Khi cần nhờ ai đó đưa cho bạn lọ muối, bạn sẽ nói gì? Có những lựa chọn sau đây:
“Đưa cho em lọ muối”
“Chị ơi đưa cho em lọ muối”
“Chị có thể đưa cho em lọ muối được không?”
“Chị làm ơn đưa cho em lọ muối với”
Những câu này, về nghĩa thì giống nhau nhưng lại có sắc thái hơi khác nhau. Ai cũng thấy là câu số 2 thể hiện mối quan hệ đã tương đối thân tình giữa 2 người, nên nó khá đơn giản, không thể hiện sự “lễ phép” đặc biệt, nhưng vẫn dễ tiếp nhận ngay vì người đề nghị có kèm theo “chị ơi” ở đầu câu. Câu số 1 thì có thể khiến nhiều người nhăn mặt nếu mối quan hệ giữa 2 người chưa đủ thân, nhưng sẽ chẳng thành vấn đề nếu 2 người rất thân thiết.
Câu số 3 và câu số 4, ít nhất trong cảm giác của mình là 1 người Việt Nam, thì nghe hơi..kỳ kỳ. Nó có gì đó không tự nhiên, dường như là hơi quá lịch sự, nhất là với một đề nghị đơn giản như là nhờ ai đó đưa cho lọ muối.
Bởi vì với mình, mẫu câu thứ 3 đã là lịch sự rồi, nên theo thói quen, ở đây đôi lúc mình nói: “can you do… (something)”? Ví dụ theo thói quen mình nói “can you pass me the salt?” Nếu dịch sang tiếng Việt, câu này rất ok đúng không, vì khi bạn nói “chị có thể đưa cho em lọ muối được không”, thì các cụm “có thể” và “được không”, theo cảm giác ngôn ngữ tiếng Việt, đã hàm ý lịch sự rồi. Chúng có nghĩa là chị có thể hoặc chị không thể, tùy vào lựa chọn của chị.
Thế nhưng trong các xã hội nói tiếng Anh, thực ra câu “can you pass me the salt” vẫn không chuẩn. Bạn nên nói “can/could you pass me the salt PLEASE?” Thậm chí đối với nhiều người, không nói please nghĩa là bất lịch sự. Mình từng bị ny góp ý điều này (một cách nhẹ nhàng, hài hước thôi), vì đối với dân bản xứ nói tiếng Anh, nếu bạn đề nghị ai đó làm việc gì, dù nhỏ nhặt đến mấy, mà không nói please, nghĩa là bạn đang RA LỆNH cho họ. Trong khi, đương nhiên, mình không hề biết rằng câu “can/could you pass me the salt” lại là bất lịch sự, vì trong ngôn ngữ của mình, khi hỏi “bạn có thể” đã mang hàm ý lịch sự rồi.
Khi được góp ý như vậy, mình bắt đầu nhớ đến 1 năm sống ở UK. Phải chăng đó là lý do có những lúc mình đi mua vé tàu hay mua một cái gì đó, đôi khi người bán hàng tỏ ra không thân thiện? Rất dễ để cho rằng họ vốn dĩ là người không thân thiện, hoặc thậm chí có người có thể còn cho rằng họ.. kỳ thị chủng tộc.. nhưng khi suy xét lại, có thể chỉ là do mình đã quên nói please mà thôi. Điều này mình không thể kiểm định được vì đôi lúc mình cũng chẳng nhớ mình nói gì. Tất nhiên từ lâu mình đã biết “please” là một từ đề nghị lịch sự, nhưng biết và tạo thành phản xạ, thói quen, thì lại là một việc khác. Có thể mình đã quên nói mà không để ý, và không biết rằng câu đề nghị mà mình cho là đủ lịch sự, thực ra lại chưa đủ lịch sự?
(Khi bạn dùng đúng mẫu câu “can you..” không có please, bằng tiếng Anh, với một người đến từ xã hội không nói tiếng Anh, ví dụ bạn nói tiếng Anh với người Trung Quốc chẳng hạn, có khi chẳng ai phán xét gì bạn sất.)
Hôm nọ mình vừa đọc thấy một chị tỏ ra tức giận vì ai đó không thưa gửi với chị một cách chỉn chu như chị muốn. Lúc đó mình bèn nghĩ, ồ có lẽ chị đã hơi khó tính rồi, vì có thể chỉ là người kia chưa thông thạo quy chuẩn xã hội mà thôi. Mình lúc mới ra trường cũng vậy, vì trước đó mình sống khép kín, không giao tiếp xã hội, thậm chí hầu như không có bạn bè (mình sống như vậy suốt 18 năm cuộc đời), gia đình mình cũng khép kín nốt, ít khi có khách và tiếp khách, nên mình đã rất kém trong việc tuân thủ các quy tắc xã hội. Phải khẳng định luôn, là lúc ấy mình KHÔNG BIẾT, chứ không phải là cố tình bất lịch sự hay thiếu tôn trọng ai cả. Sau này đi làm mình mới biết là, cùng 1 lời đề nghị, nếu biết nói cho khéo léo, sẽ có kết quả thần diệu bất ngờ. Ví dụ thay vì nói:
“Chị gửi báo cáo cho em trước 4 giờ chiều nhé”
Thì ta có thể nói:
“Chị ơi, chị gửi GIÚP em báo cáo trước 4 giờ chiều CHỊ nhé” (thậm chí nếu khẩn cấp, cần thêm “Mong chị giúp em với ạ” hoặc lý do cụ thể “Sếp em đang giục quá chị ơi. Chị giúp em với nhé.”
Sự lịch thiệp này, đối với một số người là rất cần thiết, ngay cả khi việc gửi bản báo cáo kể trên, là nhiệm vụ của họ, và người nhắc cũng chỉ đang làm việc của họ, đó là nhắc nhở ai đó hoàn thành một công việc đúng giờ. Việc người nhắc nhở kém tuổi họ, càng làm cho sự lịch thiệp kia trở nên quan trọng.
Ở đây mình chỉ đang đứng ở vị trí một người quan trọng lễ nghi, quy tắc xã hội để xem xét cảm xúc của họ thôi. Chứ thực ra mình là mẫu người không bao giờ yêu cầu người khác phải quá lễ phép với mình. ) Vì sao, xin hẹn một dịp đàm đạo khác. Hihi..
Chị ơi dạo này không thấy chị post bài 😦
LikeLike