Chuyện ở Luang Prabang (+Photos)

_IMG_0037

Quang cảnh nhìn vào một ngôi chùa

1. Tôi đang nghĩ không biết đặt tiêu đề blog như thế này có chính xác? Thực tế thì chẳng có chuyện gì đặc biệt xảy ra ở Luang Prabang cả. Không có anh chàng đẹp trai nào làm quen với tôi. Không có tai nạn hay biến cố gì kỳ lạ xảy ra. Cả hai chuyến bay đi-về đều êm ả. Mà có lẽ Luang Prabang vốn thế: chẳng có chuyện gì xảy ra ở Luang Prabang cả. Thành phố ấy quá êm đềm, thậm chí có thể là hơi buồn tẻ với một số người, để mà có chuyện gì xảy ra. Thế nhưng đối với tôi, đó vẫn là một chuyến đi đáng nhớ. Và Luang Prabang thực sự là một trong những nơi tôi muốn được trở lại. Tôi cảm thấy an lòng với ý nghĩ nó sẽ luôn ở đó, nó sẽ không đi đâu cả, nó sẽ lại chào đón tôi ngày tôi trở lại y như thế; và nó rất gần với Hà Nội, chỉ cách thành phố của tôi một tiếng đồng hồ đi máy bay mà thôi..

“Giả dụ có ngày mình bị mất việc, mà may phước còn chút tiền tiết kiệm, mình sẽ bay sang Luang Prabang ở một tháng coi sao,” tôi đã nghĩ như thế.

IMG_9953

2.  Tôi đến Luang Prabang không có mong đợi gì. Có lẽ đó là một lý do tôi đặc biệt thích thành phố kiểu thị trấn ấy. Nó gợi tôi nhớ nhiều đến Huế và Hội An. Có thể nói vẻ đẹp của Luang Prabang là sự kết hợp của hai vẻ đẹp ấy, dù thành phố vẫn có những bản sắc riêng không thể lẫn với bất kỳ đâu.

Trước khi lên đường, tôi thực sự rất bận. Bận đến mức tôi chỉ có đúng 15 phút để thu xếp hành lý, còn trước đó thì tất tả đi đổi tiền và làm hàng núi công việc không liên quan. Tôi chẳng biết gì mấy về Luang Prabang. Chỉ đến khi đã ngồi yên vị trên máy bay, tôi mới có thời gian đọc guide của wikitravel về thành phố. Đến giờ, tôi cũng chưa rõ mình có thật sự hiểu về Luang Prabang hay không, nhưng tôi thích nó, và tôi biết mình sẽ còn quay trở lại.

IMG_9823

Đường phố Luang Prabang quang quẻ, yên bình, gợi nhớ vẻ dẹp Hà Nội xưa

IMG_9781

Trong Viện bảo tàng Quốc gia Luang Prabang – xưa là Cung điện hoàng gia

Thực ra tôi không định làm gì ở Luang Prabang. Tôi cũng không mong chờ chuyện gì đó xảy ra. Sau những ngày bận bịu tối mặt với đống hồ sơ, tài liệu,… tôi chỉ mong được thảnh thơi ngồi đọc sách và ngủ thoải mái. Và đúng là tôi đã chiều chuộng bản thân như vậy. Cơ bản là Luang Prabang khá nhỏ, nên ta cũng chẳng cần phải cong mông đi check hết chỗ này đến chỗ kia như nhiều điểm du lịch khác. Ta cứ từ từ mà tận hưởng cái nhịp sống chậm rãi ấy, như thể ngày mai còn lâu mới đến, và những mối lo đã lùi về rất xa. Ngồi đọc sách một mình ở một quán cà phê xinh đẹp trên một con phố vắng, tôi thấy dễ chịu và thoải mái vô cùng.

IMG_9910

Quán cà phê tôi từng dành vài giờ đọc sách..

Tôi thậm chí còn tránh gặp gỡ nữa. Tôi đã gặp hàng đoàn người Việt Nam và vô số các bạn tây đủ quốc tịch ở chợ đêm, ở các ngôi chùa… nhưng tôi không bắt chuyện với ai, cũng không tạo điều kiện cho ai bắt chuyện cùng mình. Tôi chỉ muốn được thư thả một mình, lánh xa sự đời (nhưng mà tôi không chán đời, tôi yêu đời, thế chứ!)

