Thú vui của những kẻ “khôn”

Có một thời gian, cũng khá lâu rồi, mình hay chat online với một người đàn anh, một người có uy tín trong giới viết lách và được khá nhiều người hâm mộ. Vì lý do nào đó, anh cũng thích chỉ dạy cho mình điều này, điều nọ. Rất tiếc, mình đi từ chỗ ngưỡng mộ anh đến mức ghét anh, vì anh luôn tỏ thái độ bề trên với mình, và có không ít lần chế giễu, trêu cợt mình giữa “chốn ba quân.”

Giờ đây nghĩ lại, mình tự hỏi vì sao mình lại không ưa người đàn anh đó. Những lời phê bình của anh đối với mình có đúng không? Theo mình nhớ thì phần lớn là đúng. Dù gì, anh cũng có kinh nghiệm hơn mình rất nhiều trong cuộc sống và sự nghiệp. Anh lại có những năng khiếu đặc biệt mà mình không có. Thế nhưng, thái độ bề trên đó của anh không đi vào lòng người một chút nào. Mình, một người đã có lịch sử bị bắt nạt, cô lập, chế giễu suốt nhiều năm trung học rất khó “nuốt trôi’’ những phê bình thẳng thắn của người anh đó, nhất là khi chúng đi kèm sự trêu chọc, chế giễu. Và anh không chỉ làm thế với mình, anh cũng tỏ vẻ bề trên, trêu chọc và phê bình một số người có “điểm yếu” khác mà mình biết. Anh có lẽ còn chẳng bao giờ nghĩ rằng anh làm sai, anh chỉ nghĩ, nó sai thì mình phải nói, mình nói là mình muốn tốt cho nó thế thôi.

Mình không còn trách ông anh đó nữa, nhưng mình tự hỏi: có thật anh đã muốn tốt cho mình không? Hay anh, cũng như bao nhiêu người giỏi giang khác, muốn thỏa mãn cái thú vui được tỏ vẻ bề trên, được thể hiện cái khôn của bản thân với người kém tuổi, ít kinh nghiệm sống/làm việc hơn mình? Sự thực là: rất nhiều cái anh chỉ ra, dù đúng, không giúp ích gì được mình cả, vì nhiều lý do. Chẳng hạn như, trình độ mình khi ấy còn non kém, nên mình chưa thể lĩnh hội được, hay mình hiểu nhưng chưa thể làm được như anh nói. Hay đơn giản chỉ là, mình quá khó chịu trước thái độ kẻ cả của anh để thực sự suy ngẫm về những phê bình kia.

Nó tương tự việc hồi mình học ở Anh, mình “bị” lãnh điểm B môn phương pháp. Hồi đó mình toàn được điểm A nên bị điểm B môn ấy, mình cay lắm. Vì muốn được điểm A (sau khi đã lãnh một điểm B giữa kỳ) nên mình dùng đủ mọi thứ “trick”, mình cite, quote đủ các sách tham khảo trong bài để thể hiện mình đã nỗ lực thế nào, mình soát đi soát lại bài nhiều lần mới nộp. Sau khi có điểm cuối kỳ (lại B), dù đọc feedback của người chấm nhưng nói thật mình vẫn không thấy mình thiếu sót chỗ nào, mình chỉ thấy bài mình viết hay bỏ xừ (!!!) Chỉ sau khi mình theo học PhD và đi sâu vào phương pháp, mình mới nhận ra hồi đó mình kém ở chỗ nào. Vì cái kém đó đòi hỏi trình độ nhận thức và kiến thức nhất định để hiểu.

Mình thừa nhận, mình cũng đã không ít lần tìm cách thỏa mãn cái “thú vui của kẻ khôn” ấy. Mình nghĩ mình đúng thì mình phải chỉ cho người khác thấy cái sai, cái kém của họ bằng được thì thôi. Mình không hề biết rằng, đôi khi mình chả giúp được gì cho họ cả. Với trình độ nhận thức của họ trong thời điểm đó, họ chưa thể làm được như mình kỳ vọng, có khi họ còn chẳng hiểu mình nói gì (không nhất thiết là do họ kém, họ chỉ cần thời gian để luyện tập, rèn giũa, để tìm ra con đường của họ thôi thôi). Không những không hiểu, có khi họ còn đâm ra ghét mình (và cũng đáng đời mình lắm). Nhưng mình đâu có “góp ý” với họ vì muốn tốt cho họ, mình chỉ muốn thể hiện cái đúng, cái giỏi của mình mà thôi.

Khi mình quan sát những cuộc tranh cãi trên mạng, đôi lúc mình không khỏi thấy buồn cười. Mình luôn nghĩ, tranh cãi trên mạng là việc vô bổ nhất trên đời (nhưng mình còn trẻ trâu nên đôi khi vẫn không tránh khỏi sự ngốc nghếch ấy). Nhưng, ngay cả khi làm một việc vô bổ đi nữa, người ta cũng có thể làm điều đó một cách văn minh cơ mà? Ấy thế nhưng nhiều người không làm được đâu, họ nhất thiết phải chửi thẳng mặt ai đó là ngu, là kém, là thiếu hiểu biết. Để làm gì? Chung quy cũng chỉ vì cái thú vui được tỏ ra mình khôn ấy mà thôi.

One thought on “Thú vui của những kẻ “khôn”

  1. Hồi cấp 2 em cũng từng tỏ ra là mình khôn nên bị cô lập, bắt nạt. Bây giờ là sinh viên rồi em nhận ra nhiều điều, từ cả bài viết của chị hôm nay nữa, rằng trưởng thành đơn giản là nghĩ rộng hơn, bớt quan trọng hóa bản thân lên, cũng bớt nghĩ việc du học là khó khăn hơn (cười). Sống ham học hỏi hơn, đam mê hơn, khiêm tốn hơn và nhiều yếu tố tốt đẹp khác mới là cuộc sống em muốn hướng đến. Nói vậy chứ đi học nước ngoài và đi du lịch ngắm cảnh ở đó vẫn là mục tiêu em hướng đến. Cảm ơn bài viết của chị nhé.

    Liked by 2 people

Leave a Reply / Hoan nghênh bạn để lại phản hồi

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s