Tôi bắt đầu yêu bóng đá y như cái cách mà sau này tôi phải lòng phụ nữ: bất chợt, không chút xét đoán, không hề có dự cảm về nỗi đau khổ mà tình yêu đó sẽ giáng lên tôi.
– Trích “Fever Pitch”, tự truyện của nhà văn Anh Nick Hornby về tình yêu của ông với bóng đá và câu lạc bộ Arsenal.
Cứ mỗi mùa World Cup hoặc Euro, tôi lại phải chứng kiến một việc không mấy khi tôi được chứng kiến ở ngoài đời: đàn ông khóc. Vì đa cảm, nên tôi rất hay động lòng trước cảnh tượng này. Tôi không muốn nhìn thấy các anh chàng đẹp trai rơi nước mắt, nhất là khi mấy chàng đã cố gắng hết sức vì đội tuyển của mình. Mà thực ra, tôi cũng động lòng nốt khi thấy những gã không đẹp nhưng đá hay phải rơi lệ; bóng đá thật kỳ lạ, khiến cho những anh chàng thô kệch như Rooney, Balotelli cũng trở nên hấp dẫn. Nhưng điều đó dường như là không thể tránh khỏi. Vì tôi có xu hướng ủng hộ những đội yếu, hoặc là không mạnh lắm.

Khi đàn ông khóc, thì dù cho đó là Balotelli và đội Ý, tôi cũng phải động lòng. (politicalblindspot)
Trận bóng buồn chán nhất là một trận không có bàn thắng. Nhưng buồn chán không kém là những trận mà chỉ có bên này áp đảo bên kia và ghi bàn liên tục (trừ khi đó là đội bóng mà bạn đặc biệt ủng hộ – trong trường hợp của tôi là Pháp, Anh, và Hàn Quốc). Tôi thích các trận đấu cân bằng khi cả hai bên chơi không quá tính toán để liên tiếp rượt đuổi tỷ số. Tôi còn mê hơn nữa những cuộc lội ngược dòng, hay những trận đấu có bàn thắng ở phút cuối. Sự bất ngờ tạo nên vẻ đẹp của bóng đá, và chỉ có tinh thần thi đấu cống hiến mới có thể làm nên điều đó. Vì thế, những đội bóng vẫn thắng theo phong cách ru ngủ, và tính toán khôn ngoan – chỉ mới được một bàn đã lui về phòng ngự – thực sự làm tôi chán ngán. Những đội mạnh như Brazil, Ý thì tôi lại càng không hứng thú. Tôi thích nhìn thấy họ bị… hạ bệ một cách thuyết phục. Tôi thích được thấy các đội bị cho là yếu hơn vươn lên giành chiến thắng. Vì thế nên tại World Cup bốn năm trước, lần đầu tiên tôi đã ủng hộ Uruguay.
Tất cả chỉ vì Diego Forlán. Bởi vì ngoài việc là một cầu thủ tài năng, anh đã luôn nỗ lực hết mình cho đến phút cuối cùng. Và với sự có mặt của anh, người ta tin rằng điều không thể cũng có thể trở thành có thế. Ít nhất là tôi đã cảm thấy thế. Đó là mẫu cầu thủ mà người ta cảm thấy có thể đặt niềm tin. Anh là nguồn cảm hứng của toàn đội bóng, thậm chí của cả những người đã theo dõi anh thi đấu. Cho dù đội tuyển của Forlán không mạnh, nhưng anh đã đưa được đội bóng của mình đến tận tứ kết (cùng với Suárez và một chút may mắn, tất nhiên). Anh làm tôi xúc động, ngay cả trong các trận đấu mà Uruguay đã thua – trận thua ở tứ kết và trận tranh giải ba. Quyết định sáng suốt của FIFA năm ấy chính là trao giải cầu thủ xuất sắc nhất cho Forlán, dù cho Uruguay của anh đã không thể tiến sâu hơn. Có lẽ tôi phải lòng Forlán vì anh gợi nhớ thật nhiều đến Zidane. Cũng gương mặt…già chát nhưng phong độ ấy, cũng vẻ manly quyến rũ ấy..