Riêng tấm này được chụp bằng di động ^^

Riêng tấm này được chụp bằng di động ^^

3. Hình ảnh nổi tiếng nhất trong các postcard du lịch về Luang Prabang là lễ cúng cơm (alms ceremony). Mỗi sáng, vào lúc 6 giờ, các nhà sư sẽ đi loanh quanh các khu phố chính để nhận những giỏ cơm hoặc hoa quả do người địa phương hoặc du khách hiến tặng. Đây được coi là một truyền thống tôn giáo độc đáo của địa phương. Các nhà sư mặc áo cà sa màu cam nổi bật, đi qua các khu phố cổ tạo thành hình ảnh rất đẹp. Tôi chỉ thấy buồn cười là các du khách nước ngoài, dù chẳng hiểu gì, nhưng vẫn bám theo các nhà sư mà chụp ảnh lia lịa. Buồn cười là cả tôi cũng không ngoại lệ, dù tôi cố gắng giữ khoảng cách hết mức có thể để tránh không làm phiền họ.

ithinkthereforeiblog

Các nhà sư trên đường phố Luang Prabang (6 giờ sáng một ngày bình thường)

Hôm cuối cùng tôi ở Luang Prabang, cô gái người Việt làm việc ở khách sạn của tôi – một khách sạn có chủ cũng là người Việt Nam – hỏi tôi: “thế chị đã đi xem mấy thằng sư chưa?”

Tôi vốn dĩ có thiện cảm với cô, vì cô tỏ ra khá nhiệt tình, quan tâm đến khách trọ. Nhưng tôi không tránh khỏi nhăn mặt trước câu nói đó (dù có thể cô không hề nhận thấy).  Sao cô có thể gọi các nhà sư như thế, cứ như thể họ là những con rối trên rạp xiếc để du khách ngắm nhìn? (tôi không dám dùng từ “những gã hề”, vì tôi cảm thấy thế xúc phạm những người làm xiếc quá) Với một hoạt động tôn giáo, người ta có thể không hiểu, nhưng ít nhất cũng nên tỏ ra tôn trọng. Tôi không nói gì nhiều, vì tôi biết cô chẳng có ý gì, nhưng tôi cảm thấy phật lòng thay cho các sư thầy. Đó là kí ức duy nhất không vui mà tôi có ở Luang Prabang..

_IMG_9989

Con phố sang nhất ở Luang Prabang với nhiều hàng quán xịn được xây dựng theo kiến trúc Pháp

4….nếu như không kể đến một chuyện khác khá là awkward. Tôi tình cờ gặp một cô gái người Hong Kong trong chuyến đi ngắn tham quan thác Kuang Si. Chúng tôi nói chuyện cũng khá hợp, vì độ tuổi không mấy chênh lệch, và cũng vì tôi từng đến Hong Kong. Rồi sau, thế nào đó tôi cao hứng rủ cô, hay tối nay mình đi ăn tối nhé, vì cô cũng đi một mình như tôi và bảo rằng đây là lần đầu tiên cô đi chơi một mình. Cô nói okay thôi, nếu như tôi muốn đi ăn cùng với đám bạn Trung Quốc mà cô mới tình cờ gặp hôm qua. Dù lúc đó, sự kiện tranh chấp mà ai cũng bàn tán trong mấy ngày gần đây chưa xảy ra, nhưng ngay khi nghe cô bạn Hong Kong nói thế, tôi đã hiểu là mình sẽ không đi. Tôi chỉ cười trừ, và sau buổi tham quan đó, chúng tôi đã không đi ăn tối.

