Vì sao tôi yêu cinema

Mỗi khi tôi giới thiệu cho ai đó xem một bộ phim chiếu rạp, đôi khi là với một sự khẩn khoản ngấm ngầm, và nghe họ hờ hững nói rằng “thôi để bao giờ có trên mạng thì xem”, trong lòng tôi thường dấy lên một cảm giác phật lòng, gần như là giận dỗi. Dẫu tự nhủ mình không được phán xét lựa chọn của người khác, tôi không khỏi khó chịu với ý nghĩ rằng, một trải nghiệm hệ trọng với mình lại bị người ta gạt đi với vẻ lạnh nhạt đến vậy.

Tôi luôn chọn xem phim ở rạp khi có thể, dù cho bộ phim ấy đã cũ và có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng. Ngay cả khi đi xem phim một mình, tôi cũng xem trải nghiệm đó như một điều quan trọng và đòi hỏi thái độ nghiêm trang: tôi định trước một “giờ đẹp” khi rạp không quá đông khách, chọn rạp chiếu phim rộng nhất, mặc quần áo chỉnh tề và tô son. Tôi đi xem phim một mình như thể tôi đi hẹn hò với một người tình, người đã luôn ngóng trông tôi tìm đến.

Không phải ngẫu nhiên, các lý thuyết phân tâm học thường được áp dụng trong phân tích phim ảnh và trải nghiệm điện ảnh. Không gian điện ảnh là một không gian diệu kỳ, nơi ranh giới giữa thế giới bên trong (inner world) và thế giới bên ngoài (outer world) bị làm cho mờ nhòe. Khi đèn trong rạp vụt tắt và hàng ghế khán giả chìm trong bóng tối, mọi sự chú ý đều đổ dồn vào màn hình lớn. Bóng tối ấy tạo nên một không gian mơ ảo (dreamy), nơi ảo mộng (fantasy) và thực tế (reality) đan quyện vào nhau, đôi khi không thể tách rời. Ta thường nghĩ rằng ảo mộng và thực tế là hai thế giới khác xa nhau, nhưng ảo mộng luôn là một phần của thực tại, và thực tại đôi khi được dựng xây trên ảo mộng. Chính trong rạp chiếu phim, ta chìm đắm trong cái gọi là ảo mộng – thực tế ấy, và đôi khi ta không thể, và cũng không cần phân tách hai thế giới. Ta đắm mình vào cái tôi và cái khác, bởi vì trên phim ta có thể tìm thấy chính mình một cách rõ rệt, hay tìm thấy những bản thể khác của chính mình mà ta chưa có dịp khám phá ở ngoài đời, hoặc ta có thể ướm mình vào một điều gì đó tưởng như khác xa ta, nhưng không vì thế mà bớt phần mê dụ. Và tất nhiên, ngay cả trong lúc đang đắm chìm trong ảo mộng, ta còn có thể tách mình phần nào để đánh giá tác phẩm như thể ta là một người ngoài cuộc – nhưng đấy là khi ta xem một bộ phim ta yêu thích ở mức độ vừa phải. Nếu như ta thực sự say mê một bộ phim và tìm thấy mình trong đó, ta thậm chí quên mất vai trò lý tính và khô khan của một kẻ phê bình.

Tôi thích chìm đắm trong thứ bóng tối ấy, giống như thể bị thôi miên. Trong đó, tôi không thực là tôi, nhưng nhờ tôi là tôi, nên tôi mới có khả năng ướm mình vào cái khác. Tôi có thể là một nạn nhân yếu đuối, nhưng cũng có thể là một kẻ gian tà, hoặc tôi cùng lúc là một nạn nhân vừa là kẻ gian tà. Tôi vừa giết người, lại vừa là kẻ vừa bị giết một cách đau đớn. Tôi bị tra tấn, nhưng đồng thời tôi chờ mong, tận hưởng, say mê sự tra tấn ấy. Ta có thể là bất cứ ai, nhưng lại chẳng có hình phạt nào cho ta cả. Chính ở trong rạp chiếu phim, là khi ta được đắm mình vào cái khoái cảm lạ lùng ấy, khoái cảm vừa khám phá bản thân mình, vừa được sống trong người khác. Và có những khoảnh khắc tôi cảm thấy giống như một sự giải phóng (liberating moments). Như khi nữ hoàng tuyết Elsa rời bỏ thế giới đầy trách nhiệm và kỳ vọng giam hãm nàng, để tìm đến trú ẩn nơi đỉnh núi xa xôi lạnh lẽo, và xây nên tòa lâu đài ngoạn mục của chính nàng. “Phải rồi, ta cô đơn, nhưng ta cô đơn và tự do.” Hay khi nàng tiên cá cất tiếng hát từ dưới đại dương, mường tượng về cái thế giới rộng lớn ngoài biển nước:

“ở nơi đó họ bước đi,
ở nơi đó họ chạy nhảy
ở nơi đó họ phơi nắng cả ngày dưới mặt trời,
tự do lang thang,
ước chi tôi được là,
một phần của thế giới đó.”

Leave a Reply / Hoan nghênh bạn để lại phản hồi