Chuyện ở Istanbul

_IMG_8799

1.

Nhớ về Istanbul, tôi không mấy khi nhớ về những đền thờ Hồi giáo hay các khu di tích tráng lệ, hay thậm chí cả những tụ điểm du lịch sầm uất. Những thứ đó, hiển nhiên, tôi sẽ đề cập đến trong một bài báo riêng về thành phố. Nhưng những gì thu phục tôi, những gì đã khiến tôi lay động và say mê, lại giản dị đến không ngờ. Đó là những ô cửa số với song cửa được thiết kế lạ mắt, những ngôi nhà với màu sắc sặc sỡ bắt mắt, những tiệm đồ cũ bán vô thiên lủng những thứ lặt vặt bé xinh, từ cốc chén đến sách vở, bàn ghế. Đó là màu trời xanh ngắt hòa quyện cùng màu nước biển xanh trong đến mê lịm trong những ngày tôi lang thang bên bờ eo biển Bosphorus.

_IMG_8690

Đối với Istanbul, tôi chỉ có một niềm cảm phục. Tôi biết là Thổ Nhĩ Kỳ có nền kinh tế tương đối mạnh (quốc gia này là một trong những thành viên sáng lập của khối OECD, đồng thời nằm trong khối G-20), nhưng tôi cũng biết đây là một quốc gia mà dân số theo đạo Hồi chiếm áp đảo (90-98% theo nhiều nguồn khác nhau) và là một nơi bị than phiền không ít về quyền con người cũng như quyền lợi của phụ nữ. Bởi thế, tôi đã nghĩ mình sẽ bắt gặp một đất nước có di sản xinh đẹp hoành tráng và những khu thương mại sầm uất, nhưng mặt bằng chung là không mấy sạch sẽ, lung linh. Tôi đã nhầm. Điều tôi được chứng kiến là hệ thống bus, tram, underground sạch sẽ, quy củ, là đường phố sạch đẹp (không sạch bằng Anh, hẳn rồi, nhưng không kém sạch hơn Ba Lan là mấy), là những ngôi nhà và các cửa hiệu được thiết kế rất có “gu”, là đồ thủ công mỹ nghệ đẹp tinh xảo, và cả những cửa hàng quần áo địa phương bán đồ rẻ hơn rất nhiều so với ở Anh nhưng đẹp không thua kém. Gần đây, một bài báo tôi đọc được ở đâu đó nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ là đại diện duy nhất trong nhóm quốc gia đạo Hồi thực sự “làm nên chuyện”, ý muốn nói đất nước này không chỉ phát triển về kinh tế mà còn đạt được những tiến bộ đáng kể về xã hội và nhiều lĩnh vực khác. Nói cách khác, nếu như một số người “cực đoan” có thể cho rằng đạo Hồi là thứ cản trở sự tiến bộ của một đất nước, thì Thổ Nhĩ Kỳ chính là quốc gia chứng minh rằng yếu tố quyết định không phải tôn giáo, mà là khả năng lãnh đạo và nội lực của bản thân mỗi quốc gia.

_IMG_8447

_IMG_8722

Nhưng điểm thu hút nhất ở Istanbul, với tôi, không hẳn là sự phát triển đáng ngưỡng mộ ấy. Đó là vẻ đẹp khó tả nơi đây, như tiếng Anh gọi là “exotic”. Một vẻ đẹp khác hẳn với mọi nơi tôi từng đến, cho dù là ở Châu Á hay Châu Âu (dù người ta vẫn nói Istanbul là nơi giao hòa giữa Đông và Tây). Không phải là vẻ đẹp diễm lệ khiến ai ai cũng ngưỡng vọng như Paris, London, Praha, mà là nét đặc trưng riêng không thể lẫn vào đâu được. Không chỉ đẹp mà quan trọng hơn là độc đáo và riêng biệt. Đây là một thứ văn hóa trong lành như không hề nhuốm chút gì ô nhiễm của toàn cầu hóa, mà chỉ là tiếp thu những gì hiện đại, văn minh của phương Tây. Vẻ đẹp ấy thầm lặng mà quyến rũ đến nao lòng, không phải kiểu đẹp khiến người ta xuýt xoa ca tụng mà đẹp đến mức ta phải buông ra một tiếng thở dài: đẹp như Istanbul!

