Cuối năm ngoái, tôi may mắn được mời tham dự một tuần tập huấn truyền thông ở Ba Lan, từ đó tranh thủ tìm hiểu thêm về một đất nước mà cá nhân tôi còn hiểu biết hạn chế. Thời gian ở Ba Lan chỉ kéo dài chừng mười ngày, nhưng đã khiến cho tôi từ một người không mấy quan tâm đến văn hóa Ba Lan trở nên ngưỡng mộ và yêu mến đất nước ấy. Bởi lẽ, những gì đọng lại trong tôi về Ba Lan không chỉ là vẻ đẹp phong cảnh của đất nước – điều bạn có thể tìm thấy ở bất kỳ đâu tại Châu Âu – mà còn là tấm thịnh tình, tính cách hồn hậu, sự thông minh dí dỏm của những người bạn Ba Lan mà tôi tiếp tục giữ liên lạc cho đến giờ.
Người Ba Lan thân thiện
Trước khi đi tàu đến Gdansk để bắt đầu chuyến tập huấn, tôi có may mắn được ở nhờ nhà của một đôi vợ chồng Ba Lan gốc Việt tại thủ đô Warszawa (tiếng Việt đọc là Va-sa-va). Dù trước đó chỉ quen biết sơ qua chị Linh, một dịch giả văn học Ba Lan qua Facebook do cùng cộng tác với một nhà xuất bản, nhưng tôi đã được chị mời đến nhà và tiếp đón chu đáo. Chị là hình mẫu phụ nữ mà tôi ngưỡng mộ: xinh đẹp, hiểu biết, và vô cùng đảm đang. Sợ tôi bỡ ngỡ khi lần đầu đến Châu Âu, chị lái xe đến tận sân bay đón tôi về, và dành cho tôi một phòng trong căn hộ xinh xắn của vợ chồng chị. Ngày đầu tiên, chị dẫn tôi đi chơi phố cổ và làm “hướng dẫn viên du lịch”, kể cho tôi nghe những câu chuyện kỳ thú về những địa điểm nổi tiếng ở thủ đô.
Đến Gdansk, tôi lại tiếp tục có hân hạnh được ban tổ chức, hầu hết là người Ba Lan, tiếp đón tận tình và kết bạn với một số người bạn Ba Lan trong đoàn, trong đó có một anh chàng mang hai dòng máu Anh – Ba Lan và một cô bạn có hai quốc tịch Đức – Ba Lan. Vì luôn thích thú trước những trường hợp pha trộn dòng máu như vậy, nên tôi thường hỏi hai người bạn những câu hỏi tinh nghịch về cuộc sống của họ. Ví dụ, với anh chàng Matthew, tôi hỏi: “khi xem một trận đấu giữa Anh và Ba Lan, anh ủng hộ đội nào?” Anh chàng bèn đặt một tay lên ngực mình và nói: “trái tim tôi luôn hướng về nước Anh, nhưng tôi hiểu rằng Ba Lan cần đến sự ủng hộ của mình hơn.” Tôi bèn trêu anh là không chịu xem bóng đá, vì chỉ cách thời điểm đó một tuần, đội tuyển Ba Lan đã làm nức lòng người hâm mộ bằng một chiến thắng 2-0 trước đương kim vô địch thế giới là đội tuyển Đức tại vòng loại Euro 2016. Anh cười và nói rằng anh cũng không phiền nếu một ngày đội bóng đá Ba Lan vượt xa đội tuyển Anh.
Với cô bạn lai dòng máu Đức, tôi lại hỏi liệu cô cảm thấy mình gần hơn với nước Đức hay Ba Lan. Tôi chắc mẩm là cô bạn sẽ chọn Đức vì cô đang sinh sống tại đó, nhưng cô lại nói rằng mình cảm thấy gần gũi với Ba Lan hơn bất cứ đâu, rằng cô yêu mọi thứ thuộc về đất nước này.
Đó chính là điểm chung của nhiều người Ba Lan mà tôi có dịp gặp gỡ trong chuyến đi của mình: họ cởi mở, thân thiện với bạn bè từ khắp nơi trên thế giới, nhưng đồng thời cũng rất yêu và tự hào về đất nước của mình. Chị Linh cũng từng nói với tôi rằng: chị đã đi nhiều miền đất kỳ thú trên thế giới, nhưng để sinh sống thì chị sẽ không chọn bất kỳ nước nào khác ngoài Ba Lan vì chất lượng cuộc sống nơi đây.
