Yêu nước  

 

Màu xanh Hà Nội, chụp vào dịp Tết âm lịch 2014

Màu xanh Hà Nội, chụp vào dịp Tết âm lịch 2014

Bây giờ con còn bé, con chưa hiểu thấu thế nào là yêu nước. Rồi ra con sẽ biết. Khi con đi du lịch ở xa về, một buổi sáng, đứng dựa bao lơn tàu con thấy ở chân trời một dãy núi xanh của xứ con hiện lên, thì bấy giờ con sẽ thấy lệ cảm trong lòng con trào dâng, và miệng con vuột ra những tiếng kêu mừng rỡ.

(Trích thư của bố gửi Enrico, Những tấm lòng cao cả)

Tôi chẳng bao giờ hô hào về lòng yêu nước. Tôi không lấy cờ tổ quốc làm hình đại diện. Tôi không đi biểu tình hay phản đối đi biểu tình. Về cơ bản, tôi là một người phi chính trị.

Tôi không cho rằng nhất thiết phải hô hào lòng yêu nước. Tình yêu nước là thứ có sẵn trong mỗi người. Hoặc là nó ở đó, hoặc là nó không ở đó. Nếu bạn đang sống ở trên đất Việt Nam mà bạn không thấy yêu nước, thì tôi khó lòng thay đổi được điều đó ở bạn. Nếu bạn đang ở nước ngoài và luôn hướng về đất nước, thì không gì ngăn cản bạn làm điều gì đó đóng góp cho nước mình. Yêu nước là cảm giác mình thuộc về một nơi nào đó, đó là cảm giác tự nhiên không thể hô hào mà có được.

Gần đây tôi bắt đầu nghĩ về lòng yêu nước.

Tôi nhận ra mình có yêu nước khi tôi đi chơi ở nước ngoài, tức là chỉ một vài năm gần đây. Nhận thức đó hẳn là rất muộn so với số đông mọi người, vì tôi vốn dĩ là đứa trẻ vô tâm. Bố mẹ tôi, những người từng thụ hưởng nền giáo dục tiên tiến ở nước ngoài, chưa bao giờ dạy tôi phải yêu nước, hay ủng hộ một lý tưởng chính trị nào. Tôi là một kẻ tự do, vô thần, và cho đến bây giờ tôi vẫn thích nghĩ mình là công dân toàn cầu, bên cạnh việc là một người Việt Nam.

Tôi đã nghĩ rất nhiều về đất nước mỗi khi tôi ở nước ngoài. Đặc biệt là khi tôi đi chơi ở Thái Lan, Malaysia, Singapore, các nước thuộc khối ASEAN rất gần với Việt Nam. Lý do là bởi các nước này đều có quá nhiều cái hơn so với Việt Nam, dù họ rất gần và có một số điểm tương đồng nhất định. Lúc đó tôi đã nghĩ, nếu nước mình có những lãnh đạo tài năng, những người thực sự có nhiệt tâm cống hiến cho sự phát triển của đất nước chứ không chỉ lo bảo vệ túi riêng của mình, thì nước mình có giàu mạnh hơn nhiều không? Tôi nhớ mình đã mân mê những món đồ lưu niệm rất xinh ở Malay, ở Thái Lan và tự hỏi mình: “sao Việt Nam mình không làm được đồ lưu niệm đẹp như thế?” Tôi nhớ mình đã đi tàu điện, cũng ở hai nước ấy, và tự hỏi, bao giờ Việt Nam mình có hệ thống tàu điện tiện lợi, văn minh như thế?

Còn khi tôi lang thang ở New York và Tokyo, khi mà tôi đang vui sướng hưởng thụ những tiện ích tuyệt vời của sự văn minh, giàu có, thì đôi lúc, trong lòng tôi vẫn trào dâng niềm đau xót. “Ừ, đẹp thật đấy, tuyệt thật đấy, nhưng tất cả những cái đẹp, cái hay, cái văn mình này thuộc về một nơi khác chứ không phải nước mình.” Lòng tôi xót xa khi nghĩ rằng sẽ phải rất lâu, rất lâu, rất lâu nữa Việt Nam mới có thể vươn lên sánh ngang với những nền văn minh ấy (so với thời điểm bây giờ của họ).