IMG_8431

_IMG_8759

_IMG_8783

2.

Khi người ta nói Thổ Nhĩ Kỳ nói chung, hoặc Istanbul nói riêng, là nơi giao hòa giữa Đông và Tây, có lẽ họ muốn nói đến một Thổ Nhĩ Kỳ vừa hiện đại, văn minh vừa bảo thủ, “xấu xí”. Và quả thực theo nghĩa đen, Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia nằm giữa hai bờ Á-Âu, và bản thân Istanbul được chia làm hai nửa Á và Âu nằm dọc eo biển Bosphorus. Bề ngoài, Istanbul trông có vẻ phát triển như ở Đông Âu, mà người Thổ Nhĩ Kỳ trông cũng như người Châu Âu với sống mũi cao và gương mặt sáng sủa. Thế nhưng xét về tính cách thì người Thổ sao mà “Á châu” quá đỗi. Tôi chưa từng đi đâu ở Châu Âu mà bị chèo kéo, mời mọc mua sắm nhiệt tình đến.. mệt mỏi như là ở Istanbul. Cái kiểu mời mọc, dụ dỗ làm cho khách du lịch chỉ muốn.. chạy biến đi cho rồi. Chưa kể họ còn có thói quen hét giá lên trời, không khác gì lúc đi mua sắm ở Việt Nam khi bạn luôn phải ở trong tư thế sẵn sàng mặc cả.

Đàn ông Thổ, tôi phải nói thành thật, là hết sức … (ba chấm). Tôi chưa từng đi đến đâu mà “bị” quá nhiều đàn ông làm quen, thăm hỏi, và mời đi ăn tối như là ở Istanbul.

Hiển nhiên, tôi đã quen được/bị “giai lạ” tiếp cận mỗi khi đi du lịch một mình. Nhưng thường thì sự tiếp cận đó luôn được đặt trong một hoàn cảnh nhất định và vì thế có thể tạm coi là phù hợp. Ví dụ, tôi đang ngồi ăn một mình trong một nhà hàng và ai đó kéo ghế ngồi xuống cùng bàn sau khi đã xin phép tôi, và hỏi tôi một câu gì đó một cách nhẹ nhàng, lịch sự. Người đó sẽ chỉ tiếp tục hỏi thăm nếu như tôi tỏ ra thân thiện (thay vì trả lời rồi cúi xuống đọc sách hay nhìn ra cửa sổ). Hay là khi tôi đang ở trên một chuyến bay, vất vả tìm cách chất hành lý lên ngăn để đồ bên trên và ai đó nhìn thấy, tìm cách giúp tôi và chúng tôi trao đổi một vài lời xã giao. Vài lời xã giao đó chỉ tiếp diễn nếu như chúng tôi tìm thấy một điểm chung nào đó, và cảm thấy đủ thú vị để làm thành một cuộc đối thoại dài hơi (nếu không, đơn giản là chúng tôi sẽ chúi mũi vào sách báo, mở phim xem, hoặc cố gắng làm một giấc). Tóm lại, khi một anh chàng lạ mặt nào đó tìm cách bắt chuyện với tôi, anh ta thường dựa vào một cái cớ nào đó để tiếp cận tôi từng bước một. Đôi khi cũng không hẳn là anh ta bị tôi thu hút đâu, mà chỉ là anh ta đang ngồi một mình và thấy tò mò về tôi một chút nên muốn hỏi chuyện giải khuây. [Lưu ý: riêng ở Anh hoặc ít nhất là London, chuyện này sẽ KHÔNG BAO GIỜ xảy ra, vì ở đây KHÔNG bắt chuyện với người lạ được coi là phép lịch sự cơ bản nhất]

Còn ở Istanbul, người ta làm quen với tôi mà chẳng có lý do hay một hoàn cảnh phù hợp nào. Đơn giản là họ đang đi đường, họ nhìn thấy một cô gái ngoại quốc, và họ mở lời chào. Nhưng chớ có nghĩ rằng họ sẽ chỉ chào bạn một cách thân thiện rồi đi mất. Sau khi bạn đã chào lại họ, họ sẽ tiếp tục hỏi bạn từ đâu đến, vì sao bạn lại có mặt ở đây, bạn còn ở đây bao nhiêu lâu, và ĐÙNG một cái họ mời bạn đi ăn tối, dù cho đến cái tên của họ bạn còn chưa được biết (mà cũng chẳng muốn biết). Rồi thì để thuyết phục bạn nhận lời, họ sẽ khen bạn vô cùng xinh đẹp (như họ hẳn đã khen nhiều cô gái khác họ tiếp cận trước bạn cùng ngày), thậm chí thú nhận rằng họ thấy thích bạn và muốn hẹn hò với bạn, thậm chí có thể là sẽ hỏi cưới bạn (!).