Trong chuyến đi của mình, tôi còn có vinh dự được gặp cựu tổng thống Ba Lan Lech Wałęsa, người từng lãnh đạo phong trào công đoàn tại Ba Lan hồi thập niên 80 và nhận giải Nobel Hòa Bình năm 1983. Người Ba Lan ái mộ cựu tổng thống của mình đến mức lấy tên ông đặt cho cả sân bay quốc tế Gdansk Lech Wałęsa dù ông vẫn còn sống. Đoàn nhà báo chúng tôi được trực tiếp gặp ông qua sự sắp xếp của ban tổ chức, và tất cả đều bất ngờ trước sự trẻ trung, thẳng thắn của nhà chính khách nay đã ngoài 70 tuổi. Một cách cởi mở, ông dành thời gian trả lời tất cả các câu hỏi của chúng tôi, và còn chủ động chụp ảnh kỷ niệm cùng cả đoàn.
Đất nước đáng ngưỡng mộ
Đến Ba Lan vào những ngày đông lạnh giá và ảm đạm, tôi cảm thấy đáng tiếc vì đã không được ngắm nhìn đất nước xinh đẹp này vào một thời điểm đẹp hơn trong năm. Tôi cũng không có quá nhiều thời gian để khám phá vẻ đẹp phong cảnh của Ba Lan vì bận rộn di chuyển từ nơi này sang nơi khác và tham gia hội họp theo lịch trình của chuyến đi. Thế nhưng những câu chuyện xung quanh lịch sử và quá trình phát triển của Ba Lan cùng các di sản văn hóa quý báu mà tôi được chứng kiến đã để lại ấn tượng sâu đậm.
Niềm ngưỡng mộ của tôi đối với quê hương nhà soạn nhạc Chopin trước hết đến từ cách đất nước này vươn lên sau chiến tranh. Ba Lan không phải là một nước giàu ở Châu Âu, nhưng cách chính phủ và nhân dân Ba Lan vươn lên tái thiết đất nước sau những tàn phá và tổn thất nặng nề do chiến tranh khiến thế giới phải ngả mũ kính phục. Là nền kinh tế duy nhất tại Châu Âu tránh được suy thoái kinh tế cuối thập niên 2000, Ba Lan đã và đang là một trong những quốc gia phát triển với tốc độ nhanh nhất châu lục. Theo các bảng xếp hạng quốc tế, Ba Lan được đánh giá là nước phát triển tương đối bền vững, có một thị trường nội địa mạnh mẽ, và đặc biệt được khen ngợi về phát triển con người. Ở lĩnh vực văn hóa, mặc dù là một quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ chiến tranh, nhưng Ba Lan có tới mười bốn địa danh được UNESCO đưa vào danh sách di sản. Nhiều công trình kiến trúc của Ba Lan bị bom đạn tàn phá và mất đi, nhưng người ta vẫn giữ được rất nhiều tác phẩm hội họa và điêu khắc quý giá của các nghệ sĩ nước nhà. Viện Bảo tàng Chopin tại Warszawa, nơi chào đón khách tham quan bằng một bầu không khí âm nhạc tuyệt vời, còn lưu giữ một bộ sưu tập ấn tượng các di vật và bút tích của nhà soạn nhạc nổi tiếng.
Thủ đô Warszawa của Ba Lan được ví như một chú phượng hoàng vươn lên từ tro tàn nhờ quá trình tái thiết nhanh chóng sau Thế chiến thứ hai. Khu trung tâm thành phố của Warszawa với Phố Cổ xinh đẹp là một trường hợp đặc biệt trong danh sách di sản văn hóa thế giới của UNESCO vì đây là đây là đô thị duy nhất bị tàn phá gần như hoàn toàn sau chiến tranh. Bản thân công trình tái tạo tinh vi của các nhà tái chế tài hoa, vốn dựa trên các bức họa và tư liệu cổ về thành phố Warszawa trước khi bị tàn phá, đã là một di sản khiến bất kỳ ai cũng phải ngưỡng mộ. Lâu đài hoàng gia tại Phố Cổ, được xây lại từ năm 1971, là một trong những minh chứng hùng hồn nhất cho tài năng và công sức của những nhà phục chế. Là một điểm đến hút khách du lịch hàng đầu Warszawa, lâu đài trưng bày những bức tranh quý hiếm của các họa sĩ Ba Lan và quốc tế cùng những di vật về cuộc sống hoàng gia Ba Lan xưa kia.
Thật lạ là khi ở Ba Lan, em có cảm giác như mình đang ở một châu Âu rất khác. Có cái gì đó rất khác với những nước Bắc Âu hay Nam Âu em từng được đến. Và em thích gu thời trang của những cô gái ba lan. Em có thể đi trên phố và ngắm họ cả ngày :”). Một trong những người bạn thân của em là người Ba Lan nhưng hiện đang sống và học tập ở Đức, Nhờ bạn ấy mà em được sống cùng một gia đình người Ba Lan vài ngày nên cũng hiểu về cách sống cách suy nghĩ của họ. Ở họ có cái gì đó tinh tế nhưng khác với sự tinh tế cầu kỳ đến mức xa hoa của người Pháp, và chân chất nhưng khác với sự chân chất ngây thơ của người Hà Lan.
