Bỗng nhiên tôi nhớ đến câu này trong quyển ‘Đắc nhân tâm’ của Dale Carnegie. Lý luận của ông rất đơn giản: khi bạn có vẻ như đã thắng trong một cuộc tranh biện, có thể bạn không hề thắng, mà thậm chí bạn đã thua. Vì, nếu bạn lấn át ai đó và khiến cho họ phải im tiếng vì đuối lý, thậm chí khiến cho họ bẽ mặt, thì khả năng cao là họ không hề chúc mừng ‘chiến thắng’ của bạn. Có khi, họ đang rủa thầm và bắt đầu nuôi dưỡng lòng căm ghét dành cho bạn. Bạn tưởng như đã chiến thắng trong một cuộc tranh biện, phô trương được quyền lực hoặc kiến thức của mình, nhưng hóa ra lại kết nạp thêm kẻ thù.
Carnegie đưa ra lập luận trên nhằm kêu gọi người đọc tránh các cuộc tranh biện hết mức có thể. Ông có lý trong khuôn khổ cuốn sách của mình, vì đề tài của nó là thêm bạn bớt thù. Tôi thì không hoàn toàn cho rằng ta không bao giờ nên tranh biện: đôi khi ta buộc phải lên tiếng vì một điều gì đó. Chẳng hạn, dù biết là mất thời gian nhưng tôi thấy vẫn cần phải nói khi chứng kiến người ta lan truyền tin giả độc hại, khi chứng kiến hiện tượng bắt nạt tập thể trên mạng, hay khi thấy ai đó hoặc cái gì đó bị phán xét một cách bất công. Có thể tôi không làm được gì, nhưng biết đâu đấy tôi có thể khiến ai đó suy nghĩ lại; tôi cũng không chắc lắm, chỉ biết là khi đó, tôi thấy mình buộc phải lên tiếng. Đấy là chưa kể, đôi khi đặc thù một số nghề nghiệp khiến ta buộc phải tham gia tranh luận, theo một cách nào đó. Tôi cũng không nghĩ rằng mình nên cố giữ tất cả bạn bè cho bằng được; nếu tình bạn không còn khiến cho đôi bên thoải mái nữa, có lẽ cũng nên xa nhau một cách ôn hòa.
Tôi vẫn tìm thấy sự trải đời thông thái trong lời khuyên của Dale Carnegie. Tiếc là, không ít lần tôi đã quên mất lời khuyên mà hồi bé tôi gạch chân đến thuộc lòng (tôi giỏi lý thuyết hơn thực hành). Tôi đoán là chính ông lúc sinh thời cũng không thể tránh việc vi phạm một số nguyên tắc giao tiếp mình đưa ra, vì ông không phải thánh nhân. Hôm nay, nhớ lại lời ông viết, tôi tự nhủ: nhất thiết không được ảo tưởng, hả hê mỗi khi mình có vẻ như đã ‘thắng cuộc.’ Vì xét cho cùng, chẳng có ai thực sự thắng trong một cuộc tranh biện nếu chuốc thêm oán thù.