Một bộ phim phần nào mang tính thể nghiệm, kích thích tư duy như chính những tác phẩm được triển lãm trong một viện bảo tàng nghệ thuật đương đại, vốn là một trong những bối cảnh quan trọng của phim. Năm ngoái, phim đoạt giải Cành cọ vàng (đạo diễn Ruben Östlund).
“The Square” kể về Christian, một nghệ sĩ quản lý viện bảo tàng ở Stockholm, một người đàn ông bảnh bao, giàu có. Cùng thời gian Christian cho mở một cuộc triển lãm mới, nhiều sự kiện kỳ lạ liên tiếp xảy ra trong cuộc sống thường nhật của anh. Những vụ việc nhỏ, như chuyện mất ví, chuyện lên giường với một phụ nữ mới quen, hay bị những người ăn xin đeo bám,.. bản thân chúng không phải những điều xa lạ trong cuộc sống, nhưng ở trường hợp Christian thì lại ẩn chứa những yếu tố kỳ dị, khó lý giải. Nếu có thể tóm tắt thì đó là tập hợp của những xung đột nhỏ cho thấy những định kiến, xung khắc ngầm trong xã hội và sự nghi ngại giữa người với người. Những cuộc xung đột nhỏ xảy ra liên tiếp ấy gây cho người xem cảm giác vừa khó chịu, khó hiểu, lại vừa thích thú trước phong cách hài hước “dị” kiểu Thụy Điển (quirky sense of humour).
Phim không dành cho những người nào thích lối kể chuyện rõ ràng, thông điệp rành mạch. Giống như các tác phẩm thể nghiệm, phim chứa nhiều hình ảnh mang tính biểu tượng, những câu hỏi khiến người xem băn khoăn suy nghĩ hơn là đưa ra một câu trả lời hay cách giải quyết vấn đề dứt điểm. Có rất nhiều câu hỏi thách thức liên quan đến cuộc sống hiện đại được đặt ra, như là “nên hay không nên cho tiền người ăn xin”, “xin lỗi hay không xin lỗi”, “nhận trách nhiệm hay không nhận trách nhiệm”, “tin tưởng hay nghi ngờ người lạ”, “đâu là giới hạn của tự do ngôn luận và tự do trình diễn”.. Những vấn đề đương đại này được phản ánh một cách thông minh, dí dỏm, đầy châm biếm trong bộ phim này.
Lâu lâu mới có một bộ phim khiến mình hào hứng đến như vậy. Mình luôn yêu thích sự dí dỏm và độc đáo (nhưng không phải là kiểu lên gân, mà phải thông minh). Thật vui vì được xem phim tại rạp dù phải bỏ thói quen ngủ nướng ngày thứ 7.