Điều tôi thấy “quái lạ” chính là trong số các anh chàng Thổ từng tiếp cận tôi đó, có những anh chàng rất.. đẹp trai. Thường thì đàn ông đẹp cỡ đó ở các nước Châu Âu không bao giờ làm quen phụ nữ ở ngoài đường hết cả (vì họ nào thiếu sự lựa chọn). Nhưng đẹp trai đến mấy thì tôi cũng phải đầu hàng trước cách tiếp cận quá sức.. vô lý của họ: không quen không biết, bỏ qua mọi thứ trình tự thủ tục mà đi thẳng đến mời ăn tối!!!! Chưa kể đôi khi họ cứ theo tôi đúng lúc tôi đang bận tìm một địa điểm tham quan hay tìm hiểu một thứ gì đó. Thật mệt mỏi vô cùng.

Tôi vốn nghĩ có lẽ đó là bởi đàn ông Thổ Nhĩ Kỳ có vấn đề (!). Nhưng có thể là không phải. Có thể đơn giản chỉ là họ là những người vô tư như thế (!!!). Bởi đặt trong một hoàn cảnh khác, tôi cũng thấy người Thổ cởi mở vô cùng. Nếu tôi nán lại ở một cửa hiệu lâu lâu một chút, thế nào họ cũng mời tôi dùng trà (lưu ý: bạn không cần phải gọi trà Thổ khi vào nhà hàng thì mới được thưởng thức món này, cứ đến Thổ là thế nào đó cũng có người mời bạn). Một hôm, khi tôi ghé vào một cửa hiệu và mua một chiếc ví nhỏ, người ta hỏi tôi đến từ đâu. Tôi nói tôi đến từ Việt Nam, và anh chàng bán hàng nói “chà, hẳn là cô đã đi một quãng đường rất xa”, thì tôi bèn đáp là tôi bay đến Istanbul từ London nơi tôi đang học tập nên không xa mấy. Lập tức, anh chàng bán hàng liền gọi người bạn đang đứng ngoài đường vào trong nhà, giới thiệu tôi với anh ta, và cho biết anh bạn này cũng đang sống ở Anh, mới về quê chơi ít ngày. Anh chàng kia còn gợi ý chúng tôi giữ liên lạc với nhau ở Anh, nhưng rất may là tôi đã tìm được một lý do nào đó để “chuồn lẹ”.

IMG_8736

_

Chỉ là để cho thấy ga tàu điện ngầm ở Istanbul sạch sẽ đến mức nào

3.

Bị làm quen suốt khi đi chơi một mình kể cũng mệt mỏi thật, nhưng cũng có một người tôi gặp ở Istanbul để lại một ấn tượng đặc biệt hơn là sự phiền toái. Đó là một anh chàng Turkish chủ tiệm đồ lưu niệm ở Sultanahmet. Cậu ta kém tôi vài tuổi, học chuyên ngành kinh tế, và có cách nhìn đời khá.. cực đoan. Không như tôi với câu cửa miệng là “cũng được” hoặc mở đầu câu nói bằng “đặt trong ngữ cảnh đó thì..”, cậu ta chỉ có thích hoặc không thích, đồng ý hoàn toàn hoặc nhất định phủ quyết. Và cậu ta không ưa hai nước Anh và Mỹ, cho dù đã từng đi học tiếng Anh ở Mỹ và đi hết một loạt các điểm nổi tiếng của Mỹ. Lý do: cả Anh và Mỹ đều là những quốc gia bóc lột (!), chỉ giỏi nhất là bóc lột chứ đầu óc thì.. rỗng tuếch (cậu không chỉ ám chỉ đến quá khứ thực dân – đế quốc, cậu ta muốn nói đến thực tế là nhiều công ty hàng đầu của các quốc gia này tìm đến thế giới thứ ba để thuê nhân công với giá rẻ mạt và thu lại những món lời khổng lồ).