Và ở Việt Nam, tôi nhớ rằng mình đã đi xe qua những miền núi đồi xanh biếc điệp trùng mà cảm thán: “Việt Nam mình đẹp nhỉ!” Đẹp như vậy, mà sao khách du lịch đến Việt Nam vẫn thua xa hàng bao nhiêu nước khác?

Mỗi khi đi đâu đó về, khi máy bay hạ cánh an toàn xuống sân bay Nội Bài, tôi cảm thấy mình thở phào thật nhẹ. “Thế là mình đã về nhà.” Cảm giác đó ấm áp và yên lòng vô cùng.

Nên tôi thấy xót xa, khi nghĩ đến những đau thương không ngừng diễn ra trên mảnh đất này.

Đất lành, hay không lành thì vẫn là mảnh đất nơi mình sinh ra. Suốt cuộc đời này, dù mình có đi đâu, dù mình có đi du học, lấy chồng ngoại quốc, đi làm việc ở nước ngoài, hay thậm chí định cư hẳn một nước khác, thì điều đó cũng không hề thay đổi. Sự thật rằng mình là người Việt Nam không bao giờ thay đổi.

Vì thế nên tôi chỉ biết cầu nguyện, từng ngày, rằng trên mảnh đất này sẽ không còn thương đau nữa..

Không thể là người làm nên sự thay đổi lớn, thì tôi nguyện sẽ làm nên những sự thay đổi nhỏ. Bằng cách tiếp tục làm tốt những công việc của mình.

 

7 thoughts on “Yêu nước  

  1. Tình yêu nào thì cũng cần minh mẫn, yêu nước thì càng cần cái đó nhỉ.Chính ra ko quan tâm đến chính trị như chị có khi lại là cách yêu nước tích cực trong tình hình hiện nay ý.
    p/s: Hồi e học lớp 8, VN đăng cai Seagame 22, nhớ mãi trận bán kết bóng đá nam, VN đá vs Malay, trận bóng kịch tính nhất e từng xem và cũng là trận bóng duy nhất e ngồi xem từ bé đến giờ.E là con trai nhưng ko hề thích hay quan tâm đến bóng đá.Cơ mà lúc đó lại có thể ngồi xem trận đó từ đầu đến cuối, hồi hộp theo từng pha sút bóng, rồi cũng nhảy cẫng lên khi Vn thắng, ko đi đua xe, chỉ thấy trong lòng vui là lạ.Ngẫm lại, phải chăng nhờ tinh thần quốc gia đã khiến mình ngồi làm 1 việc trước đây chưa bao giờ làm.Đó có phải là 1 ví dụ đơn giản cho “lòng yêu nước” ko nhỉ? 😀

    Liked by 1 person

    • Chắc chắn rồi em, đó là 1 ví dụ. 😉

      Cũng ko hẳn chị ko quan tâm đến chính trị, chị trung lập về chính trị thì đúng hơn. Yêu nước không có nghĩa là ủng hộ 1 lý tưởng chính trị nào đó, mà là muốn cho nước nhà mạnh lên, nhân dân ấm no hơn, có thế thôi. Bây h chị chỉ muốn xuất hiện 1 ng` có thể làm điều đó, nếu người đó lên làm lãnh đạo mà làm được như vậy, thì VN theo đường lối chính trị nào ch cũng ko quan tâm. 😐

      Like

  2. Chào Thi, mình tình cờ biết đến blog của bạn từ lúc ôn thi IELTS hồi tháng 8 năm nay và nhớ là có tự nói với bản thân sẽ vào blog của bạn để cảm ơn những tips luyện IELTS hữu ích mà bạn đã share. Sau đó chắc là lu bu quá quên mất 🙂

