Sống chết vì công việc – tư tưởng độc hại

79433223_10218104344511551_3100906279644692480_n

Gần đây bọn mình xem cái series Misaeng trên Netflix. Show này không phải là hay lắm, chỉ là nói về đời sống công sở Hàn Quốc – một đề tài mình quan tâm nên xem giết thời gian, lai rai cứ 1-2 hôm 1 tập, gọi là để tìm hiểu văn hóa. Một trong những điểm mình ghét ở drama này, cùng với nhiều Kdrama khác, đó là cái cách Hàn Quốc cổ vũ thứ văn hóa hy sinh vì công việc. Phổ biến trong phim Hàn là cảnh các nhân vật làm việc quên thời gian, quên cả bản thân, kiểu như sống vì công việc, chết vì công ty vậy. Lại phải nhắc cụ Karl Marx ở đây, vì rõ ràng các nhân vật trong phim đã mắc phải cái gọi là false consciousness: họ hết lòng hết sức tạo giá trị thặng dư cho người khác mà quên cả cuộc đời mình. Họ thậm chí có lúc quên cả tự tôn, cả tầm quan trọng của việc tự vệ trước những kẻ bắt nạt là sếp, tiền bối của họ.

Thế nhưng Misaeng lại là một hiện tượng truyền hình của Hàn Quốc, thu hút số người xem kỷ lục. Có thể vì nội dung phim phản ánh phần nào những vấn đề điển hình trong công sở Hàn Quốc chăng? Mình không thể khẳng định vì mình chưa làm việc ở Hàn Quốc bao giờ, chỉ thi thoảng nghe ai đó kể. Có lẽ phim cũng phóng đại phần nào đó, chứ thực tế mà giống phim nhiều thì kinh khủng quá. Ta thấy đầy rẫy những cảnh tượng như: sếp mắng nhân viên xơi xơi như tát nước vào mặt (thực tế có vẻ như đôi khi văng một ít nước bọt thật) trước cả văn phòng, sếp dè bỉu, sỉ nhục, thậm chí đánh nhân viên, tiền bối nam quấy rối hậu bối nữ, phòng này bình phẩm chê bôi chế giễu công việc phòng kia. Đặc biệt thứ mình dị ứng nhất chính là cảnh nhân viên làm việc đến quên ăn quên ngủ, có khi còn không phải vì công chuyện cấp bách, mà chỉ vì họ là người mới nên muốn chứng tỏ bản thân bằng mọi giá. Những cảnh nhân viên làm việc qua đêm ở văn phòng và không về nhà khá phổ biến. Có nhân vật vốn đã bận rộn, không có nhiều thời gian cho gia đình thì chớ, mà sau giờ làm còn nhậu nhẹt với đồng nghiệp đến khuya, về nhà nôn thốc nôn tháo lại đến tay vợ dọn (mình mà là cô vợ thì mình bỏ ngay và luôn thể loại chồng như thế dù sự nghiệp của hắn có thành công đến mấy, thật sự).

Tóm lại, nếu phải chọn một TV show điển hình về toxic masculinity (nam tính độc hại) và khổ dâm chốn văn phòng, thì đại diện chính là drama này.

Gần đây mọi người nói nhiều đến hậu quả của làm việc lao lực. Đã có những bi kịch xảy ra, trở thành hồi chuông cảnh báo cho những người nghiện việc. Mình thì cực lực phản đối thứ văn hóa cổ vũ người ta sống chết vì công việc. Mỗi khi đọc báo thấy tin ai đó “khoe” hay khuyên người khác nên làm việc mười mấy tiếng một ngày, thú thực mình chẳng thấy hay ho gì. Mình quý trọng tình yêu nghề nghiệp nói chung, nhưng không ủng hộ những môi trường và thói quen làm việc độc hại. Theo kinh nghiệm của mình thì người ta thường đạt hiệu quả công việc khi tỉnh táo, vui vẻ, khỏe mạnh, chứ không phải là khi mất ngủ triền miên, thể xác suy nhược và tinh thần kiệt quệ. Ai bảo mình lười thì mình đành chịu, và có lẽ họ nói.. đúng, nhưng mình thấy công việc không đáng để bất cứ ai hủy hoại sức khỏe đến vậy cả. Sống là để tận hưởng cuộc đời chứ không phải để suốt ngày đêm đầu bù tóc rối bên bàn làm việc. Sếp và khách hàng quan trọng, nhưng gia đình, người yêu, bạn bè quan trọng không kém, nếu không muốn nói là quan trọng hơn. Truyền thông cũng nên bớt cổ vũ thứ văn hóa tử vì nghiệp độc hại kia đi thì hơn. Mình nói bớt cổ vũ không có nghĩa là họ không nên đưa những hình ảnh đó nữa, mà là bớt khắc họa chúng dưới ánh sáng màu hồng – như kiểu ai đó làm việc cật lực sớm khuya thì họ là người hùng đáng cổ vũ, người người cần phải học tập theo. Nếu không phải là ông chủ của chính công ty đó, thì có thể nói thẳng: hoặc là họ đang bị bóc lột sức lao động, hoặc là (nếu không ai bắt ép) họ đang bóc lột chính mình.

P/s: chê tới bến là thế, nhưng cái series kia cũng vài điểm được thì mình mới coi, và nó mới thành công đến vậy. Đại khái thì đó cũng là một bức tranh phản ánh xã hội HQ (nếu có phần nào đúng sự thật thì phải nói là quá cay độc, nghiệt ngã) với lối kể chuyện tỉ mỉ (chuyện nhân viên lập danh sách dự án ra sao, xử lý hợp đồng thế nào, hay chiêu mộ khách hàng ra sao…) và nó làm khá tốt việc xây dựng nhân vật với các đặc điểm tính cách, năng lực, cách xử lý tình huống khác nhau.

P/s 2: văn hóa thứ bậc nặng nề của HQ được thể hiện trong drama này làm mình nhớ câu chuyện một nàng tây làm việc ở Nhật Bản trong cuốn “Sững sờ và run rẩy” của Amélie Nothomb.

2 thoughts on “Sống chết vì công việc – tư tưởng độc hại

  1. Mình không làm việc ở Hàn, nhưng mình học ở Hàn, chứng kiến môi trường học thuật của hàn, thì tinh thần làm việc toxic kiểu hàn chắc chỉ thua nhật.
    Em may mắn gặp được sếp aka giáo sư tốt, nên khá ổn. Nhưng m từng chứng kiến bạn bè làm ngày làm đên nhiều rồi. Từng chứng kiến giáo sư quát xa xả vào mặt sinh viên, giáo sư bạo hành sinh viên.
    Thế nên Hàn Quốc được gọi là Địa ngục Joseon mà

    Like

Leave a Reply / Hoan nghênh bạn để lại phản hồi