Hình ảnh quốc gia?

gracie jewellery hanoverian tiara

Source: graciejewellery.blogspot.com

 

Sự kiện Nguyễn Cao Kỳ Duyên đăng quang Hoa hậu Việt Nam đã dấy lên một làn sóng dư luận trên các phương tiện truyền thông xã hội. Nhiều người tỏ ý không bằng lòng, thậm chí “bức xúc” khi Hoa hậu Việt Nam năm nay, theo họ, là không hề xứng đáng với danh hiệu vì em không đủ xinh đẹp.

Tôi thì nhớ rằng, chưa có năm nào tổ chức Hoa hậu Việt Nam mà người ta không chê bai người chiến thắng, dù ít dù nhiều. Lúc nào cũng có một số đông tỏ ý không bằng lòng với lựa chọn của ban giám khảo, vì người ta kỳ vọng hoa hậu phải là một cô gái vừa có gương mặt đẹp vừa có thân hình đẹp, vừa có tâm hồn đẹp vừa phải có trí tuệ, vừa có nét đẹp thuần Việt lại còn có vẻ ngoài rạng rỡ đủ để gây ấn tượng tại các cuộc thi quốc tế. Phần lớn các hoa hậu sau khi đăng quang đều phải gánh “bão” dư luận vì không cô nào hoàn hảo cả. Người có gương mặt được cho là đẹp thì lại bị chê vóc dáng không chuẩn, người có nét đẹp hài hòa thì bị “soi” học bạ và bị chê bai về tri thức.

Tất cả chỉ vì quan niệm phổ biến cho rằng, hoa hậu là một bộ mặt của đất nước, cho nên bộ mặt ấy nhất quyết phải thật đẹp – không chỉ đủ đẹp để người dân trong nước tự hào, mà còn phải đủ đẹp để bạn bè quốc tế trông vào ngưỡng mộ. Tôi thấy có người còn bức xúc đến mức cho rằng hoa hậu mà nhan sắc tầm thường như thế thì chỉ tổ…làm xấu đi hình ảnh quốc gia, làm xấu đi hình ảnh của phụ nữ Việt Nam.

Tôi tự hỏi, liệu dư luận có cực đoan quá hay không. Nói theo cách nói hiện đại bây giờ, thì hình như nhiều người đang “nâng tầm quan điểm”. Tôi xin miễn bình luận về chuyện Kỳ Duyên có xứng đáng hay không vì sắc đẹp là một khái niệm khá mơ hồ và mang tính chủ quan, mà chỉ xin đặt một câu hỏi: từ bao giờ, mà một nữ sinh 18 tuổi mới chập chững vào đời lại có thể đại diện cho một quốc gia để người ta trông vào bình phẩm xem nhan sắc của phụ nữ nước ấy như thế nào, hay vẻ đẹp tâm hồn, trí tuệ của phụ nữ nước ấy ra sao?

Rất nhiều người cho rằng, Hoa hậu Việt Nam phải là một phụ nữ hoàn hảo để đại diện cho Việt Nam thi thố tại các cuộc thi quốc tế. Nhưng có lẽ không nhiều người biết rằng, chính cộng đồng quốc tế lại chẳng mấy coi trọng những cuộc thi hoa hậu. Ngoại trừ một số quốc gia nổi tiếng “ám ảnh nhan sắc” như Hàn Quốc hay Venezuela, nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển phương tây, không còn coi trọng cuộc thi hoa hậu nữa. Truyền thông nước ngoài có nhiều ý kiến cho rằng các cuộc thi sắc đẹp giờ đây đã lỗi thời và hạ thấp phái nữ vì chúng đánh giá, chấm điểm phụ nữ theo những tiêu chuẩn chung của xã hội, từ đó khiến họ bị áp lực phải đạt được những tiêu chuẩn đó. Bạn bè người nước ngoài của tôi thì nói rằng, họ hiếm khi xem các cuộc thi sắc đẹp, cũng chẳng nhớ hoa hậu nước mình là ai, trừ những cô đã đạt được thành tựu trong lĩnh vực khác như nghệ thuật hay điện ảnh; và nếu có xem hoa hậu, thì họ cũng chỉ xem để mua vui vài trống canh.

Một bài báo trên New York Times, tờ báo lớn nhất nước Mỹ, được xuất bản vào giữa năm nay, đã lên tiếng chỉ trích việc tổ chức cuộc thi Hoa hậu Mỹ, và cho rằng nên chấm dứt những cuộc thi sắc đẹp, vì chúng nuôi dưỡng một khuôn mẫu lỗi thời về vẻ đẹp của phụ nữ. Tác giả bài báo, nhà văn Courtney E. Martin , chỉ ra rằng vẻ đẹp thực sự của người phụ nữ không thể chấm điểm được, mà vẻ đẹp ấy hình thành qua những năm tháng người phụ nữ vượt qua những sóng gió cuộc đời, và những trải nghiệm ấy sẽ để lại dấu ấn trên gương mặt người phụ nữ – tạo nên những ấn tượng đặc biệt. “Đó là bởi vẻ đẹp chân thực, tinh vi, rạng ngời không thể bị chấm điểm; Nó không thể có được nhờ thuần hóa, giành giật, lên kế hoạch, dự trù, hay tập luyện,” Martin nhấn mạnh. Bài báo này nhận được rất nhiều ý kiến thú vị từ độc giả Mỹ. Nhiều ý kiến đồng tình với tác giả, phản đối các cuộc thi sắc đẹp khi tạo ra những khuôn mẫu về vẻ đẹp, trong khi cái đẹp thì muôn hình muôn vẻ. Một số người không phản đối thì cho rằng, dù sao các cuộc thi sắc đẹp cũng chỉ là cuộc thi, mà thi thì phải có người thắng cuộc và kẻ về tay không, nhưng họ cũng nhấn mạnh rằng những cuộc thi ấy không phải là thước đo đánh giá chính xác vẻ đẹp hay giá trị một con người. Cũng có vài người bênh vực các cuộc thi sắc đẹp, cho rằng các cuộc thi này tôn vinh chứ không hề hạ thấp vẻ đẹp của người phụ nữ.

Tôi cho rằng mỗi quốc gia có một quan niệm khác nhau về thi hoa hậu, và việc người Việt Nam có quan tâm hơn một chút đến cuộc thi này cũng không phải là vấn đề lớn. Thế nhưng, kỳ vọng quá đáng vào một cuộc thi sắc đẹp hay ám ảnh về nó theo tôi là không cần thiết, nhất là trong bối cảnh Việt Nam có nhiều vấn đề quan trọng cần nhiều người bày tỏ “bức xúc” hơn để từ đó tìm ra giải pháp. Không ai đánh giá sắc đẹp của phụ nữ Việt Nam nói chung chỉ qua một đại diện duy nhất tại một cuộc thi sắc đẹp.

Tôi không hề cảm thấy “bức xúc” nếu người ta trao vương miện cho một cô gái mà trong con mắt của riêng tôi, không xinh đẹp nổi trội. Nhưng quả tình, tôi cảm thấy hơi buồn khi mới đây, một câu thoại trong một bộ phim Hàn Quốc có tên “Nông dân hiện đại” lan truyền từ cộng đồng mạng đến báo chí quốc gia có nội dung như sau: “Con uống rượu cả ngày thì có sang Việt Nam cũng chẳng kiếm được vợ.” Hẳn nhiên, câu thoại ấy không thể hiện cách nhìn của đại bộ phận người Hàn Quốc về Việt Nam, nhưng là phụ nữ, tôi không khỏi chạnh lòng.

Leave a Reply / Hoan nghênh bạn để lại phản hồi

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s