Cái ‘tội’ độc thân

(Để đọc bình luận của độc giả, xin mời bạn ghé vào mục Góc nhìn, VnExpress)
Cứ năm hết Tết đến, một người bạn tôi lại than phiền về việc “bị” họ hàng, bạn bè hỏi thăm, thúc giục chuyện lấy chồng.

Chị còn buồn phiền hơn khi người ta phỏng đoán chị không muốn kết hôn, hoặc “có vấn đề” nên vẫn độc thân, trong khi thực tế chị cũng muốn kết hôn như hầu hết phụ nữ khác, nhưng chưa gặp được “đối tác” phù hợp. Riết rồi chị đâm sợ các bữa cỗ, các đám hỏi, đám cưới và tìm cách trốn biệt những dịp này để được… yên thân.

Sợ bị hỏi thăm, sợ đám cưới chính là tâm lý phổ biến của những người độc thân nói chung, bao gồm cả nhiều nam giới mà tôi biết. Trong khi người ta vẫn cho rằng có vợ có chồng là một điều tốt đẹp, thì ngược lại, tình trạng độc thân lại thường khiến người độc thân bị soi mói, thậm chí mỉa mai, gây sức ép, hoặc bị phân biệt đối xử.

Lấy ví dụ một chuyện ở cơ quan cũ của tôi. Cứ mỗi lần cần cử người đi công tác ở tỉnh xa, hoặc tham dự sự kiện ngoài giờ hành chính – những công việc được ngầm hiểu là không mấy ai mong muốn, thì người ta sẽ đẩy cho các nhân viên độc thân. Để đẩy việc cho tôi, một đồng nghiệp ở cơ quan từng nói: “Em còn son rỗi, đâu có bận như người có gia đình”, một lời nói khiến tôi không khỏi phiền lòng, dù tôi không ngại nhận những công việc thực sự cần thiết. Điều đó chứng tỏ, một cách hiển nhiên, là thời gian của tôi – một người độc thân – không được coi trọng bằng thời gian của một người đã kết hôn.

Thái độ phân biệt đối xử đối với người độc thân trong công sở không chỉ có ở xã hội phương Đông, mà còn có ở phương Tây. Nước Mỹ, được tiếng là tự do và cởi mở nhất thế giới, là một ví dụ điển hình. Trong cuốn sách “Dấn thân”, tác giả Sheryl Sandberg, Giám đốc Hoạt động của Facebook, từng chia sẻ lời than phiền của một phụ nữ độc thân trong một sự kiện rằng cô “đã quá mệt mỏi khi người ta không chú ý đến cuộc đời của cô”; rằng sau các hoạt động của công ty, các đồng nghiệp đã kết hôn thường vội vã về nhà với gia đình và để lại mình cô “thu dọn hiện trường”. Người phụ nữ này phân bua: “Các đồng nghiệp phải hiểu rằng tôi cũng cần đi tiệc tùng buổi tối – và đó là một lý do hoàn toàn chính đáng so với trận bóng của bọn trẻ. Vì tiệc tùng là cách để tôi gặp gỡ mọi người và tìm cơ hội lập gia đình, để một ngày nào đó tôi cũng có cơ hội tham dự một trận bóng!”.

Tạp chí The Atlantic, trong một bài báo xuất bản năm 2013, còn cho biết người độc thân tại Mỹ phải trả một cái giá cao cho lựa chọn của mình, vì họ không được hưởng lợi từ chính sách ưu tiên về bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe lẫn thuế má như người đã kết hôn. Theo tờ báo này, có tới hơn 1.000 bộ luật cung cấp lợi ích tài chính hoặc pháp lý rõ rệt cho những người có gia đình và loại bỏ giới độc thân. Tờ báo lý giải nguyên do của tình trạng này ở việc chính quyền muốn khuyến khích người dân kết hôn, từ đó kêu gọi loại bỏ các chính sách phân biệt đối xử đối với người độc thân.

Naomi Gerstel, nhà xã hội học thuộc Đại học Massachusetts ở Amherst từng phát biểu trong một bài báo trên tờ New York Times hồi năm 2011 là ngày nay tại Mỹ, không chỉ những người dị tính phải chịu sức ép hôn nhân, mà cả giới đồng tình cũng vậy, vì xã hội cho rằng nếu ai đó không kết hôn có nghĩa là “có gì đó không ổn” với họ.

