Những kẻ lạc quan đáng phục

librarylostfound,com

librarylostfound,com

Thành công là đi từ hết thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi lòng nhiệt huyết.

Winston Churchill đã nói như vậy, thì ai còn dám cãi?

Một khi bạn thành công, thì bạn nói gì cũng đúng.

Lâu lâu tôi cũng đọc sách về các doanh nhân. Kiểu như các thể loại tự truyện, hay bài học thành công mà các doanh nhân vẫn viết.

Nhưng tôi phải thú thực, là tôi không quan tâm mấy đến việc họ thành công đến thế nào. Tôi cũng chẳng nhớ nổi họ đã kiếm được bao nhiêu tiền (tôi chưa bao giờ có đến triệu đô, nên triệu đô hay tỷ đô đối với tôi cũng thế cả). Tôi thấy hứng thú hơn cả, khi họ tỏ ra thành thật. Tỉ dụ như, người ta thú nhận mình từng bị bồ đá, từng bị trượt đại học, từng phải đi hết công ty này đến công ty nọ chào hàng mà bị từ chối, từng bị sa thải, từng bị truyền thông chế giễu, bị thiên hạ chửi rủa…

Ôi, xin lỗi, tất nhiên là tôi không có ý muốn nói tôi vui thích khi thấy người khác khổ sở và thất bại (vì Chúa, việc họ viết được một cuốn sách, mà cuốn sách đó còn được dịch hẳn ra tiếng Việt bên cạnh vô số ngôn ngữ khác, chứng tỏ họ đã bỏ xa thời kỳ thảm hại kia rồi).

Chỉ là điều đó giống như một sự an ủi đối với một đứa loser….uhmmmm…như tôi. Chỉ là tôi cần biết, ai cũng từng trải qua thời kỳ khó khăn, dù bây giờ họ có vẻ cool đến thế nào. Chỉ là tôi phải biết, không ai có được điều gì quá dễ dàng mà không phải trả giá. Mà có thực là bạn có thể giành được mọi thứ dễ dàng mà chẳng mất gì không? Tôi nghi ngờ điều đó. Kể cả trong trường hợp bạn có được điều mình muốn một cách dễ dàng, thì chẳng phải bạn mất đi tất cả sự hồi hộp và phấn kích trong cuộc sống đáng-lý-phải-bấp-bênh-và-khốn-khó này hay sao?

Tôi không nhớ gì mấy về nội dung cuốn sách “Dốc hết trái tim” (Pour your heart into it) của Howard Schultz, vị CEO của hãng Starbucks. Phải thú thực là tôi không ngưỡng mộ cà phê Starbucks, cũng không thể hiểu tại sao Starbucks lại thành công đến như vậy. Điều đó đồng nghĩa với việc tôi không thực sự ngưỡng mộ Howard Schultz. Thậm chí tôi cũng chẳng tin lắm khi ông nói về lý tưởng làm thế nào để chăm lo cho các nhân viên một cách tốt nhất. Tôi thấy 95% các doanh nhân chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà thôi, nên việc họ quan tâm đến nhân viên của mình cũng chỉ là để đảm bảo cho việc thu lợi nhuận ấy được duy trì (chứ gì nữa???). May lắm thì 5% số doanh nhân còn lại thực lòng quan tâm lo lắng cho các nhân viên của mình thật, nhưng đó là khi những lo toan về lợi nhuận của họ không còn là nỗi ám ảnh thường trực nữa.

Thế nhưng có một điều tôi thấy ngưỡng mộ Schultz sau khi đọc cuốn sách của ông, đó là việc ông đã tỏ ra vô cùng kiên trì với những ý tưởng kinh doanh của mình. Không gì làm ông nản chí, dù ông đã trải qua không ít khó khăn trên thương trường, và điều đó khiến ông khác biệt với những kẻ thất bại. Lòng nhiệt huyết ấy khiến cho tôi cảm động, và đó là điều duy nhất tôi ghi nhớ về một cuốn sách – mà nói thực lòng – tôi thấy nội dung cũng.. thường thường.

