Thi thoảng, tôi hay nghĩ lan man về việc mình đã rời khỏi London và quay trở lại sau hơn năm năm.
Cuối năm 2016, khi tôi rời khỏi London, tôi tự cho đó là một loại bi kịch (tôi cũng ‘drama queen’ nhỉ?). Nhiều người bạn sang Anh và trở về theo cùng một học bổng với tôi không nghĩ thế, vì họ biết điều. Họ tự thấy việc được trao học bổng, đi học miễn phí và lấy bằng sau đại học đã là một may mắn; và khi phải rời đi, họ chấp nhận như một lẽ đương nhiên. Hoặc là họ rất gắn bó với quê hương mình, một cảm giác tôi ít khi cảm thấy (dù không phải là không bao giờ).
Nhưng tôi là một kẻ không biết điều. Tôi không thích tự giới hạn điều gì mình được làm và không được làm, và tôi không ngừng tự hỏi, một cách rất không biết điều, rằng mình kém gì ‘những người kia,’ mà mình không được ở ‘đây’? Dưới bầu trời này chúng ta đều bình đẳng, và tôi sẽ quay trở lại đây, bằng cách này hay cách khác, tôi tự nhủ thế. Thế là tôi rời khỏi đó, đi sang một nơi khác rất xa xôi, theo đuổi một tấm bằng khác suốt mấy năm, chỉ để quay trở lại. Đôi khi tôi cũng tự hỏi, mình có yêu nơi này đến thế không, hay mình chỉ là một kẻ hiếu thắng, thích chứng minh là mình đúng, là mình có quyền? Tôi cũng chẳng biết nữa. Nhưng cái thói không biết điều và không ngừng mơ ước đã đưa tôi đến những nơi tôi muốn đến, nên tôi vẫn tiếp tục cho là mình đúng (chẳng lẽ lại không?). Bước đầu tiên để thực hiện ước mơ, chẳng phải là nuôi dưỡng một ước mơ? Tôi biết rằng mình chẳng hoàn toàn tự do, nhưng trong khả năng của mình, tôi muốn được tự do nhất có thể. Dù, có người từng nói với tôi rằng, coi chừng mình trở thành nô lệ của tư tưởng, nô lệ của ước mơ. Có thể họ có lý về tôi!
Đôi khi tôi lang thang trong thành phố, tìm quay trở lại những nơi tôi từng đến. Tôi thích tìm lại những cảm xúc cũ, và lắm lúc thấy bâng khuâng khi mất đi những cảm giác từng có. Quán ăn này vẫn còn đó, nhưng tôi không nhớ nội thất này, và không còn thấy món ăn này ngon nữa. Trung tâm thương mại này vẫn to như thế, nhưng đi vài lần cũng thấy chán. Khu phố này vẫn nhộn nhịp như thế, nhưng giờ đây tôi cảm thấy nó thật đáng sợ, vì lúc nào cũng ken đặc những người. Khoảng thời gian giãn cách đã khiến tôi mắc một chứng mới mà trước đây tôi không có: sợ người lạ, và sợ tiếp xúc gần. Nhưng đôi khi, tôi cũng háo hức khi tìm lại được một cái gì đã cũ, hoặc nảy sinh một cảm xúc mới. Hóa ra, vở nhạc kịch này vẫn làm tôi xúc động đến thế. Đi dạo ở đây một mình lúc ban đêm, xem chừng vẫn tuyệt vời như thế. Khi tôi quay lại rạp chiếu phim cũ yêu thích, lòng tôi trào dâng một nỗi bồi hồi. Vì nó y như thế, vẫn vắng vẻ và dịu dàng như bao năm về trước. Và tôi tự hỏi, liệu mình có đang ngồi lại chỗ cũ mình từng ngồi, trong một phòng chiếu mình từng đến? Vì tôi là người khá kiên định về cách chọn chỗ ngồi trong một phòng chiếu dạng ‘tiêu chuẩn’: nếu không phải đã có người đặt trước, thế nào tôi cũng chọn chỗ ngồi chính giữa, ở hàng F.
Tôi yêu thành phố này, nhưng tôi không thể yêu nó một cách cuồng si như trước. Vì sự cuồng si ngày ấy của tôi đi kèm nỗi tuyệt vọng. Tôi đã sung sướng và đau khổ cùng lúc khi nghĩ rằng những ngày vui này sẽ qua, rằng thành phố này không phải là của tôi, rằng tôi sẽ phải sớm rời khỏi nó. Giờ đây, tôi không phải sợ là mình phải đi chỗ này chỗ kia gấp, nếu không thì sẽ không còn cơ hội đến đó nữa. Tôi không phải lo lắng nữa, hay ít nhất là tôi muốn nghĩ thế, và tôi chỉ cần tập trung và nỗ lực để biến nơi này, một lúc nào đó, thực sự là nhà của tôi.
Rất ủng hộ cách nghĩ của bạn. dưới bầu trời này chúng ta bằng nhau, vì sao không thể hay là không được phép ở lại nơi mình mong muốn. Không biết điều hay là hiếu thắng, chúng nó chẳng quan trọng bằng việc mình có nghị lực và cố gắng bằng chính sức mình để được “quay lại” nơi mình muốn. Chúc bạn thành công hơn nữa.
LikeLiked by 2 people
Cảm ơn bạn nha! 😀 Chúc bạn nhiều niềm vui.
LikeLike