Cuộc sống của một freelancer

Tips-to-remember-in-freelancing (1)

Source: wealthymatters.com

Xin dành tặng bài viết này cho những bạn đã, đang gặp những trục trặc trong công việc full-time và cân nhắc thôi việc để đi làm freelance, cùng toản thể cộng đồng freelancer (nghe to tát quá, haha). Lưu ý là tôi không khuyên bất kỳ ai bỏ việc, tôi chỉ hy vọng rằng những chia sẻ của tôi sẽ giúp các bạn cân nhắc kỹ càng hơn quyết định của mình. 🙂

Dường như là tôi đã may mắn. Vừa thôi việc ở tòa soạn báo một ngày, tôi đã được người ta đặt hàng viết bài, phỏng vấn, dịch tài liệu, dịch sách báo v.v. Đại khái là hiện giờ tôi vẫn sống tốt, chỉ có điều tôi cần phải tiêu pha cẩn trọng hơn vì lựa chọn nhiều rủi ro của mình (đại để như, tháng này tôi có thể nhiều việc đấy, nhưng tháng sau có khi chả ai cần tôi nữa cả). Nhưng thú thật là tôi không cẩn trọng mấy. Do có nhiều thời gian đọc sách hơn và phải mua tài liệu ôn tập cho các chứng chỉ, tháng vừa rồi tôi đã mất cả triệu tiền sách. Ngoài ra, thời gian của tôi flexible quá nên đâm ra bây giờ hầu như ai muốn hẹn gặp tôi cũng được (vấn đề chỉ là tôi có muốn gặp họ hay không – xin hãy hiểu là tôi không phải người sang chảnh, tôi chỉ muốn gặp người tôi muốn gặp và làm điều tôi muốn làm – phải có dòng này vì quả tình tôi đã nói ‘không’ với một vài người và tôi vô cùng xin lỗi), đồng nghĩa với việc tôi tốn rất nhiều thời gian và cả tiền bạc chỉ vào việc…cà phê cà pháo.

Tôi nghĩ hình như mình đã trở thành một dạng như.. e hèm, nguồn cảm hứng với một số người, mà có lẽ không phải theo nghĩa tích cực. Tức là, nhìn vào cái bộ dạng nhởn nhơ không gợn chút lo lắng về tiền nong hay trách nhiệm của tôi (nhìn thế thôi, tôi cũng phải trả các hóa đơn và tôi không phải thiên kim tiểu thư con nhà thế phiệt), một số bạn bè, người quen nói rằng họ cũng muốn…bỏ việc.

Một cách thực tế thì tôi nghĩ rằng: ai mà cũng muốn bỏ việc thì thế giới này loạn. Mặc dù ngay từ bây giờ, tôi đã có thể hình dung ra trong tương lai 10-20 năm nữa, số người từ bỏ công việc 9-to-5 ở các công sở sẽ tăng lên chừng 20% gì đó, thậm chí 50%. Trong thời đại mà các tiện ích về truyền tải thông tin ngày càng giúp đơn giản hóa mọi thứ như hiện nay, thì điều đó là hoàn toàn có thể. Nhưng thế không có nghĩa là mọi người nên bỏ việc, và lại càng không nên bỏ việc vì nhìn vào tôi (một người cách xa cái hình ảnh thường thấy của một “tấm gương” hàng trăm kilômét).

Source: rachelslist.com.au

Source: rachelslist.com.au

Tôi không hề bỏ việc vì chán công việc. Tôi luôn yêu thích nghề báo, dù điều đó đồng nghĩa với việc nhiều khi bạn phải nhắm mắt với những thứ khiến bạn thấy chán ngán – nếu như bạn làm báo ở Việt Nam (tôi hy vọng bạn hiểu ý tôi là gì). Nhưng như anh chàng Tazaki Tsukuru đã nói trong cuốn tiểu thuyết mới của Murakami (nhân thể, cuốn này đọc khá cuốn hút), cho dù đang làm công việc tưởng chừng lý tưởng nhất với mình ở một công sở nào đó, thì bạn vẫn phải làm những việc… chán mớ. Tôi bỏ việc để giải thoát bản thân khỏi những thứ chán mớ ấy!