28 thoughts on “Chuyện ở Luang Prabang (+Photos)

  1. Trung Quốc và người dân TQ thì khác nhau chứ ạ? (từ một người có quen vài bạn TQ và gặp bạn du lịch người TQ khi đi du lịch một mình ở một số nơi 😀 ). Và theo em thì có người này và người kia. Không phải người TQ nào cũng xấu. Người Việt mình cũng vậy. Em nghĩ, một con người nên được nhìn nhận trên cơ sở là một individual – một cá nhân hơn là được nhìn thông qua tập thể mà họ là một phần tử 🙂

    Like

    • comment xong em mới phát hiện ra em quên chưa nói là em rất thích bộ ảnh của chị và cảm giác được mình cũng sẽ thích Luang Prabang và mong được đến đó :). chị đi Malacca chưa ạ? em nghĩ chị cũng sẽ thích Malacca 😀

      Like

      • Cám ơn em. ^^ ĐI Luang Prabang cũng dễ thôi mà em, có đường bay thẳng và sân bay chỉ cách trung tâm chừng 10-15 phút đi xe. 🙂

        Chị từng đến Malay (Kuala Lumpur) nhưng chưa đi Malacca. Đến đó có dễ không em? Hy vọng một lúc nào chị cũng sẽ đến được. Bây giờ thì nhiều priorities khác quá. :))

        Like

        • cám ơn chị ạ 🙂 vì đó giờ em chẳng biết gì về Lào hết nên không biết LP lại dễ đi đến vậy 😛
          Malacca cách Kuala Lumpur khoảng 100 km hơn đó chị. Hồi đó em đi bus khoảng mấy tiếng từ Sing, cách Malacca hình như 200 km. Em cũng không biết có sân bay nào gần đó không nữa. Em nghĩ chị mà thích không khí yên bình của Luang Prabang thì sẽ thích Malacca. Chị cứ cho nó vào list từ từ đi 😀

          Like

          • Giờ chị mới biết là Malacca gần KL thế đó, mới nghe thấp thoáng đâu đó về nó thôi. Thế em đi Penang chưa? Malay thì chị mới chỉ loay hoay ở KL, mà cũng chỉ là ở đó 2 ngày do hoàn cảnh thôi nên coi như chẳng biết gì mấy..

            Cám ơn em vì thông tin hữu ích. Nếu có dịp chị sẽ ghé qua coi sao. ^^

            Like

    • Đúng thế em. Chị đâu có viết 1 lời nào ở trên là người Trung Quốc toàn người xấu đâu? 🙂 Hồi xưa chị đi dự hội thảo ở nước ngoài, có quen một chị TQ rất xởi lởi, thậm chí có thể nói là dễ mến. Chị không ghét chị đó chút nào, thậm chí phải nói là có xíu thiện cảm, nhưng chị không thể gạt đi cái ý nghĩ “cô ấy là người Trung Quốc.” Chị không muốn gửi đi một thông điệp nào cả, chỉ là chị cảm thấy uncomfortable khi get together với một nhóm “bạn” người Trung Quốc thôi. Đoạn văn đó chỉ thể hiện cảm xúc phức tạp của chị thôi, chị cũng không phải người quá cực đoan. 🙂

      Like

      • implicit stereotypes? 😀

        khi em chơi với một số bạn người TQ, bọn em cũng tránh nói về chính trị và căng thẳng hai nước, do từ những lần đầu tiên nói chuyện ai cũng có riêng lập trường của mình và không ai nghĩ rằng bên kia là “đồ cướp đất”. Em cũng nghe một số bạn Tây (Mỹ, Đức, Hà Lan…) nói rằng khi nói về chính trị người TQ hay bị phản ứng thái quá. Và nhiều người cũng không thích người TQ vì họ có nhiều thói xấu. Nhưng trong lúc em chơi với họ thì thấy họ cũng có nhiều cái hay ho để học hỏi. Và đa số những người em trò chuyện họ rất là open-minded và hình như không bị brainwashed, vì có lẽ những người em gặp không còn sống ở TQ nữa? Em cũng “ghét” một số người TQ nhưng cùng một lúc thì em cũng ghét một số người Việt, người Mỹ, hay người Hà Lan… tại vì họ đáng ghét ^^. Hi vọng là chị hiểu ý em. Em không có ý nói chị cực đoan đâu ạ 😛

        Like

        • Có chứ, chị hiểu ý em. Chị là người tương đối cởi mở nên cơ bản thì ai cũng chơi được. Giả dụ chị ở nước ngoài và tiếp xúc với ng` TQ thì ch cũng bt thôi (nhưng dù sao ch cũng ko thích chơi thân với họ :)).