🙂
LikeLiked by 2 people
Uh chị thấy người Ba Lan chân thành, nồng ấm, giản dị, chị rất thích. :3
LikeLiked by 1 person
Hi Minh Thi,
Mình là Hoàng Nhựt (32t ), hiện đang làm việc tại SG.
Nhựt có kế hoạch đi Ba Lan vào giữa tháng 7. Đọc bài viết này thấy thú vị. Minh Thi tư vấn giúp Nhựt mấy việc này nha.
Những hồ sơ xin thị thực visa đi công tác Ba Lan có phải dịch hết qua tiếng anh không Minh Thi nhỉ?
Nếu dịch qua tiếng anh thì có cần phải công chứng không?
Nhựt lần đầu làm hồ sơ đi nên chưa có kinh nghiệm nên Minh Thi hướng dẫn giúp Nhựt nha.
Mong hồi âm của Minh Thi
Trân trọng
LikeLike
Chào anh Nhựt,
Với độ tuổi của anh thì em là em rồi ạ. 🙂
Trước đây em cũng đi công tác ở Ba Lan, xin visa Schengen theo diện visitor. Hồi đó đơn vị tài trợ ở nước ngoài cho nên họ gửi giấy mời bằng tiếng Anh nên em không cần phải dịch hay công chứng gì cả.
Theo em, anh nên yêu cầu phía mời cung cấp giấy mời và các giấy tờ liên quan (như tài trợ tài chính, chương trình công tác) trực tiếp bằng tiếng Anh (hoặc tiếng Ba Lan). Nếu họ không thể làm được điều này thì anh hãy đi dịch công chứng (văn phòng dịch làm cả việc dịch lẫn công chứng, giá cả cũng không quá cao).
Em chỉ biết đến như vậy, nếu anh có thắc mắc sâu thêm thì em nghĩ anh nên gọi điện cho sứ quán Ba Lan hỏi trực tiếp.
Chúc anh may mắn ạ,
Minh Thi
LikeLike
Em xin trả lời tiếp các câu hỏi cụ thể ở post khác của anh:
1/ Những hồ sơ tiếng việt xin visa có cần photo công chứng hay không?
<– Photo thì có lẽ không cần nhưng cần bản dịch tiếng Anh hoặc Ba Lan. Riêng hộ chiếu thì cần photo. Nếu anh thấy cần thì có thể photo các tài liệu khác, nhưng anh đã cung cấp bản gốc rồi thì không cần công chứng nữa.
2/ Những hồ sơ tiếng việt có cần dịch thành văn bản tiếng anh không? Và có cần công chứng khi dịch không nhé?
<– Có. Nhưng có rất nhiều cách để anh xin giấy tờ tiếng Anh. Ví dụ như yêu cầu phía mời cung cấp giấy tờ tiếng Anh, xin giấy tờ song ngữ hoặc tiếng Anh từ ngân hàng (với bank statement hoặc xác nhận tiền tiết kiệm). Như vậy anh không cần dịch công chứng nữa.
3/ Ban tổ chức đại hội mời đi 2 tuần thì phí bảo hiểm mình mua đi châu âu khoảng bao nhiêu và mua công ty nào là an toàn hả Minh Thi?
<– Hiện nay ở VN có nhiều hãng bảo hiểm. Hồi trước em hay mua Bảo Việt, gửi tiền qua HSBC, giá cả tầm vài trăm đến 1 triệu tùy vào nhu cầu của anh (cái này anh tự search google hộ em nha). Em không biết có đảm bảo an toàn lắm không nhưng trong quá trình đi du học, em không xảy ra chuyện gì để phải dùng đến bảo hiểm cả, cho nên việc mua bảo hiểm chỉ là thủ tục chứ em không đảm bảo chất lượng cho họ được.
LikeLike
Hi bạn, mình muốn hỏi là mình nộp hồ sơ xin visa Ba Lan tại Hà Nội, mình ở trong TP. HCM, phải ở lại đợi hay nhờ người lấy giùm được không ạ, thông thường thì bao nhiêu ngày là có Visa ạ.
Cảm ơn Bạn nhiều
LikeLike
Theo mình biết thì bạn phải đích thân lấy bạn ạ, nhưng mình không chắc về chuyện này lắm nên bạn gọi cho sứ quán để hỏi nhé bạn.
Xin visa Ba Lan thì thường họ không cho ngày trả visa đâu bạn ạ, bao giờ có thì bạn sẽ nhận được.
Chúc bạn may mắn nhé.
LikeLike