Tất nhiên nói như thế thì không chuyên nghiệp lắm. Công bằng mà nói, dù bạn có ở đâu thì bạn vẫn cứ phải làm những việc chán mớ. Có lẽ chỉ đơn giản là tôi đã làm ở đó tới 3.5 năm, tôi quả tình đã hết lòng với vị trí ấy như cách người ta hết lòng với người yêu của mình (hy vọng đồng nghiệp cũ của tôi mà đọc được dòng này không cười khẩy, nhưng thành thật là thế đấy). Nhưng khi ta hết yêu rồi thì ta chia tay, đơn giản thế thôi.

Dù vậy, điều quan trọng hơn là tôi đang tích cực học hành. Tôi có một kế hoạch rất nghiêm túc mà tôi phải thực hiện. Tôi nghiêm túc về nó còn hơn cả công việc, nên lẽ cố nhiên là tôi phải dành sự ưu tiên cho nó.

Đại khái là như vậy. Tôi viết dài dòng như vậy là để những ai đang muốn bỏ việc hãy suy nghĩ thật kỹ (mặc dù thật ra tôi cũng chả thật lòng mấy – bạn chán rồi thì bạn bỏ thôi, việc gì phải khổ, hahah). Tôi biết có vẻ như là mình hơi may mắn, nhưng thực ra trước khi bỏ việc tôi đã phải tốn công gây dựng không ít mối quan hệ và chăm chỉ cộng tác với bên ngoài – và từ đó mới dẫn đến những công việc mà tôi được đề nghị hiện nay – điều đảm bảo cho tôi “survive” dù không còn làm việc ở công sở nữa. Nếu bạn không có những mối quan hệ như thế, xin đừng nghĩ đến chuyện làm freelance vội (hoặc là bạn cứ thử đi nếu thích – người ta bảo chấp nhận rủi ro chính là cho phép bạn nhìn mọi thứ một cách mới mẻ hơn, đấy là quyết định của bạn nhé, tôi không chịu trách nhiệm). Thứ nữa, tôi bỏ việc vì tôi có kế hoạch riêng. Tôi biết mình muốn gì và không có chút gì nghi ngờ về điều ấy cả. Nếu như bạn chẳng biết mình phải làm gì sau khi bỏ việc, thì tốt nhất đừng bỏ việc. Ngoài ra, không đi làm full-time có nghĩa là bạn sẽ không được cơ quan đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng cho, và vì thế sau khi nghỉ hưu bạn sẽ chả có đồng nào (hôm qua papa tôi vừa mới nhắc tôi về chuyện đó – haizz rất tiếc là đứa con gái này chưa bao giờ nghĩ xa được đến thế, tôi vốn rất nông cạn).

freelancing-flexibility-panic-workplace-ecards-someecards

Dài dòng vậy đủ rồi, để trình bày một cách rành mạch, thì đây là những bất lợi và lợi thế gắn liền với việc làm freelance theo quan điểm của tôi (xin lưu ý: (-) nghĩa là bất lợi, (+) là lợi thế):

(+)(-) Ngày nào cũng là ngày nghỉ, ngày nào cũng là ngày làm việc.

(+) Có thể đi xem phim vào giờ hành chính, nhờ đó tiết kiệm được không ít tiền cho vé xem phim (nhưng bất lợi là nếu quả thực muốn tiết kiệm thì bạn phải đi xem phim một mình – điều này tôi không phiền). Nếu bạn không thích xem phim, thì bạn có thể tham gia các khóa học, hoặc đơn giản là ngồi nhà đọc sách. 🙂

(-)(+) Bạn chẳng thuộc về một đơn vị nào cả. Điều ấy có thể khiến bạn cảm thấy rất tự do, nhưng đồng thời cũng chới với vô cùng. Cho dù bạn có ký hợp đồng làm một công việc nào đó với một đơn vị nào đó, thì việc bạn không phải có mặt tại văn phòng của họ thường xuyên đồng nghĩa với việc bạn bị cô lập hoàn toàn. Rất tiếc là điều này hoàn toàn thích hợp với tôi. Tôi quả thực đã mệt mỏi đến mức gần đây chẳng muốn gặp những người tôi không quan tâm đến nữa. Thậm chí tôi vô phép đến mức không hề tổ chức farewell party ở cơ quan cũ của mình, vì tôi sợ phép xã giao kinh khủng, và tôi không giỏi lắm trong việc nói lời tạm biệt. Và nếu có ai đó tôi cực kỳ muốn giữ quan hệ, thì tôi đã làm thế, một cách thực sự, chứ không phải bằng cách nói những lời xã giao vô nghĩa.