Tuy nhiên, tôi lại rất thích một cuốn tự truyện khác của nhà tỷ phú Ted Turner – người sáng lập đế chế tin tức 24/7 CNN có tên “Hãy gọi tôi là Ted”. Tôi thích cách ông mở đầu cuốn sách của mình, trong đó ông thú nhận rằng ông đã mất đến 80% tài sản chỉ trong vòng hai năm. Tôi thích cách ông kể về một thất bại nào đó, mà ông chẳng bao giờ nói dông dài về chuyện ông đã sụp đổ chán chường ra làm sao (mặc dù chắc chắn là ông có), mà thay vào đó, lại kể tiếp về những gì ông làm sau thất bại. Ngay cả chuyện tình cảm cũng vậy. Sau mỗi cuộc ly dị, ông lại tiếp tục hẹn hò với người phụ nữ khác và tiếp tục…kết hôn. Và cảm động nhất là khi ông kể chuyện mình trở về căn nhà với vợ cũ Jane Fonda, người mà ông thú nhận “tôi rất yêu Jane và đến giờ vẫn còn yêu cô ấy.” (‘Giờ’ nghĩa là năm 2008, thời điểm cuốn sách được xuất bản tại Mỹ). Cụ thể thì như thế này:

Lần đầu tiên tôi trở lại đây một mình sau khi ly hôn, Jane đã mang mọi thứ của mình đi. Phòng để đồ của chúng tôi đối diện nhau, và khi thấy phòng của cô ấy trống trơn, tôi ngồi phịch xuống hành lang mà bật khóc.

Tuy nhiên, sau khi thừa nhận rất yêu vợ cũ như trên, Ted tiếp tục kể chuyện ông liên lạc lại với một người bạn cũ và bắt đầu hẹn hò với cô ấy như thế nào (đằng nào cũng đã ly dị rồi, cần ngồi khóc thì cũng chỉ mất một buổi chiều vậy thôi). Tựu chung, Ted là một người đàn ông dồi dào năng lượng, và không bao giờ chịu dừng lại.

Tôi ngưỡng mộ vô cùng những người lạc quan như thế. Tôi ngưỡng mộ cả những người không thành công, nhưng mỗi khi gặp họ, ta có thể cảm thấy năng lượng của sự lạc quan và nhiệt huyết tỏa ra từ phía họ. Chả trách mà đàn ông suốt ngày nói về việc họ mê các cô nàng lạc quan. Thì cũng phải, lâu lâu đi trong mưa cũng lãng mạn, nhưng ngày nào cũng mưa dầm dề thì chán chết. Trời nắng nhẹ là đẹp nhất!

Tôi còn nhớ mình đọc được ở đâu đó về một chàng trai miêu tả mẫu con gái lý tưởng của mình. Anh viết rằng anh rất thích một cô gái mạnh mẽ. Nhưng mạnh mẽ không phải là ăn to nói lớn, làm sếp ở công ty, hay suốt ngày chạy hùng hục (hẳn rồi). Mạnh mẽ là biết làm chủ cảm xúc của mình, không để cho ai chạm được đến nó. Tôi hiểu chính xác điều anh nói, vì tôi cũng ngưỡng mộ những người như thế. Tôi nghĩ từ “mạnh mẽ” cũng chưa đủ để nói về họ. Họ là những người có bản lĩnh.

Người lạc quan không trở thành lạc quan vì họ không gặp bất cứ trắc trở nào trong cuộc sống, hay tin rằng cuộc sống chỉ có màu hồng (ai chỉ cho tôi biết nơi nào cuộc sống chỉ có màu hồng với, nếu có, tôi xin dành toàn bộ tiền tiết kiệm bay thẳng đến nơi ấy để thử nghiệm luôn cho biết mùi). Họ lạc quan vì họ có ý chí mạnh mẽ hơn người thường, dù thất bại cũng không nao núng mà vẫn tiếp tục tiến lên phía trước.

