
Photo: The New Yorker
Có lẽ không mấy người lấy làm lạ khi biết rằng Tổng thống Barack Obama là một người say mê môn bóng rổ và là cổ động viên trung thành của giải N.B.A. trong suốt hàng chục năm. Dẫu sao, bóng rổ đã luôn là môn thể thao được người Mỹ yêu thích nhất, bên cạnh bóng chày và bóng bầu dục. Thế nhưng, người ta có thể không biết rằng, đối với Obama, môn thể thao này có ý nghĩa quan trọng hơn cả một sở thích. Trong cuốn sách mới xuất bản: “Trận cầu nảy lửa: Bóng rổ và Thời đại của Obama”, tác giả Alexander Wolff tiết lộ rằng bóng rổ chính là một phương tiện để Obama cho công chúng thấy con người thực sự của ông. Còn tờ The Washington Post thì nhận định: “nói rằng Tổng thống Obama yêu thích bóng rổ là giảm nhẹ vai trò của môn thể thao này đối với cuộc đời ông.”
Theo Alexander Wolff, bóng rổ là một điểm nhấn trong cách Tổng thống Obama thu phục công chúng, và ông lợi dụng thế mạnh này thường xuyên và hiệu quả hơn bất kỳ người tiền nhiệm nào. Trước khi Obama dọn vào Nhà Trắng, sở thích này đã được sử dụng như một công cụ vận động bầu cử trên truyền thông, khi người ta truyền phát hình ảnh Obama chơi bóng rổ điệu nghệ như thế nào để cho thấy sự cường tráng và trẻ trung của ông. Tờ The New Yorker thì bình luận: khi Thượng nghị sĩ Obama điềm nhiên thảy một quả bóng từ khoảng cách ba điểm vào trúng rổ trong chuyến thăm quân đội Mỹ ở Kuwait vài tháng trước kỳ bầu cử năm 2009, ông không chỉ ghi điểm trên sân bóng mà còn thu hút không ít sự chú ý và ngưỡng mộ từ dư luận. Tờ The New York Times, khi đưa tin về việc Barack Obama đề cử luật sư Julius Genachowski vào chức Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Liên Bang hồi năm 2009, không quên lưu ý rằng ngoài vai trò là người gây quỹ cho Obama tranh cử vào ghế Tổng thống, Julius từng là đồng đội thân thiết trên sân bóng rổ với ông ở Đại học Harvard.
Trong cuốn sách “Những giấc mơ từ cha tôi”, Obama lý giải phức cảm của ông dành cho bóng rổ khi ông lớn lên tại Hawaii. Obama tiết lộ, bóng rổ là môn thể thao mà ông say mê, đồng thời lại là một hoạt động gắn liền với người da đen, nên sở thích này phần nào phản ánh con người ông, nhưng cũng bó hẹp ông. Obama cũng nhận ra rằng, môn thể thao này vừa có thể vạch ra ranh giới giữa các chủng tộc, lại vừa làm mờ đi ranh giới đó, khi mà nhiều bạn học da trắng của ông bày tỏ ước muốn trở thành một siêu sao bóng rổ. “Chí ít trên sân bóng, tôi có thể tìm thấy một cộng đồng cho mình, với nhịp sống của riêng nó,” Obama tâm sự trong hồi ký. “Đó chính là nơi tôi làm quen được với những người bạn da trắng thân thiết nhất, bởi sân bóng là nơi là một người da đen không phải là một bất lợi.” Môn thể thao được coi là đặc trưng của người da đen này cũng là một cách để Obama tìm thấy sự kết nối với gốc gác của mình, bởi ông lớn lên cùng người mẹ da trắng mà không có bố người Kenya bên cạnh (bố mẹ Obama ly dị khi ông mới lên ba, và bố ông chỉ trở lại thăm ông đúng một lần vào năm ông 10 tuổi, sau đó qua đời do tai nạn giao thông ở Kenya khi Obama mới 21 tuổi). Đáng lưu ý, người bố xa lạ đó cũng chính là người tặng Obama quả bóng rổ đầu tiên trong đời trong chuyến thăm ngắn ngủi ấy.

Photo: Agencies
Tờ The Washington Post ví von rằng bóng rổ là một bộ môn thể thao mang tính toàn cầu nhưng sinh ra ở nước Mỹ, giống như Obama vậy. Sân bóng rổ là chốn đào thoát, đem lại cho ông cảm giác “gia đình” với những “người anh em”, đồng thời là phương tiện để Obama thể hiện bản thân, và là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại trong cuộc đời ông. Ngay từ thời trẻ, Obama đã tìm thấy trong bóng rổ những gì ông đã tìm thấy trong nhạc jazz, bởi cả hai sở thích này đều thể hiện vẻ đẹp trong văn hóa của người da màu. Chính trong những năm tháng luyện tập bóng rổ hồi còn trẻ, Obama đã học được về kỷ luật, về cách đối diện với thất bại, về tầm quan trọng của tinh thần đồng đội.