Tuy nhiên, xin thú thực là về dài hạn, tôi không hẳn muốn mãi mãi như thế này. Có lẽ sau này tôi sẽ đi làm trở lại. Nhưng không phải bây giờ, cũng không phải tháng sau.

(-) Nếu không kiểm soát bản thân và giữ cho mình bận rộn, bạn sẽ trở nên bê bết vô tổ chức đến vô phương cứu chữa. Điều này thì tôi tin rằng mình đã có chút kinh nghiệm. =)))

(-) Ngoài ra làm freelance thì vẫn là làm việc, thậm chí trong một số trường hợp bạn phải nhận việc nhiều hơn để đảm bảo tiền luôn chảy về tài khoản (vì bây giờ bạn không có một khoản lương cố định nữa), hoặc đơn giản là cắt giảm chi tiêu so với thời làm việc full-time.

(-) Vì bạn chẳng thuộc đơn vị nào nên lẽ cố nhiên người ta không cảm thấy mình có trách nhiệm với bạn, đồng nghĩa với việc bạn có thể đã hoàn thành công việc từ đời tám hoánh, nhưng họ vẫn lần lữa thanh toán cho bạn vì lý do “chị bận quá” (hy vọng chị đọc được dòng này cho em nhờ ạ).

(+) Bạn không có sếp.

Thú thực, điều này rất…tuyệt vời.

Nhưng tất nhiên nó chỉ đúng một cách tương đối. Vì khi bạn làm việc theo đơn đặt hàng chả hạn, thì bạn vẫn phải làm theo yêu cầu của “sếp” thôi. Nhưng sếp này tất nhiên là nhẹ nhàng với bạn hơn, còn nếu bạn không thích thì lần sau chỉ cần đừng làm việc với họ nữa là xong!

(+) Bạn được nghỉ phép bao lâu tùy ý. Tự dưng ngày mai bạn xách va ly đi du lịch Mexico cả tuần cũng được. Nhưng tiền ở đâu ra để làm việc đó thì lại là vấn đề khác.

(-) Bạn có thể làm việc ở bất cứ đâu. Ra bãi biển ngồi, vừa gõ máy tính vừa uống nước dừa, hay sang Luang Prabang ở chơi mấy ngày, sáng làm việc, chiều chơi cũng được (vì sao tôi nhắc đến Luang Prabang? Thực ra chỗ này rất thích hợp để làm nơi đào thoát cho cả thể loại lao động tự do và nhà văn đấy nhé). Cách đơn giản nhất là ngồi ở nhà, vừa làm việc vừa uống nước cam mẹ pha, hoặc ra L’espace ngồi. :3

(+) Bạn có thể nảy sinh nhiều ý tưởng hơn, trở nên sáng tạo hơn. Việc ngồi ở văn phòng 8 tiếng một ngày có thể khiến người ta trở nên ù lì và trì trệ, thật đấy.

Lấy tôi làm ví dụ nha: sau khi bỏ việc, ngoài việc tập trung học hành và làm freelance, nhờ một khoảng thời gian trống nhất định (vì không phải làm những việc chán mớ + tiết kiệm thời gian nói chuyện xã giao vô bổ với đồng nghiệp + họp hành vô bổ + di chuyển từ nhà đến cơ quan và ngược lại), tôi đã cân nhắc đến việc: đi du lịch đâu đó một tháng, làm những việc điên rồ trong một tháng ấy và viết sách về chuyến đi đó (rất tiếc bây giờ tôi vẫn chưa đủ tiền để làm việc này mà các hóa đơn thì vẫn không ngừng réo gọi tên tôi); trở thành…nhà văn (hmmmm bạn thấy tôi có chút tiềm năng nào không?); sáng lập nên một hội nhóm nào đó (hội những người làm freelance chả hạn – mặc dù tôi nghĩ người ta đã lập ra vài cái hội như thế rồi); trở thành nhà từ thiện (mặc dù, tôi cũng đang hết tiền và cần lắm những tấm lòng hảo tâm đây!); trở thành nhà nghiên cứu một vấn đề nào đấy (seriously, hehe, ví như nghiên cứu về tác động của Kdrama)… Ngoài ra, tôi bắt đầu có rất nhiều ý tưởng cho các bài viết của mình.

(-) Một số người sẽ cho rằng thực ra là bạn bị thất nghiệp. Nhưng chẳng hề gì, đã bỏ việc rồi thì bạn chả quan tâm!

