Chạy việc

A-Year-After-UK-Bribery-Act-2010-How-does-Translation-Play-a-Role

Sáng hôm qua, khi bài viết dưới đây của mình được đăng trên mục Góc nhìn của Vnexpress, đã có nhiều bạn bè, người quen và cả người không quen bày tỏ sự ủng hộ đối với công việc của mình. Mình hết sức cảm ơn mọi người và xin post lại nguyên bản bài viết mình đã gửi lên VNExpress. Đây là bản đầy đủ chưa qua edit và dài hơn bài đăng trên VNExpress khá nhiều. 🙂 

Gần đây, một cô em gái liên lạc với tôi để xin lời khuyên. Em nói rằng mẹ em đang muốn trả 300 triệu đồng cho “người ta” để đổi lấy một vị trí tốt trong một ngành lớn. Em bảo rằng em đang rất phân vân vì số tiền ấy quá lớn, đồng nghĩa với việc em gần như phải làm việc không lương trong nhiều năm, nhưng em nghe nói vị trí ấy “nhàn và sung sướng” lắm, lại ổn định nên em không muốn bỏ lỡ cơ hội này.

Tôi những muốn hỏi lại em: “cơ hội nào?” Cơ hội để phí phạm số tiền lớn mà mẹ em, một viên chức bình thường đã phải vất vả tích lũy trong nhiều năm? Cơ hội để dung túng và nuôi dưỡng căn bệnh tham nhũng đang hoành hành trong bộ máy nhà nước? Dù suy nghĩ theo cách nào, tôi vẫn không hiểu nổi vì sao em lại cảm thấy điều đó đáng làm. Em 20 tuổi đầu, chỉ vừa mới ra trường và tràn đầy sức sống như mọi cô gái 9x mà tôi biết, vậy mà em đã sớm hình thành cái tư duy hưởng thụ: chọn việc nhàn hạ để ấm thân (chứ không phải một công việc mình đam mê và muốn cống hiến hết mình). Thế nhưng không chỉ có em, mà cách đây không lâu một cậu bạn khác của tôi cũng nói rằng ra trường bố mẹ sẽ xin cho cậu vào một cơ quan nhà nước rất lớn. Nếu vào được chỗ ấy, cậu sẽ có một công việc ổn định và nhiều tiền từ “các nguồn thu khác.” Tôi đã không hỏi cậu “nguồn thu khác” ấy ở đây bao gồm những gì, vì tôi không muốn cảm thấy thất vọng thêm về cậu ấy.

Cách đây hai năm, Thanh tra Chính Phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đã tiến hành một cuộc khảo sát về thu nhập ngoài lương của công chức, viên chức tại 10 tỉnh thành lớn trong cả nước. Cuộc khảo sát này đã cũ, nhưng sau hai năm, tôi tin rằng nó vẫn còn khá đúng với hiện trạng của đất nước.

Trong số những người được hỏi, 79% viên chức thừa nhận mình đã được hưởng lợi từ nguồn thu nhập phụ không nằm trong quy chế, trong đó cứ chín người thì có một cho biết số tiền họ kiếm thêm bằng ít nhất 50% lương định kỳ.

Một trong những nguồn thu nhập không chính thức ấy chính là quà cáp, phong bì, và rất khó để xác định xem những thứ quà cáp ấy có liên quan đến tham nhũng hay không, vì hiện nay dùng tiền để tặng quà hay tặng các món đồ có giá trị vật chất không được coi là bất hợp pháp ở nước ta.

Khảo sát của Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra rằng hành vi tham nhũng đằng sau chuyện quà cáp biếu xén là có, khi 25% công chức thừa nhận từng nhận tiền hoặc quà để lợi dụng chức vụ biệt đãi người tặng quà. 17% số người được hỏi khác thì cho biết họ thậm chí đã duyệt thăng chức cho các nhân viên thiếu năng lực vì lợi ích cá nhân. Một số người thừa nhận họ đã chạy tiền để đổi lấy một vị trí trong cơ quan nhà nước.

Nhưng tôi biết rằng tình trạng chạy tiền xin việc không chỉ hoành hành ở cơ quan nhà nước. Khu vực tư nhân cũng có tình trạng ấy, dù có thể không nghiêm trọng bằng. Cách đây một năm, tôi được người quen giới thiệu với anh chàng kia làm việc cho một ngân hàng tư nhân có tiếng. Vì nể người quen, tôi đi cà phê với anh một lần. Đúng như người ta nói, anh trông rất đẹp trai và sáng sủa. Thế nhưng ngay trong buổi gặp đầu tiên ấy, anh đã hỏi tôi: “em có mất nhiều tiền để xin được việc vào một cơ quan em không?” Thú thực, tôi không nén được nỗi bực bội khi nhận được câu hỏi đó. Tôi nói với anh rằng, từ khi ra trường đến nay, tôi chưa bao giờ bỏ tiền để xin việc ở bất kỳ đâu, cũng chưa bao giờ kiếm việc qua sự “giới thiệu” của cha mẹ. Anh cười bảo tôi rằng: “thế thì em giỏi thật đấy, anh kém nên cũng mất kha khá tiền”. Thú thật, tôi không cho đó là một lời khen, cũng không hề nghĩ việc này có liên quan gì đến giỏi hay kém. Nhưng anh không hề nhận ra giọng điệu có phần giận dữ của tôi, mặc dù tôi thầm nhận ra mình đã cư xử không thật khéo. Anh cho rằng việc chạy tiền kiếm việc là đương nhiên, và không thể ngờ rằng tôi lại có thể giận vì câu hỏi đó.