Khi Obama lên làm tổng thống, sở thích chơi bóng rổ trở thành một điểm nhấn trong tính cách của ông. Vừa dọn đến Nhà Trắng, ông liền cho chuyển đổi sân tennis thành sân bóng rổ, và thi thoảng lại có một trận bóng được tổ chức tại đây với người chơi bao gồm các đại biểu Quốc hội cũng như một số chính khách hàng đầu.
Theo The New Yorker, Obama thậm chí còn lợi dụng những chuyến thăm của các nhà vô địch N.B.A. và vô địch cúp đại học tại Nhà Trắng, cũng như các dịp ông phát biểu trả lời ESPN trong các trận đấu để nói chuyện về vấn đề cựu chiến bình, tình hình giáo dục, hay đề cập đến các cuộc vận động. Ngay trong cuốn hồi ký của ông cũng có nhiều tấm ảnh chụp hình ông đang chơi bóng rổ. Ông được coi là vị Tổng thống đầu tiên thường xuyên chơi một môn thể thao tập thể trong thời gian đương nhiệm. Theo bằng chứng từ các video ghi lại những trận đấu của Tổng thống cũng như nhận định của nhiều người từng tham gia chơi bóng cùng ông, Obama là một cầu thủ tương đối tốt và có phong cách riêng. Xét về mặt thể lực, tuy không thể cao lớn bằng nhiều ngôi sao nhà nghề, nhưng Obama cũng cao đến 1m85.
Tác giả Alexander Wolff cho rằng có sự liên quan giữa phong cách chơi bóng rổ của Obama và đường lối chính trị của ông. Tờ The New Yorker thì nhận định hình ảnh Obama thể hiện trên sân bóng phần nào thể hiện tính cách riêng của ông khi Obama yêu cầu không ai được “nương tay” với mình trong các trận bóng tại Nhà Trắng nếu còn muốn được mời tham gia lần tiếp theo. Ông được miêu tả là một cầu thủ có tính cạnh tranh cao nhưng hòa đồng: sẵn sàng chuyền bóng cho đồng đội ở vị trí thuận lợi hơn. Ngay cả khi đang chơi bóng, ông cũng rất nghiêm túc, tập trung cao độ vào việc làm sao để giành chiến thắng. Một cuộc gặp gỡ của phóng viên Vanity Fair với Tổng thống Mỹ tiết lộ, những năm gần đây, khi Obama nhận ra mình đã giảm sút phong độ vì tuổi tác, ông không còn tập trung nhiều vào việc để thể hiện bản thân, mà chuyển sang cân nhắc chiến lược để đội bóng của mình giành thằng lợi.
Gần đây, Obama không còn chơi bóng rổ thường xuyên như trước mà đã chuyển sang một thú vui mới là chơi golf. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng lý do thực sự là vì ông đã dính chấn thương trong một trận bóng rổ. Có người thì nói rằng Obama quá sức coi trọng thắng thua trong bóng rổ, nên ông cần một sở thích đơn giản, nhẹ nhàng hơn. Bản thân Obama thì giải thích: đơn giản chỉ ông đã già đi. Người ta thậm chí còn ví von là sự chuyển đổi này gắn với sự thay đổi phong cách sống của Obama: từ cạnh tranh năng nổ chuyển sang điềm đạm, trầm lắng (!).
Tuy giảm tần suất chơi bóng rổ, nhưng Obama vẫn là fan hâm mộ bóng rổ nổi tiếng nhất tại Mỹ. Đi xem bóng rổ được xem là một cách để Obama giải tỏa áp lực công việc và ‘đào thoát’ khỏi cuộc sống biệt lập trong Nhà Trắng. Tác giả Alexander Wolff nhận định rằng, trong thời đại của Obama, các ngôi sao của giải N.B.A. (với khoảng ba phần tư cầu thủ là người da đen) – những vân động viên được quan tâm nhất tại Mỹ có sức ảnh hưởng về chính trị và văn hóa vô cùng to lớn. Chính Obama là người đã khuyến khích và truyền cảm hứng cho các ngôi sao này tận dụng sức ảnh hưởng của cá nhân họ đối với quần chúng.
(Đã đăng trên “Thế thao Văn hóa Đàn ông”)