 

 

21 thoughts on “Cuộc sống của một freelancer

  1. Chào chị. Em tình cờ vào blog này và rất thích các bài viết của chị (em đoán chị hơn tuổi em, vì chỉ có người có nhiều trải nghiệm, và tất nhiên là khả năng viết lách nữa mới viết được như vậy). Hầu hết những suy nghĩ của một freelancer trong bài khá đúng với em vì em cũng từng làm freelance translator. Đúng là sự tự do, linh động trong công việc thì rất là thích, chỉ có điều sẽ hơi buồn nếu ko biết tự tạo niềm vui, và cũng không hẳn phù hợp với những người có tính hướng ngoại nhiều, thích giao tiếp trò chuyện. Đặc biệt là việc nếu mình không đủ ý chí liên định để vượt qua những định kiến của những người xung quanh thì em nghĩ là không nên làm freelancer. Em ko biết chị đang ở VN hay nước ngoài, nhưng ở VN thì những kẻ “vô tổ chức” cũng thường bị “vô thừa nhận”, bị nhìn nhận như kẻ thất nghiệp (những khi ko có việc làm thì cũng thất nghiệp thật). Thế nên những ai có ý định bỏ việc cũng nên cân nhắc và chuẩn bị thật kỹ về tài chính, mối quan hệ, tâm lý… và hiểu chính xác mình muốn gì.

    Liked by 1 person

    • Chào em,
      Cám ơn em đã ghé thăm nhà chị và chia sẻ nhé. 😀
      Thực ra chuyện xưng hô cũng không quan trọng lắm, xưng hô bạn bè cũng không vấn đề gì đâu vì chị đoán nếu em đã ra trường đc vài năm thì tuổi của mình cũng sàn sàn nhau hoặc hơn kém tí chút thôi. :”>
      Bất lợi lớn nhất của làm freelance cũng chính là bị rơi vào tình trạng vô tổ chức và vô thừa nhận như em nói. :)) Nhưng em dùng thì quá khứ thì chị đoán giờ em đã “ổn định” rồi phải không? 🙂
      Hiện h thì chị nghĩ rằng freelance nên là một giải pháp tạm thời thôi, vì làm freelance thì xây dựng một sự nghiệp có hơi khó khăn hơn (ngay cả khi mình có thể sống dễ dàng với các loại jobs và hợp đồng ngắn hạn). Nhưng có lẽ nó cũng tùy vào vị trí và khả năng của mình nữa, có những người không thực sự thuộc về một đơn vị nào nhưng họ có tên tuổi, mối quan hệ, và họ làm việc chăm chỉ nên họ vẫn có được một hồ sơ rất ổn. 😀

      Like

  2. Thật ra làm freelance một thời gian để giải quyết các vấn đề cá nhân hay để trải nghiệm một lối sống mơi như một bước chuyển tiếp sang một nói chốn hay công việc văn phòng mới mà mình thật sự thích thì cũng rất OK. Cái chính là khong làng phí thòi gian. Chị cũng tưng làm copywriter tư do một thời gian, thấy rất vui, thu nhập thì cũng khong thua kém bao nhiêu so với thòi đi làm công ty, còn trẻ thì cỏn trải nghiẹm.

    Like

    • Hi chị Pink. 😀

      Cái hồi chị làm copywriter là làm ở VN hay Mỹ thế chị? Em thấy có vẻ nhiều freelancer làm nghề đó.

      Thực ra em cứ chém gió thế thôi chứ em không dành quá nhiều thời gian trong ngày để làm việc, vì em còn phải học. :)) Nói chung thời gian học vẫn nhiều hơn thời gian làm.

      Chị viết blog tiếp cho em đọc đi chị.

      P/s: cám ơn chị vì comment lần trước ạ. Thực ra đó chỉ là suy nghĩ về một khả năng, nó không nghiêm trọng đến như chị nghĩ, ít nhất là không đối với một người mà theo 1 cách nào đó khá impulsive và cực đoan về cảm xúc như em.

