kỷ niệm là một tài sản

Traveling-2

Source: goodtravelingtips.com

Cũng như nhiều bậc phụ huynh, bố tôi không mấy hài lòng về cách sống của con gái. Tuy rằng bố không ngăn cấm tôi làm bất cứ điều gì (đến tuổi này rồi, ai còn cấm được tôi?), nhưng đôi khi bố vẫn có ý kiến về việc tôi không có tiền tiết kiệm. Lý do, không phải là vì tôi mua sắm quá nhiều, mà thực ra, là tại cứ có tiền thì tôi lại đi chơi. Gần đây nhất, bố nói đi du lịch không giải quyết được vấn đề gì. Nước thì vẫn là nước của người ta, cảnh đẹp thì vẫn là cảnh đẹp của người ta, tôi có nhìn ngắm bao nhiêu đi chăng nữa thì cũng chỉ được mấy ngày, và chẳng có gì trở thành của mình. Chẳng thà cứ ngồi xem… Discovery hoặc National Geographic: vừa rẻ, vừa ngắm được vô số cảnh đẹp, vừa chả phải đi đâu (!).

Tất nhiên là bố lo cho tương lai của tôi. Tương lai, nghĩa là năm năm nữa, mười năm nữa, hai mươi năm nữa. Không đáng lo sao được, khi chính bản thân tôi lại chẳng nghĩ gì nhiều đến tương lai của mình. Tôi thường phóng xe khá nhanh, thức khuya đến 2, 3 giờ sáng, không đi khám sức khỏe thường xuyên, không đi bảo dưỡng xe máy, và không tiết kiệm tiền “phòng thân”.

Thực ra, chính vì lo cho tương lai, nên tôi nhủ mình phải tận dụng tối đa quãng thời gian hiện tại. Tôi sợ hãi trước viễn cảnh một ngày nào đó mình trở thành một bà cô, suốt ngày bận rộn đủ thứ việc trên đời để lo cho một lũ con lóc nhóc. Đừng hiểu lầm, tôi không nghĩ như thế là địa ngục – chắc hẳn những “bà cô” đó cũng hạnh phúc theo cách của riêng họ, chỉ là tôi chưa sẵn sàng cho một cuộc sống như thế. Tôi sợ hãi, thực sự sợ hãi. Tôi đang sống những ngày tuổi trẻ, nhưng điều đó đồng nghĩa với việc tôi đang chứng kiến tuổi trẻ của mình dần trôi qua. Từng chút, từng chút một.

Thế mà trời ơi, thế giới có bao nhiêu điều tôi chưa biết. Ba phần tư trái đất là nước! Thế mà tôi thậm chí còn chưa khám phá được bao nhiêu trong một phần tư vốn đã bao la ấy (nữa là đại dương mênh mông kia). Tôi sợ rằng mình chưa kịp biết gì, thì đã “vội” trở nên già yếu và bận rộn phát điên. Tôi sợ rằng mười lăm năm nữa, mình sẽ nuối tiếc vô cùng tận, nếu hiện tại tôi không sống như thế này: tận hưởng cuộc sống và làm tất cả những điều mình thích – tất cả. Vì thế nên tôi phải ganh đua – ganh đua với chính mình. Năm sau phải đi nhiều hơn năm trước. Năm mới phải “exciting” hơn năm cũ, với nhiều hoạt động, nhiều “been there, done that” hơn. Và sách đã mua, thì phải cố đọc cho bằng hết. Không đọc hết 100%, thì cũng phải cố mà đọc 70% (viết những dòng này, tôi hoảng hốt nhận ra mình chỉ mới chỉ “tiêu hóa” hết khoảng 60% sách trong phòng thôi – mà đó là tôi đã rất cố gắng).

Theo cách nghĩ của papa, tôi chẳng thu lại được gì nhiều từ những chuyến đi, mà còn tốn kém vô số tiền. Điều đó có phần đúng. Khi tôi nhẩm tính lại số tiền mình đã kiếm được trong năm vừa qua, quả thực tôi thấy “choáng.” Hóa ra, nếu không đi du lịch và dùng số tiền ấy lập quỹ tiết kiệm, tôi đã tích lũy được một khoản kha khá. Dù sao đi nữa, tôi cũng đã làm việc chăm chỉ, và cố gắng làm thêm nữa. Tất nhiên, tôi không trở thành tỷ phú được (vì Chúa, tôi chỉ là một viên chức nhà nước bình thường), nhưng chắc chắn tôi đã có một số tiền tiết kiệm tương đối ‘đảm bảo’. Hơn nữa, mặc dù tôi cũng kiếm được đôi chút nhờ viết bài du lịch cho các báo và tạp chí, nhưng số tiền ấy chẳng đáng là bao so với tất cả những gì tôi đã bỏ ra vào các chuyến đi. Tôi biết chứ – cái giá phải trả cho thú vui “phù phiếm” của mình.

Hôm nay, khi dọn lại phòng riêng và nhìn lại đám tạp chí tiếng Anh, cùng đống hóa đơn thanh toán ở nước ngoài và vé máy bay cũ (chẳng hiểu sao, tôi không muốn vứt chúng đi), tôi nhận ra, “tài sản” quý giá nhất mà mình có là kỷ niệm. Tôi không định nói kỷ niệm ấy đáng giá hơn tiền bạc – không, tôi yêu tiền lắm, nhất là khi tiền giúp tôi “mua” được những kỷ niệm mới – nhưng tôi đã luôn trân trọng giữ gìn những kỷ niệm ấy. Những bức ảnh tôi đã chụp từ vài năm nay, tôi không hề xóa đi – mà giữ lại ở một folder trong máy tính. Trong folder ấy lại có những folder nhỏ ghi những nơi tôi đến, những việc tôi làm. Và tôi luôn cố gắng viết về những trải nghiệm đặc biệt của mình, để không quên đi những câu chuyện thú vị dọc đường đi. Tôi chẳng muốn quên một điều gì – ngoài những chuyện cay đắng khiến tôi muốn bóp cổ một số người, mà đôi khi, thậm chí bao gồm cả những chuyện cay dắng ấy – vì tất cả những “tài sản” ấy đã tạo nên con người tôi.

Nhưng mà, sau khi nghĩ lại, tôi nghĩ bố nói có (nhiều) phần đúng.

Vì thế, tôi vừa mới lập một tài khoản tiết kiệm trực tuyến với ngân hàng – để mỗi tháng gửi một ít tiền vào trong đó. Một ít, một ít thôi, nhưng biết đâu, số tiền ấy sẽ lớn dần lên, và trở thành một thứ tài sản – đúng nghĩa của từ “tài sản” nhỉ? 🙂

Ref: dù chỉ là trong vô thức, nhưng có lẽ tôi đã nghĩ ra tiêu đề này do ảnh hưởng từ “Bất hạnh là một tài sản” – tiêu đề cuốn sách của chị Phan Việt.

P/s: Đôi khi cũng bị kỷ niệm giày vò, vì kỷ niệm đẹp quá. Ví dụ như thế này:

_IMG_1089

Đố  bạn, đây là đâu? : P

Leave a Reply / Hoan nghênh bạn để lại phản hồi

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s