          Người Việt thì nhiều thói xấu thôi rồi, bàn cãi gì nữa. :))

          Chị thích cái kiểu người Anh rất hay tự châm biếm mình. Đôi khi họ hơi xa cách và…chua chát trong nhận định nhưng họ lại thông minh và thú vị. 🙂

          À, quên chưa nói, Gravatar của em cute lắm. Không biết mình có biết nhau ở ngoài đời không nhỉ? 🙂

          Like

              • em xem phim theo giai đoạn và tâm trạng ạ, có dạo xem toàn phim Nhật, anime; dạo xem toàn cartoon (not anime :P); … dạo này không có xem phim nhiều nữa. cũng có lướt qua vài kdrama chị nói đến trên blog này mà em không đủ kiên nhẫn nên khi xem skip liên tục đến đoạn cao trào thôi hoặc làm cái khác rồi quay sang xem vài đoạn, thế mà vẫn hiểu và được cái OST nghe hay hay :))

                Like

  2. Lần sau thím thử quẳng mình vào thật nhiều nhóm trung quốc rồi sau đó hãy quyết định là liệu mình có nên ác cảm với dân trung quốc hay ko. Theo kinh nghiệm mà tui thấy, dân trung quốc điều kiện khá giả, nó rất là chăm chỉ đi du lịch. Thói quen này mới hình thành đâu đó chừng hơn 10 năm đổ lại thôi. Có vẻ dân nó siêng đi du lịch nhất châu á rồi. Và với những người thường đi du lịch, đa phần họ sống hoà đồng, thân thiện, và có góc nhìn chính trị cũng khách quan, ôn hoà. Bạn tui là dân chinese bên này nó cũng thú thật với tui là dân mainland nhiều người rude với aggressive lắm, nhưng dân high educated, dân nhà giàu đi du lịch nhiều thì họ văn minh ko thua gì dân phương tây đâu. Tui đồng ý với cái bạn gì ở phía trên đấy.

    Like

    • Ừa, chắc vậy, nhưng cơ bản là tôi không biết tại sao tôi lại phải kết bạn với dân Tàu trong khi dân Hàn, Nhật, ĐNÁ, tây ba lô ở khắp xung quanh… Cơ bản là tôi cảm thấy “phức tạp” khi chơi với dân tàu thế thôi. Tôi vốn yêu hòa bình nên không ghét dân tộc nào, nhưng mà tôi không comfortable khi hang out với họ..

      Có thể vì ông ở Mỹ, dân Tàu ở khắp nơi rồi nên ông phải thích ứng và chơi với mấy người đó – chuyện đó dễ hiểu thôi.. Mà đến giờ ông vẫn chơi với họ sao? Vậy nói chuyện thì sao, không bao giờ nhắc đến những tranh chấp giữa hai nước?

      Like

  3. Định là comment gì đó về Luang Prabang mà ngó xuống bình luận thấy có vẻ thú vị hơn, nói tới nói lui thì bạn Thi nhà mình cũng thuộc dạng người cố chấp đấy nhỉ. Tranh chấp giữa 2 nước thì vẫn tranh luận, trao đổi bình thường đấy nhưng vì các bạn TQ ở nước ngoài nhìn nhận thông tin đa chiều hơn như bạn gì nói ở trên nên thảo luận cũng thoải mái. Với lại các bạn ấy cũng ko thích chính quyền của chính mình mà nhưng vì chính phủ TQ độc tài gấp mấy trăm lần VN mình mà nó lại mạnh nên sự kèm cặp lớn hơn, đâu có dám hó hé gì đâu.

    Bạn muốn tụi nó (dân TQ) nghĩ gì thì càng nên tiếp chuyện với nó, thỉnh thoảng cũng sẽ thấy thú vị á.

