PHANTOM THREAD, hay nỗi lòng của nàng thơ

3fd18209ad3718175f0ebf28441059d1b1ccdbc5

Lâu lắm mình mới được xem một bộ phim đẹp đến vậy. Đẹp ở sự tinh tế, lãng mạn, và mơ màng. Một bộ phim tình cảm giản dị, nhẹ nhõm, không nhiều “drama”, nhưng không bị “nông” chút nào mà vẫn trọn vẹn cảm xúc.

Mình đội mưa, một mình đi xem bộ phim này vì bây giờ mới được biết đây là bộ phim cuối của Daniel Day-Lewis trước khi ông nghỉ hưu, lại còn là phim của Paul Thomas Anderson. Hơn nữa, phim lấy bối cảnh London thập niên 50 (1.5 năm nay mình bị mắc “bệnh” lạ: cứ bộ phim nào lấy bối cảnh London mà được đánh giá tốt thì mình đều đi xem tuốt, chỉ để được ngắm London trên màn ảnh). Phim được đề cử Oscar, nhưng mình chắc là khó đoạt giải, không phải vì phim không hay, mà vì câu chuyện quá đỗi nhẹ nhàng, giản dị. Đây “chỉ” là một câu chuyện tình. Một chuyện tình không quá kịch tính, không say mê cuồng nhiệt, cũng chẳng đượm chút yếu tố chính trị sắc tộc nào, chỉ là câu chuyện hai con người khác biệt tìm thấy nhau, yêu nhau, và học cách sống chung với nhau. Vậy thôi.

_____Untitled201710231513705

Nhà tạo mẫu Woodcock phải lòng cô bồi bàn Alma ngay lần đầu chạm mặt. Thế nhưng cái cách ông phải lòng lại chẳng giống cách các đấng mày râu thường bị sét ái tình đánh trúng. Ông bị thu hút bởi Alma vì dáng dấp của nàng. Nàng không có gương mặt đẹp sang trọng và mê hồn như những nàng công chúa, những siêu sao màn bạc và tiểu thư đài các vốn là khách hàng quen thuộc của ông, nhưng con mắt của nhà may đã ngay lập tức bị hấp dẫn bởi những số đo “chuẩn” khi nàng bước vào khung cảnh. Khi ta trông thấy nàng trong trang phục bồi bàn giản dị, khoan thai cúi người rót trà, phô tấm lưng dài dưới vạt nắng sớm đầu ngày nhẹ hắt qua cửa sổ, ta biết ta đang nhìn nàng qua con mắt của nhà tạo mẫu, và ta biết ông vừa tìm thấy nguồn cảm hứng mới.

____10129883_web1_M-phantom-thread-edh-180111-1200x800

Nhưng nàng là gì với ông? Nàng không ngừng tự hỏi. Khán giả cũng không ngừng tự hỏi. Có phải nàng chỉ là thứ cảm hứng chợt đến chợt đi, như mọi người đẹp khác, hay là gì hơn thế? Người xem không khỏi thấy bẽ bàng cho người phụ nữ ấy, khi nàng cứ đứng đó, hàng giờ liền để ông đo đạc, suy tính, xem xét, để ông có thể cho ra đời những bộ trang phục đẹp nhất, lộng lẫy nhất. Ông luôn nhìn nàng chăm chú, nhưng ta lại có cảm giác ông nhìn nàng như một cô ma-nơ-canh xinh đẹp, hoàn hảo để ông may quần áo, hơn là một con người có cảm xúc. Nghĩa là, ông nhìn nàng mà như không nhìn nàng. Ông ở bên nàng mỗi ngày, từ sáng đến tối, mà như không hề ở bên nàng. Nàng không bao giờ có ông trọn vẹn, bởi vì trước nàng, ông chỉ có công việc là lẽ sống và không hề biết đến cuộc sống nào khác. Nàng yêu ông vì tình yêu của ông dành cho nghề tạo mẫu, nhưng đồng thời nàng ghen tuông với chính công việc ấy. Thứ phức cảm đó phần nào gợi mình nhớ lại một truyện ngắn của nhà văn Tiệp Khắc Eduard Petiška, trong đó ông miêu tả sự ghen tuông của người vợ đối với niềm say mê công việc của người chồng, thứ nàng mãi mãi không thể hiểu, không thể cạnh tranh, và dĩ nhiên không thể cảm thông.

Untitled6-e1512584821862

Có lẽ đây là một bộ phim dễ làm hài lòng phái nữ hơn cả. Chỉ nội việc ngắm váy xống lồng lộng là đủ sung sướng rồi! Bởi vẻ đẹp của thời trang cổ điển. Bởi sự duy mĩ, tỉ mỉ của từng bộ trang phục. Và bởi vẻ đẹp của người nghệ sĩ, của những người thợ tạo ra những bộ trang phục ấy. Với riêng mình, thì mình yêu thích bộ phim ở sự tinh tế, ở chất hài ý nhị kiểu Anh được đan cài trong từng tình tiết, thậm chí từng chi tiết nhỏ (dù đạo diễn Anderson là một người Mỹ). Vì đây là một bộ phim đặc biệt dành cho những kẻ duy mĩ.

Leave a Reply / Hoan nghênh bạn để lại phản hồi

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s