Nghi vấn xung quanh thu nhập ngoài lương của công chức

tien-2

Ảnh: eropi.com

HÀ NỘI — Nguyễn Thanh Hải là một kỹ sư 32 tuổi làm việc cho một công ty xây dựng quốc doanh tại Hà Nội. Anh được trả lương 10 triệu VNĐ mỗi tháng, mức lương được coi là trung bình cho một người ở vị trí của anh.

Hải không gặp nhiều khó khăn với trọng trách nuôi gia đình bốn người của mình. Anh sống trong một căn hộ đẹp và sở hữu một chiếc xe hơi tốt. Anh có một cuộc sống thoải mái, đủ đầy khi sở hữu những món đồ công nghệ hiện đại nhất, thường diện quần áo mới và thi thoảng đi du lịch nước ngoài.

Khi phỏng viên hỏi anh bí quyết để có một cuộc sống đủ đầy như vậy với đồng lương viên chức, Hải đã cười xòa và nói câu hỏi quá “ngây thơ.”

“Có nhiều cách để kiếm thêm thu nhập,” anh nói, lấy ví dụ những phần thưởng mà anh nhận được sau khi kết thúc các dự án xây dựng của công ty.

Năm 2012, Thanh tra Chính Phủ Việt Nam và Ngân hàng thế giới (World Bank) đã tiến hành một cuộc khảo sát về thu nhập ngoài lương của công chức, viên chức tại 10 tỉnh thành lớn trong cả nước. Kết quả thu được rất đáng để suy nghĩ.

Trong số những người được hỏi, 79 phần trăm viên chức thừa nhận mình đã được hưởng lợi từ nguồn thu nhập phụ không nằm trong quy chế, trong đó cứ chín người thì có một cho biết số tiền họ kiếm thêm bằng ít nhất 50 phần trăm lương định kỳ.

Sáu chín phần trăm người trả lời nói rằng số tiền phụ thêm đó đến từ việc họ tiết kiệm phần nào các khoản phụ cấp của cơ quan, ví dụ như tiền đi lại.

Một nguồn thu nhập đáng chú ý hơn là quà cáp ở dạng phong bì. Dùng tiền để tặng quà hay tặng các món đồ có giá trị vật chất không được coi là bất hợp pháp ở Việt Nam, mặc dù rất có thể chúng được sử dụng vào mục đích sai trái.

Ngày càng phổ biến

Trong một báo cáo gần đây về vấn đề kiểm soát thu nhập của công chức Nhà nước, Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Phòng chống Tham nhũng dưới quyền Thanh Tra Chính Phủ cho biết các hình thức thưởng công và quà tặng dành cho công chức, viên chức nhà nước là một nguồn thu nhập “nhạy cảm” và có thể có liên quan đến hành vi tham nhũng.

Khảo sát của Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra rằng hành vi tham nhũng đằng sau chuyện quà cáp biếu xén là có, khi 25 phần trăm công chức thừa nhận từng nhận tiền hoặc quà để lợi dụng chức vụ biệt đãi người tặng quà.

Mười bảy phần trăm số người được hỏi khác thì cho biết họ thậm chí đã duyệt thăng chức cho các nhân viên thiếu năng lực vì lợi ích cá nhân.

Cục Phòng chống Tham nhũng, vốn đang làm việc để đối phó với tham nhũng – một vấn đề dẫn đến sự phê phán của dư luận cũng như tình trạng Việt Nam xếp hạng cao trong các bảng xếp hạng về tham nhũng toàn cầu, cho rằng những con số ấy đặc biệt đáng lo ngại.

Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng tình trạng tham nhũng tràn lan chính là hậu quả của việc nhiều nhân viên nhà nước được trả lương quá thấp. Ông cho biết mức lương của họ không đủ sống, không đủ để chăm lo cho gia đình và tiết kiệm tiền cho những trường hợp khẩn cấp.

“Thực tế, mức lương của họ không phản ánh giá trị lao động thực sự.” ông nói.

Ý kiến của ông Tiến càng được củng cố bằng kết quả của cuộc khảo sát, khi 79 phần trăm số công chức cho rằng lương thấp chính là một trong những nhân tố dẫn đến hành vi tham nhũng.

“Các mánh khóe của công chức trong việc kiếm thêm thu nhập và việc họ thường xuyên làm vậy là rất đáng lo ngại vì cái giá phải trả rất lớn,” Tiến cho biết. “Chúng ta đã đi đến giai đoạn mà khu vực quốc doanh chỉ có thể hoạt động trơn tru khi có “dầu bôi trơn” dưới dạng quà hối lộ.”

Chính người dân cũng chia sẻ trên các phương tiện truyền thông sự phẫn nộ của họ trước việc các công chức nhà nước trì hoãn việc phê duyệt giấy tờ trừ khi có phong bì trao tay.

Tiến khẳng định những kẻ có hành vi tham nhũng cần phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình.

“Một công chức bình thường mà sở hữu xe xịn trị giá hàng tỷ đồng, ở nhà biệt thự thì khả năng cao là kẻ đó đã làm giàu không chính đáng.”

“Những người như thế không giàu lên vì họ làm việc chăm chỉ hay họ thông minh hơn những người khác. Họ đã gian dối và đi đường tắt nhờ lợi dụng chức vụ của mình.”

Kêu gọi minh bạch

Trong những năm gần đây, chính phủ đã có một số biện pháp kiềm chế tham nhũng nhưng hiệu quả đạt được lại không đáng kể. Điển nhấn của Luật Phòng chống Tham nhũng năm 2005 chính là một điều luật yêu cầu công chức nhà nước phải định kỳ kê khai tài sản và thu nhập cá nhân.

Tuy nhiên, số lượng người gửi báo cáo lại quá nhiều đến mức chỉ có một phần rất nhỏ được xem xét và phần lớn kết quả vẫn nằm trong bí mật.

James Anderson, chuyên gia cấp cao về quản trị nhà nước của World Bank tại Việt Nam đã kêu gọi cần có sự đổi mới đối với cơ chế kê khai tài sản hiện hành mà theo ông là không hề tỏ ra có hiệu quả.

“Không thể nào có được một sự xác minh thỏa đáng với cơ chế hiện tại, và một khi việc kê khai tài sản không được công khai thì rất khó cho những người quan tâm cũng như giới báo chí và các tổ chức xã hội chỉ ra những bất cập.”

Theo Anderson, luật chỉ nên hướng đến một nhóm công chức nhà nước làm việc ở chức vụ cao, hoặc những người làm việc ở những bộ phận tiềm tàng nguy cơ tham nhũng cao, và như vậy sẽ dễ thu thập kết quả hơn.

Ông Đạt có cùng ý kiến khi cho rằng cần có một luật riêng về kê khai thu nhập và tài sản, xem đây là một ưu tiên hàng đầu. Ông đồng thời cảnh báo rằng tham nhũng đang ngày một trở nên trầm trọng, phức tạp và khó kiểm soát.

Ông nói thêm rằng một cơ chế minh bạch là thiết yếu, trên cơ sở lợi ích công được đặt lên hàng đầu mà vẫn đảm bảo không vi phạm quyền riêng tư của mỗi cá nhân.

Ông đồng thời kêu gọi thiết lập một cơ chế đăng ký thu nhập hợp pháp, cải cách hành chính công, và từng bước áp dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý để giải quyết vấn đề tham nhũng.

 (Bài viết này được dịch lại từ bài báo tiếng Anh của Minh Thi với tựa đề: “Doubt cast over public officials’ extra incomes” đã đăng trên báo Việt Nam News).

Leave a Reply / Hoan nghênh bạn để lại phản hồi

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s