    Còn về Malacca ở Malay, nó cũng giống như Hội An mình á, là một thành phố cổ cũng be bé xinh xinh. Tuy nhiên nó có điểm đặc biệt là ảnh hưởng nhiều văn hoá TQ, Bồ Đào Nha và cả Pháp. Tối tối cũng thắp đèn giống như Hội An, nói chung là một nơi đáng để đi qua. Nhưng cá nhân mình thì thích Luang hơn, vì một vài kỷ niệm làm Luang trở nên đặc biệt và đáng nhớ.

    Like

    • Ài…

      Mình vốn được coi là một người cởi mở.. hôm nay bị nói là cố chấp, cũng thấy có chút gơn, haha. Dù sao cũng cảm ơn bạn đã có ý kiến hay. 🙂

      Cũng có thể mình hơi “cố chấp” về vấn đề quan hệ với Trung Quốc. Mình không thích TQ từ nhỏ. Cũng không phải không thích kiểu cứ nhìn là muốn đánh =))), nhưng cơ bản không thích là không thích (xin lỗi :D). Mình có thể chơi với các bạn Hàn, Nhật, Mỹ, Pháp, Anh, Nam Phi, Kenya, Nigeria, Brazil vô tư nhưng với người TQ mình có một cái…phức cảm như đã nói. Thực ra mình có quen 1 chị nhà báo TQ như đã nói ở trên, và thậm chí cũng có chút cảm tình với chị ấy chứ không phải không, nên mình cũng không phải quá bảo thủ đâu. Tiếp chuyện thì mình vẫn tiếp chuyện trong trường hợp tình cờ gặp hay phải thảo luận chung, làm việc chung… nhưng mình không thích thân thiết với người TQ (với người Hong Kong thì lại không hề có phức cảm đó tí nào haha).

      Chung quy cái “message” mà mình muốn nói với đoạn 4 ấy không phải là chuyện thù hằn dân tộc, mà chính là cái phức cảm đó. 🙂 Tự nhiên mình cảm thấy hơi buồn khi nghĩ về chuyện ấy thế thôi.. 🙂

      Like

      • Mình hiểu cái phức cảm mà bạn đang muốn nói đến mà, chính vì cái phức cảm ấy mới làm mình nghĩ bạn thỉnh thoảng hoặc đôi khi cũng cố chấp. Thật ra có khi chính điều này làm nên điểm khác biệt của bạn.

        Mình tự nhận là một người cởi mở và cũng được nhiều người đồng ý nhưng cũng có một số chuyện/vấn đề mình cũng có những “phức cảm” và bị gọi là cố chấp đấy haha. Việc này chỉ xảy ra trong chính suy nghĩ của mình trong một số trường hợp nhất định, những biểu hiện bên ngoài thì chắc cũng okay thế nên cũng ko gây sóng gió bão tố gì chỉ là thỉnh thoảng nghĩ đến nó và rồi à ậm ừ một tí.

        À dạo này mình bị chê khả năng diễn đạt ngôn ngữ của mình hơi tệ, hy vọng là đủ để truyền đạt để bạn hiểu ý mình.

        Like

        • À có.. mình hiểu ý bạn.

          Mình luôn nhớ một câu nói này.. Kẻ mạnh không phải là kẻ hiếp đáp người khác để chứng tỏ sức mạnh của mình, mà là kẻ nâng đỡ người khác trên đôi vai của mình. Vì thế mình luôn nhìn cả cái đất nước đó như một dạng…bully. Tất nhiên thế không nghĩa người dân của họ ai cũng là bully, ai cũng tồi, nhưng cơ bản là không dễ để thấy có cảm tình. Không phải là không bao giờ, không thể (nếu bên kia dễ thương, có thiện chí), nhưng mình không thể tự dưng muốn kết bạn với người TQ được. Chỉ khi mình bị ném vào hoàn cảnh cần thân thiện với họ (trong hội thảo, trong công việc) thì mình mới tiếp xúc thôi, còn không thì hạn chế.