Điều khiến tôi ấn tượng không phải là sự ghét bỏ đó, mà là ví dụ này cậu ấy đưa ra: “Tôi đã từng tiếp vô số khách da vàng, da đen mà khi tôi hỏi họ là người nước nào, họ nói họ là người Anh/Mỹ. Okay, họ có quốc tịch Anh/Mỹ nhưng chắc chắn gốc gác của họ là từ nơi khác đến, vì cớ gì mà họ chỉ đơn giản nhận mình là người Anh/Mỹ. Chỉ vì Anh/Mỹ là hai nước giàu có ư?? Giàu có, quyền lực có mãnh lực đến như vậy sao? Xin cô đừng có như vậy nhé. Giả sử sau này cô có hộ chiếu Anh, xin cô đừng có quên mình là người Việt Nam nhé. Trong mắt tôi, người Việt Nam còn tuyệt vời hơn.”

Khi đó, tôi không khỏi cảm thấy ngạc nhiên trước sự thẳng thắn ấy, nhưng bây giờ tôi bỗng nghĩ tư duy ấy cũng có điểm thú vị. Tôi không hề xấu hổ về đất nước của mình, nhưng thú thật tôi cũng không cảm thấy tự hào mấy. Tuy nhiên, tôi phải nói thật là tôi luôn tự tin về bản thân, và dù có hay chê bai Việt Nam đi nữa (cái gì đúng thì chê thôi) thì có đi đâu, tôi cũng luôn trả lời mình là người Việt Nam, và bị nhận nhầm là người Nhật thì tôi ngay lập tức cải chính. Và không bao giờ tôi có thứ phức cảm nhục nhã vì là người Việt Nam cả. Hơn ai hết, tôi hiểu ý của cậu ta muốn nói: đây không chỉ là vấn đề dân tộc, đây là vấn đề ý thức về bản thân. Đây là chuyện bạn cần thoải mái với việc là chính bạn. Là người Việt Nam không có nghĩa là kém “cool” hơn là người Anh, người Pháp.

Khi đó, tôi đã phản bác lại ý kiến của cậu ta: ok, một người gốc Á mà nhận mình là người Anh (chứ không phải “tôi người Anh gốc Indo” chẳng hạn) thì đúng là có thể đặt dấu hỏi, nhưng mà nếu người ta nhận họ là người Mỹ thì đâu có sao. Chẳng phải Mỹ là xứ sở của dân nhập cư sao? That’s what America is all about. Người ta yêu cái đất nước mà ở đó họ lớn lên cũng không được sao. Cậu ta không vừa, bèn phản bác lại ngay: ồ có thật thế không, hay đơn giản vì họ tự cảm thấy mình cao quý hơn khi tự nhận tôi là người Anh, người Mỹ? Một người rỗng tuếch, cho dù có tự hào bản thân mang quốc tịch “cao sang”, thì vẫn là người rỗng tuếch mà thôi. Và tại sao họ lại phải lược bỏ nguồn gốc của mình khi nguồn gốc ấy cũng có thể rất đẹp, rất tuyệt vời, chỉ là không quyền lực, giàu có bằng Anh, Mỹ mà thôi?

Hôm ấy tôi và cậu ta tranh cãi nhiều lắm, chừng hơn một tiếng đồng hồ. Cậu ta thậm chí còn hỏi tôi có đói không và mời tôi ngồi ăn bánh cùng, lại còn mua trà cho tôi uống (cậu ta nói người Thổ đang ăn uống mà có người đến là dứt khoát PHẢI mời). Và cậu ta không hề tán tỉnh tôi hay là tôi để ý gì cậu ta. Tôi và cậu ta tranh cãi chỉ để cho.. sướng mồm. Và cậu ta còn nói nhiều lắm, nào là chuyện Hồi giáo là ra sao, nơi nào là tuyệt vời nhất ở Thổ, cậu ta thấy người của những nước nào là đáng yêu nhất (và ngược lại – blacklist của cậu ta bao gồm Anh, Pháp, Mỹ, nhưng cậu ta lại thích Thụy Sĩ, Ý, Tây Ban Nha, Nhật, và Malaysia), cậu ta đã đi những đâu..