Trở lại với vấn đề tại Việt Nam, tôi nhận thấy sức ép của xã hội đối với tình trạng độc thân đang là một nguyên nhân dẫn đến một số hệ quả tiêu cực. Hệ quả nhãn tiền nhất chính là việc nhiều người độc thân trở nên mặc cảm, tự ti về bản thân – điều tôi đã nhiều lần nhận thấy ở một số người quen của mình.

Hệ quả nghiêm trọng hơn nữa, theo quan sát của tôi, chính là nhiều cuộc hôn nhân khinh suất. Một anh bạn của tôi, người ly dị chỉ sau nửa năm kết hôn vào năm 26 tuổi, từng tâm sự rằng anh làm đám cưới một phần lớn vì lúc đó, mẹ anh lâm bệnh nặng và anh bị thúc giục phải kết hôn để làm cho mẹ vui lòng trước khi nhắm mắt. Kết quả, bi kịch thay, là sau hôn nhân anh nhận ra cả anh và vợ đều chưa đủ sẵn sàng cho cuộc sống gia đình. Anh nói với tôi rằng, nếu được lựa chọn lại, anh nhất quyết không đánh cược hạnh phúc của mình để đổi lấy sự hài lòng của những người xung quanh.

Tôi luôn cho rằng hôn nhân là một điều thiêng liêng và tốt đẹp. Nhưng chính vì thế, kết hôn chỉ nên được tiến hành khi người ta tin rằng mình có sự lựa chọn đúng đắn, có trách nhiệm với cuộc đời của bản thân và bạn đời. Không thể chỉ vì hôn nhân là một điều tốt đẹp, thì có nghĩa độc thân là điều ngược lại.

4 thoughts on “Cái ‘tội’ độc thân

  1. http://www.washingtonpost.com/world/asia_pacific/in-japan-chinese-tourists-are-a-welcome-boost–if-a-loud-messy-one/2015/02/19/ef650636-b0b4-11e4-bf39-5560f3918d4b_story.html

    cái tựa đề bài post này là nghĩa là sao nhỉ?
    In Japan, Chinese tourists are a welcome boost — if a loud, messy one

    tui ko hiểu vì sao nó lại kèm theo “if a loud, messy one” ở đây vì nó đặt ở đây thì vế trước bị trớt quớt??? hay ý nó nói là nếu một người nhật là type loud and messy thì sẽ feel comfortable với du khách trung quốc? hay là có nghĩa gì khác nhỉ?

    Like

    • Lại comment rất chi là liên quan nhểy? Theo tôi “if” ở trên có nghĩa như định nghĩa sau của MacMillan:

      “used for introducing a remark that makes your description seem slightly less positive or certain
      The stories are basically true, if a little exaggerated.
      Donald’s essays are always interesting, if sometimes rather careless.”

      Chắc ý tiêu đề này muốn nói rằng du khách TQ tăng cao là 1 điều hết sức được hoan nghênh, mặc dù là họ có hơi lộn xộn và ồn ào.

      Like

  2. Thi oi, doc than bay gio la loi song rat pho bien o My roi. Em go thu Living solo in the usa se co nhieu bai bao rat thu vi. So nguoi doc than da outnumbered so nguoi ket hon va khong ai coi do la co van de gi ca. Ma la mot chon lua hoan toan hop ly. Di choi vui nhe. Chi Pink

    Like

    • Dạ vâng, hẳn là vậy rồi ạ. Nhưng có lẽ số người độc thân được thống kê cao như thế cũng vì nhiều người sống chung với nhau chứ không kết hôn, nên thực ra họ cũng không thực sự độc thân chị nhỉ?

      Em thì luôn coi độc thân là 1 lựa chọn vì không phải lúc nào người ta cũng tìm được đối tượng phù hợp để kết hôn. Nhưng cá nhân em thực chất vẫn thích kết hôn hơn. 🙂

      Like

Leave a Reply / Hoan nghênh bạn để lại phản hồi