Baby Reindeer – sự mong manh của người nghệ sĩ

(bài có tiết lộ chút ít nội dung phim)

Có nhiều khía cạnh để nói về bộ phim truyền hình 7 tập này (bạo lực td, sức khỏe tâm thần,..) nhưng hôm nay mình muốn bàn một chút đến con người nghệ sĩ của nam chính, cũng chính là biên kịch của phim Richard Gadd.

Sơ lược nội dung phim: Baby Reindeer kể về Donny, một chàng nhân viên quán bar kiêm nghệ sĩ standup bị một phụ nữ có vấn đề về tâm thần đeo bám và quấy rối. Trong khi vật vã với một sự nghiệp biểu diễn chẳng đi đến đâu lẫn sự đeo bám của người phụ nữ mà anh vừa sợ hãi vừa thương cảm, Donny đối mặt với quá khứ đau đớn bị lạm dụng của chính mình.

Theo những gì được mô tả trong phim, Donny Dunn, phiên bản màn ảnh của chính Richard Gadd không phải là một người có tuổi thơ tăm tối. Bố mẹ anh thương yêu anh, dù không theo dõi sát sao cuộc sống của con trai ở tuổi trưởng thành. Thế nhưng Donny lại có những hành vi kỳ quặc của một người có lòng tự tôn (self-esteem) thấp. Hết lần này đến lần khác, anh để mặc cho người khác chà đạp mình mà không hề có sự phản kháng thỏa đáng. Đối với người đàn anh trong nghề từng thao túng, lạm dụng mình, Donny hầu như thiếu vắng khả năng chống đối. Lý do, như chính anh thừa nhận, là anh đã quá khát khao được công nhận và một cơ hội được nổi tiếng, và người đàn anh thành đạt đó giống như một tia sáng cuối đường hầm cho anh vậy. Trong những năm tháng cô độc ấy, không có mấy ai chìa tay với Donny, tỏ ý công nhận năng lực của anh ngoài người đàn ông đó. Anh đã quen bị thiên hạ chê cười, không dám trách giận bất kỳ một khán giả nào dù họ có lạnh nhạt đến đâu, bởi ít nhất họ đã có mặt và xem anh biểu diễn, dù chỉ vì sự tình cờ (họ đến quán bar để uống, để giải trí, chứ không phải vì anh).

Ngoài những cảnh lạm dụng thực sự rất đau đớn trong bộ phim, thì một số cảnh phim ‘heartbreaking’ của Baby Reindeer, với mình, là khi Donny đứng biểu diễn trước một nhóm khán giả buồn chán, lạnh nhạt, thậm chí chê cười anh. Trong tình thế như vậy, Donny vẫn phải tỏ ra tỉnh bơ, biểu diễn cho hết kịch bản anh đã luyện tập. Những năm tháng làm nghệ sĩ vô danh đã ‘rèn’ cho Donny tính cam chịu, hay nói thẳng ra là nhẫn nhục. Vậy điều gì khiến cho anh tiếp tục? Hẳn phải là tình yêu với nghề biểu diễn và một thứ hy vọng mong manh rằng, trong hàng trăm nghìn nghệ sĩ tự phát ngoài kia, sẽ có ngày anh tỏa sáng. Ngay trong sự nhẫn nhục của Donny vẫn có một thứ nghị lực lạ lùng giữ cho anh tiếp tục, dẫu có phải gánh lấy bao sỉ nhục, đó là niềm tin rằng một ngày nào đó, anh, một kẻ vô hình, sẽ được nhìn thấy.

Làm một người nghệ sĩ nghĩa là buộc lòng phải đối diện với thứ mâu thuẫn đó: vừa không ngừng nghi ngờ bản thân, vừa phải tin vào bản thân đến bất chấp. Nếu không ai tin ta có tài, thì ta bắt buộc phải tin vào chính ta. Nhưng khi không ai tin vào tài năng của ta, thì người duy nhất tỏ ra là họ tin, sẽ là người có thể nắm quyền lực với ta. Đây là cách rất nhiều người từng tìm đến con đường nghệ thuật, hay không chỉ nghệ thuật mà bất cứ nghề nào cần danh tiếng, đã bị thao túng và lạm dụng trong lặng lẽ và tủi nhục.

Trong nghệ thuật sáng tác có những khuynh hướng khác nhau. Có những người có thể tự mình tạo ra hẳn một thế giới tưởng tượng khác xa với cuộc sống thực tế của họ, còn nhiều người khác lại mài chính mình thành tác phẩm, thậm chí “lột truồng” cả những trải nghiệm, tâm tư sâu kín nhất trong mình. Richard Gadd không chỉ đào xới nội tâm của chính anh, anh tự vấn lương tâm, nhận trách nhiệm cho những sai lầm quá khứ, thậm chí khoét sâu vào những vùng bất ổn nhất, u tối nhất trong tâm hồn. Trong khi đào xới trải nghiệm của bản thân, anh đồng thời biến hàng ngàn email, thư thoại của kẻ đeo bám thành đối tượng nghiên cứu, ngõ hầu tìm sự đồng cảm với người đàn bà lẽ ra anh phải coi như kẻ thù.

Richard Gadd cho thấy, làm nghệ thuật không chỉ là sáng tạo mà còn là dũng cảm đối diện với những trải nghiệm đau đớn và những sai lầm trong quá khứ. Sự tự vấn và trách nhiệm mà anh đặt vào tác phẩm tạo nên tính chân thực cho Baby Reindeer (không nhất thiết là chân thực theo kiểu fact đối fact). Gadd không chỉ kể câu chuyện của chính mình mà còn mở ra cánh cửa để khán giả hiểu hơn về những thách thức và nỗi đau của người nghệ sĩ. Baby Reindeer là minh chứng cho quyền thực của nghệ thuật: khả năng biến khổ đau thành sức mạnh, và tìm thấy ánh sáng của sự đồng cảm và tình thương ngay trong nghịch cảnh tăm tối.

Leave a Reply / Hoan nghênh bạn để lại phản hồi