Tôi và cậu ta không hề giữ liên lạc kể từ lần nói chuyện duy nhất đó. Nhưng tôi vẫn nghĩ về những gì cậu ấy nói. Cậu tên là Hussen.

 

P/s: mọi hình ảnh trong bài viết đều thuộc bản quyền của tác giả, đơn vị hoặc cá nhân nào muốn sử dụng lại xin vui lòng liên hệ với tác giả.

 

12 thoughts on “Chuyện ở Istanbul

  1. chị ơi, trong những chuyến đi một mình của chị, chị có gặp được tình yêu đích thực không ạ, có hứa hẹn là gặp lại nhau hay chỉ là say nắng trong những chuyến đi ngắn ngày thôi chị

    Like

    • Chị đâu có say nắng gì đâu em ơi, chị chỉ gặp gỡ, nói chuyện người địa phương để tìm hiểu về văn hóa thôi em ạ, nếu ai mà nói chuyện hợp thì sẽ giữ liên lạc như bạn bè thôi. Không có tình yêu đích thực nào trên đường đi đâu em. 😉

      Like

      • Vậy sau khi sống khoảng một thời gian dài 1 năm ở Anh thì liệu tình yêu đích thực có đến không chị? Chị có nghĩ là chị tìm được một nửa khi đang đi du học không chị:)))

        Like

        • Hihi.., em gái vui tính quá. :)))
          Chị có một nguyên tắc là trên blog thì không tiết lộ chuyện tình yêu em ạ trừ khi chị đang yêu một người vô cùng nghiêm túc, sắp cưới đến nơi rồi thì có thể chị sẽ viết về chuyện đó. :”>

          À mà lúc đi Istanbul này thì là chị đến thăm thằng em em ạ, chứ không hẳn là đi hoàn toàn một mình, ban ngày em nó đi làm thì chị lang thang một mình thôi..

          Like

          • Em thường thấy là các nhà văn thường trở nên nổi tiếng với những câu chuyện về cuộc đời của chính họ. Em cũng chờ mong tác phẩm về chuyện tình của chị.hehe.

            Like

  2. Chào Thi!
    Cảm ơn Thi vì câu chuyện hay ở Istanbul. Cảm giác thật dễ chịu. Mình đang tìm thông tin về Istanbul và Ankara để đi chơi lang thang một mình. Muốn hỏi bạn rằng con gái du lịch một mình ở đây có an toàn không?

    Like

    • Chào bạn. Mình chưa bao giờ đến Ankara nên không biết, nhưng Istanbul thi mình từng du lịch 1 mình đến và không gặp vấn đề gì. Cảm giác của mình lúc đó là không cảm thấy an toàn bằng ở Châu Âu nhưng cũng khá an toàn. Tất nhiên cũng có nguy cơ khủng bố như đài báo nói nhưng đó là rủi ro chung. Con gái đi 1 mình chỉ phải chú ý là mấy ông anh người Thổ rất thích đi theo tán tỉnh, mời ăn tối này nọ kia khác, nhưng nếu mình cứ dứt khoát làm ngơ thì họ cũng không làm gì cả đâu (họ lại chạy theo tán đối tượng khác ngay ấy mà).

      Like

      • Chào Thi!
        Cám ơn bạn đã chia sẻ. Mình nghĩ chuyện mấy ông anh bản địa thì mình không lo lắm, vì mặt mình lạnh lắm, mấy ổng khỏi theo luôn. Nghe bạn nói vậy mình thấy cũng an tâm lên plan đi lượn rồi ^^
        Nay đọc lại “Chuyện ở Istanbul” của Thi vẫn thấy cute luôn.

        Like

            • Hi Thi!

              Well, chưa có nơi nào được mời chào và thậm chí mời gọi như Turkey :)) Thậm chí tới mức mệt mỏi luôn bạn ạ. Nhưng cái đó không phải vấn đề vì mình biết cách từ chối hoặc tránh ra. Và cũng chưa có nơi nào tớ đi lại để lại nhiều cảm xúc như Turkey, thật sự giống như một giấc mơ vậy, đẹp tới nao lòng và cảm xúc thật tuyệt, 10 ngày quá ngắn ngủi bạn ạ. Thế nên giờ tớ đang cố cày cuốc để lại đi một chuyến vào năm tới đây 😀

              Liked by 1 person

Leave a Reply / Hoan nghênh bạn để lại phản hồi