Spencer

‘Spencer’ của Pablo Larraín không phải là nỗ lực tái hiện cuộc đời công nương Diana một cách trung thực, vì đây là một tác phẩm hư cấu phản ánh hình dung của biên kịch Steven Knight về Diana và bi kịch của nàng hơn là một câu chuyện lịch sử. Đây là bộ phim về nỗi sầu muộn (melancholia) và cô đơn của một cá nhân hơn là chuyện gia đình hoàng gia. Khán giả không nên xem bộ phim này với kỳ vọng hiểu đúng về Diana, mà có thể xem đây là một tác phẩm tâm lý mô tả thế giới nội tâm của một tâm hồn đa cảm, thông qua những hình dung về Công nương xứ Wales. Phim cũng không tái hiện toàn bộ cuộc sống hoàng cung của Diana và chỉ mô tả câu chuyện (mà hầu như rất ít chuyện) diễn ra trong một kỳ nghỉ Giáng Sinh, khi Diana rơi vào đỉnh điểm trầm cảm và ám ảnh, dẫn đến quyết định rời bỏ hoàng cung.

Không dễ để quảng đại quần chúng tiếp nhận bộ phim này. Phim rất chậm, dễ làm người xem sốt ruột. Hơn nữa, phim đi vào đời sống nội tâm của nhân vật chính hơn là mô tả mối quan hệ giữa các nhân vật, nên rất cần sự tập trung và thái độ đồng cảm. Và không dễ để một người bình thường còn đang vật lộn với nỗi lo vật chất ngày thường cảm thấy liên hệ với nữ chính, vì xét về mặt vật chất, nàng quá đủ đầy.

Ừ thì, nàng ức chế vì bị giam hãm trong cung cấm, không phải lúc nào thích đi đâu thì đi, muốn gặp ai thì gặp. Thế nhưng cung điện của nàng rộng bao la, đến nỗi chỉ đi dạo hết các khu vườn chắc cũng hết một ngày (kẻ nội tâm này gào thét: tôi chỉ cần một cung điện và một khu vườn để thảnh thơi viết báo cáo khoa học thôi là quá đủ tự do). Ừ thì, nàng mệt mỏi với với những nghi thức cung đình, như là nghĩa vụ về phòng chuẩn bị đầu tóc, váy xống lúc 5 giờ chiều chỉ để có mặt ở bữa tối lúc 8 giờ tối (nhưng luôn là các bữa full course do đầu bếp hàng đầu chế biến). Bù lại, nàng không bao giờ phải lo tối nay ăn gì, nấu món gì, và để nấu món đó thì phải chuẩn bị những nguyên liệu ra sao, hay đi siêu thị nào. Cuộc sống tù túng của nàng có khi chính là tự do mà bao người mơ ước. Ngoài ra, do Diana có những hành xử khá kỳ quặc, với những triệu chứng của bệnh tâm thần, nên một người xem quá lý trí và không có trải nghiệm liên quan đến bệnh tâm thần sẽ khó đồng cảm. Cần phải thực sự đặt mình vào vị trí của nàng mới có thể phần nào cảm thông cho nỗi đau của nàng.

Mình thì vẫn có phần nào đồng cảm khi nghĩ đến cuộc đời đầy bi kịch của Diana: cưới một người đàn ông có địa vị bậc nhất nhưng chẳng hề được yêu thương, và ra đi ở tuổi 36 trong một tai nạn thảm khốc. Quả là hồng nhan bạc mệnh. Nhưng để nói thành thật thì mình thấy dễ đồng cảm với nhân vật Diana do Kristen Stewart thủ vai nhờ sự liên hệ với thực tế đó hơn là nhờ những gì bộ phim mô tả. Vì phim khắc họa đời sống hoàng cung của Diana quá.. sung sướng. Phim thậm chí có những cảnh mô tả chi tiết việc đồ ăn tươi sống được vận chuyển vào hoàng cung và chế biến thế nào, dường như là để cho thấy sự tương phản với những bữa tối lạnh lẽo và hờ hững của hoàng gia, nhưng rất tiếc không làm cho mình cảm nhận được sâu sắc sự trống rỗng của nhân vật bằng nỗi ghen tị với những miếng ngon mà đời này không biết bao giờ mình được hưởng (uhm thôi, không đùa nữa..).

Khó có thể đánh giá diễn xuất của Kristen Stewart một cách công tâm. Mình không theo dõi các bộ phim tài liệu về Diana để biết điệu bộ, cử chỉ của nàng ra sao, hòng đánh giá xem Stewart bắt chước có giống không. Mình chỉ biết rằng về gương mặt và dáng dấp mà nói, Kristen Stewart không hề giống Diana vì Kristen gầy và trông giống một thiếu nữ hơn là dáng vẻ ‘mệnh phụ phu nhân’ sang trọng của Diana. Ngoài ra, có thể do đã quen với giọng Anh-Mỹ của Kristen nên mình cảm thấy giọng Anh-Anh của Kristen nghe khá gượng ép (nhưng cái này chắc phải để người Anh đánh giá cho chính xác), nhất là ở đoạn đầu phim. Ngoài hai điểm lấn cấn đó ra, mình vẫn khá thích cách thể hiện của Kristen Stewart. Đây là một vai khó với bất kỳ diễn viên nào, vì có lẽ hơn bảy mươi phần trăm nội dung phim dựa vào diễn xuất của nữ chính. Những cảnh nữ chính tương tác với các nhân vật khác đều khá ngắn và chỉ phục vụ mục đích khắc họa tâm trạng của nữ chính. Kristen Stewart không giống Diana trong tưởng tượng của mình, nhưng tự bản thân gương mặt, vóc dáng của Stewart đã mang một vẻ gì đó vừa mong manh dễ vỡ, vừa có chút nổi loạn ngầm. Phải mất một chút thời gian để mình làm quen với hình ảnh Diana qua thể hiện của Stewart, nhưng cũng có một số cảnh Stewart gây ấn tượng khi thay đổi sắc mặt, trạng thái và thể hiện nỗi đau đớn nội tâm dồn nén của Diana mà không hề có thoại.

‘Spencer’ là một phim đầy tính cá nhân và không đễ cảm với nhiều người (một số người có thể cảm thấy nó hơi.. self-indulgent – xin lỗi mình chưa tìm được từ tương đương trong tiếng Việt). Mình thích bộ phim này một cách vừa phải, nhưng mình không đảm bảo nhiều người sẽ có trải nghiệm tương tự. Tuy nhiên, phải thừa nhận là phim làm chỉn chu, từ hình ảnh, ánh sáng, setup, đến âm nhạc, phục trang. Một bộ phim được đầu tư đến vậy theo mình là đáng để thưởng thức, nhất là với những người thích xem thể loại phim nặng tính tâm lý.

Leave a Reply / Hoan nghênh bạn để lại phản hồi

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s