
Hoàng hôn Istanbul nhìn từ cung điện Topkapi
Trước khi đến Istanbul, vì công việc bận rộn nên tôi không có nhiều thời gian tìm hiểu thấu đáo về lịch sử, văn hóa của thành phố. Bởi lẽ đó, Istanbul hiện lên trong mắt tôi xinh đẹp, thơ mộng nhưng xa lạ vô cùng. Tôi chỉ là một người ngoại quốc tha thẩn trong một thành phố lạ, chẳng biết gì hơn về nơi mình lang thang ngoài những kiến thức phổ thông cơ bản nhất từ một cuốn cẩm nang du lịch bỏ túi. Sự thiếu hiểu biết đó, về một mặt nào đó, hóa ra lại là một lợi thế, như Orhan Pamuk, nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ đoạt giải Nobel từng viết: “để yêu quý những con phố nhỏ của Istanbul, trân trọng những hàng cây đem lại vẻ duyên dáng bất ngờ cho những tàn tích của thành phố, điều kiện đầu tiên và quan trọng nhất, bạn phải là một kẻ lạ với nơi này.”
Quả thực, Istanbul trong mắt tôi mang một vẻ lạ lẫm khác hẳn với mọi nơi tôi từng đến, cho dù là ở Châu Á hay Châu Âu (dù người ta vẫn nói Istanbul là nơi giao thoa giữa Đông và Tây). Không phải là vẻ đẹp lung linh, tráng lệ khiến ta phải ngưỡng vọng như Paris, London, hay Praha, mà là nét đặc trưng riêng không lẫn vào đâu được. Istanbul không chỉ đẹp, mà còn vô cùng độc đáo. Vẻ đẹp của Istanbul phản ánh một thứ văn hóa trong lành tưởng như không nhuốm chút gì ô nhiễm của toàn cầu hóa, mà chỉ là tiếp thu những gì hiện đại, văn minh nhất của phương Tây. Vẻ đẹp ấy thầm lặng mà quyến rũ đến nao lòng, không phải kiểu đẹp khiến người ta xuýt xoa, ca tụng mà đẹp đến mức ta phải buông ra một tiếng thở dài: đẹp như Istanbul!

Chợ lớn
Thành phố của những bất ngờ
Trong một bài báo tôi từng đọc trên một tờ báo Anh, người ta ca ngợi Thổ Nhĩ Kỳ là đất nước Hồi giáo duy nhất “làm nên chuyện”, ý muốn khen ngợi không chỉ sự phát triển kinh tế (Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những thành viên sáng lập của khối OECD, đồng thời nằm trong khối NATO và G-20), mà còn ám chỉ những thành tựu về văn hóa, nghệ thuật và tiến bộ xã hội của quốc gia này (so với những nước giàu có như Ả Rập Saudi hay UAE). Về lý thuyết mà nói, Thổ Nhĩ Kỳ không phải là một quốc gia Hồi giáo mà là một nước cộng hòa dân chủ thế tục, nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ không có quốc giáo chính thức, thế nhưng khoảng 95% dân số lại là người theo đạo Hồi. Đáng lưu ý, phụ nữ theo đạo Hồi tại Thổ Nhĩ Kỳ không bị bắt buộc phải quàng khăn trùm đầu, họ có thể lựa chọn luôn luôn quàng khăn, hoặc chỉ làm vậy khi cầu khấn mà thôi. Người ta vẫn nghĩ về thế giới Hồi giáo với một ấn tượng xấu về sự lạc hậu, về những hủ tục cản trở quyền tự do của con người, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ lại cho thấy một hình ảnh đẹp và văn minh, có chút gì gần với thế giới Tây Phương hơn cả. Đất nước này là minh chứng cho thấy yếu tố quyết định không phải tôn giáo, mà là khả năng lãnh đạo và nội lực của mỗi quốc gia. Thành phố Istanbul, với vị trí chiến lược trên con đường Tơ lụa, chính là hình ảnh đại diện cho một Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại ngày hôm nay.
Istanbul được chia làm hai nửa dọc eo biển Bosphorus: bờ Châu Âu nơi tập trung phần lớn các di tích quan trọng nhất của thành phố, và bờ Châu Á yên ả thường bị nhiều du khách bỏ qua (một quyết định tôi cho là sai lầm, bởi đây chính là nơi có quận Kadikoy, một khu trung tâm văn hóa nghệ thuật ẩn chứa vô số điều thú vị). Istanbul có một hệ thống giao thông công cộng tương đối quy củ, với mạng lưới tàu điện ngầm đang ngày càng được mở rộng và hệ thống xe điện trên mặt đất (tram) và xe buýt hoạt động khá hiệu quả. Đường phố tương đối sạch sẽ, gần với ‘tiêu chuẩn’ của nhiều thành phố tại Đông Âu. Đồ thủ công mỹ nghệ được bày bán tại đây rất đẹp, khiến nhiều du khách không thể “cầm lòng” những sản phẩm sành sứ tinh xảo và các loại đồ lưu niệm độc đáo.