          Like

  4. Có lẽ do mình đã thật sự gặp một số bạn TQ dễ mến, thú vị và cực kỳ tốt bụng mà không phải do bị ném trong hoàn cảnh cần thân thiện nên về chuyện này thì mình nhìn việc hơi khác một tí 🙂 Nhớ có lần cách đây mấy năm mình sang TQ chơi thì bị/được nhiều người hỏi là tại sao lại đi TQ? Mình chỉ hỏi lại tại sao lại không là TQ? Văn hoá, con người và chính quyền của nó là những phạm trù khác nhau mà mình luôn làm rõ. Anyway thôi đề mình comment ở blog khác chuyển đề tài nhé 😛

    Like

    • Thì đúng là có nhiều người tốt nhưng điều đó vẫn không thể xóa đi cái sự thực về những gì Trung Quốc, một nước lớn hơn, mạnh hơn đã làm với VN, và không chỉ VN mà còn một số nước khác. Ngay cả có người tốt đến mình đến mấy thì điều đó cũng không sao xóa đi cái “phức cảm” đó được bởi vì họ là người…Trung Quốc. Ít nhất đó là cảm giác của mình. 🙂

      Thêm nữa vấn đề là từ nhỏ mình đã quan tâm đến nhiều nền văn hóa khác (HQ, NB, Anh Mỹ), đâm ra mình cũng không có nhu cầu quá lớn về việc đi du lịch Trung Quốc. Thậm chí dù mình cuồng phim đến vậy, nhưng so với các phim Anh, Mỹ, Hàn, thì số lượng phim tàu mình xem rất hạn chế. Bởi vì thế nên mình không có nhu cầu lớn muốn tìm hiểu về Trung Quốc hay đi du lịch TQ. Mình đã có sẵn rất nhiều mối quan tâm rồi nên mình không đặc biệt muốn tìm hiểu về một đất nước vốn có nhiều hiềm khích với VN. Điều đó không có nghĩa mình tẩy chay hoàn toàn hàng TQ (chịu chết trong thời buổi này) hay phủ nhận những văn minh, tiến bộ của TQ.

      Like

      • Mình không có tham vọng làm thay đổi quan điểm/chính kiến của ai đó nhưng bạn bây giờ có đồng ý nhận định ban đầu của mình là bạn cũng có sự “cố chấp” không? hihi

        Like

        • Haha, tức là chúng ta nói chuyện nãy h để bạn chứng minh luận điểm “Minh Thi là người cố chấp?’ 😉 Thực ra ở trên mình đã viết rồi mà: “Cũng có thể mình hơi “cố chấp” về vấn đề quan hệ với Trung Quốc.”

          Nếu đó thực sự là cố chấp thì mình tự cho rằng sự cố chấp ấy cũng justifiable vì mình không thích một đất nước vốn đã chẳng có gì là đáng yêu mà còn làm tổn hại – từ quá khứ đến hiện tại – đến đất nước của mình.

          Like

          • Uhm hoàn toàn justifiable, như mình nói ở trên cố chấp đâu hẳn là xấu vì mình cũng có mà. Còn về quan điểm nhạy cảm về TQ thì mình không cứng rắn như bạn, dĩ nhiên mình cũng chẳng đồng tình (và thiết nghĩ chẳng người VN nào có thể) với những gì mà chính phủ TQ đang làm. Nhưng mình vẫn giữ quan điểm của mình (có thể cũng có thể xem là một sự “cố chấp” nhẹ của mình vậy) rằng chính quyền và con người, văn hoá của TQ là những phạm trù khác nhau) haha

            Like

            • Haha, cũng hơi funny khi đây là topic về Lào nhưng ai cũng nói về TQ chỉ vì paragraph cuối cùng. :))

              Về quan điểm của bạn về việc chính quyền và con người, văn hoá của một quốc gia là những phạm trù khác nhau, thì mình cho là có nhiều phần đúng, nhưng cũng không hẳn là đúng hoàn toàn. Cũng còn tùy vào đối tượng là ai.

              Với VN thì mình công nhận điều đó cũng có một phần đúng :)) (một phần thôi), nếu như bạn hiểu ý mình. Mình không thể nói sâu hơn với tư cách một người làm cho một cơ quan của nhà nước (dòng đời xô đẩy, mà mình cũng tự nguyện).