Tôi lấy làm buồn vì rất nhiều người xung quanh mình coi chuyện chạy tiền xin việc là điều bình thường. Họ cho rằng ai cũng làm như thế, nên việc họ làm chẳng có gì sai trái cả. Tôi không biết mình có ngây thơ quá hay không, nhưng tôi tin rằng nếu tất cả mọi người đều từ chối chạy tiền, thì người ta sẽ “buộc” phải tuyển dụng người giỏi nhất trong số các ứng viên thôi. Một vị trí cho kẻ chạy tiền để xin việc có nghĩa là một người khác – có thể giỏi hơn – bị mất đi một cơ hội cho mình.

Tôi đã nghe rất nhiều người than phiền rằng ở công ty của họ, đặc biệt là cơ quan nhà nước, có những người ăn không ngồi rồi cả ngày, hoặc làm việc không hiệu quả, nhưng họ không bao giờ bị cho thôi việc. Bản thân tôi cũng từng chứng kiện chuyện đó trước đây. “Thứ nhất hậu duệ, thứ nhì quan hệ, thứ ba tiền tệ..”, và thứ tư mới đến trí tuệ, trong xã hội ta thậm chí đã lưu truyền một câu nói như vậy. Nhiều người cho rằng tham nhũng có nghĩa là một hành vi cực kỳ nghiêm trọng như biểu thủ công quỹ, hay bòn rút tiền đầu tư từ các dự án quốc doanh, nhưng thực ra chạy việc cũng là một hành vi tham nhũng vô cùng nguy hiểm. Nếu như ai cũng cho rằng đút lót công chức nhà nước, hay chạy tiền vào một đơn vị, hay tặng quà cáp có giá trị vật chất lớn cho “sếp” là bình thường, thì tham nhũng sẽ không bao giờ có dấu hiệu chấm dứt.

Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) hiện đang xếp Việt Nam ở vị trí thứ 116 trên Bảng Xếp hạng Cảm nhận Tham Nhũng 2013 – một vị trí thể hiện tình trạng tham nhũng ở mức độ tương đối nguy hiểm. Việt Nam chỉ đứng sau một số nước ở châu Á như Lào, Campuchia, Bangladesh, còn lại vẫn thua một loạt nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Sri Lanka, Trung Quốc, và bị bỏ xa bởi Malaysia, Hàn Quốc, Brunei, Singapore và Nhật Bản.

Với tình trạng hiện nay, tôi e rằng xếp hạng năm nay của Việt Nam cũng sẽ chẳng khá hơn là bao. Nghĩ đến điều đó, tôi thấy buồn vô hạn.

 

 

4 thoughts on “Chạy việc

  1. Có 1 bộ phận giới trẻ muốn thế.
    Đại bộ phận người già muốn con cái mình thế.
    Đại bộ phận cán bộ nhà nước như thế.
    ….

    Like

  2. Thật ra lúc ấy em không nhớ đã nói gì :v Nhưng hình như ý em là việc đó do mẹ em muốn, việc em không bỏ được có rất nhiều nguyên do, và “nhàn hạ” chỉ là 1 yếu tố rất nhỏ trong đó 😐 Thật ra sau khi nói chuyện, em đã nói với mẹ là em sẽ không vào đó. Nhưng mẹ em lại lẳng lặng đi xin, cuộc sống của em là như thế đấy, ngay cả khi em có đưa quyết định thì đó cũng chỉ là 1 ý kiến tham khảo 😥 Tuy nhiên, việc xin có lẽ cũng không được với tình hình chung, hoặc sẽ phải chờ đợi rất lâu. Có lẽ em sẽ có chút thời gian để chứng minh bản thân mình, hoặc ít ra, em cũng có một trải nghiệm. Bây giờ em chỉ muốn làm 1 công việc khiến mình hạnh phúc. Em đã quyết định trải nghiệm, và mọi người biết đã rất shock chỉ vì “Trông hiền thế mà quyết đoán kinh” :)) Em coi đó là một lời khen chị ạ. Chính em cũng phải giật mình vì không ngờ mình lại… liều đến vậy. Nhưng mặc kệ, vẫn 20 tuổi, vẫn nghĩ đời màu hồng và vẫn cần phiêu lưu chị ạ. Chẳng hiểu có phải duyên phận gì không, vì trước khi đọc bài này, em cũng vừa nói với mẹ “Con đã rất hối hận vì năm thứ 2 đã không bỏ học, nếu con vào đó làm, con nghĩ là mình sẽ bỏ việc. Giờ con chỉ muốn làm một công việc lông bông, nhưng hạnh phúc.”

    À, nhất định phải gặp nhau nhé chị :3 Nhớ chị nhiều ❤ ❤ ❤

    Liked by 1 person

  3. Câu gần cuối có gì đó sai sai “… việt nam chỉ đứng sau một số nước,…., còn lại vẫn thua một loạt nước… “

    Like

Leave a Reply / Hoan nghênh bạn để lại phản hồi