Trong khuôn viên cung điện Topkapi
Những địa điểm tham quan nổi tiếng nhất tại Istanbul tập trung tại khu phố cổ thuộc bờ Âu được UNESCO công nhận là khu di sản văn hóa thế giới từ năm 1985. Đây là nơi tọa lạc của Hagia Sophia – một nhà thờ Cơ Đốc lớn sau này được chuyển thành đền thờ Hồi giáo, nay có vai trò như một bảo tàng; nhà thờ Hồi giáo Sultan Ahmed (hay còn gọi là Thánh Đường Xanh); Cung điện Topkapi – một trong những nơi định cư chính của các hoàng đế thời Ottoman và dãy tường thành Constantinope – dãy tường đá bao phủ thành phố Constantinope xưa kia (Istanbul ngày nay). Tại đây đồng thời lưu giữ một kỳ quan lý thú – hầm chứa nước Basilica được xây dựng dưới lòng đất vào thế kỷ thứ VI dưới thời Đế quốc Byzantine. Trong căn hầm rộng bằng kích thước một nhà thờ này có 300 cột đá hoa, với điểm thu hút sự chú ý nhất là hai bức tượng đầu quỷ Medusa, được coi là kiệt tác nghệ thuật điêu khắc thời La Mã cổ đại, với xuất xứ bí ẩn. Những điểm tham quan ấy phần nào cho thấy nghệ thuật kiến trúc đặc sắc của Istanbul qua các thời kỳ, mỗi nơi lưu giữ những câu chuyện kỳ thú cùng muôn vàn điều bí mật.
Địa điểm hiện đại nhất mà tôi đến tham quan tại Istanbul, cũng là một trong những bất ngờ thú vị nhất trong chuyến thăm của tôi là Istanbul Modern, một viện bảo tàng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật đương đại tọa lạc bên bờ eo biển Bosphorus. Viện bảo tàng đáng được coi là niềm tự hào của Istanbul này lưu giữ một bộ sưu tập ấn tượng những tác phẩm hội họa, điêu khắc quý giá khiến khách tham quan phải thán phục trước tài năng sáng tạo của các nghệ sĩ Thổ Nhĩ Kỳ và quốc tế. Đây chính là một trong những minh chứng tiêu biểu khẳng định vị trí của Istanbul như một trung tâm nghệ thuật khu vực, nơi tụ hội những tài năng nghệ thuật của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các nghệ sĩ tìm đến từ Châu Âu và Trung Đông.

Bên trong Istanbul Modern
Với một bề dày văn hóa lịch sử giàu có, Istanbul không thiếu những địa điểm khiến du khách phải say mê và thán phục. Thế nhưng, những gì đẹp nhất, thú vị nhất thuộc về thành phố không chỉ thuộc về trong những di sản ấy. Ký ức ngọt ngào nhất đọng lại trong tâm trí của tôi về Istanbul không phải là những di tích lịch sử hoành tráng, mà là những những con phố nhỏ khuất nẻo nơi tôi đã dành nhiều giờ lang thang không mục đích. Bởi lẽ, những con đường thưa thớt người lại qua ấy ẩn chứa vô vàn “bí mật” đáng yêu của thành phố: những cửa hiệu vintage bán vô thiên lủng các loại đồ thủ công mỹ nghệ xinh xắn và sách báo cũ, những ngôi nhà dân với màu sơn tường sặc sỡ và khung cửa sổ đủ loại hoa văn đỏm dáng, và những cửa hàng boutique bán những món đồ thời trang độc đáo. Lang thang trên những con phố nhỏ còn đem lại một cái thú đáng kể, đó là.. ngắm mèo. Trong một bài báo gần đây, tờ The Wall Street Journal đã chơi chữ khi gọi Istanbul là “Catstantinople”, nơi những chú mèo xinh đẹp đã trở thành “một phần của nội thất” trong những nhà hàng và quán cà phê, và thậm chí được coi là những nhân vật đặc biệt góp phần làm nên linh hồn của thành phố.

Bên ngoài một cửa hàng đồ cũ
Trong lòng mỗi du khách đều lưu giữ một địa điểm đặc biệt mà họ yêu thích nhất tại Istanbul, nhưng có lẽ phần lớn đều phải nhất trí với tôi rằng: chốn đẹp nhất, thơ mộng nhất chính là eo biển Bosphorus, nơi ngăn cách đôi bờ Á – Âu. Vào những ngày trời quang, dạo quanh bờ Bosphorus là ta sẽ được chiêm ngưỡng màu xanh trong của biển Địa Trung Hải hòa quyện với màu trời xanh ngắt, tạo thành một bức tranh phong cảnh đẹp đến xao lòng. Để rồi khi đêm xuống, khi những ánh đèn được thắp lên và cầu Ataturk đổi màu lung linh, Istanbul hiện lên lộng lẫy và duyên dáng như một giấc mơ.