      Like

  3. Comment trên là của chị Pink đó ha ha. Chúc em vui vẻ, thư giãn, tận hưởng cuộc sống mới. Giơf chị đi dọn dẹp nấu ăn đây

    Like

  4. Chị làm copywriter hồi còn ơ Việt Nam, cho các hãng quảng cáo và công ty quảng cáo. Nghề chính chủ yếu là viết. Đối với chị thì viết là một cong việc chị có thể làm được khá nhanh và tụ do về thời gian nén chị thấy OK. Cũng có ngày phải viết đến 4,5 bài một lúc thì đúng là burnt out. Nhung chị hành nghề freelance cũng khong lâu, đâu khoảng chừng 6 tháng trước khi đi Mỹ. đó cũng là chặng đường chuyển tiếp nhiều phân van và dự tính nén công viẹc freelance đến rất đúng lúc với chị. Cuộc sống chính là khi em trải nghiẹm được nhiều khả năng để chọn lấy một con đường phù hợp nhất với mình. Thật ra mình khong phải là con nhà thế phiết tài phiệt đe có sẵn vốn liếng kinh doanh và chấp nhận rủi ro để thể nghiệm các y tưởng kinh doanh , chư chị rất thích mở business của riêng mình để có thòi gian tự do bay nhảy và khong bị ràng buộc ngày 8 tiếng. Nhưng hoàn cảnh khong cho phép thì làm công ăn lương vậy 😉
    Chị Pink
    P.s : đói với chị mất ngủ triền miên là dâu hiệu đáng lo và nó ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của mình nén chị cảm thấy lo.

    Liked by 2 people

    • Wow chị Pink giỏi quá, sao chị lại có thể viết 4-5 bài một lúc? Em không thể làm thế được. :)) Lâu lâu em cũng có làm copywriting nhưng thật ra họ thường phải thuyết phục và trả cao chút em mới làm, vì em làm báo nên ghét PR lắm. :”>
      Xin phép chị cho em được hỏi, hồi đó chị sang Mỹ học cao học phải không ạ? Chị học trường nào thế ạ?
      Thực ra trong khoảng 4-5 tháng tới em không định đi làm công sở trở lại. :)) 1 là hiện nay em đã khá comfortable với tình trạng này (có thể 2-3 tháng nữa em lại chán và muốn đi làm, nhưng em nghi ngờ điều đó, hihi), 2 là em muốn đi học. 🙂 Gần đây em phát hiện ra là em cũng thích nghiên cứu, miễn là về vấn đề mà em quan tâm (mà thực ra có rất nhiều thứ em quan tâm).

      Like

      • Chị học cao học ở Úc, University of Queensland theo học bổng phi chính phủ. Khi sang Mỹ, chị chủ yếu chỉ học theo các khoá học nhỏ riêng lẻ chú khong vào đại học. Có lẽ với chị, học như thế về mặt trường lớp là đủ. Khi viết bài quảng cáo hàng loạt, chị tự biến mình thành một cổ máy công nghiệp cày liên tục. Saigon vui nên nủa đêm ra đường chơi vẫn đong người và thỏa mãn được cái tính linh tinh của chị. Có khi chị viết tới tận đêm, có lúc. 5 giờ sáng đã mò dậy pha cà phe lọ mọ viết… Coi như là thỏa mãn thử nghiệm cảm xúc và cong việc. Em cứ làm những gì mình thích hay thấy hạnh phúc, vui vẻ, có cảm xúc và cảm hứng. Tư từ rồi đâu cũng vào đó thoi. Thật ra nghề freelancer nó giống như một ga tàu trên hành trình cuộc đời, một trạm transit khi mình đang loay hoay tìm tới một con đường kiên định và xác tín hơn. Cái chính vẫn là cảm xúc ngay trong thời điểm đó, và nó có thể là một giải pháp thỏa đáng nhất thời.
        Chị Pink

        Liked by 1 person

  5. Nếu em giành thời gian này để tập trung nhiều hơn cho việc học thì tốt quá rồi, đâu có gì để lăn tăn. Chị đoán là sau một thời gian em sẽ đi làm cong sở trở lai. Cái chính là chọn
    được nơi mình thích.

    Like

  6. Cô gái này giống tôi quá, ban đầu nghỉ làm cũng vẽ ra nhiều việc như xem phim, viết sách (thế mà chỉ cần viết 1 cái post 500 chữ thôi đã bắt đầu tụt mood ấy chứ), du lịch (cái này thực hiện có vẻ tàm tạm), mình cũng nghĩ tới đến 1 nơi nào đó trong 1 tháng hoặc mỗi tháng dành 1 tuần ở 1 tỉnh, nghiên cứu 1 vấn đề (tâm lý hoặc đời sống celebs). Mình thì chưa giỏi được như cô gái đến mức việc ồ ạt tìm đến mình, đang cố đến mức đó đây. Mình cũng cực dị ứng với small talk vô bổ (nhiều khi những gì họ nói lọt vào đầu mình là blah blah blah….)

