Về chuyện đi xem phim

the_end__span

Nguồn minh họa: badassdigest.com

Mỗi khi một bộ phim vừa kết thúc – đèn trong rạp chiếu bật sáng, khi tôi vẫn còn đang lơ mơ chìm đắm trong những cảm xúc rơi rớt lại về bộ phim, thì cũng là lúc, xung quanh tôi, gần như mọi khán giả đồng loạt đứng dậy ra về. Cứ như thể họ đang có công chuyện gì đó rất hệ trọng cần giải quyết (trong một chiều cuối tuần?). Cứ như thể bộ phim ấy đối với họ chẳng đáng gì – không hơn gì một cốc trà đá – uống xong rồi là đứng dậy bỏ đi. Cho dù bài hát cuối phim đang vang trong rạp chiếu có đẹp đến thế nào, họ vẫn cứ bỏ đi, như chẳng hề nghe thấy thanh âm gì..

Tôi chẳng dám trách giận công chúng vì thái độ của họ đối với phim ảnh (tôi có là gì đâu mà trách, tôi còn chẳng thuộc giới làm phim). Nhưng đôi khi, tôi vẫn tự hỏi: sao người ta quá… vô tình.

Xem phim, đối với tôi, luôn là một trải nghiệm vô cùng đặc biệt. Đó là khi bạn dành trọn một, hai tiếng đồng hồ cho một tác phẩm nghệ thuật mà chẳng cần để ý gì đến những điều xung quanh. Công việc, chuyện gia đình, các vấn đề đau đầu cần giải quyết…– ta bỏ qua hết chỉ để xem trọn một bộ phim. Mọi cảm xúc của ta khi đó không xuất phát từ chính ta hay bất kỳ ai, mà bắt nguồn từ những gì đang diễn ra trên màn ảnh. Xem phim để… quên đời, để được trốn tránh hiện tại trong vài ba tiếng, để được hòa mình vào một không gian tưởng tượng khác xa cuộc sống hàng ngày, để được thưởng thức một công trình mà người ta đã bỏ ra hàng tháng, thậm chí hàng năm trời để hoàn thành chỉn chu (bất kể đó là một bộ phim giải trí thuần túy hay phim nghệ thuật). Và bởi vì đó là một trải nghiệm đặc biệt, nên cho dù chỉ trong vài ba phút, tôi cũng muốn nán lại để lắng nghe soundtrack cuối cùng, và lướt qua tên của những người đã góp phần làm nên bộ phim ấy.

Hẳn là sẽ có người cười tôi khi đọc đến đây. Họ sẽ thắc mắc: “phim thì có gì mà quan trọng quá vậy?”

Thực ra, tôi chẳng dám trách ai cả, tôi chỉ muốn chia sẻ cảm giác hẫng hụt của tôi mỗi khi xem xong một bộ phim ở rạp chiếu. Bởi rất thường xuyên, dòng cảm xúc của tôi – vẫn còn chưa dứt do tác động của những thước phim cuối – bị “cắt phăng” bởi sự vô tình ấy. Khi vài dòng credits đầu tiên chỉ mới hiện lên, lập tức khán giả sẽ ồ ạt bỏ đi. Và chưa đầy một phút sau đó, các nhân viên rạp chiếu sẽ kéo vào như để đuổi khách, khiến tôi, dù lưu luyến muốn nghe nốt bài hát cuối – như một cách để ‘chia tay’ bộ phim, cũng bị buộc phải rời đi. Và có những lúc, ngay cả rạp phim cũng chẳng buồn chiếu cho đến hết phần credits. Họ chỉ đợt vài giây là đã cắt phụt đi (một cách rất thô bạo – nếu bạn hiểu ý tôi, dù đương nhiên họ chẳng ý thức được điều đó), như thể chúng chẳng có ý nghĩa gì (tại sao lại không có ý nghĩa gì, chúng cũng là một phần của bộ phim cơ mà).

Tôi hiểu, hầu hết mọi người chỉ coi phim để giải khuây giết thì giờ. Họ không cân nhắc quá nhiều để chọn phim – may ra chỉ dành ra một, hai phút. Họ cũng không suy nghĩ về bộ phim nữa một khi nó kết thúc (dù phim chỉ mới hết cách đó một vài giây). Và đôi khi, họ cũng chẳng suy nghĩ gì trong lúc xem phim cả. Tôi hiểu, vì phim với họ chẳng là gì to tát. Còn đối với người làm phim ở Việt Nam, chỉ cần khán giả không bĩu môi trước những tác phẩm của họ và chịu đến rạp xem phim – là họ đã vui rồi.

Tôi không kêu gọi ai cũng phải như mình. Mà thực ra, không phải lúc nào tôi cũng ngồi xem được credits phim cho đến cuối cùng. Sự thực rằng tôi luôn là khán giả cuối cùng còn trong rạp chiếu, và dường như đang “cản trở” công việc dọn dẹp của các nhân viên trong rạp (những người nhìn tôi với ánh mắt tò mò) bởi sự có mặt của mình khiến tôi thường phải bỏ đi giữa dòng cảm xúc còn chưa dứt ấy.

Tôi chỉ mong rằng, một lúc nào đó, mọi người bớt vô tình với các bộ phim hơn một chút.. Đủ để đừng buôn chuyện như pháo rang trong rạp chiếu như thể xung quanh chẳng có ai (đôi khi có cả buôn chuyện điện thoại). Đủ để đừng đến quá muộn, gây ồn ào trong rạp. Và xa vời hơn, thì may ra, một ngày nào đó, họ sẽ dành vài giây vỗ tay khen bộ phim nếu nó thực sự hay. Rồi may ra, họ còn ngồi lại xem credits – ít nhất là những dòng đầu thôi – để “tạm biệt” những người làm nên bộ phim đó.