Nhưng thôi, Uruguay vừa mới bị thua khá đậm nên tôi sẽ không nhắc đến Forlán nữa. Điều tôi muốn nói chỉ là, bóng đá chẳng có nghĩa lý gì nếu như nó quá dễ đoán. Bởi vì nó luôn đem lại cho bạn những cảm xúc cực đoan: bàng hoàng thất vọng, sững sờ kinh ngạc, hạnh phúc tột cùng, hồi hộp đến nghẹt thở, nên bóng đá mới thu hút đến vậy. Nó làm cho bạn muốn phát điên. Nghe thì có vẻ khoa trương nhưng tôi nghĩ những người yêu bóng đá đều hiểu là tôi không hề quá lời. Đã có thời điểm tôi tưởng như tim mình sắp.. bắn ra khỏi lồng ngực khi xem các màn đấu penalty quyết định. Đã có lúc tôi cảm thấy hạnh phúc tột cùng khi đội mình ủng hộ cuối-cùng-thì-cũng giành chiến thắng. Và giống như khi ta đứng trước một quang cảnh tuyệt đẹp, được bất ngờ chứng kiến một bàn thắng ngoạn mục là một trải nghiệm đầy mãn nguyện. Không ai là không mê những cú đánh đầu chớp nhoáng, những bàn thắng từ xa chính xác, những pha phối hợp ăn ý qua mặt các hậu vệ để tạo nên một kết quả tuyệt vời.
Chỉ có những cuộc đấu với dàn cầu thủ chơi hết mình, kiên trì và quyết liệt mới có thể làm nên những cảm xúc ấy. Và đó là lý do mà tôi thích xem bóng đá. Và thích cổ vũ cho những đội tưởng chừng không mạnh nhưng không ngừng nỗ lực.
Thế nhưng tôi chủ yếu chỉ xem World Cup và Euro mà thôi. Vì chỉ trong những giải đấu ấy, đàn ông mới rơi nước mắt.
Bài entry thật là xúc động làm sao chứ. Chắc viết để đăng báo nên mới đầu tư nhiều vào bài viết đến thế.
Thực ra cúp các câu lạc bộ coi kịch tính hơn world cup hay euro nhiều. Các siêu cầu thủ họ thể hiện ở cúp các clb nhiều hơn, sang đến tập kết cho đội tuyển quốc gia thì họ thường đá nhạt nhoà. Chắc một phần là vì đã vắt kiệt sức ở cúp các clb, một phần là vì ở cúp các clb, các thành viên trong đội tập luyện với nhau nhiều nên đá ăn rơ, vốn là điều tiên quyết cho thành công ở bộ môn thể thao mang tính đồng đội này.
Còn về vụ hàn quốc thì xin lỗi do tui ác cảm với cái nước hàn quốc quá nên tui đành phải vạch lá tìm sâu vậy. Thím có biết vụ world cup 2002 ở Hàn Quốc là một vết nhơ trong lịch sử world cup ko? Thế mới nói nhân cách của nhật bản thật là đáng trân trọng. Luôn trung thực, tự trọng, điềm đạm và khiêm nhường. Trong khi cái bọn kia thì….
http://news.zing.vn/Be-boi-chan-dong-bong-da-the-gioi-tai-World-Cup-2002-post420677.html
LikeLike
Đâu, bài này có báo nào thèm đăng? :)) Hôm qua thức đến 3h sáng để viết đó. :<
Ừa tui cũng biết coi câu lạc bộ thì được thấy nhiều sao hơn, phối hợp cũng tốt hơn vì các cầu thủ hiểu nhau lắm rồi. Nhưng mà tui hông có thời gian, tui chỉ coi phim đọc sách, viết bài kiếm tiền đã hết ngày rồi, lại còn xem cả bóng đá ở cấp CLB nữa thì không biết đào đâu ra thời gian.
Hự nếu ông nói vậy các nước khác cũng có "bê bối" mà. Tui không tin là HQ mua chuộc trọng tài, mặc dù sự thiên vị dành cho chủ nhà thì đã rõ ràng. Cứ cho là quan chức nước này đã làm thế thì đó cũng không phải lỗi của các cầu thủ. Còn phạm lỗi thì tôi thấy ở WC này đội nào cũng phạm lỗi, ăn vạ, chửi nhau các kiểu.. Ở WC làm gì có tinh thần thể thao cao thượng =)), tôn chỉ là the winner takes it all mà. Nói thế không phải là bào chữa mà thật ra tôi thấy các đội khác cũng đều thế cả. Ông muốn ví dụ thì có thể nói nhiều đội không chỉ riêng HQ. Hơn nữa sự thật là đội tuyển HQ năm đó đã nỗ lực hết mình – tôi thích kiểu thi đấu quyết tâm như vầy.
Tui cũng ủng hộ Nhật đó. Cùng Châu Á mà sao mà không ủng hộ. Nhưng mấy kỳ WC gần đây Nhật không chơi bóng quyết tâm như HQ nên không ủng hộ bằng. Chung quy thì luôn mong 2 đội ấy tiến sâu hơn.
LikeLike