Tranh lát gạch tại một ga tàu điện ở Istanbul
Và một Istanbul cởi mở..
“Istanbul không phải là một tập hợp vô danh của những cuộc đời khuất sau những bức tường – một rừng các căn hộ kề sát bên nhau nơi không ai biết ai vừa mới chết hoặc ai đang ăn mừng chuyện gì – mà là một quần đảo các khu dân cư nơi tất cả mọi người đều biết nhau.” Orhan Pamuk từng viết như thế về thành phố của mình trong hồi ký “Istanbul”. Có lẽ, ông đã dùng lối viết thậm xưng để làm nổi bật phong cách sống của cư dân thành phố, nhưng những người đã từng đến Istanbul sẽ không khỏi bật cười mà công nhận rằng: những gì ông miêu tả có lẽ không quá xa sự thật!
Chỉ sau mấy ngày lang thang một mình ở Istanbul, tôi đã được vài chục anh chàng người Thổ làm quen, hỏi thăm, thậm chí mời ăn tối. Nếu tôi ghé qua một cửa tiệm và nán lại lâu quá ba phút, thế nào chủ tiệm cũng mời tôi dùng trà (có lẽ không cần chờ đến ba phút). Vì thói quen này của người địa phương, bạn có thể yên tâm rằng mình không nhất thiết phải gọi trà Thổ khi vào nhà hàng để được thưởng thức món đồ uống này, mà cứ đến Thổ là thế nào cũng có người mời bạn. Thế rồi, khi cốc trà của bạn sắp hết, thế nào người ta cũng mang đến cốc trà tiếp theo để giữ bạn ở lại. Câu chuyện mời trà của nhà văn trào phóng Aziz Nesin mà tôi vẫn nghĩ là hoàn toàn hư cấu hóa ra lại dựa trên sự thật: khi người Thổ mời trà, bạn không thể chối từ.
Không chỉ trong cách chia sẻ đồ ăn thức uống, lối nói chuyện của người Istanbul cũng vô cùng cởi mở. Họ thẳng thắn bày tỏ quan điểm về mọi thứ trên đời, cho dù là những lời nhận xét mang tính chê bai hoặc chỉ trích, hay tán dương. Khi tôi hỏi một chủ tiệm bán thảm vì sao tiếng Anh của ông lại tốt đến như vậy, ông thành thật trả lời rằng ông đã từng hẹn hò với nhiều cô gái Anh – Mỹ, đồng thời khẳng định rằng hẹn hò là cách tốt nhất để nâng cao ngoại ngữ!
Hóa ra, Istanbul mang vẻ ngoài hiện đại, văn minh của một thành phố phương tây, với những gương mặt mang vẻ đẹp đậm nét Âu Châu, mà những cư dân của thành phố lại mang tâm hồn, tính cách đầy Á đông như vậy đấy.
(Bài đã đăng trên ‘Thể thao Văn hóa & Đàn Ông’)
Chào Thi,
Cảm ơn bài viết của Thi trước đã, viết dễ đọc ghê :D. Mình đang ở UK, trước khi về VNam thì mình dự định đi TNK rồi mới về. Theo Thi thì mình có nên bay từ UK-TNK-VN không hay là đi TNK rồi về lại UK rồi mới VN? Mình đang sợ hành lý lỉnh kỉnh hay mang vác đủ thứ ở TNK thì không biết có an toàn không?
Mình định ở TNK khoảng 4-5 ngày, Thi cho mình hỏi áng chừng chi phí ăn ở đi lại khách sạn vui chơi ở TNK là khoảng bao nhiêu một ngày được không, mình chỉ định đi vòng vòng ngó nghiêng và xem bảo tàng và ăn bánh uống trà là chủ yếu.
Cảm ơn T.
LikeLike
Mình thấy đi về VN mà nhân thể lại vào NTK thì cũng mệt vì lỉnh kỉnh hành lý, lỡ có mất mát gì thì lại phức tạp. Nói chung tùy bạn thấy thế nào tiện thì làm thôi. 🙂
Hồi ở Istanbul thì mình ở nhờ nhà bạn ở đó nên ko mất tiền ở, nhưng mình nghe nói thuê khách sạn ở đó cũng không đắt mấy. Về tiền đi chơi thì mất tấm 7-800k đến 1 triệu 1 ngày, tất nhiên có thể rẻ hơn nếu bạn tiết kiệm nhưng thôi bạn cứ để budget là 1-1.5 triệu 1 ngày đi để đi chơi cho xông xênh. 🙂 Nói chung Thổ thì rẻ thôi không đắt đỏ như Tây Âu đâu bạn.
LikeLike
Mình may quá, đang lang thang tìm thông tin về Istanbul thì gặp bài viết của bạn Thi, thật tuyệt!
Bạn viết hay quá càng làm thôi thúc ý định du lịch một chuyến để chiêm ngưỡng Istanbul. Chỉ lo một điều là hành trình xa quá, lại transit
LikeLike