Tôi thừa nhận, mình không phải là một người bản lĩnh đến như vậy. Tôi suy sụp muốn chết, mỗi khi tôi nỗ lực làm điều gì đó mà thất bại. Lần thứ nhất thì còn được, tôi có thể tự nhủ: “chuyện thường, lần sau mình sẽ làm tốt hơn.” Nhưng lần hai, thì tôi giãy giụa như một con chim bị trúng tên. Tôi cố gắng đấu tranh chống lại cảm giác suy sụp ấy, cố gắng hết sức, nhưng nó vẫn nuốt trọn lấy tôi. Và tôi chỉ muốn nằm rịt ở nhà, trong chăn ấm, mà khóc lóc thỏa thê cho cái sự thảm hại của bản thân mình (trớ trêu là những lúc như vậy, tôi thậm chí chẳng có nước mắt để mà khóc!).

Người ta nói với tôi, rằng đừng quá tham vọng, đừng cố quá để rồi thành ‘quá cố’, nhưng tôi không thể làm vậy được. Tôi không thể dừng lại. Tôi biết điều mình muốn. Chẳng thà chẳng có gì, còn hơn phải thỏa thiệp trong tiếc nuối.

Những lúc như vậy, tôi thú nhận, rằng tôi lại phải tìm đến những câu chuyện thất bại – thành công nói trên để tự vực mình dậy. Câu chuyện của J.K.Rowling là một ví dụ. Trước khi trở thành tác giả toàn cầu với Harry Potter, bà từng là một người mẹ độc thân nghèo khổ, từng bị hàng loạt nhà xuất bản từ chối, từng có ý định tự tử. Nhưng sau này khi nhìn về thất bại đã qua, bà nói:

Thất bại có nghĩa là bị tước bỏ những điều không thiết yếu. Tôi không còn giả vờ mình là bất cứ ai ngoài chính bản thân tôi, và bắt đầu tập trung toàn bộ năng lượng vào hoàn thành công việc duy nhất có ý nghĩa với mình. Nếu như tôi thành công trong bất cứ công việc nào khác, có lẽ tôi đã không thể nào tìm thấy sự quyết tâm để thành công trong lĩnh vực duy nhất tôi thực sự thuộc về. Tôi được tự do, vì nỗi sợ hãi lớn nhất của tôi đã thành hiện thực rồi, thế mà tôi vẫn sống, tôi vẫn còn đó cô con gái mà tôi yêu thương, tôi lại có một cái máy chữ nữa, và một ý tưởng đồ sộ. Và thế là xuất phát điểm thấp nhất ấy trở thành nền tảng vững vàng để tôi xây dựng lại đời mình.

(Trích dịch từ bài phát biểu của J.K.Rowling tại đại học Harvard năm 2008)

Mà thôi, enough being a drama queen! Tất nhiên những gì tôi muốn nói, sau entry dài hơn sớ táo quân này, là tôi vẫn sẽ thi thoảng tiếp tục khóc (theo nghĩa hình tượng thôi, gần đây tôi chỉ khóc vì phim, không hiểu sao?). nhưng tôi sẽ không ngừng cố gắng, hy vọng, và cố gắng thêm một lần nữa.

6 thoughts on “Những kẻ lạc quan đáng phục

  1. Lúc nào cũng thấy được truyền cảm hứng từ những dòng chữ này. Có lẽ tự truyện cũng sẽ nằm trong chồng sách đầu giường t. Cám ơn cưng vì những chia sẻ chân thành mà thiết thực 🙂

    Like

  2. Thất bại là một món quà. Tớ vẫn hay nghĩ thế. Đi qua những thời kì đen tối mới hiểu được việc mình dốc sức cho cái điều mình say mê nhất là như thế nào :).

    Like

    • Cám ơn bạn Lâm đã chia sẻ. Mình không đủ lạc quan để tự nhủ như thế, nhưng mình vẫn tin sự kiên trì luôn đem lại một kết quả nào đó.. 🙂

      Like

Leave a Reply / Hoan nghênh bạn để lại phản hồi