Freddie Mercury và nỗi cô đơn của “kẻ khác”

boehmian-rhapsody-rami-malek-ftr

Rami Malek, vai Freddie Mercury trong “Bohemian Rhapsody”

Sinh ra và lớn lên như một “kẻ khác”, Freddie Mercury biết rõ những lợi thế đến từ sự độc đáo của mình. Anh không cho rằng ngoại hình kém bắt mắt có thể cản trở mình trở thành một ngôi sao nhạc rock. Anh có lẽ cũng chẳng mấy phiền lòng về nguồn gốc không thuần Anh da trắng. Anh không sớm thừa nhận khuynh hướng tính dục của chính mình, nhưng có lẽ đó là để bảo vệ bản thân và ban nhạc trở thành con mồi của các trang lá cải hơn là xuất phát từ mặc cảm. Anh quá kiêu hãnh để cho phép mình mặc cảm hay phô bày mặc cảm.

Thế nhưng những gì độc đáo làm nên Freddie Mercury khiến anh cô độc. Bởi, dù kiêu hãnh đến đâu, anh vẫn ý thức được rằng mình luôn là một “kẻ khác”. Anh cô đơn khi những người anh em cùng ban nhạc có “nhà” để về, cùng vợ con của họ, còn anh thì không. “Nhà” của anh, nàng thơ Mary Austin, nay đã không còn là “của anh”, dẫu cho nàng yêu thương và ủng hộ anh thế nào. Chính anh phản bội nàng, bởì anh không có lựa chọn nào khác ngoài sống thật với khao khát bản năng, nhưng trong lòng anh, anh vẫn không ngừng rên rỉ:

Tình yêu của đời anh, em làm anh đau đớn
Em làm tan vỡ trái tim anh, và nay em bỏ anh
Hãy yêu anh trở lại, trả lại nó cho anh
Vì em đâu biết, anh cần có tình em nhường nào

Bởi vì anh yêu nàng như tri kỉ, còn nàng yêu anh như người mẹ bao dung với đứa con dị biệt, đỏng đảnh của mình. Freddie Mercury của “Bohemian Rhapsody” là một trường hợp điển hình của một người mắc chứng rối loạn gắn bó (attachment disorder): như một đứa trẻ, anh không sao từ bỏ dòng suối chở che quen thuộc vẫn sưởi ấm cho mình. Anh có luôn yêu nàng theo cách một người tình yêu một người tình? Có lẽ là không, nhưng anh luôn cần nàng. Bởi thế, anh tuyệt vọng khi phải chấp nhận sự thật: rằng nàng yêu thương anh, nhưng lại chẳng cần anh. Nàng có thể tham dự mọi chương trình biểu diễn của anh, nhưng lại không thể thắp đèn báo hiệu đáp lại anh mỗi đêm anh trằn trọc. Nàng có thể chấp nhận anh tìm đến bao người tình khác, nhưng lại không thể giữ mình cho riêng anh, chỉ vì tính sở hữu của anh. Anh trở thành một Gatsby cô độc, đêm đêm chong đèn ngóng người tri kỉ giờ đã êm ấm bên người khác, dù trớ trêu thay, chính anh cũng phụ nàng.

Các nhà phê bình không ưu ái lời khen cho “Bohemian Rhapsody” của Bryan Singer, có lẽ bởi họ quá trông đợi tác phẩm mới về một huyền thoại. Họ cho rằng bộ phim thiếu chiều sâu, dù nhất loạt ca ngợi diễn xuất của Rami Malek. Có lẽ, họ muốn nói đến sự thiếu kết nối giữa Freddie và những người anh em của Queen (họ đồng điệu về âm nhạc, nhưng thiếu sự thấu hiểu và chia sẻ trong đời sống ngoài âm nhạc), giữa Freddie và Mary Austin (ngỡ là tri kỷ, nhưng lỡ nhau một đời), hay giữa Freddie và những người tình nam giới của anh (không có nhiều phân cảnh thể hiện sự gắn bó giữa họ). Nhưng tôi lại cảm thấy tất cả là sự cố tình. Trong bộ phim này, Freddie là trung tâm. Mọi nhân vật khác đều quay xung quanh anh, giúp củng cố và hoàn thành bức tranh về con người, cá tính và nghệ tính của anh. Sự thiếu kết nối ấy, dường như chính là để cho thấy nỗi cô đơn của Freddie Mercury, người tưởng như có tất cả: âm nhạc, danh vọng, tình yêu, nhưng đồng thời lại cô đơn cùng cực. Người có thể mời bất kỳ ai đến dự tiệc ở nhà mình, nhưng lại không thể thuyết phục người anh em trong ban nhạc ở lại cho tới khuya, cũng không thể giữ trọn Mary tri kỉ cho riêng mình.

Nhưng tôi, với tư cách một khán giả bình thường, chẳng đòi hỏi gì hơn thế. Freddie của Malek, với ánh mắt thất thần, hoảng hốt như của một đứa trẻ lạc mẹ, đuổi theo Mary trong làn mưa, bỏ mặc bữa tiệc ồn ào sắp diễn ra, hòng chữa lại những lời lẽ ích kỷ mình vừa thốt, dẫu anh quá kiêu hãnh để cất lời “xin lỗi” cùng nàng. Freddie ấy đã chinh phục tôi.

Và tất nhiên, cả âm nhạc của Nữ Hoàng.

Leave a Reply / Hoan nghênh bạn để lại phản hồi

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s