    Mấy hôm nay đi lang thang trên mạng rồi đi lạc vào blog của Thi:-) và tình cờ đọc bài này. Mình giật mình thấy cảm giác của mình khi đi tàu điện ở các nước Singapore hay Malaysia rất giống câu này của Thi viết “Tôi nhớ mình đã đi tàu điện, cũng ở hai nước ấy, và tự hỏi, bao giờ Việt Nam mình có hệ thống tàu điện tiện lợi, văn minh như thế?”

    Cảm giác y chang như vậy luôn:-)

    À mà mình chẳng thấy Thi có bài nào chia sẻ về kinh nghiệm apply thành công học bổng cả. Thi có dự định viết bài nào như vậy kg?

    Liked by 1 person

    • Cám ơn bạn nhiều. 🙂 Không biết bạn đã thi IELTS chưa và có hài lòng với kết quả hay không. Nếu chưa thì chúc bạn may mắn nhé.

      Thực ra có rất nhiều bạn đi trước đã viết những bài khá hay và chi tiết về chuyện xin học bổng rồi, nên mình cảm thấy nếu có viết thì mình thực sự phải khai thác một cái gì đó khác đi một chút. Hiện tại mình cũng chưa nghĩ nhiều về việc viết một bài như vậy lắm. Tuy nhiên, từ những kinh nghiệm của việc du học thạc sĩ tại Anh, mình đã nghĩ về việc đưa ra một vài “lời nhắn” dành cho các bạn có ý định đi học cao học ở nước ngoài , vì mình thấy để đạt được thành công sự chuẩn bị chu đáo là vô cùng quan trọng. Hy vọng sắp tới có thời gian rảnh mình có thể viết về vấn đề này.

      Chúc bạn vui vẻ. 🙂

      Like

  3. Mình đã thi IELTS rồi, may mắn là mình được 7.75 và được làm tròn thành 8, cũng nhờ vào một số bí kíp Thi đã chia sẻ. Mình phải là người cám ơn bạn mới đúng chứ :-):)

    Mình có ý định đi học cao học ở nước ngoài (nói chính xác là mình rất “thèm” đi học) nên sẽ đợi một vài “lời nhắn” hữu ích của Thi 🙂 nhưng mà để được đi học thì phải có được học bổng (khó quá!). Mình vừa apply HB Chevening năm nay và đang đợi xem hồ sơ của mình có qua được vòng loại hay không. Trong lúc chờ đợi mình đang lăn tăn tự hỏi có nên apply vào 3 UK universities theo y/c của Chevening hay không. Mình không sure liệu có nên đợi Chevening báo là hồ sơ của bạn đã qua vòng loại rồi mới apply hay là apply từ bây giờ. Vì nếu mình có được offer của trường mà không được HB thì cũng đâu có điều kiện đi học 😦

    Hì hì, sorry Thi, cái vụ HB này không liên quan mấy đến cái post này của bạn. Mong là bạn không phiền. Bạn đã có kinh nghiệm apply thành công rồi nên nếu có thể được, bạn guide mình vụ này với nhé. Cảm ơn Thi

    Like

    • Chào bạn.
      Rất tiếc là mình đang rất bận nên không thể nào hướng dẫn chi tiết chuyện apply học bổng cho bạn được. Tuy nhiên với câu hỏi của bạn thì ý kiến cá nhân của mình là bạn nên chờ qua vòng loại đã rồi hãy apply để đỡ mất công mất sức. Vì nếu học lực và tiếng Anh của bạn đều ổn thì chuyện được một trong 3 trường, hoặc nếu may mắn thì cả 3 trường đều nhận không phải là vấn đề, quan trọng là bạn có được xét duyệt học bổng không. Chúc bạn may mắn!

      Like

Leave a Reply / Hoan nghênh bạn để lại phản hồi