(hay là, Khi người đàn ông khóc)
Bộ phim của Noah Baumbach về quá trình ly hôn của một cặp đôi vốn yêu thương, ngưỡng mộ nhau nhưng quyết định chia tay vì lý do kinh điển “những khác biệt không thể hòa giải.” Không ai hoàn toàn xấu hay tuyệt đối tốt, không ai thực sự căm ghét ai, nhưng họ vẫn phải chia tay vì không còn thấy tương lai bên nhau nữa.
Hôn nhân thường kết thúc như thế. Ai cũng cho rằng mình phải chịu thiệt thòi và bị đối xử bất công. Không ai chịu nhường ai, vì như thế là tỏ ra yếu đuối và chịu thua phía bên kia. Người đầu gối tay ấp có thể bỗng chốc trở thành “đối thủ” ở bên kia “chiến tuyến” trong cuộc giành quyền nuôi con.
Phim khá hấp dẫn, không bị chậm và nặng nề đến mức gây khó chịu vì luôn đan cài những chi tiết dí dỏm trong những tình huống căng thẳng, buồn bã. Một kiểu phim khiến người ta có thể vừa khóc lại vừa cười (mình không khóc vì chưa rơi vào tình huống tương tự bao giờ, nhưng mình đoán những người đã trải qua ly hôn sẽ dễ xúc động). Bối cảnh, câu chuyện, phong cách kể chuyện và đối thoại dí dỏm của “Marriage Story” phần nào gợi nhớ Woody Allen, nhất là khúc đầu, nhưng càng về sau phim càng trở nên căng thẳng. Phim buồn nhưng không đen tối hay gây cảm giác tuyệt vọng như một số phim cùng đề tài như Blue Valentine hay gần đây là Wildlife. Có lẽ là bởi trong câu chuyện cay đắng ấy, ta vẫn thấy ấm áp tình người – như sự gắn bó của người chồng với mẹ vợ cũ, hay cảm giác vấn vương còn ẩn hiện trong mối quan hệ cựu vợ chồng – họ không căm ghét nhau, họ thậm chí còn yêu nhau, chỉ là họ không thể nào tiếp tục. Ngẫm lại, dường như nỗi vương vấn ấy càng khiến câu chuyện trở nên cay đắng hơn, vì tại sao yêu nhau mà phải từ bỏ phũ phàng đến như thế? Nghịch lý của đoạn cuối cuộc tình là vậy – ta gần nhau đến nỗi có thể cảm thấy hơi thở của người kia, nhưng lại không cách nào sẻ chia. Mạch phim lôi cuốn và tương đối thuyết phục, chỉ trừ một khúc có phần cường điệu so với tiêu chuẩn của mình. Cách kể chuyện thực ra khá truyền thống, không có nhiều điểm quá sáng tạo, có vài đoạn hơi lạm dụng thủ thuật bố trí khoảng cách (ví dụ sắp xếp cho đôi vợ chồng đứng sát gần nhau nhưng bị chia cắt bởi cánh cửa, hay cách họ ngồi xa nhau trong một căn phòng ấm áp, hay cách họ nằm gần nhau trên một chiếc giường, nhưng tâm hồn thì đã cả khoảng trời cách biệt).
Nghe nói phim này Scarlett đóng hay lắm nên mình rất háo hức muốn xem, thấy Netflix ra phim là phải mở ra ngay và luôn. Nào ngờ Adam Driver mới là người khiến mình kinh ngạc. Scarlett diễn tốt nhưng Adam Driver mới thật là “wow”. T___T Và anh quá quyến rũ, với vóc dáng cao lớn đó và gương mặt âu sầu như thể giận dỗi cuộc đời đó (moody, grumpy, dịch sang tiếng Việt thế nào thì hay nhỉ?). Nhân vật của anh không hẳn là người chồng, người cha hoàn hảo, nhưng bằng diễn xuất thuyết phục và có lúc còn xuất thần (có một đoạn anh hát tuyệt hay nữa), anh khiến ta đồng cảm và thương xót cho tình cảnh “khi người đàn ông khóc.”
Adam Driver trong phim Patterson cũng hay lắm.
LikeLiked by 1 person