    By the way, cô gái ôn GRE à, đợt mình học thêm tiếng Anh cũng làm vài câu tìm fallacy khó như chơi trò trinh thám nhưng mà thấy thú vị lắm hihi. Và goodluck với verbal nhé. Mình cũng đang ôn thi nhưng chưa đâu vào đâu vì phải sắp xếp bài vở kiếm sống. Thấy cô gái mới nghỉ đã bập vào học hành nghiêm chỉnh thật đáng ghen tỵ .

    Liked by 1 person

    • Cám ơn bạn đã động viên.

      Mình học hành nghiêm chỉnh không phải vì mình vốn dĩ là thanh niên nghiêm túc đâu, mà học chính là một trong những nguyên do chính khiến mình thôi việc, nên mình buộc phải học để chứng minh là sự từ bỏ ấy là cần thiết. Không thể thôi việc vì lý do cần tập trung học mà cuối cùng lại chơi tràn cung mây được, thế thì xấu hổ lắm, hichic.

      Còn công việc thì vẫn đến với mình, nhưng chuyện tài chính nhiều lúc cũng bấp bênh vì lý do mình đã nêu ở trên: khi mình thuộc biên chế 1 nơi nào đó thì họ có trách nhiệm chăm lo cho mình, còn khi mình ký hợp đồng làm gì đó ngắn hạn cho họ, thì có khi mãi họ mới thanh toán cho mình vì họ “bận”. Nói chung cũng có những cái phức tạp nhất định. Chưa kể có thời điểm việc ồ ạt tìm đến, có thời gian mọi thứ lại im ắng và mình phải tự vận động bản thân viết thêm vào..

      Mình sợ phần math hơn verbal (mặc dù phần này cũng gớm chứ không phải đơn giản gì), vì mình dốt toán lắm, hichic.

      Like

  7. Làm sếp của chính mình không phải là dễ, ít nhất phải biết mình có thể đánh trận nào và trận nào nên nằm nhà đắp chăn ngủ.
    Hồi xưa đi làm thuê biết mai phải cắm đầu làm việc gì, giờ thì ngày mai ko biết cái gì sẽ đến với mình

    Liked by 1 person

  8. Cái chính của công việc freelance đó là không được lãng phí thời gian. Em hiện tại cũng đang là một freelancer và nhận ra công việc này thật sự rất tuyệt. Tự mình làm chủ bản thân là điều mà ai cũng muốn. Nhưng cũng nên cân nhắc một câu nói mà em đã vô tình đọc được
    “Làm freelance, bạn hoàn toàn làm chủ bản thân mình. Nhưng có thể bạn là một ông chủ rất tồi”

    Bài viết rất hay! Em sẽ ghé thăm blog của chị thường xuyên và nếu có thể sẽ đặt liên kết trên blog cá nhân!
    Cảm ơn chị đã chia sẻ
    Thân,

    Liked by 1 person

      • Ấm lòng quá, lại một freelancer nữa cuộc sống đi lên sau thôi việc. Đọc từng dòng bạn viết hồi 2014 mình thấy bạn vẫn thoáng qua một ít lo lắng tương lai bấp bênh. Bạn mạnh dạn bước ra, mạnh dạn đi lên, rất đáng tự hào về bản thân đó.

        Thời buổi bây giờ, bất cứ một suy nghĩ nào đi qua cũng thành 1 dòng stt ngắn trên FB. Người ta ít suy ngẫm sâu xa về cuộc sống, smartphone làm người ta không còn lùi lại bên lề cuộc sống ngồi ngắm mưa nghĩ thật sâu bên ly cafe nữa. Những blog như bạn viết thế này đọc rất đã. Sẽ tiếp tục theo dõi và âm thầm ủng hộ bạn.:)

        Liked by 1 person

    • Tùy kinh nghiệm việc làm và trình độ của mình thôi em. Nếu hiện tại làm freelance nhưng trước đó đã làm nhiều vị trí quan trọng hoặc làm việc cho công ty lớn thì sau có ra làm freelance vẫn được coi trọng, vì coi như mình đã có vị trí và uy tín nhất định rồi.

      Like

Leave a Reply / Hoan nghênh bạn để lại phản hồi