Meiji Jingu – chốn thanh tịnh trong lòng thủ đô Nhật Bản

IMG_0171

Trong chuyến du lịch Nhật Bản năm 2013, tôi có dịp tham quan nhiều cảnh quan tuyệt vời, và đền Meiji (Meiji-Jingu) ở Tokyo là điểm đến để lại trong tôi những cảm xúc sâu lắng nhất. Đến thăm đền vào một ngày mưa rả rích, tôi cầm ô bước chậm, lắng nghe tiếng mưa rơi thật nhẹ và ngắm nhìn quang cảnh xung quanh qua làn mưa mờ ảo, để rồi từ từ thấy mình bị hút vào vẻ đẹp quyến rũ của văn hóa truyền thống xứ anh đào lúc nào không biết..

Quang cảnh tấp nập của phố Takeshita gần khu rừng Meiji

Quang cảnh tấp nập của phố Takeshita gần khu rừng Meiji

Rời khỏi ga Harajuku, tức thì tôi bắt gặp một cảnh tượng đối lập thú vị: trước mặt tôi là một khu phố sầm uất, với những cửa hàng cửa hiệu nối đuôi nhau, người qua kẻ lại tấp nập. Quang cảnh khi ấy náo nhiệt, chộn rộn vô cùng. Thế nhưng khi quay đầu lại, tôi trông thấy những lùm cây rậm rạp bao phủ một góc trời sau nhà ga, đem lại cảm giác mát dịu cho mắt nhìn. Khoảng không gian xanh ấy chính là khu rừng bao bọc Meiji Jingu.

Rừng cây xanh mát bao phủ đền Meiji

Rừng cây xanh mát bao phủ đền Meiji

Khu rừng rộng đến 700.000 mét vuông, trồng hơn 100.000 cây thuộc hơn 350 loài khác nhau do người dân Nhật Bản từ khắp mọi miền đất nước quyên tặng vào thời điểm đền mới được xây dựng. Khu rừng này tách hẳn ngôi đền với không gian đô thị sôi động của Tokyo. Khu đô thị ấy là Harajuku sầm uất, một địa điểm nổi tiếng phục vụ nhu cầu mua sắm, giải trí của giới trẻ Nhật Bản, gồm cả tầng lớp bình dân lẫn giới nhà giàu. Nếu như người ta nói, Tokyo là thành phố của những đối lập, thì Harajuku chính là hình ảnh điển hình của sự đối lập thú vị ấy: vừa bình dân vừa sang trọng, rất hiện đại nhưng vẫn lưu giữ vẹn nguyên những nét đẹp truyền thống đáng quý.

Đi trong khu rừng dẫn vào Meiji Jingu, khách tham quan sẽ bước vào một khoảng xanh dịu mát, được bao bọc bởi bầu không khí yên bình, tĩnh mịch, khác hẳn sự náo nhiệt bên ngoài. Phải đi bộ khoảng mười đến mười lăm phút, người ta mới nhìn thấy ngôi đền ở bên trong, nhưng bản thân cuộc đi dạo đã là một trải nghiệm thư thái, dễ chịu vô cùng.

Những thanh gỗ gửi gắm ước nguyện của khách thăm quan được treo bên ngoài sân đền

Những thanh gỗ gửi gắm ước nguyện của khách thăm quan được treo bên ngoài sân đền

Đền Meiji, đặt tên theo Hoàng đế Meiji, hay Thiên hoàng Minh Trị (1852-1912), được xây xong vào năm 1920, tám năm sau khi vị hoàng đế này qua đời; sau đó bị phá hủy trong Thế chiến thứ hai, để rồi được phục hồi lại ngay sau đó. Đền được xây dựng để tưởng nhớ Thiên hoàng Minh Trị và hoàng hậu của ông, thể hiện sự sùng kính của người dân Nhật Bản đối với vị hoàng đế đã trị vì nước Nhật thời Cách mạng Minh Trị, một cuộc cải cách toàn diện đặt nền móng cho đất nước Nhật Bản hiện đại, giàu mạnh ngày hôm nay.

Có ý nghĩa quan trọng như vậy, nhưng Meiji Jingu không phải là một ngôi đền đồ sộ, hoành tráng. Đền có quy mô vừa phải, với lớp mái nhọn lát gạch xanh bóng nổi bật mà hài hòa với khoảng xanh bao quanh. Khách đến tham quan có thể vào cầu nguyện, mua bùa may mắn hoặc viết điều ước của mình lên những thanh gỗ nhỏ được treo ngoài sân đền.

IMG_1826

Meiji Jingu là một trong những ngôi đền thu hút khách thăm viếng nhất Nhật Bản. Theo Japan-guide.com, vào những ngày đầu năm mới, ngôi đền này chào đón trung bình hơn ba triệu khách – những người tìm đến để thực hiện nghi thức cầu nguyện đầu năm mới, con số cao hơn bất kỳ ngôi đền nào khác tại Nhật Bản. Cũng tại ngôi đền này, vào ngày lành tháng tốt, các cặp uyên ương diện y phục truyền thống thường đến làm lễ cưới theo nghi thức đạo Shinto (còn gọi là Thần đạo, một tôn giáo của người Nhật thờ phụng sự thiêng liêng, thần thánh được cho là ẩn náu trong linh hồn của vạn vật, như trời đất, cây cỏ, hoa lá, chim muông..).