Tất nhiên.. chuyện ấy ở thời điểm này vẫn còn xa vời lắm, khi người ta, dù chưa xem một bộ phim đã có thể chê bai nó như thể họ đã xem rồi. Và đôi khi, dù chưa hề xem, họ vẫn hỏi bạn bè: bộ phim đó kết thúc như thế nào?

P/s:

Xin đừng bỏ qua end credits của các bộ phim nếu như bạn có thể, vì đôi khi bạn sẽ bỏ lỡ những điều thú vị. Ví dụ như những trường hợp dưới đây:

Credits của phim The Proposal:

Credits phim Wall-E

Credits phim Kungfu Panda

Credits phim Ratatouille

Credits phim Tangle

Nhạc phim ở end credits của phim Dark Knight Rises:

Ngoài ra, bạn cũng nên vào phòng chiếu đúng giờ, không chỉ để không bỏ lỡ những phút đầu của bộ phim, mà còn để không bỏ lỡ những phần opening credits đẹp đến thế này (phim Casino Royale):

7 thoughts on “Về chuyện đi xem phim

  1. Em cũng hay đi xem phim, và toàn đi một mình với tìm đúng giờ ít người xem như tầm trưa vì khi ở trong không gian giảm thiểu được tiếng ồn nhiều nhất thì cảm nhận về phim sẽ rõ ràng và sâu sắc hơn. Em cũng cố xem hết từng dòng credit, nhưng điều đó hơi khó vì người ngồi cạnh như muốn đuổi em đi để có chỗ ra. Dù không liên quan đến phim nhưng rác của mình nên tự vứt đi, nhưng thường mọi người ăn uống xong là để luôn đó cho lao công dọn, thật sự thì lao công còn nhiều thứ phải dọn chứ không riêng gì rác mà. Nếu có góp ý thì người ta chê mình quá khó tính. 😥 Nhiều khi cảm thấy mình không hòa nhập được khi quan điểm khác nhau quá. 😥

    Like

    • Rất vui vì em đã ghé thăm “nhà” chị. ^^

      Ôi, đúng thật là kiếp trước chị với em có họ hàng gì đó rồi vì chị cũng có thói quen như thế: đi xem phim một mình vào tầm trưa chiều khoảng 12h-4h. 😀 Có lúc chị vẫn đi với bạn, nhưng cũng hay đi xem phim một mình cho “tập trung”, mà lại chủ động được thời gian (ví dụ tự nhiên hứng lên thì có thể đi đc luôn, ko phải rủ rê hay chờ đợi ai, nhỉ?).

      Còn chuyện rác thì bản thân chị cũng không để ý lắm (ngại quá :”>, mà thực ra chị cũng ít khi ăn uống khi đi xem phim trừ khi đi với bạn). Mình không vứt bừa bãi, họ cứ thu dọn từ cái chỗ để nước bên cạnh là okay mà? Đôi khi chị cũng mang theo rồi cho vào thùng rác, nhưng nhiều lúc không để ý. Mà em nói vậy cũng đúng, lần sau nếu đi đâu chị sẽ để ý hơn.

      Nhưng chuyện đó em cũng không thể trách người khác đc (trừ khi họ vứt bừa bãi xuống lối đi), vì rõ ràng đó là công việc của người phục vụ mà?

      Like

      • Thật ra việc rác riếc là việc nhỏ thôi, nhưng em nghĩ chú ý được thì tốt hơn, vì có nhiều người không phải để chỗ ngồi mà vứt lung tung, vung vãi ý ạ. Nói là việc của lao công nhưng ăn uống là việc của mình mà, nếu không vứt thì nên gọn gàng.

        Chắc chúng ta có duyên từ kiếp trước thật chị ạ. :3 Đọc blog chị thích lắm, hi vọng chị sẽ có nhiều bài hơn nữa :3

        Like

        • Nếu thế hệ trẻ ai cũng nghĩ được như em thì có phải là tốt không nhỉ? 😀

          Cám ơn em. Chắc chắn là chị sẽ có nhiều bài nữa vì blog này tập hợp các bài báo + lảm nhảm bất chợt của chị mà. :”>

          Like

  2. Lâu nay toàn vào nhà chị rồi đi ra nhưng mà lần này hứng lên phải comment phát mới chịu :v :v
    Cuối cùng cũng tìm ra người có cùng quan điểm với mình nhiều đến vậy.
    Em đa số là xem phim 1 mình, lý do thì vô kể. Nào là chủ động thời gian, rồi thì đúng như chị là em toàn thích xem giờ người ta ít xem nhất. Mà cgv dạo này cũng hay chiếu phim nghệ thuật nữa, thành ra tìm người hợp gu và biết xem phim rất khó (những người như thế toàn ko có khớp tgian) thành ra em lại đi một mình cho nó khỏe.
    Em cũng hay ngồi nán lại xem cho hết credit (bài học đầu tiên của em hồi đi học ở 1 trung tâm điện ảnh) nhưng phải nói là mỗi lần trong rạp chỉ còn mình em và các chị dọn vệ sinh đứng như thể “làm ơn ra nhanh cho bố nhờ” thì em cũng hơi bực nhưng đành chịu à.

    Liked by 1 person

      • Hi em,

        Cám ơn em đã ghé thăm và để lại comment nhé. 😉 Xin lỗi em vì vừa rồi chị đi du lịch liên miên đâm ra không có thời gian trả lời trên này. Chúc em vui và thường xuyên trở lại nhé. 🙂

        Like

Leave a Reply / Hoan nghênh bạn để lại phản hồi