              Tuy nhiên có một thực tế thế này, theo mình biết ở TQ chính sách tuyên truyền về cái sự “siêu việt” của dân tộc họ rất mạnh, chưa kể việc họ phong tỏa các trang thông tin từ bên ngoài, nên hình như họ cho rằng mình có quyền làm những gì họ đã làm (bằng chứng là rất nhiều bản dịch các comment của người dân về vấn đề Biển Đông trên các diễn đàn TQ, trong đó thậm chí nhiều người còn comment là ‘đánh cho chúng nó chừa’). Về chính quyền thì thôi khỏi nói, tờ South China Morning của HK thậm chí còn đưa tin là TQ đang muốn ‘dạy cho VN một bài học” (teach VN a lesson) vì dám phản đối hành động của TQ. Theo mình thì có một bộ phận không hề nhỏ người dân TQ bị ảnh hưởng bởi chính sách tuyên truyền của chính phủ và vì thế, khó có thể tách riêng hoàn toàn rằng chính quyền là chính quyền, người dân là người dân. Có những người suy nghĩ hoàn toàn độc lập và sáng suốt, nhưng không phải ai cũng được như vậy.

              Like

              • haha tại mình thấy Thi cứ nói liên tục đấy chứ, mình đã kết luận mấy lần rồi mà ta. Mà bạn đưa ra thêm dẫn chứng nên mình cứ phải mượn nước đẩy thuyền mà theo bạn. Những điều bạn nói mình đều nhận thức được, tuy không rõ tường tận (vì ko sống ở đất nước ấy) nhưng ít nhiều mình đều rõ vì thật ra vì mình có mối quan tâm đặc biệt với TQ. Mình nhắc đến yếu tố con người ở trên chính là câu cuối cùng bạn nói ở trên, ít nhưng ko phải là ko có.

                Ả có cái này, sau khi đọc cmt ở trên không hiểu sao mình liên tưởng đến câu này ‘thà giết lầm còn hơn bỏ sót” haha có vè cũng hợp nhỉ?

                Like

                • Thì mình welcome comments của mọi người và luôn take care to reply them all mà. :))

                  Nếu dùng câu nói trên thì có lẽ hơi…quá. ^^ Theo mình thấy thì tất cả những gì mình muốn nói bên trên là mình không thích chơi với người Trung Quốc. Mình chưa nói câu nào kiểu như “căm thù bọn TQ”, hay “phải đánh chết bọn TQ” cả. :-”

                  Có thể diễn giải thế này cho đơn giản. Mình không thích chơi với người TQ vì cái mối lo ngại về xung đột chính kiến nó luôn luôn ở đó. Có thể nó không bao giờ xảy ra, nhưng trong đầu mình đã mặc định là “họ vẫn cho rằng đó là đất của họ, họ vẫn cho rằng họ làm đúng”. Mình thì không hiểu tại sao một nước vốn giàu (hơn mình), vốn to như vậy mà vẫn cố chiếm thêm đất như thể họ thiếu thốn lắm vậy – có bắn mình mình cũng không hiểu nổi. =)) Bởi vì có một vấn đề sẽ mãi mãi không thể đồng tình, mà vấn đề ấy lại liên quan đến quyền lợi của quốc gia, nên mình không thích chơi với họ. Thực sự ta không thể loại bỏ khả năng xung đột đó. Mình ghét phải tranh cãi việc đó vì mình hiểu ai cũng nghĩ cho quyền lợi của quốc gia mình hết, ai cũng chỉ muốn thêm chứ chả ai muốn bớt.

                  Nếu có người TQ nào mà đến nói với mình, ví dụ nhé, uh, chính quyền bọn tớ tham lam quá, chính quyền bọn tớ chả coi luật pháp quốc tế ra gì (ít nhất là trong việc phun nước vào tàu VN trong vùng biển của VN)… thì mình sẵn sàng kết bạn với người ấy ngay lập tức. Nhưng điều đó là không tưởng, hẳn rồi. LOL.

                  Like

  5. Pingback: Cuộc sống của một freelancer | Minh Thi's blog

Leave a Reply / Hoan nghênh bạn để lại phản hồi