Ai cũng là người tị nạn

Photo: AG News

Photo: AG News

Vấn đề người tị nạn đang thu hút rất nhiều quan tâm (bao gồm quan ngại) tại Châu Âu cũng như trên thế giới, tôi xin đăng lại bài viết của mình cho mục Góc Nhìn của VnExpress để bày tỏ ý kiến cá nhân với tư cách một người quan sát về chủ đề này.

Tháng trước, một cặp vợ chồng người Anh rủ tôi tham gia một cuộc diễu hành phản đối chính sách gần như đóng cửa với di dân của Thủ tướng Anh với sự tham gia của 10.000 người đang sống tại London, trong bối cảnh làn sóng dân tị nạn chiến tranh Syria đổ về châu Âu ngày một đông.

Người diễu hành hô vang khẩu hiệu: “Người tị nạn được chào đón tại đây”, thậm chí còn đồng thanh hát bài hát chào đón dân tị nạn. Nhiều người giơ cao những biểu ngữ đầy ý nghĩa như “Chúng ta đều bình đẳng”, “Từ bỏ đường lối chính trị sợ hãi”, “Hãy trích từ tiền của nhóm 1% giàu có nhất”,.. Có những người dắt theo con nhỏ hoặc đi cùng gia đình để đồng lòng thể hiện sự ủng hộ đối với người tị nạn.

Cùng ngày, tôi đi ăn tối với một anh bạn là người Anh gốc Hoa và kể lại sự việc trên. Bạn tôi nói rằng anh ủng hộ tiếp nhận dân tị nạn vì bản thân anh trước đây, khi chỉ còn là một em bé, đã được nước Anh cưu mang, và theo một cách nào đó anh cũng là dân tị nạn. Câu nói ấy của anh làm tôi nhớ đến một khẩu hiệu rất hay mà tôi từng được nghe: “Chúng ta ai cũng là người tị nạn.”

Thái độ của những người mà tôi đã gặp ở London đối với vấn đề tị nạn khiến tôi cảm động. Tôi thấy ngạc nhiên khi họ bày tỏ niềm lạc quan và nhân ái thay vì nghi ngại trước những vấn đề liên quan đến người tị nạn. Tuy nhiên tôi cũng gặp nhiều người khác, trong đó có đồng bào tôi, phản đối việc tiếp nhận người di cư. Nhiều người quan ngại rằng tiếp nhận tị nạn sẽ mở cửa cho làn sóng dân nhập cư có khả năng ảnh hưởng đến an ninh chung châu Âu. Những người khác cho rằng việc tiếp nhận có thể khiến châu Âu phải trả cái giá đắt sau này do nguy cơ khủng bố, khả năng ảnh hưởng đến đời sống văn minh của dân bản xứ, thậm chí là ảnh hưởng đến bản sắc văn hóa của quốc gia tiếp nhận.

Rất nhiều người Việt đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài, vừa thụ hưởng sự văn minh của nước bạn vừa đồng thời đóng góp cho quê hương theo cách của riêng họ. Khi trở thành người lao động hoặc doanh nhân lương thiện, họ cũng đóng góp tích cực cho xã hội của nước đó. Nhưng trước khi có được cuộc sống ổn định và vị thế xã hội, những người Việt di cư này đã bắt đầu gây dựng cuộc sống mới nhờ sự chào đón của dân bản xứ và hỗ trợ của chính phủ chủ nhà.

Những người phản đối dân tị nạn có thể lý luận rằng họ không hề kỳ thị mà chỉ không “ngây thơ” như những người ủng hộ mà thôi. Thực ra, những người ủng hộ tị nạn không hề ngây thơ. Tôi tin rằng hầu hết mọi người đều ý thức được những rủi ro đi kèm việc tiếp nhận di dân, và không quên những vụ khủng bố hay bạo động do người nhập cư gây ra tại châu Âu. Tuy nhiên, số di dân gây ra những vụ việc như thế chiếm một phần rất nhỏ trong số người nhập cư vào châu Âu. Không thể chỉ vì một số phần tử cực đoan “làm rầu nồi canh” mà đổ oan cho những người nhập cư chỉ lo mưu sinh và tuân thủ luật pháp. Hơn nữa, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, tôi nghĩ di cư nên được coi là một xu hướng tất yếu hơn là một hiểm họa.

Đa dạng hóa không nên bị xem như một mối đe dọa, khi mà mỗi cư dân của một quốc gia, theo cách của mình, đều đang đóng góp vào sự phát triển chung của quốc gia đó, cho dù công việc của họ thuộc nhóm trí thức bậc cao hay lao động giản đơn. Chỉ tính riêng tại Vương quốc Anh, theo ước tính được công bố cuối năm ngoái của các nhà nghiên cứu thuộc University College London và University of Milan, những người nhập cư từ các nước châu Âu khác vào Anh đã đóng góp hơn 4 tỷ bảng vào tổng thu nhập của nhà nước trong giai đoạn 1995-2011, một con số được tờ The Economist đánh giá là hết sức tích cực.

Những người ủng hộ nhập cư mà tôi đã gặp ý thức rất rõ những rủi ro của việc tiếp nhận, nhưng quan điểm của họ luôn là ưu tiên cứu người. Bởi lẽ, đối với một quốc gia, tiếp nhận dân tị nạn là một vấn đề mang tính rủi ro, nhưng các rủi ro vẫn có thể ngăn chặn hoặc hạn chế tối đa nhờ vào quản lý tốt. Với mỗi người tị nạn, việc có được tiếp nhận hay không là vấn đề sinh tử.

Leave a Reply / Hoan nghênh bạn để lại phản hồi

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s