Những thùng rượu Sake được người dân từ khắp nước Nhật quyên tặng đền Meiji

Những thùng rượu Sake được người dân từ khắp nước Nhật quyên tặng đền Meiji

Không có duyên chứng kiến một nghi thức đặc biệt như lễ cưới, nhưng trong ngày mưa ấy, tôi đã được tận hưởng bầu không khí mát lành, thanh tịnh đến khó quên tại đền Meiji và chìm đắm trong bản hòa âm tuyệt vời của tiếng chuông ngân, tiếng chim ca lanh lảnh trên nền tiếng mưa rơi rả rich. Từng thanh âm vang lên rất nhẹ, như vẳng đến từ xa, nhưng trong không gian thanh tịnh ấy, đã tạo nên một bản hòa ca êm dịu còn vang mãi trong tôi mỗi khi nhớ về ngôi đền nhỏ giữa lòng đô thị Tokyo nhộn nhịp.

TRAVEL TIPS

Để đến thăm Đền Meiji, du khách có thể đi tàu điện theo nhánh JR Yamanote đến ga Harajuku, hoặc theo nhánh Chiyoda và Fukutoshin đến ga Meiji-Jingu-mae rồi đi bộ vào đền.

Trong khuôn viên của Meiji-Jingu, ngoài khu vực đền còn có một gian nhà trưng bày các báu vật hoàng gia. Ngôi nhà này được xây cất một năm sau khi đền được khánh thành, trưng bày nhiều kỷ vật cá nhân quý giá của gia đình hoàng gia. Ngoài ra, ở phía nam của ngôi đền còn có một khu vườn nhỏ trồng các loài hoa diên vỹ, nơi hai vợ chồng hoàng đế từng nhiều lần ghé qua để thư giãn lúc sinh thời. Gian nhà trưng bày và khu vườn bên trong mở cửa từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều, tính phí vào cửa là 500 yen (khoảng 90 nghìn VNĐ mỗi nơi).

Nếu có thời gian, ngoài việc thăm đền Meiji, khách tham quan tới ga Harajuku có thể tìm đến khu phố Takeshita, một phố đi bộ nổi tiếng vô cùng đông đúc, sôi động với nhiều cửa hiệu nhỏ xinh tấp nập khách ra vào. Đây là nơi tụ tập yêu thích của giới trẻ Tokyo, nên đi dạo trên phố vừa là một cách để người ta tìm mua những món hàng độc đáo, vừa là dịp để khám phá, chiêm ngưỡng các mẫu mốt thời trang mới lạ, hút mắt của thanh thiếu niên Nhật Bản.

4 thoughts on “Meiji Jingu – chốn thanh tịnh trong lòng thủ đô Nhật Bản

  1. Em viết hay quá. Sắp tới sang Anh học hãy viết thường xuyên hơn nữa nhé.
    Chị mới đi Nhật về đã thấy nhớ, muốn đi nữa. Chị thấy đi Nhật cũng tương đối dễ, bay thì gần, chi phí không quá đắt (rẻ hơn một số nước Tây Âu) nên chắc phải tính đường thỉnh thoảng quay lại :).

    Liked by 1 person

  2. Em viet hay va rat informative nua, chi mot lan den tham ma em de y va biet nhieu the a ??? Chi chac hoi hot qua, nen chang bao gio cam nhan duoc nhu em cam hehehe… Chi cung luon rat an tuong cac di tich cua nb. Den tho, mieu mao, chua chien deu rat rat dep, tinh te, gian di, dep mot cach tao nha,tinh tuom, trang trong, cao quy. Chi chang thich di chua o vn ti nao dau, no bat nhao, re tien, o hop, trong long chi cung chang co tin thanh than gi ca, hehehe… Chi chua bao gio den Meiji Jingu ca, chi k o Tokyo, nen chi den day loang thoang co 2-3 lan, chua biet gi nhieu ca. Nb nhieu noi de di tham nhi ?? Va du loai cho du doi tuong, so thich khac nhau. Tu ngay co con, tui chi biet them cuc ki nhieu cac cong vien, khu vui choi, so thu, hehehe… Chi von da k sau sac, nen gio lai con phai thoa man so thich cua tre con, nen cang thay minh trinh do thap, heheh.. Em viet nhieu nhieu cho chi doc voi nha.

    Liked by 1 person

    • Hic, chị quá khen làm em ngại quá. :”>
      Thực ra em cũng đâu có hiểu biết đến thế đâu ạ. Tại em viết bài kiếm cơm nên cũng phải tra cứu thêm để bổ sung thông tin, chứ những gì em nhớ chỉ là những cái cơ bản thôi chị ạ.
      Em thì lại chẳng biết gì nhiều về các công viên hay khu vui chơi hoặc sở thú. :”>

      Like

Leave a Reply / Hoan nghênh bạn để lại phản hồi