấy. Bởi vì tôi được sinh ra ở Việt Nam, những gì thuộc về Việt Nam dường như đã ngấm vào máu tôi, và tạo nên con người tôi. Nhưng cũng bởi tôi khát khao được khám phá cái thế giới tư bản văn minh kia, nên tôi đã dành vô số thời gian (cụ thể là hơn một thập kỷ) tự giáo dục bản thân để thành thạo một ngôn ngữ khác là tiếng Anh, và cảm nhận, tìm hiểu những nền văn hóa phương Tây. Nhờ đi du lịch nhiều nơi khác nhau, tôi có sự hiểu biết nhất định về thế giới – đương nhiên không phải là sự hiểu biết hoàn toàn đúng đắn và trọn vẹn – nhưng là một cái nhìn toàn diện hơn về một số vấn đề từ Á sang Âu. Trong tôi có hai con người: một bản sắc Á đông đã ăn vào máu, và một con người cởi mở, đầy hiếu kỳ và sẵn sàng tiếp nhận cái mới (thực ra con người tôi cũng đã có 50% giống người phương tây ở lối sống mất rồi) Bản sắc Á đông mà tôi nói, thực ra rất khó để diễn tả. Bạn muốn hiểu được nguồn gốc của bạn có ý nghĩa với bạn như thế nào, thì buộc lòng bạn phải rời khỏi quê hương của mình một thời gian. Khi đó, dần dần bạn sẽ nhận ra: à, trong tình huống này thì mình thích cách ứng xử kiểu châu Á hơn; mình thích ăn đồ Việt Nam hơn mọi thứ đồ ăn trên thế giới; hóa ra bờ biển ở tây cũng chẳng đẹp hơn gì so với bờ biển ở Việt Nam; hóa ra di sản văn hóa XYZ trông cũng không đẹp hơn Vịnh Hạ Long của mình, v.v.. Hay chỉ đơn giản là cách nói năng, tám chuyện của người Việt đem lại cảm giác hoàn toàn khác với khi giao tiếp với bạn bè nước ngoài. Đó là một cảm giác gần gũi thân thương không thể cắt nghĩa được.
Nói thế không có nghĩa là bạn phải thấy đặc biệt tự hào khi là người Việt Nam (tôi thấy cũng bình thường thôi không có gì phải xấu hổ hay tự hào :3), mà là để cảm nhận những gì mình đã được thụ hưởng khi được là công dân Việt Nam. Và bản thân tôi cũng ý thức được rằng: nhiều bạn nước ngoài thích chơi với tôi không chỉ vì tôi giống họ ở nhiều điểm, mà còn vì tôi cũng rất khác họ.
Và một điều này nữa, rất quan trọng: bởi vì tôi đã được sinh ra và lớn lên ở thế giới thứ ba, mà tôi lại có điều bất mãn như đã nói ban đầu, nên tôi phải nỗ lực không ngừng cho ước mơ của mình, và khi đạt được nó, tôi cảm thấy vô cùng trân trọng và biết ơn. Nó rất khác với việc khi bạn sinh ra và lớn lên, bạn đã được thừa hưởng mọi thứ ưu đãi mà cuộc đời ban tặng, và vì thế bạn coi những điều bạn có là đương nhiên.
Khi đó tôi mới nhận ra: những khó khăn trắc trở trong cuộc đời tôi quả cũng có một ý nghĩa nào đấy. Chúng khiến cho tôi trở nên quyết tâm hơn, kiên cường hơn, và mang đến cho tôi những trải nghiệm phong phú. Suy cho cùng, xuất thân của bạn có thể thua thiệt so với người khác, nhưng nỗ lực vẫn có thể giúp bạn thay đổi sự thua thiệt đó. Theo nghĩa ấy, tuy tôi chẳng có tài sản gì quý báu, hay địa vị nào cao sang trên cuộc đời, nhưng tôi vẫn ‘giàu có’ theo cách của riêng mình.
Khi nghĩ về điều đó, lần đầu tiên tôi cảm thấy biết ơn vì mình là người Việt Nam.
P/s: Sau này, dù tôi có bất mãn với đất nước của mình đến thế nào, mỗi khi đi chơi với bạn bè quốc tế, tôi lại cố gắng giới thiệu những điều tốt đẹp nhất (trừ khi lỡ có bàn về chính trị, trong trường hợp đó tôi sẽ thành thật). Tôi không muốn những cảm giác tiêu cực của mình, mà nhiều khi chỉ là cảm giác cá nhân không đại diện cho một ai, thậm chí có thể còn là thiếu khách quan, làm ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước trong mắt bạn bè nước ngoài. Họ chắc chắn đã đọc, đã nghe đủ thứ chuyện không đẹp về đất nước của tôi rồi, nên tôi muốn cho họ thấy những điều khác với những gì họ đã biết. Tôi giới thiệu cho họ những bộ phim Việt Nam đáng xem có hình ảnh đẹp của Việt Nam, mô tả những nét đặc trưng văn hóa của Việt Nam. Tôi rủ họ đi ăn ở nhà hàng Việt Nam, tôi kể cho họ nghe thời tiết Việt Nam từ miền Nam đến miền Bắc có sự đa dạng thế nào để hình thành nên những địa hình và thắng cảnh đặc trưng khác nhau đến vậy. Tôi muốn chính mình cũng là một hình ảnh đại diện tốt đẹp của đất nước.
*Theo tôi được biết từ thời điểm Việt Nam được công nhận là đất nước có thu nhập trung bình thấp, người ta đã bắt đầu xếp Việt Nam vào nhóm thế giới thứ hai (whatever it means), nhưng theo quan niệm của tôi thì Việt Nam vẫn còn lạc hậu lắm, đáng bị gọi là thế giới thứ ba.)
Bài viết hay thật
LikeLiked by 1 person
Cám ơn bạn. 🙂
LikeLike
cảm ơn bài viết của chị, một cái nhìn rất khách quan.
LikeLike
Cảm ơn bài viết của chị ạ. Khá hay và sâu sắc
LikeLiked by 1 person
Bài viết hay quá ạ, chị cho phép em share lại trên wordpress của em nhé.
LikeLike
Hi em, cám ơn em nhé. Em cứ dẫn link lại về blog chị là được rồi em ạ. 🙂
LikeLike