“Nếu như một người không yêu ngươi theo cách ngươi mong muốn, không có nghĩa là người ấy không yêu ngươi với tất cả những gì họ có.”
Tự nhiên mình nghĩ đến câu này khi xem bộ phim “The Unbearable lightness of being” (đạo diễn Philip Kaufman).
Tình yêu của đôi vợ chồng Tomas – Tereza trong tác phẩm của Milan Mundera là một tình yêu đặc biệt. Bởi, khác với nhiều người đàn ông hoàn hảo trong tiểu thuyết, Tomas không chung thủy. Cuộc sống với chàng lúc nào cũng nhẹ tênh, chàng chẳng coi một điều gì là nghiêm trọng, dẫu có là tình yêu. Cuộc sống ngoài công việc của chàng là những cuộc phiêu lưu từ giường của người đàn bà này đến giường của người đàn bà khác. Ngay cả sau khi cưới Tereza, chàng vẫn không thay đổi. Đơn giản vì con người chàng là thế, giống như người ta đã uống đủ nước rồi nhưng vẫn cần bổ sung nước ép, sinh tố vậy. Nước là thiết yếu, nhưng nước ép, sinh tố mà không uống thì đời đâm vô vị. Ấy thế nhưng, theo cách của Tomas, chàng cũng đã yêu Tereza hết lòng: chàng đón nhận nàng trong căn nhà của mình và chung sống bên nàng (điều chàng không bao giờ làm với bất kỳ ai khác), cưới nàng làm vợ (vì nàng muốn thế), rời bỏ đất nước Thụy Sĩ yên bình mà trở về Praha ngột ngạt dưới thời Cộng sản chỉ để gắn bó cùng nàng. Tóm lại, trừ việc thôi ngủ với đàn bà khác, nàng muốn gì chàng cũng chiều. Chàng là một kẻ ngoại tình chung thủy và đứng đắn. =)) Với một người đàn ông trăng hoa như Tomas, đó còn hơn cả một tình yêu.
“Đời nhẹ khôn kham” đặt ra một câu hỏi “ngược” thú vị: liệu người ta có ích kỷ hay không, khi đòi hỏi một người sống theo những chuẩn mực của riêng mình dù điều ấy trái với bản chất của họ, chỉ vì chuẩn mực ấy phù hợp với đạo đức xã hội? “Vì sao em không thể giống như anh, với anh cuộc đời nhẹ tênh, còn với em đời lại quá nặng nề, vì sao em cứ trông đợi anh khác đi mà không thể chấp nhận anh như anh vốn thế?” Tereza không chỉ trách Tomas, nàng còn tự trách mình. Bởi vì nàng biết rõ bản chất của chàng, nhưng lại không thể từ bỏ tình yêu ấy. Không thể nào thay đổi Tomas, nàng đành.. làm bạn với tình địch. Tình địch của nàng cũng rất biết điều: em là để.. thi thoảng ngủ cùng, còn cô ấy là vợ anh. Vị trí đã phân định rành rành, mỗi người một việc. 🙂) Ngay cả cảnh ân ái của Tomas với hai người đàn bà cũng cho thấy điều đó: bên Sabina là những cuộc chơi đã đời, không ràng buộc, không đượm chút âu lo, còn bên Tereza là sự gắn bó của tình nghĩa đậm sâu.
Tuy là một bộ phim chuyển thể nhưng “The Unbearable lightness of being” không những tránh được sự chê trách mà còn được giới phê bình khen ngợi. Mình thì không trông đợi gì nên cảm thấy khá bất ngờ: không ngờ phim lại hay và sexy đến như vậy. Lâu lâu mới được xem một phim mà toàn bộ diễn viên đều khỏa thân tất tật, ai cũng đẹp mỡ màng. :”> Thích nhất cảnh vợ và tình nhân cùng khỏa thân chụp ảnh, trêu đùa nhau. :”> Daniel Day-Lewis, Juliette Binoche và Lena Olin lúc ấy còn trẻ và quyến rũ vô cùng (muốn lịm đi vì nụ cười của Daniel, trời ơi!). Hình ảnh Praha trong phim cũng rất đẹp: lúc nhòe nhoẹt, lãng mạn trong mưa, lúc huyền ảo, mơ màng trong sương. Khiến mình lại nhớ Praha vô vàn (nhưng sau đó mới phát hiện ra mình đã bị lừa, phim được quay ở Paris và người ta dùng kĩ xảo để tái tạo quang cảnh Praha trên cái nền Paris, hic). Dù sao đi nữa, đây là một bộ phim đẹp.
:)))) ngoại tình chung thủy :)) I like this term
LikeLiked by 1 person
Chị viết hay quá chị Thi ơi . Cho em hỏi chị có xài Twitter ko ạ
LikeLike
Cám ơn em. Tiếc là Twitter thì chị lại không dùng em ạ. 😦
LikeLike